GPVO (4/12/2023) – Năm 1943 là dấu ấn lịch sử đáng ghi nhớ, thời điểm giáo xứ Bình Thuận chính thức thành lập, tách từ xứ mẹ Nhân Hòa. Từ bước đi chập chững đầu tiên, niềm vui làm con Chúa lớn lên theo cùng năm tháng. Những điệp khúc bi hùng nối tiếp nhau tạo nên bản nhạc đầy sắc màu. Giai điệu rộn rã đó như lời gọi mời hấp dẫn cho một cuộc hành trình về nguồn để trầm mình và sâu lắng trong hình hài của Quê Mẹ mến thương.
Đi trên những dâu bể can qua, người Bình Thuận vẫn vẹn tròn khúc hát tạ ơn, dù hành trình ấy có khi là khúc ai ca thấm đẫm máu-nước mắt, có lúc là bản hùng ca chứa chan niềm hy vọng-tin yêu; có lúc là giam cầm-bắt bớ-tù tội; có lúc là phúc hiển-vinh quang.
Trại Đò-Trại Hà, hạt giống đầu tiên
Song hành với giáo xứ mẹ Nhân Hòa, làng Bình Thuận với tên gọi nguyên thủy Trại Đò-Trại Hà cũng hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVIII ven dòng sông Cấm, xa xa là dãy núi Thần Vũ, ranh giới tự nhiên giữa Nghi Lộc và Diễn Châu.
Khoảng năm 1710, có hai đại gia đình ông Trần Văn Đàm và Hà Văn Trụ đã đến sinh sống ở mảnh đất này. Họ là những người con Trại Lê, Hà Tĩnh. Vì cơn cấm cách, bách hại ngặt nghèo nên các ông mang theo gia đình, cả lớn và bé có khoảng 25 nhân khẩu, đến lập trại ở vùng đất Rú Đò và đặt tên cho xứ sở mới là Trại Đò. Vì sao gọi là Trại Đò? Theo giải thích của các bậc lão thành: vì người dân đến đây vừa sống bằng nghề chài lưới, vừa sống bằng nghề đưa đò qua sông để tới các chợ sầm uất quanh vùng như chợ Xoan, chợ Cộ, chợ Mới.
Trại Đò lúc bấy giờ là một địa thế rất thuận lợi về lưu thông đường bộ và đường sông. Con đường bộ từ bến Hưng Vận ven theo dãy núi Thần Vũ đi ngược về phía tây và từ Hưng Vận qua Rú Đò về Chợ Xoan sẽ đến tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 1A bây giờ.
Những thập niên mới này, Trại Đò phát triển nhộn nhịp hơn Trại Bộng (Nhân Hòa). Tuy nhiên, Trại Đò có một điểm bất lợi lớn. Đây là vùng đất chiêm trũng, thấp hơn nhiều khu vực khác lại gặp nhiều bất lợi về thiên tai. Hàng năm, Trại Đò phải hứng chịu những trận mưa lũ từ trên thượng nguồn đổ về, những trận gió bão vần vũ thổi lốc xoáy vào vách núi Thần Vũ sau đó xoáy lại về Trại Đò hết sức dữ dội.
Vì thế, khoảng năm 1780, con đường đi bộ chuyển về cầu Phương Tích còn lại đường thủy. Giang, tre, nứa, mét, gỗ và những sản vật miền ngược được kết lại thành toa bè, nhiều toa bè kết lại thành đoàn tàu gọi là tàu bè di chuyển về xuôi. Tàu bè thường nghỉ chân lại đập Rong, chợ Xoan, nơi đây là một điểm mua bán cây rừng.
Khoảng năm 1800, dân Trại Đò di chuyển về làng mới chợ Cộ gần đồng Hà lập trại đặt tên là xóm đạo Trại Hà. Trại Hà có một di sản đặc biệt là một cây đa cổ thụ và một cái giếng làng nước rất ngọt gọi là “cây đa và giếng làng trời cho”. Trại Hà lúc này đất hẹp người đông vì toàn bộ đất làng Bình Thuận bây giờ là đất mượn canh nô thuộc quyền của một viên cai tổng tên là Hiềng ở Kim Khánh, nay là xóm Khánh Thiện, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc.
