Mối tình Việt – Thái: Câu chuyện của Thảo và Chamnan
Câu chuyện về đời sống của người Việt Nam tại Thái Lan có nhiều sắc màu, và một trong những sắc màu đó là những câu chuyện tình cảm Việt-Thái, đặc biệt là giữa những cô gái Việt Nam và những người đàn ông Thái Lan. Khi nói đến những mối quan hệ này thì có nhiều nhận định trái chiều, trong đó có những nhận xét mang tính tiêu cực về những cô gái Việt Nam vì ham tiền hoặc của cải mà sẵn sàng đi theo những người đàn ông Thái Lan. Thậm chí có người đã có chồng con ở Việt Nam, nhưng khi qua Thái Lan thì đánh đổi gia đình và đạo đức để kè cặp với đàn ông Thái, đặc biệt là những gã đàn ông ga-lăng sẵn sàng chiều chuộng những cố gái Việt Nam với làn da trắng trẻo và khuôn mặt dễ nhìn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mối quan hệ mang tính “lợi dụng lẫn nhau” thì còn có những mối quan hệ chân chính, nảy sinh từ tình cảm chân thật mà hai người có thể trao cho nhau khi họ gặp gỡ và tìm hiểu nhau. Sau nhiều năm từ ngày người Việt Nam, chủ yếu là những người trẻ tuổi đến làm việc tại Thái Lan thì những mối quan hệ Việt-Thái không còn quá xa lạ. Có nhiều người không chỉ quan hệ yêu đương mà còn đi tới quyết định kết hôn và xây dựng gia đình với nhau. Với xu hướng người Việt Nam ngày càng ồ ạt đi ra nước ngoài để sinh sống thì chuyện người Việt kết hôn với người nước ngoài cũng không gì quá khó hiểu.
Tại Thái Lan, một trong những mối tình Việt-Thái nói trên là giữa chị Trần Thị Thảo với anh Chamnan Veeravutkaikul. Thảo tới Thái Lan từ một vùng quê đất Hà Tĩnh vào năm 2012 khi mới 20 tuổi. Hai người gặp nhau khi Thảo đang là nhân viên phục vụ tại một quán ăn, còn Chamnan là khách đến để tham dự liên hoan với một nhóm bạn. Hai người đã bắt đầu làm quen và nảy sinh tình cảm sau đó.
Mối tình giữa Thảo và Chamnan cũng đã phải trải qua nhiều thử thách, đặc biệt là từ phía gia đình của Thảo. Thảo kể, “Khi biết tôi yêu người Thái gia đình hết sức ngăn cấm, sợ tôi bị lừa gạt.” Vốn xuất thân từ một gia đình Công giáo truyền thống, việc Thảo yêu một người khác văn hóa và khác tôn giáo là một nỗi lo âu lớn cho gia đình. Nhưng cuối cùng thì họ cũng đã chấp nhận tình yêu giữa hai người và đồng ý cho đôi bạn trẻ kết hôn. Tuy nhiên, thời gian mới cưới thì gia đình vẫn chưa dám tin rằng tình yêu giữa Thảo và Chamnan sẽ bền vững. Thảo kể, “Bố mẹ tôi từng sang tên một căn nhà cho tôi với ý là sau này nếu lỡ vợ chồng có xung đột không sống chung thì tôi còn có nơi về nương tựa. Nhưng bây giờ thì bố mẹ và anh chị đã vui vẻ và tin tưởng vào chồng tôi.”
Trong khi tại Thái Lan, đa số người Công giáo kết hôn với người Phật giáo thì chọn phương pháp “đạo ai nấy giữ”, thì ở Việt Nam hầu hết phía bên không Công giáo phải chấp nhận theo đạo thì gia đình mới đồng ý. Đối với anh Chamnan, vốn là người sinh ra và lớn lên trong một gia đình và quốc gia Phật giáo, nhưng mối tình với Thảo đã khiến anh đồng ý đi học giáo lý dự tòng và lãnh nhận bí tích Rửa tội để gia nhập đạo.
