Mới đây, một anh bạn ca trưởng của tôi có than phiền rằng giáo dân ở chỗ anh không chịu mở miệng hát, cho dù giáo xứ của anh có đủ tài liệu, vừa có sách Thánh ca Cộng đồng vừa có màn hình trình chiếu bài hát.
Sự bận tâm này của anh làm tôi nhớ lại khoảng thập niên 80, khi tôi còn sinh hoạt trong Ban Thánh nhạc Giáo phận Nha Trang, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà đã rất nhiều lần nhắc nhở chúng tôi rằng phải luôn đẩy mạnh việc hát cộng đồng trong giáo xứ, đồng thời phải luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để giáo dân có thể tham gia một cách tích cực vào việc ca hát.
Giáo Hội thúc giục việc hát cộng đồng
Thật vậy, các hiến chế và huấn thị của Giáo Hội liên quan đến thánh nhạc và phụng vụ đều đã thúc giục các giám mục và các vị mục tử phải “nhiệt tâm lo lắng để trong bất cứ lễ nghi nào có hát, tất cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tham dự một cách linh động vào những phần dành riêng cho họ” (Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 114, do Công đồng Vaticano II ban hành ngày 4-12-1963). “Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát” (Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ, số 16, do Thánh bộ Nghi lễ ban hành ngày 5-3-1967).
Tình trạng tiêu cực ở giáo xứ của anh bạn tôi cũng có thể là tình trạng chung của nhiều cộng đoàn giáo dân hôm nay: Ù lì, thụ động, chỉ thích nghe chứ không thích hát, thích làm những khán giả lặng câm hơn làm những người dự phần tích cực vào các nghi thức phụng vụ.
Tại sao vậy? Có phải vì họ lười mở miệng, vì ngại hát giữa công chúng, hoặc vì không có sách hát, không thuộc bài hát, hoặc vì cung hát cao quá, không thích hợp, hoặc vì chẳng được ai mời gọi, khuyến khích, hoặc vì tất cả những lý do nêu trên?
Là những người đảm nhận vai trò phụ trách thánh nhạc trong các nghi lễ phụng vụ, sau vị linh mục quản xứ, anh chị em ca trưởng chúng ta ít nhiều phải chịu trách nhiệm về tình trạng tiêu cực nói trên.
Một số kinh nghiệm tổ chức hát cộng đồng
Vậy, xin cho phép tôi được chia sẻ với quí anh chị một vài gợi ý cho việc tổ chức hát cộng đồng qua từng bước chuẩn bị như sau:
1. Tham gia tích cực vào việc ca hát
Trước hết, nên giúp cho Cộng đoàn hiểu biết và ý thức hơn về tầm quan trọng và sự cần thiết phải tham gia tích cực vào việc ca hát trong thánh lễ và các nghi thức phụng vụ.
Phụng vụ không phải là công việc chỉ dành riêng cho một số ít người, nhưng là công việc chung của cả nhiệm thể Chúa Kitô, đồng thời mỗi thành phần trong nhiệm thể đều có phần vụ riêng mình.
Vì thế, khi cử hành phụng vụ, tất cả mọi thành phần đều được mời gọi đóng góp phần mình, cụ thể là việc tham gia ca hát. Việc tham gia ca hát này không những vừa là bổn phận vừa là quyền lợi của các tín hữu, mà còn là phương thế khắc phục tính thụ động vốn dễ gây nên lo ra và chia trí.
Chỉ cần vài ba phút trước khi ôn hát trong một hai thánh lễ Chúa nhật nào đó, chúng ta có đủ thời giờ để trích dẫn cho Cộng đoàn nghe một vài đoạn ngắn các văn kiện về phụng vụ và thánh nhạc liên quan đến việc hát cộng đồng, chẳng hạn như:
– Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Việc tham dự ấy là do chính bản tính phụng vụ đòi hỏi. (Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 14, do Công đồng Vaticanô II ban hành ngày 4-12-1963).
– Điều rất cần thiết là khi tham dự các nghi lễ thánh, các tín hữu không thể làm như họ là những người ngoài cuộc hoặc là những khán giả câm lặng, nhưng họ phải nhận thức một cách sâu sắc vẻ đẹp của phụng vụ, phải dự phần vào các nghi lễ thánh, đồng thời phải lần lượt góp tiếng với vị chủ tế và ca đoàn theo như luật định. (Thông điệp Đấng Trung gian của Thiên Chúa, số 192, do ĐGH Piô XII ban hành ngày 20-11-1947).
– Các bài hát tôn giáo phổ thông sẽ góp phần kỳ diệu làm cho các tín hữu tham dự Thánh lễ không phải như những khán giả câm lặng và thụ động, nhưng như một cử tọa biết hòa hợp tâm hồn và giọng hát với nghi lễ thánh, và hiệp nhất lòng sốt sắng của mình với các kinh nguyện của linh mục… (Thông điệp Kỷ luật về Thánh nhạc, số 61, do ĐGH Piô XII ban hành ngày 25-12-1955).
