Ngày nay, việc đề cập tới sự hiện diện của các tín hữu Công giáo trên internet vô cùng quan trọng. Vài năm trước, truyền hình và đài phát thanh đã là những phương tiện phổ biến của truyền thông. Nhưng hiện nay, nó không còn tách biệt mà đã hoà thành một: internet.
Vào năm 2009, khi nói về truyền thông xã hội, Đức Bênêđictô XVI thúc giục các bạn trẻ: “Các con thân mến, cha mời gọi các con hãy giới thiệu cho nền văn hoá nơi môi trường mới của truyền thông và công nghệ thông tin những giá trị mà các con xây dựng cuộc sống vào nền”.
“Các con thân mến, Cha mời gọi các con giới thiệu những giá trị cuộc sống mà bản thân đã xây dựng đến văn hoá của môi trường mới, đó là môi trường của truyền thông và công nghệ thông tin.”
Internet không còn được đề cập như một công cụ cho việc loan báo Tin Mừng nữa, nhưng là một môi trường, một không gian chung mà nơi đó tất cả chúng ta gặp gỡ. Cho nên, 7 gợi ý mà chúng tôi chia sẻ sau đây rất quan trọng để ghi nhớ. Chúng sẽ giúp bạn trau dồi thêm kinh nghiệm cá vị nơi phương tiện xã hội và mang sứ điệp của Đức Giêsu đến với nhiều thân hữu của bạn.
1. Đưa ra chứng tá về đức tin của bạn
Chìa khóa đối với điểm này luôn là xây dựng. Một Giáo Hội mà xây dựng là một Giáo Hội gợi lên Vương quốc của Đức Kitô trên trần thế này. Chứng tá đức tin của một người được thông truyền tới những người khác sẽ phát tỏa ra ánh sáng. Cách chung, không quá phổ biến khi một bạn trẻ quyết định tuyên xưng công khai về đức tin của họ từ đó họ sẽ chỉ nhận lại sự tra vấn hay chỉ trích. Nhưng điều ấy chẳng hề gì. Những công kích cần luôn được đón nhận với giáo huấn của Đức Giêsu: tình yêu. Cũng có lúc chúng ta sẽ không biết trả lời những chỉ trích hay tấn kích đó như thế nào – ấy cũng là chuyện bình thường. Chúng ta không biết tất cả về nó, nhưng chúng ta có thể luôn khiêm nhường chia sẻ một số điều tương tự như: “Tôi không thực sự biết, nhưng tôi sẽ tìm hiểu nó”. Chứng tá đời sống chân thực của chúng ta sẽ dẫn tha nhân tới sự nắm bắt “một số điều nào” đó mà người Kitô hữu có được, đó là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa luôn ở trong điểm cốt lõi việc rao giảng của chúng ta. Đừng sợ để nói về Thiên Chúa nơi phương tiện xã hội của bạn! hãy mạnh dạn chia sẻ đức tin của mình với những người khác!
Đoạn Kinh Thánh gợi ý: 2 Tm 1, 8
2. Hãy nói những lời mang tính xây dựng
Việc có đời sống trong môi trường online sẽ đem tới những phê phán, quan điểm, bình luận và những phản ứng chẳng khi nào cùng. Sứ điệp của chúng ta không luôn dễ dàng được đón nhận. Đôi khi, chúng ta còn bị “tấn công”, và tôi nói “bị tấn công” trong ngoặc kép là vì tôi tin rằng những tình huống như vậy có thể lại trở thành những cơ hội. Quả thế, mọi cuộc tấn công hay phản bác là một cơ hội để cho thấy chúng ta là ai, cũng là dịp để nói với những người xung quanh chúng ta rằng chúng ta yêu mến họ, cơ hội để trở nên những Kitô hữu đích thực trong lời nói mang tính xây dựng. Điều này không khó, nhưng đòi hỏi một sự khiêm nhường và phản tỉnh sâu xa, vì chỉ trong một lúc đơn độc, phản bác có thể kích động cơn giận của chúng ta, khiến chúng ta đáp lại với một thái độ không phải là một Kitô hữu nữa. Chúng ta cần dừng lại và suy nghĩ những thứ đằng sau, đánh giá phản bác ấy, nhớ lại tấm gương của Đức Kitô và sau đó mới hành động. Thánh Alberto Hurtado SJ, đã từng nói: “Trong mọi sự, yêu mến và phục vụ”, điều này cũng nên hiện diện trong đời sống của chúng ta, nơi mà tình yêu đưa chúng ta vươn tới.
Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Eph 4, 29-32
3. Nâng đỡ những ai nản lòng
Theo kinh nghiệm bản thân, tôi phải nói rằng điểm này mang tính chính yếu. Ngay khi chúng ta bước vào những ứng dụng phương tiện xã hội hay trang mạng, chúng ta bị dội lại bởi tất cả các loại thông tin, tệ là nhiều trong số đó lại tiêu cực, bộc lộ sự chán nản hay mệt mỏi trong cuộc sống. Chúng ta có thể làm gì đây? Thánh Phanxicô Assisi từng cầu nguyện: “Ôi Thần Linh thánh ái, xin giúp con để con không quá tìm ủi an cho bằng an ủi tha nhân, không tìm được hiểu biết nhưng mong hiểu biết người, không tìm mến yêu nhưng khao khát yêu mến…”. Hướng mối quan tâm của chúng ta vào những người khác chính là hành vi của người Kitô hữu. Nói chung, phương tiện xã hội và Internet sẽ luôn là một bài tập mạnh mẽ để củng cố đức tin, nâng dậy người chán nản, an ủi người khổ đau, chia sớt với người ngã lòng và trao ban niềm hy vọng cho những người thất vọng. Nhưng bạn phải có một trái tim mạnh mẽ để chính mình khỏi rơi vào sự chán nản. Hãy thực hiện trong tâm thế của một Kitô hữu trong phòng luyện tập của đức ái!
Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Gv 2, 1-6
4. Tránh những cuộc bàn luận vô bổ
Một dấu chỉ của sự tôn trọng và khiêm nhường là lắng nghe khi người khác nói và giữ im lặng khi bạn không biết câu trả lời. Là một tín hữu không có nghĩa là có mọi câu trả lời. Có khi, lời khuyên khả dĩ nhất lại là giữ thinh lặng và cách tốt nhất để bảo vệ đức tin cũng là im lặng. Đó là lý do, nếu bạn không biết về một chủ đề, điều tốt nhất phải làm là giữ thinh lặng và tránh đi những cuộc bàn luận vô nghĩa vốn vì sự thiếu kiến thức sẽ chẳng đưa tới đâu cả. Tuy vậy, bất cứ khi nào có thể, chúng ta cần nỗ lực để đào sâu đức tin của mình và tìm hiểu thông tin, cả những tin tức mới nhất liên quan đến Giáo Hội, hầu tránh nắm bắt thụ động. Hãy luôn chân thành và khiêm nhường. Chính khi nói rằng: ”tôi không biết”, “tôi chẳng hay”, “tôi thành thực không rõ về chủ đề cụ thể đó” sẽ luôn cho thấy sự khiêm nhường. Phần còn lại dành cho Thiên Chúa. Vũ khí mạnh mẽ nhất mà người tín hữu Công giáo chúng ta có thể sử dụng là tình yêu, nhờ yêu mến chúng ta sẽ chinh phục được.
Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Tt 3, 9-9
5. Chia sẻ kho tàng của chúng ta: Đức Giêsu
Một tấm gương sáng biến đổi giới Công giáo bết bao! Họ đã từng gặp gỡ diện đối diện với Đức Kitô và khám phá ra Người như một kho tàng, như kho báu của họ. Như dụ ngôn của Đức Giêsu trong Tin Mừng: “Nước Trời lại giống như kho tàng ẩn giấu trong một thửa ruộng; người kia tìm thấy liền giấu lại và vui mừng đi bản tất cả những gì ông có mà mua cho được thửa ruộng ấy.” (Mt 13, 44). Họ đã để lại mọi sự mà theo Đức Kitô. Họ có được kho tàng đích thực trong đời sống của họ. Một kho tàng mà chúng ta có thể giữ cho chính mình, hay một kho tàng mà được chia sẻ. Đôi khi, chúng ta có thể mang sứ điệp của tình yêu mà chẳng cần lời nói ”vì chúng ta là hương thơm của Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa”” (2 Cr 2, 15).
