Đội tuyển Việt Nam chiến thắng Malaysia để vô địch AFF Cup sau mười năm. Người người mừng vui, nhà nhà mừng vui. Từ thôn xóm tới đô thị, hàng triệu người đổ ra đường, kể cả nhi đồng lẫn bô lão. Tất nhiên, trong một biển người như vậy, với tinh thần ‘quá khích’ cùng việc luôn có những kẻ lợi dụng, ai cũng đoán trước được rằng sẽ có nhiều người chết hoặc bị thương vì màn ăn mừng đó, chưa kể những hư hại vật chất hay rác rến xả ra môi trường. Và thực tế đã diễn ra như vậy. Nhiều người đặt câu hỏi: liệu có đáng như thế không, vì đó chỉ là một chiến thắng nho nhỏ?
Trước hết, tôi thiết nghĩ không nên quá vội kết án việc ăn mừng của người dân, dù chúng ta cần chỉ trích những kẻ lợi dụng làm ẩu. Đơn giản là người dân có lý do chính đáng để ăn mừng: không chỉ là việc thoả mãn được lòng yêu bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, mà còn là vì chuyện người dân bị ‘dồn nén tinh thần’ với bao bức bối với tình hình xã hội, đất nước, với bao lo âu cho đời sống cá nhân, gia đình mà chẳng có nhiều cơ hội để ‘xả’.
Nhưng chính hiện tượng trên khiến chúng ta phải thừa nhận rằng: người dân Việt Nam đang quá thiếu thốn niềm vui, quá nghèo nàn đời sống tinh thần, đến mức khi chúng ta có được một niềm vui nho nhỏ, chúng ta cũng không biết cách thể hiện nó cho hợp lý, cho đúng mức. Vì thế, chúng ta thử điểm lại một số những khả thể niềm vui tinh thần khác mà con người vốn dĩ nên có, nhưng lại đang thiếu hụt nơi nhiều người Việt hiện nay:
Thứ nhất, niềm vui của sự hiểu biết. Theo các triết gia cổ đại, niềm vui lớn nhất của con người là niềm vui hiểu biết. Lý do là càng hiểu biết, con người càng đến gần, hay thậm chí được tham dự, đời sống của những thực thể tinh thần, vĩnh cửu. Có thể có người không hoàn toàn đồng ý với các vị triết gia. Nhưng hẳn ta phải thừa nhận rằng tri thức luôn mang lại những niềm vui lớn lao cho con người; và cứ sự thường thì càng hiểu biết, tâm hồn ta càng được lớn lên, rộng mở hơn, quảng đại hơn. Vì vậy, việc đọc sách, tìm hiểu, và trau dồi tri thức – văn hoá nói chung rất quan trọng cho đời sống tinh thần.
Thứ hai, niềm vui chăm sóc thiên nhiên. Có lẽ không ai phản đối ý kiến này của người viết, rằng thiên nhiên là món quà vô giá Thượng Đế ban cho ta, để không chỉ cung cấp môi trường và sản vật nuôi sống cơ thể, mà còn giúp ta khám phá và đụng chạm vào sự thiện hảo nơi chính Mẹ Thiên Nhiên, nhờ đó tâm hồn ta được nuôi dưỡng và thiện tính được mở rộng. Vì thế, việc chăm sóc cây cỏ, thú vật, vv., sẽ mang lại cho ta niềm vui của thiện tâm, của lòng yêu mến và tôn trọng sự sống.
Đi liền với tinh thần chăm sóc thiên nhiên là tinh thần chăm sóc tha nhân và đóng góp cho xã hội. Kinh nghiệm nhân sinh của bao người đã chứng tỏ rằng con người sẽ đạt được những niềm vui, niềm an ủi lớn lao khi dấn thân vào việc phục vụ tha nhân và công ích. Đó là niềm vui khi biết mình được đóng góp vào sự phát triển của tha nhân và xã hội. Nói cách đơn giản là niềm vui thấy mình thực sự hữu ích cho người khác, cho cộng đồng.
Cuối cùng, niềm vui từ đức tin tôn giáo. Các tôn giáo chân chính luôn chứa đựng ít nhất hai yếu tố căn bản: mang lại niềm tin về sự thiện lành, và niềm hy vọng về đời sống mai hậu. Vì thế, hẳn người nào có đức tin tôn giáo vững mạnh và sống cách thành thực với đức tin đó của mình, người đó sẽ luôn có những niềm vui nhẹ nhàng nhưng thâm sâu trong từng hoàn cảnh, từng sự việc. Họ nhìn đời sống của mình như một ơn gọi để ngày càng trở nên tốt lành hơn, và nhìn mọi sự trong bàn tay quan phòng của Thượng Đế.
Nếu đời sống tinh thần của chúng ta trở nên phong phú với những niềm vui như trên, hẳn việc ăn mừng chiến thắng vừa rồi của Việt Nam sẽ không diễn ra ‘thảm khốc’ như thế. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta không nên ăn mừng trong các dịp như vừa qua. Vấn đề là cách chúng ta diễn tả niềm vui như thế nào. Thiết nghĩ, nếu ai có đời sống tinh thần hài hoà, sâu sắc, người đó sẽ có sự ‘khôn ngoan’, cân bằng và chín chắn trong suy nghĩ và hành động. Họ vẫn có thể ra đường để ‘ăn mừng’, nhưng họ biết nhẹ nhàng, chừng mực, biết tránh mọi sự tổn thương cho người khác, từ tinh thần lẫn thể chất. Họ cũng đủ vững vàng để không bị ‘đánh mất mình’ theo phong trào của đám đông.
Vì thế, hiện tượng ‘ăn mừng’ vừa qua của người Việt tự nó cho thấy lỗ hổng trong đời sống tinh thần của số đông lớn như thế nào; và việc trau dồi những niềm vui lành mạnh khác như kể trên là rất cần thiết. Tất nhiên, bản thân người viết cũng ý thức rằng đây là vấn đề quá nan giải, nhất là trong tình hình chính trị xã hội như nước ta hiện nay. Tuy nhiên, chắc hẳn mọi sự cố gắng đều được đền đáp ở mức độ nào đó.
Riêng với Kitô hữu, Giáng Sinh là một cơ hội tuyệt vời để khám phá và đi vào những niềm vui sâu xa. Chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm một Hài Nhi hiện diện cách đơn sơ và thinh lặng trong một nơi nghèo hèn. Trẻ thơ này chưa biết nói, chưa làm được gì. Nhưng nơi em bé này là sự hiện diện của ‘thánh thiện trọn hảo’; và chính trong sự thánh thiện đó mà ta có thể tìm thấy nguồn cội và ý nghĩa của đời mình. Vì thế, chiêm ngắm trẻ thơ Giêsu giúp mang lại niềm vui căn cốt nhất cho mỗi Kitô hữu. Hơn nữa, chiêm ngắm Ngài cũng có thể giúp ta mang lại niềm vui cho nhau, vì sự hiện diện của Ngài cũng đồng thời là để mời mọi người cùng đến, cùng thờ lạy, cùng trò chuyện với nhau và yêu mến nhau. Ngài đến để quy tụ chung ta trong Ngài; để ban cho ta ơn niềm vui và bình an mà “thế gian không thể ban tặng” (Ga 14,27).
Khắc Bá, sj.