Trong giai đoạn này, bà con tứ xứ về nhập cư càng ngày càng đông. Từ đó, Trại Hà trở nên mạnh mẽ và đông dân cư hơn. Cuộc sống dân chúng làm nghề “bán nông, bán ngư”, quanh năm “bán mặt bán lưng cho trời”. Họ là tá điền cho các nhà địa chủ một thời gian rất lâu. Đời sống của xóm đạo Trại Hà từ từ phát triển mạnh hơn nhưng chưa có đất.
Khoảng năm 1900, xóm đạo Trại Hà phát triển tốt hơn. Nhiều người đi tu và có người làm linh mục. Bề trên Giáo phận đã đặt cho Trại Hà cái tên là giáo họ Võng Nhi Vô Hữu thuộc Xã Đoài, nghĩa là một giáo họ chưa có gì sở hữu cả.
Cũng trong giai đoạn này, Tòa Giám mục Xã Đoài đã tìm cách can thiệp với cai tổng Hiềng và đã chia phần đất từ đường ngang chùa ông Trung (Kim Khánh) đến rú Đất ruộng ông Bóng (xóm 1), vòng qua chợ Xoan xuống cặp theo sông Cấm đến đường 1A bây giờ: ruộng ông Hộ Độ, ông Chung, cồn Dài tới Kim Long, vòng về Kim Khánh, trọt Nít, cồn Gui về lại rú Đò, đồng Láng cho đến sát xóm 1. Tất cả dành cho Trại Hà quyền sở hữu.
Năm 1910, giáo họ Võng Nhi Vô Hữu đã có một bề thế về địa lý và dân số. Đời sống đạo cũng đã vươn lên. Có hai tân linh mục là cha Gioan Baotixita Trần Chân và cha Phaolô Hà Văn Chương. Tinh thần bà con giáo họ dâng cao. Khoảng năm 1912, giáo họ Võng Nhi Vô Hữu đã chọn địa điểm và khởi công xây dựng ngôi thánh đường đầu tiên của giáo họ.
Năm 1914, giáo họ Trại Bộng được nâng lên hàng giáo xứ có tên là Nhân Hòa. Từ đó, giáo họ Võng Nhi Vô Hữu trực thuộc giáo xứ Nhân Hòa. Suốt một thời gian gần ba mươi năm, Bình Thuận trực thuộc giáo xứ Nhân Hòa cho đến ngày Bề trên Giáo phận nhận thấy nơi đây đã đủ các yếu tố để thành lập một xứ mới. Đó là thời điểm 1943, đó cũng là thời điểm cha già Chân trở về quê hương để nghỉ hưu.
80 năm bước đi giữa những sóng gió chập chùng
Một nhà làm sử chân chính sẽ không bao giờ “tô hồng” cho những quá khứ và “làm màu” cho những gì được xem là sự thật lịch sử. Những trang sử của một giáo xứ có niềm vui, có nỗi buồn và đan xen những gì là chân thực mặc dù sự thật đó có thể khiến người ta nhói lòng.
Người ta kể lại rằng, Sự cố rất xấu xảy ra bất ngờ, chớp nhoáng vào giữa năm 1913 khi hai dòng họ trong làng dành nhau một sào đất Nhà Chung bên cửa giếng làng. Lúc đó, họ Hà đi cấy lúa sào đất ấy, họ Trần kéo nhau vác đất ném. Hai dòng họ xông vào nhau hỗn chiến trong khoảng 15 phút. Một người của họ Hà bị thương nặng, về nhà và tử vong sau đó. Một cú sốc quá nặng với vùng đất Trại Hà. Sau đó, nhiều gia đình khác đã bỏ xứ ra đi.
Một đám mây đen ảm đạm bao trùm giáo họ, một sự ngỡ ngàng hối tiếc đau đớn kéo dài như vô tận. Ngôi nhà thờ vật chất và nhà thờ tâm hồn của giáo họ tưởng như vùi dập hoàn toàn trong đám ruộng ân oán đó.
Kể từ 1945, đi kèm những bất ổn xảy ra trên diện rộng quốc gia, người Bình Thuận cũng phải chịu chung số phận long đong, lận đận. Trong nạn đói, giáo xứ Bình Thuận nhờ Địa phận trợ cấp lúa và được hướng dẫn cách ăn để trách bội thực nên không ai chết đói hay chết no. Chỉ có một người tên là cô Nhiên tự tách mình ra khỏi sự trợ giúp của Giáo hội nên chết đói một mình ở bờ Đập Mới gần cống Hóp, chỗ xưởng gỗ cạnh quốc lộ 1A bây giờ.