Hãy thưởng nếm Đức Kitô. Lòng chúng ta sẽ trở nên vui mừng xiết bao khi chúng ta mang Đức Giêsu đến với những người khác!
Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Rm 10, 14-17.
6. Đừng đưa tới một đời sống hai mặt online
Vấn đề nảy sinh khi chúng ta đưa ra một cuộc sống “xã hội” quá phô trương hay khoe khoang trên Internet. Chúng ta có thể biểu lộ về chính mình như là những môn đệ của Đức Giêsu, những Kitô hữu chân thật, cuộc sống trọn vẹn và đời sống cầu nguyện sâu xa, trong khi cuộc sống thực lại chỉ là những mảnh vụn của đức tin đó. Chúng ta tiệc tùng vào mỗi cuối tuần và làm những điều trái với đức tin của mình. Có khi, chúng ta tin. Khi khác, chúng ta bỏ bê. Chúng ta nói “được” và sau đó lại chối bỏ. Ngày nay, chúng ta là những cá nhân công khai, đặc biệt là những Kitô hữu (vốn thường xuyên bị dò xét). Nếu trên phương tiện xã hội bạn được xem như một người đạo đức vốn dấn thân cho Thiên Chúa, nhưng trong cuộc sống hàng ngày bạn lại say sỉn và “sống cuộc đời” như thể không có ngày mai… quả là không đúng. Một cuộc sống hai mặt không chóng thì chầy cuối cùng cũng sẽ đưa một người xa rời đức tin… Là chứng nhân của Đức Giêsu ấy là sống chân thật, luôn sống hội nhật.
Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Cl 3, 12-15.
7. Mang ánh sáng đến cho tha nhân
Sứ mạng của chúng ta thường là “phải trở nên ánh sáng giữa đêm đen”. Cách này hay cách khác, chúng ta nối dài cánh tay của Đức Giêsu, không phải trong việc tin rằng mọi sự trên thế gian này là xấu hay sai khuấy đâu.
Chúng ta làm sáng nhân loại bằng lời nói, hành vi, cử chỉ, tư tưởng của mình và qua chính chúng ta nữa. Nhưng để trao ban ánh sáng, chúng ta ở trong ánh sáng. Việc sống đời sống “tối tăm” trong khi là một người Công Giáo thì hẳn là không mang ánh sáng đến với bất kỳ ai được rồi. Nhưng cần luôn nhớ rằng, Đức Giêsu để lại cho chúng ta các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa giải để thắp lại ngọn lửa bên trong chúng ta. Các bí tích ấy có thể đưa chúng ta trở về với ánh sáng, hồi phục chúng ta từ trong tội lỗi, để sống trong Đức Kitô. Đừng sợ lãnh nhận trở lại các bí tích, và bạn sẽ là tia sáng cho người khác trong mọi giây phút trong cuộc đời bạn.
Đoạn Kinh Thánh gợi ý: Mt 5, 14-16.
Trong kỷ nguyên số, một chứng tá đích thực sẽ là một điều gì đó để bạn bè của bạn tựa cậy. Điều tốt thì lan toả. Điều tốt lan truyền tự trong chính nó. Nếu chính mỗi người chúng ta dấn thân mình để sống theo Tin Mừng, nếu tất cả chúng ta trao đi một chút thôi, thì chúng ta sẽ nhận được nhiều chừng nào và biến đổi cả thế giới nữa. Trong một đoạn tweet, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra một sứ điệp sâu xa này: “Đừng đánh giá thấp giá trị của gương sáng, vì nó nắm sức mạnh còn hơn cả ngàn lời nói, hơn cả ngàn cái “like” hay “retweet”, hơn cả ngàn video ở trên Youtube vậy” (23.02.2017). Thực vậy, một chứng tá chân thực của đời sống Kitô hữu, chân thật, mộc mạc, chân thành và hùng hồn sẽ thay đổi thế giới. Bạn muốn trở thành một phần của sự thay đổi này không? Hãy ghi nhớ 7 lời khuyên này, tiếp tục và làm mới lại. Giáo Hội cần bạn, Chúa Kitô cần bạn…tất cả chúng tôi cần bạn!
Tác giả: H. Edgar Henríquez Carrasco
Nguồn: catholic-link.org
Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.