GPVO (30/12/2022) – Ngôi Hai xuống thế làm người là mầu nhiệm cao cả mà Thiên Chúa đã trao tặng cho loài người. Một Thiên Chúa cao sang và quyền thế, toàn năng và phép tắc vô cùng mà lại phải sinh ra bởi một người phàm là Đức Maria. Tại sao vậy? Thiên Chúa làm được mọi sự sao lại chọn con người để được sinh ra từ con người để cứu độ con người? Ý con người không là ý của Thiên Chúa. Thiên Chúa có cách thức và kế hoạch khác với ý tưởng của loài người. Thiên Chúa yêu thương con người và muốn cứu độ con người nên đã sẵn sàng ban Con Một của Ngài xuống làm người nơi cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Từ đó, Mẹ Maria dù mang thân phận con người nhưng lại được diễm phúc làm Mẹ của Đấng Tối Cao. Lời kinh “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” vang lên mỗi ngày khi chúng ta lần chuỗi Mân Côi như lời khẳng định địa vị làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria.
Quả thật, hôm nay các mục đồng được loan báo về việc sinh ra của Con Thiên Chúa nơi hang Bêlêm, niềm vui hối hả của các mục đồng thể hiện rất rõ ràng khi tìm cách để gặp cho được Hài Nhi Giêsu. Họ đã khao khát và hy vọng, họ lên đường cách nhanh nhẹn để gặp cho được Hoàng Tử Hòa Bình. Họ bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết. Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,15-16). Niềm khát khao gặp Chúa của các mục đồng đã được toại nguyện. Họ vui mừng khôn xiết vì được gặp Đấng Cứu Độ nay đã ra đời tại Bêlem. Phải chăng đây là mẫu gương cho mỗi Kitô hữu chúng ta? Chúng ta thường tìm gặp đủ thứ trong cuộc sống: nào là tìm kiếm tiền tài, danh vọng, lợi dục,…nhưng hiếm khi chúng ta tìm cách gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Giêsu. Sở dĩ, chúng ta ít tìm kiếm Chúa nên chúng ta không thể gặp Ngài. Vì thế, nỗi buồn, thất vọng, chán chường, đau khổ,…nơi mỗi chúng ta vẫn tồn tại và dai dẳng không thể thoát ra khỏi tâm hồn của chúng ta được. Đôi khi, chúng ta cứ nghĩ rằng tiền tài danh lợi dục sẽ giúp chúng ta hạnh phúc và giải thoát cuộc đời chúng ta. Thế nhưng, nó chỉ là hạnh phúc mau qua, hạnh phúc giả tạo. Càng mê mẩn vào của cải vật chất và thú vui nhục dục, chúng ta càng đau khổ và càng đi đến gần với cái chết: chết tinh thần, chết đời sống thiêng liêng, chết đi đời sống linh hồn. Ngược lại, nếu chúng ta mong muốn và khát khao tìm gặp Chúa liên lỉ trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ có niềm vui và bình an đích thực dẫu biết rằng muốn có vinh quang phải trải qua đau khổ (x. Ga 16, 20-23a). Nhưng ai bền chí đến cùng, người đó sẽ được giải thoát và hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa (x. Mt 10,22).