Năm 1953-1955, đây là thời gian xảy ra những biến động khủng khiếp trong lịch sử của đất nước và xứ đạo. Giáo xứ Bình Thuận có cha già Biển bị người ta bắt bớ, hành hạ rất khổ sở. Cha già Biển biết một số ít về thuốc Nam, ngài thường xuyên chỉ vẽ cho bà con để phòng tránh bệnh tật. Người ta đã quy ngài là phản động, làm thuốc hại chết người để đưa ngài lên đấu tố. Ông Hà Văn Giảng thuộc thành phần phú nông, trong cải cách ruộng đất suýt bị bắn. Ông Giảng là ông nội của cha Hà Văn Hải, hiện đang ở Úc.
Sau cải cách ruộng đất là phong trào di cư khiến giáo xứ Bình Thuận non trẻ gần như tê liệt. Giáo xứ Bình Thuận lúc đó có khoảng hơn 1.200 nhân danh, di cư hơn một nửa. Phần đông vào định cư tại trại Bình Giã (nay là huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và Đức Minh (huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông).
Những năm tháng chiến tranh, thiên tai-địch họa hoành hành là những yếu tố đe dọa sự tồn vong của người dân mỗi ngày, mỗi giờ. Trận dịch tả chết người hàng loạt giữa năm 1959 khiến 14 người giáo dân Bình Thuận vĩnh viễn ra đi. Vì lo ngại nạn dịch lan rộng, những người chết được chôn cách biệt, xa với khu vực dân cư, tập trung ở cồn Gui, cồn Vải, cồn Hói Đông. “Năm thập giá” phải kể đến là 1968, giữa đêm khuya ngày 7/10, bom rơi đạn lạc vào khu vực xóm 2 (phía bắc giáo xứ) làm chết 12 người. Giáo xứ rơi vào cảnh đại tang. Những năm tháng tiếp theo sau thời hậu chiến, giáo xứ Bình Thuận hoàn toàn rơi vào cảnh “trầm lặng” vì những biến thiên thời cuộc.
“Ăn cơm mới nhớ chuyện xưa”, người Bình Thuận cũng chưa thể nào quên sự kiện đóng đường dân sinh vào ngày 13/7/2023. Tuyến đường dân sinh đi từ làng Rú Thần ở phía bắc, qua địa bàn giáo xứ Bình Thuận, làng Khánh Thiện, giáo xứ Nhân Hòa để đến Eo Bù và điểm cuối là chợ Quán (Nghi Hoa) đã bị dùng vũ lực chặn lại để nhường đất cho khu công nghiệp WHA khiến người dân các xóm liên quan bất bình. Sau cuộc xô xát, phía chính quyền đã bắt đi 10 người, sau đó trả tự do 3 người, giữ lại 7 người giáo dân Bình Thuận với các mức án khác nhau, cao nhất là 1 năm tù. Đây là một bản án bất công khiến sinh hoạt trong giáo xứ đình trệ, rơi vào trạng thái ảm đạm, lòng người bất an, chưa dễ gì nguôi ngoai…
80 năm rạng ngời đức tin
Dẫu trải qua biết bao thăng trầm-thử thách, di sản mà người dân Bình Thuận vẫn níu giữ lại được vẫn là đức tin. Hồng ân đó là thứ song hành với bà con từ những ngày đầu thành lập, nó như viên ngọc quý được bảo tồn trong ruộng lúa khi được rửa sạch lại trở nên sáng ngời. “80 năm rạng ngời đức tin” cũng là chủ đề mà mỗi người dân Bình Thuận ấp ủ trong tim trong suốt năm hồng ân 2023.
Nhìn lại 80 năm qua không phải để lớn tiếng tự hào nhưng là dịp nhìn lại quá khứ để tri ân, chấn hưng hiện tại và hy vọng tương lai. Đây cũng là dịp để con cái Bình Thuận hướng về quê cha đất tổ, cùng nhau thắp nén hương lòng kính nhớ các thế hệ tiền nhân, kính nhớ các bậc cha anh trung liệt.