Tuy nhiên, để xây dựng một gia đình Công giáo với người chồng là đạo theo không hề dễ dàng. Thảo chia sẻ, “Tôi thấy trách nhiệm của mình là người Công giáo gốc phải giúp cho chồng và con có đức tin Công giáo vững chắc cũng hơi khó. Đôi khi bản thân mình là một người Công giáo giữ đạo riêng cho mình còn khó, giờ lại phải ý thức thêm cho hai người nữa. Vừa phải làm tròn bổn phận giữ đạo vừa phải khuyên và thúc giục chồng giữ đạo là điều không dễ. Thời gian đầu các ngày lễ trọng và các ngày Chúa nhật tôi đều phải nhắc nhở, thậm chí nói trước để anh thu xếp thời gian đi lễ. Sau dần dần thì anh cũng quen hơn, ngay cả những ngày giữ chay kiêng thịt.”
Vai trò của Thảo là vợ, mẹ và là người đạo Công giáo gốc trong gia đình để xây dựng một gia đình Công giáo còn gặp những khó khăn do hạn chế về ngôn ngữ. “Ngôn ngữ của tôi chỉ là những từ thông dụng như trong công việc hoặc giao tiếp hằng ngày. Còn để có kiến thức ngôn ngữ sâu hơn trong các vấn đề khác thì tôi còn nhiều hạn chế,” Thảo thừa nhận. Trong tiếng Thái, để giải thích về những khái niệm tôn giáo cần một vốn từ đặc biệt mà người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Thái Lan rất ít ai có được. Ngoài việc phải tiếp tục trau dồi ngôn ngữ để thăng tiến trong đời sống hôn nhân, Thảo chia sẻ phải dựa vào lời cầu nguyện để xin Chúa soi sáng, đặc biệt khi gặp những tình huống bế tắc.
Mặc dầu đời sống hôn nhân có những thăng trầm, vui buồn lẫn lộn, nhưng Thảo chia sẻ rằng mình cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống hiện nay. Cả Thảo và Chamnan đều phải làm việc cật lực để xây dựng tương lai, đồng thời lo cho con cái. Thảo nói, “Một mặt thì có nhiều người nghĩ rằng lấy chồng Thái là sung sướng, ngồi không có chồng nuôi. Thậm chí, chồng nuôi cả gia đình vợ. Mặt khác thì có người cho rằng đàn ông Thái hay lăng nhăng, không tốt. Trên thực tế thì tôi thấy mình cũng như nhiều người khác khi lập gia đình thì cả vợ lẫn chồng đều phải làm việc để trang trải đời sống hằng ngày, mua sắm hay nợ nần đều cùng nhau làm việc tích góp và chia sẻ. Ai mang quan điểm rằng lấy người Thái sẽ giàu lên và đổi đời là sai lầm ngay từ đầu. Suy nghĩ ấy rất có thể sẽ khiến cho mình gặp nhầm người.”
Sau gần 4 năm sống trong đời sống hôn nhân với người chồng Thái, Thảo ngày càng khẳng định lựa chọn của mình là một lựa chọn đúng đắn. Theo Thảo, đàn ông ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, quan trọng là mình chọn người phù hợp với mình. Thảo chia sẻ, “Tôi tin rằng việc tôi và anh Chamnan gặp và đến với nhau là do Chúa an bài.” Cả hai đã xây dựng được cho mình một gia đình nhỏ, đứa con trai 3 tuổi được đi học trong trường mầm non Công giáo của Dòng La Salle và được cha mẹ dạy cho nói cả tiếng Thái lẫn tiếng Việt.
Nhìn từ gốc độ chung thì câu chuyện tình yêu Việt – Thái của Thảo và Chamnan không có gì quá kịch tính. Cũng như bao nhiêu mối tình trẻ khác, con đường đưa hai người đến với nhau không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng, êm ái. Nhiều lúc họ phải vượt qua những rào cản và khoảng cách gây ra bởi những yếu tố trong xã hội và gia đình. Thảo và Chamnan đã và vẫn còn đang cố gắng vượt qua những thách đố để xây dựng một gia đình hạnh phúc – một gia đình có sự khởi nguồn từ một tình huống rất đỗi bình thường là có chàng thanh niên Thái tới liên hoan cùng với nhóm bạn ở một quán nơi có một cô gái Việt đang phục vụ. Họ đã làm quen với nhau và rồi yêu nhau từ đó.
Bài & ảnh: A. Lê Đức
Xem thêm:
- Người Việt trên đất Thái (2): Nguyễn Trung Phương: Từ người giao đá lạnh thành bartender chuyên nghiệp tại Bangkok.
- Người Việt trên đất Thái (3): Lê Thị Ngọc Huy: Cô gái bán nước lá dứa.
- Người Việt trên đất Thái (4): Lm. Lê Thông Trường, SVD: Nhà truyền giáo trẻ với sứ vụ lớn.