Bản tin đầu ngày và lời kêu gọi
Rạng đông ngày thứ nhất của tuần cầu lễ cầu xin ơn hiệp nhất, tôi nhận được email của một giáo dân, với một thông tin đáng e ngại:
“Bắt đầu từ ngày 6 tháng 3 năm 2019, Hãng DC Comics dự định phát hành một bộ truyện tranh hài dài 6 tập với tựa đề Second Coming, Chúa đến lần hai, nhằm giễu cợt và phỉ báng Kitô giáo, trong đó Chúa Giêsu được dựng lên như là nhân vật bù nhìn vô tích sự, hoàn toàn dưới quyền điều khiển và sai khiến một nhân vật siêu anh hùng đầy năng lực siêu phàm, mệnh danh là Sun-Man, người con út của Krispex.
Theo báo Fox News, bộ truyện tranh “Second Coming”, tức “Chúa đến lần hai”, hư cấu viễn cảnh vì sao Chúa Giêsu rời trần gian lần thứ nhất và trở lại lần thứ hai. Gần đây, tác giả Mark Rusell đã tiết lộ một tí về nội dung của bộ truyện tranh hài. Ông giải thích tiền đề của bộ truyện: “Chúa Cha bất bình với sứ vụ dở dang của Chúa Giêsu vào lần nhập thể đầu tiên, bởi Ngài bị bắt quá sớm, bị đóng đinh ngay lập tức, vì vậy Chúa Cha tức giận nhốt Ngài lại cho đến bây giờ.”
Theo nội dung méo mó của bộ truyện tranh, Chúa Giêsu được sai đến trần gian thứ hai để thay đổi nội dung sai lệch của Phúc Âm, và sửa chữa những sai lầm Ngài đã vấp phải trong lần nhập thể đầu tiên. Sun-Man sẽ giúp Ngài cải tổ mọi sự cho đúng.
Bộ truyện hài phạm thánh này nhằm mục đích lan truyền thông tin xuyên tạc về Kitô giáo, đặc biệt giữa giới trẻ thiếu hiểu biết và dễ bị lung lay, lôi kéo. Đó là sự phạm thánh đáng lên án, làm khuấy động thêm làn sóng phỉ báng Kitô hữu, đức tin Kitô giáo và các giá trị đạo đức Kitô giáo.”
Thông tin này được dịch từ lời kêu gọi của trang “CITIZEN, GO!” tại https://www.citizengo.org/en-ca/node/167848 nhằm vận động các Kitô hữu ký tên yêu cầu Hãng DC Comics huỷ bỏ việc phát hành bộ truyện tranh có nội dung báng bổ phạm thánh này.
Một hướng nhìn khác
Những thế lực chống lại Thiên Chúa và Giáo Hội Ngài vừa thành công lừng lẫy qua chiến dịch khai thác thông tin về xâm hại tình dục trẻ em theo một kế hoạch đầy ác ý để triệt hạ uy tín của Hội Thánh Công giáo. Tiểu thuyết “Mật mã Da Vinci” và nhiều sách và phim liệt kê trong Freemason Books gieo rắc đủ điều báng bổ xuyên tạc Hội Thánh Chúa, đã tấn công như vũ bão, dập tắt đức tin nhiều tín hữu. Giờ đây, truyện tranh “Chúa đến lần hai” sẽ chích ngừa vắc-xanh vào tâm hồn trẻ em. Tình thế khiến ta không khỏi nghĩ tới lời báo trước của Chúa: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).
Tôi cảm thông sâu xa với nỗi bức xúc của những phụ huynh có con nhỏ đang vận động ký tên phản đối việc ấn hành bộ truyện tranh, thế nhưng tôi sẽ tham gia ký tên chăng? Không! Tôi đã chia sẻ thông tin cho các chủng sinh ở lớp và bình luận để hướng dẫn họ nhưng không ký tên. Tôi sẵn sàng ký tên ủng hộ để người vận động cứu đói cho Somalie được thêm 50 xu Mỹ của Google nhưng việc ký tên đòi hủy bộ truyện tranh là chuyện vô ích, tôi không ký. Bạn nghĩ xem, tham gia cuộc vận động chỉ là vô tình quảng cáo không công cho bộ truyện.
Tôi cấm mình ký tên để giữ lòng mình không bị xao xuyến, dao động. Dù sẽ xảy ra tình huống xấu nhất, dù phải hứng chịu thêm hàng trăm, hàng triệu vũ khí triệt hạ đức tin quái ác hơn bộ truyện tranh thì đã sao? Những biến động như thế càng dồn dập, càng khiến tôi bám lấy những lời đanh thép của Chúa. Nơi quyển Tân ước nhỏ tôi cầm theo đây, chỉ 14 trang sau lời cảnh báo trên đây của Chúa, tôi đọc thấy một lời khác của Ngài: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28). Tôi nhớ đến lời Thánh vịnh 2 vẫn đọc trong giờ Kinh Sách tuần I:
“Sao chư dân lại ồn ào náo động?
Sao vạn quốc dám bày kế viển vông?
Vua chúa trần gian cùng nổi dậy,
vương hầu khanh tướng rập mưu đồ
chống lại Đức Chúa,
chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.
Chúng bảo nhau: “Xiềng xích họ, nào ta bẻ gãy,
gông cùm họ, ta hãy quẳng đi !”
Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười,
Người chế nhạo bọn chúng.”
Tôi giữ lòng không xao xuyến để lắng nghe xem giữa những nhiễu nhương ấy, Thiên Chúa đang muốn các con cái Ngài làm gì?