Điều quan trọng nơi niềm vui đón nhận là trao ban vì niềm vui chia sẻ niềm vui nhân lên. Sau khi đón gặp được Hài Nhi Giêsu, đón gặp được Gia đình Thánh Gia, các mục đồng không thể không ra đi kể lại cho mọi người: “Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên” (x. Lc 2, 17-18). Kể lại hay loan báo, hay thuật lại những điều tai nghe, mắt thấy về Hài Nhi Giêsu, về Đấng Cứu Thế nay đã ra đời để viếng thăm dân người. Niềm vui ơn cứu độ không thể không loan tin, không thể không bày tỏ cho mọi người được biết. Hạnh phúc khi trở nên kẻ loan tin vui, loan tin mừng cho tha nhân. Phải chăng mỗi Kitô hữu cũng cần năng tìm gặp Chúa mỗi ngày và sau khi cảm nhận được tình yêu cao vời khôn ví của Chúa, chúng ta cũng mau lẹ để truyền rao hay kể lại cho những người khác, nhất là những ai chưa có cơ hội đón nhận Chúa. Việc loan báo Tin mừng là lời mời gọi khấn thiết của Đức Giêsu: anh em hãy đi loan báo Tin mừng cho muôn dân (x. Mc 16,15) Truyền giáo hay loan báo Tin mừng là bản chất của Hội Thánh Chúa (AG, 2). Là những người đã đón nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta không được phép ngưng nghỉ hay chối từ việc ra đi loan báo Tin mừng cho mọi người ở khắp mọi nơi. Như các mục đồng, chúng ta hãy hối hả và nhanh chân để lên đường loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho thế giới. Giữa một thế giới đang phải đối diện với sự dữ do chiến tranh, do thiên tai, do đại dịch, mỗi chúng ta hãy đánh thức thế giới bằng cách đứng lên để hành động yêu thương, quan tâm và dấn thân phục vụ.
Như Đức Maria đã vội vã lên đường đi thăm viếng người chị họ Elisabet khi có Chúa trong lòng, (x. Lc 1, 39-56), chúng ta cũng mau mắn đáp lại tiếng mời gọi của Chúa sẵn sàng dấn thân để đem Chúa đến cho người khác. Để có được sức mạnh và lòng hăng say lên đường loan báo Tin mừng, chúng ta hãy noi gương Đức Maria suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng (x. Lc 2, 19), nghĩa là để hết tâm trí hướng về Chúa và để con người của mình thuộc trọn về Chúa. Hay nói cách khác, không ai cho người khác cái mình không có, không thể kể cho người khác về Chúa, về tình yêu của Chúa, về lòng thương xót của Chúa, nếu trước đó không để Chúa đi vào trong tâm khảm, tâm hồn và con người của chúng ta; nếu trước đó chúng ta chưa bén rễ sâu vào Đức Giêsu; nếu trước đó chúng ta chưa kết hợp với Đức Giêsu cách khăng khít như cành nho với cây nho (x. Ga 15,1-8). Quả thật, gặp gỡ và cảm nhận về Hài Nhi Giêsu là điều kiện tiên quyết và rất quan trọng trước khi ra đi loan báo Tin mừng cho tha nhân.
Mặt khác, ngày lễ Mẹ Thiên Chúa được đặt vào ngày đầu năm Dương Lịch là một sứ điệp cực kỳ quan trọng và cần thiết cho đức tin của chúng ta. Ngày mà Giáo hội muốn khẳng định tình yêu của Thiên Chúa đối với con người ngang qua sự cộng tác của con người. Vạn sự khởi đầu nan, nói lên tình yêu nối kết đất với trời. Đức Giê-su mà Đức Maria sinh ra như là trung tâm của vũ trụ, của đất trời. Muôn loài muôn vật đều suy tôn Người vì ngoài danh Đức Giêsu không có danh nào khác đem lại ơn cứu độ cho con người và vũ trụ này. Ngài là Hoàng Tử Bình An. Mẹ Maria lại là người sinh ra Hoàng Tử Bình An này. Lời chúc đầu năm mới cũng là lời chúc bình an cho nhau. Và sự bình an đích thực chỉ có nơi Đức Giê-su mà thôi. Cho nên ngày lễ Mẹ Thiên Chúa được đặt để ngay từ ngày đầu năm thật ý nghĩa và cần thiết vô cùng. Quả thật, trong Tông huấn Marialis Cultus, số 5b, Đức chân phước Phaolô VI đã ngỏ lời khi ngài dời thánh lễ kính trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng 1 mỗi năm như sau: “ .. Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày một tháng Giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là Ngày Thế Giới Hoà Bình, mà thế giới mỗi ngày một hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người”. Khi chọn lễ Mẹ Thiên Chúa làm ngày cầu cho hòa bình, Đức Thánh Cha kêu gọi nhân loại chúng ta hãy sống an bình, sự bình an mà Chúa Hài Đồng đã ban tặng ngày Ngài giáng sinh qua lời các thiên thần loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14).
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương