Vatican News 28.7.2020 – Nhân Ngày Thế giới chống nạn buôn người 30/7, Caritas quốc tế kêu gọi các chính phủ tăng cường nỗ lực xác định nạn nhân của nạn bóc lột và buôn người; đặc biệt hiện nay, do đại dịch Covid-19, con số này đang gia tăng một cách đáng báo động. Lời kêu gọi này cũng được hỗ trợ bởi Coatnet, một mạng lưới gồm 46 tổ chức Kitô giáo.
Ông Aactsius John, Tổng Thư ký Caritas quốc thế cho biết: “Trong thời điểm đại dịch Covid-19 này, chúng tôi đưa ra một thực tế đáng lo ngại cho những người dễ bị tổn thương. Họ có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Do đó, các chính phủ phải tính đến những hệ quả mang tính toàn cầu do đại dịch, đặc biệt là đối với những người di cư và người lao động không chính thức, hiện đang đối diện nhiều hơn với nạn buôn người”.
Vì lý do này, Caritas quốc tế và Coatnet kêu gọi “các biện pháp khẩn cấp và nhắm mục tiêu hỗ trợ những người làm việc trong các lãnh vực không chính thức, bao gồm người giúp việc gia đình, lao động về nông nghiệp và xây dựng, người di cư không có giấy tờ”.
Caritas quốc tế kêu gọi các chính phủ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ, đặc biệt đối với trẻ em khỏi bị lạm dụng và bóc lột. Điều này cũng xảy ra trên internet và phương tiện truyền thông mới. Thực tế, trong đại dịch, các trường hợp bạo lực với trẻ vị thành niên và số trẻ em là nạn nhân của việc khai thác trực tuyến đã tăng lên. Ví dụ, ở Ấn Độ, “92 nghìn trường hợp lạm dụng trẻ em đã được báo cáo cho chính quyền chỉ trong 11 ngày”, trong khi nhiều trẻ em có nguy cơ phải xin ăn trên đường phố.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, ngày nay có hơn 40 triệu nạn nhân của nạn buôn người và bóc lột trên thế giới; thậm chí hiện có nguy cơ cao hơn do đại dịch.
Ngày thế giới chống nạn buôn người đã được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố vào 30/7/2013, nhằm mục đích tạo nên sự chú ý của cộng đồng quốc tế về hiện trạng của các nạn nhân và thúc đẩy bảo vệ quyền lợi của họ. (CSR_5511_2020)
Văn Yên, SJ