Nếu quí anh chị không quen hoặc còn ngại ngùng với công việc “giáo dục cộng đoàn” này, chúng ta có thể nhờ qua cha quản xứ; bởi vì “vô tri bất mộ”, không biết thì không thích, cho nên chỉ khi nào cộng đoàn hiểu rõ được giá trị cao quí và bổn phận thiêng liêng của việc tích cực dự phần vào các nghi lễ Phụng vụ thì chúng ta mới có hy vọng họ hăng hái góp chung lời ca tiếng hát!
2. Ca đoàn không có nhiệm vụ hát thay cho cộng đoàn
Vào một dịp khác, nên giải thích cho cộng đoàn hiểu rằng ca đoàn không phải là một đơn vị biệt lập có nhiệm vụ hát thay cho cộng đoàn. Nhưng ca đoàn cũng thuộc về cộng đoàn, là thành phần nòng cốt của cộng đoàn, và với khả năng ưu tú, họ có nhiệm vụ làm cho các nghi lễ thêm rực rỡ vui tươi, đồng thời giúp cho cộng đoàn tham gia tích cực vào việc ca hát.
Vì thế, cộng đoàn cần phải biết góp chung lời ca tiếng hát với ca đoàn trong những phần dành cho mình như bộ lễ, các câu thưa, Thánh Vịnh đáp ca, Tung hô Tin mừng, Mầu nhiệm Đức tin, Vinh tụng ca, Kinh Lạy Cha, hoặc phần điệp khúc của ca nhập lễ, ca tạ lễ, trong khả năng và với tất cả sự nhiệt tình của mỗi người.
Rồi chúng ta cũng nên thường xuyên và kiên trì mời gọi, khuyến khích, cổ vũ mọi người tham gia ca hát, vì nhiều khi giáo dân còn rụt rè, ngại ngùng, nhất là khi họ không nghe những người bên cạnh hoặc chung quanh họ cùng hát. Cũng đừng quên nhắc nhở thêm rằng tiếng hát của cộng đoàn luôn luôn cần thiết trong tất cả mọi nghi thức phụng vụ; bởi vì trong các dịp lễ đặc biệt long trọng, giáo dân thường có ý nghĩ sai lầm là họ chỉ nên lắng nghe chứ không nên hát theo ca đoàn!?
3. Chọn những bài hát đơn giản
Tuy nhiên, để tạo được sự hứng khởi cho cộng đoàn trong việc tham gia ca hát, chúng ta chỉ nên chọn những bài hát đơn giản, mang tính chất cộng đồng, không nhất thiết lúc nào cũng phải thật sinh động, vui tươi, nhưng chắc chắn phải luôn có tâm tình phù hợp với ngày lễ hoặc với mùa phụng vụ.
Một trong những lợi điểm của việc chọn lựa này là chúng ta sẽ không tốn nhiều thời gian để tập hát hoặc ôn lại cho cộng đoàn. Ngoài ra, phải liệu sao cho những bài hát này luôn vừa với tầm cữ giọng hát và khả năng ca hát của cộng đoàn, cũng như phải chuẩn bị đầy đủ sách hát hoặc sử dụng màn hình để trình chiếu các bài hát.
4. Dành thời gian ôn hát trước thánh lễ
Hiện nay, phần đông các nhà thờ đều đã có sách hát hoặc ít ra đã có màn hình trình chiếu các bài hát. Nhưng nếu không được tập hát hoặc ôn lại trước thì cộng đoàn của chúng ta vẫn dễ dàng trở thành những khán thính giả thụ động. Làm sao họ dám mạnh dạn cất tiếng hát khi họ không biết, không thuộc bài hát? Vì thế, sau khi đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chúng ta nên dành ra năm, bảy phút trước thánh lễ để tập hát hoặc ôn hát cho cộng đoàn.
Nếu ở giáo xứ chưa có thói quen này, anh chị em chúng ta nên bàn thảo với linh mục quản xứ để xin phân bổ thời gian; và cho dù có phải cắt bớt một vài câu kinh để dành thời gian cho việc tập hát cộng đoàn, thiết tưởng đó cũng là điều hoàn toàn cần thiết và hữu ích! Đồng thời khi hát, chúng ta nên sử dụng một vị trí thích hợp nào đó để có thể cùng lúc điều khiển cả ca đoàn và cộng đoàn.
* * *
“Tiếng hát của Cộng đoàn là ưu việt và không thể bỏ được” (Tài liệu Universa Laus, số 3.6, bản dịch Việt ngữ của Lm. Đỗ Xuân Quế). Lời xác quyết này, một lần nữa, cho chúng ta thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của việc hát cộng đồng. Ước mong anh chị em ca trưởng luôn quan tâm mời gọi, hướng dẫn, khuyến khích và cổ vũ tất cả cộng đoàn dân Chúa tham gia vào phụng vụ một cách linh động và tích cực hơn nữa, bằng chính lời ca tiếng hát của mỗi người.
Đỗ Vy Hạ