Hướng về ngày lễ đặc biệt, ngày cao điểm 80 năm hồng phúc nhân dịp tuần chầu lượt giáo xứ Bình Thuận, hằng trăm con cái Bình Thuận xa quê từ mọi miền đất nước, nhất là bà con định cư tại giáo họ Bình Thuận, xứ Vinh Trung (xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và giáo họ Bình Thuận, xứ Vinh An (xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông), bà con tại hải ngoại… đã về lại cố hương.
Và giáo xứ cũng không quên sự hiện diện đầy ưu ái và ân tình của các đấng bậc Bề trên Giáo phận trong ngày đại hạnh. Đó là sự kiện Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long về thăm giáo xứ và ban Bí tích Thêm sức cho 65 em vào buổi tối thứ Năm, ngày 30/11/2023. Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên cũng thương đến giáo xứ khi chủ tế thánh lễ tạ ơn 80 năm thành lập giáo xứ với gần 35 linh mục trong và ngoài giáo hạt Nhân Hòa hiện diện. Ngày 3/12/2023, Chúa nhật I Mùa Vọng, ngày lễ cao điểm tuần chầu lượt giáo xứ, cha Tổng Đại diện Phêrô Nguyễn Văn Vinh đã đến chủ sự và giảng lễ.
Một ấn tượng sâu đậm để lại trong lòng bà con tham dự là đêm hoan ca tạ ơn 80 năm thành lập giáo xứ diễn ra vào tối thứ Sáu, ngày 1/12/2023. Nghi thức thắp hương kính nhớ các bậc tiền nhân đã khai mở cho những gì tốt đẹp đang được cháu con viết tiếp. Trân trọng truyền thống chính là sức mạnh để hậu sinh vững vàng vẽ nên những nét đẹp cho tương lai. Và như lời của ai đó đã thốt lên sau đêm diễn thì “80 năm lịch sử hào hùng của xứ đạo đã được dàn diễn viên không chuyên của giáo xứ thể hiện nhịp nhàng, uyển chuyển. Nhiều giọng ca vàng đã làm cho khung cảnh đêm nay thật ấn tượng. Đồng thời, sự cầu kỳ trong cách thiết kế, bố cục sân khấu đã làm cho không gian thêm lung linh, huyền ảo”.
Cùng với hàng ngàn bà con Bình Thuận đang hướng vọng về Quê Mẹ với những tâm tình trìu mến, thân thương; những người con Bình Thuận trên đất Nghệ vẫn đang tiếp tục thắp lên những ngọn lửa nồng ấm của tình người nhân biến cố bế mạc 80 năm hồng phúc. Giáo xứ Bình Thuận hiện nay (báo cáo tất niên 2022) có khoảng 300 hộ gia đình với 1.201 nhân khẩu. Kết hợp với 2.614 giáo dân xứ Nhân Hòa, tổng số giáo dân hai xứ đạo chiếm trên 50% dân số xã Nghi Thuận. Về mặt đạo, giáo xứ Bình Thuận thuộc giáo hạt Nhân Hòa gồm có 9 xứ với 20.921 giáo dân.
Để kết
Ôn cố tri tân! Nhìn lại chặng đường 80 năm thành lập giáo xứ là dịp để mỗi người dân Bình Thuận hiệp lòng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria vì đã quan phòng và che chở giáo xứ.
80 năm lịch sử được viết bằng mồ hôi, nước mắt, thấm đẫm máu xương của biết bao thế hệ tiền nhân trung liệt. Những thế hệ hậu sinh Bình Thuận từ mọi phương trời đang thành tâm hợp ý một lòng nguyện sẽ vượt lên mọi khó khăn và nghịch cảnh, quyết tâm trung thành với Giáo Hội, xây dựng một giáo đoàn hiệp nhất, phát triển và hăng say loan báo Tin Mừng yêu thương.
80 năm lịch sử (1943-2023) trôi qua giữa những thăng trầm, thử thách, bao hồng ân được dệt nên nhờ ơn trên và công khó cha ông. Mồ hôi trộn lẫn nước mắt, khó nhọc và hy sinh cộng với dòng máu nóng của các bậc tiền nhân đã thấm vào lòng đất, cuối cùng kết tinh nơi dáng đứng Bình Thuận vững chãi và tươi tốt hôm nay.
Cecilia Hà Thị Khiết Bông