Nguyễn Trung Phương: Từ người giao đá lạnh thành bartender chuyên nghiệp tại Bangkok
Khi nói đến công việc của của người lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan, người ta thường nghĩ tới những việc như bán hàng tự do ở chợ hoặc trên đường phố, làm việc trong các xưởng may, hoặc phục vụ tại các nhà hàng, quán nhậu hoặc quán bar. Nguyễn Trung Phương cũng làm việc ở trong một nhà hàng, nhưng công việc của anh không giống như hầu hết những người Việt đang lao động tại Thái Lan. Anh là một bartender (người pha chế rượu) tại Sorrento, một nhà hàng sang trọng trên đường Sathorn là con đường có nhiều tòa nhà thương mại và khách sạn cao cấp trong thành phố Bangkok.
Mặc dầu chưa được trải qua trường lớp đào tạo, nhưng Phương đã trở nên một người pha chế rượu chuyên nghiệp từ chính nỗ lực cá nhân. Theo anh, sự chăm chỉ học hỏi từ người khác cũng như siêng năng đọc sách, tìm hiểu về nghề nghiệp của mình đã giúp anh có được chuyên môn để đáp ứng tiêu chuẩn cao của một nhà hàng sang trọng, mà đa số thực khách là những nhà kinh doanh người Thái cũng như nước ngoài.
Quá trình đến với công việc hiện nay cũng không phải một sớm một chiều mà có được. Khi mới tới Thái Lan cách đây 10 năm ở tuổi 19, Phương đã bắt đầu cuộc sống mưu sinh trên xứ chùa vàng với công việc đi giao đá lạnh cho các nhà hàng. Sau đó, anh đã chuyển qua công việc phục vụ trong nhà hàng như giữ xe, bưng bê thức ăn, chạy bàn. Nhờ vào môi trường làm việc trong nhà hàng mà Phương đã làm quen với nghề pha chế rượu dẫn đến sự nghiệp của anh hiện nay.
Để làm việc trong một nhà hàng mà đối tượng khách là những người kinh doanh và trí thức, ngoài việc trau dồi chuyên môn pha chế, Phương còn phải biết tiếng Thái cũng như một ít tiếng Anh để giao tiếp với khách nước ngoài. Theo anh thì vốn tiếng Anh cũng chỉ ở mức “sơ sơ.”
7 năm trong nghề pha chế, Phương đã không chỉ có thể pha những món phổ biến trên thế giới, mà còn tự nghĩ ra một số món uống để làm món “signature” (món thương hiệu) của nhà hàng với những nguyên liệu vodka, gin và rum.
Đối với Phương, được hành nghề pha chế rượu trong một nhà hàng như hiện nay làm anh cảm thấy may mắn và giúp cho anh có nhiều trải nghiệm thú vị. “Công việc này giúp cho tôi có nhiều cơ hội để tiếp xúc với khách hàng, được biết rất nhiều chuyện về cuộc sống và công việc của họ mà trước đây tôi chưa từng biết,” anh chia sẻ. Bangkok là thành phố có lượng khách du lịch đông nhất nhì thế giới cũng như có nhiều nhà hàng chất lượng quốc tế, nên kinh nghiệm làm việc ở đây sẽ mang lại nhiều điều bổ ích cho tương lai.
Mặc dầu hiện nay, Phương đang có công việc ổn định, được chủ thuê bảo lãnh làm thị thực để hành nghề hợp pháp tại Thái Lan, nhưng anh cũng có kế hoạch tích góp vốn để về quê mở một quán nho nhỏ cho riêng mình. Chắc chắn khi trở về quê Thạch Hà, Hà Tĩnh, với nhiều kinh nghiệm trong nghề pha chế tại Bangkok, quán của anh Phương sẽ có được lợi thế mà những quán khác trong khu vực sẽ không có được.
Bài & ảnh: A. Lê Đức
Xem thêm:
- Người Việt trên đất Thái (1): Mối tình Việt – Thái: Câu chuyện của Thảo và Chamnan.
- Người Việt trên đất Thái (3): Lê Thị Ngọc Huy: Cô gái bán nước lá dứa.
- Người Việt trên đất Thái (4): Lm. Lê Thông Trường, SVD: Nhà truyền giáo trẻ với sứ vụ lớn.