Thiên Chúa muốn chúng ta hiệp nhất
Điều Chúa muốn là các con cái Ngài hiệp nhất. Ngày thứ Sáu, 18-1-2019 vừa qua, tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Kinh Chiều để khai mạc Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Ta cầu xin ơn hiệp nhất không chỉ vỏn vẹn từ ngày 18-25 tháng Giêng nhưng suốt mọi ngày trong năm, suốt mọi năm trong đời, như chính Chúa Giêsu: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,20-21).
Giữa một thế giới được gọi là toàn cầu hóa nhưng đang bị phân hóa vì chủ nghĩa dân túy, giữa một dân tộc đã hết chiến tranh đến nửa thế kỷ rồi mà vẫn chưa hòa giải hòa hợp được với nhau, biết bao dòng họ, gia tộc và gia đình đang đổ vỡ, làm sao để hiệp nhất lại? Các hệ phái Kitô giáo vừa đang xích lại gần nhau vừa phải hứng chịu những vết thương mới, ngay đến chính trong lòng Hội Thánh Công giáo ở cấp hoàn vũ, từng quốc gia, từng giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn… cũng đang lắm chao đảo vì thiếu hiệp nhất. Phải chăng lời kêu gọi cầu nguyện cho hiệp nhất cũng chỉ là một thủ tục phải làm khi bắt đầu một năm mới, rồi cũng lịm tắt như một tiếng kêu trong sa mạc? Phải chăng sự hiệp nhất chỉ là một ảo ảnh giữa trưa chang chang nắng chói?
Ô không! Sự hiệp nhất vốn có thật, nó là khởi đầu và sẽ là kết thúc nơi Đức Kitô, Đấng đã tự nguyện làm cây nho để truyền sự sống cho những cành nho nào biết ở lại trong Ngài (x. Ga 15,1-8). Sự hiệp nhất đã được gieo vào lòng nhân loại và sẽ lớn lên như một hạt cải (x. Mt 13,31-32), một hạt giống đang âm thầm mọc (x. Mc 4,26-29). Sự hiệp nhất mãi mãi là một sứ mạng: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
Tuần hiệp nhất năm 2019 có chủ đề là ”Các ngươi hãy cố gắng trở thành người công chính đích thực” (Đệ nhị luật 16, 18-20) và ta có thể tìm thấy “bí quyết” của người công chính đích thực nơi Thánh Giuse, là thái độ không xét đoán: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (x. Mt 1,19). Trong tông huấn “Vui mừng hoan hỉ” về tiếng gọi nên thánh trong thế giới ngày nay và trong những lời giảng dạy hằng ngày của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng nhắc nhỏ chúng ta: Đừng xét đoán!
Thương xót như Thiên Chúa thương xót
Hãy nghĩ tốt cho nhau, đừng xét đoán. Đó là khởi điểm hữu hiệu của lòng thương xót sẽ dẫn đến ơn hiệp nhất, lòng thương xót mà chúng ta đã không ngừng được nhắc nhở không chỉ riêng từ Năm thánh mang tên “Lòng Thương Xót” nhưng ngay từ bài giảng mở đầu của Chúa: “Anh em hãy có lòng thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,36-38). Tại Giáo điểm Tin mừng ở huyện Nhà Bè hiện nay, không riêng ngày đầu tuần, mọi ngày trong tuần đều có thánh lễ khẩn cầu và tạ ơn tuyên dương lòng Thương xót của Chúa. Người người tấp nập kéo về xin ơn chữa lành và cảm tạ Chúa đã đoái thương chữa lành. Ngoài ơn chữa lành còn có biết bao ơn khác tràn ngập khiến những người được ơn không ngừng thốt lên: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” (Mc 10,27).
Chúa đã chữa lành bệnh tật thể lý cho các cá nhân thế nào, Ngài cũng sẽ chữa lành sự chia rẽ và các bệnh tật tâm linh khác của tập thể nhân loại như thế. Anh chị em lương dân đến với Lòng Thương Xót Chúa để xin cho bản thân cũng như cho gia đình và đã được ơn chữa lành. Thiên Chúa đang dùng sự kiện ấy để nhắn nhủ các Kitô hữu rằng nếu các con cái Chúa cùng nhau cầu nguyện xin ơn chữa lành cho xã hội, cho thế giới và cho quê hương đất nước này, thì cũng sẽ được Chúa nhậm lời như vậy: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18,19).
Ta hãy cùng cầu nguyện và hành động cho sự hiệp nhất gia đình, gia tộc, dòng họ, xóm làng, dân tộc và nhân loại. Ta hãy cùng cầu nguyện và hành động cho sự hiệp nhất của các cộng đoàn con cái Chúa, từ dòng tu, giáo xứ, giáo phận, Giáo Hội từng quốc gia và Giáo Hội toàn cầu. Chính sự hiệp nhất sẽ xóa sạch những vết nhơ do xuyên tạc, bôi nhọ và gương xấu gây ra. Chúng ta hãy cùng nhắc nhau sống thế nào để, anh chị em vô tín quanh ta phải thốt lên như trong buổi đầu của lịch sử Hội thánh, dân ngoại đã thốt lên: “Hãy xem kìa, họ yêu thương nhau biết mấy!”
Chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần để tiếng kêu kinh ngạc ấy sẽ bùng vỡ trên mạng lưới truyền thông toàn thế giới và khắp vũ trụ.
Bắt đầu từ chính mình
Chỉ nguyên sự hàn gắn những rạn nứt đổ vỡ giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong một gia đình đã hết sức khó, làm sao dám mơ đến sự hiệp nhất rộng lớn trong giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội toàn cầu… Hãy để cho Chúa Thánh Thần biến đổi bản thân mỗi chúng ta thành men hiệp nhất rồi điều ấy sẽ xảy đến: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (x. Mt 13,33).
Hiệp nhất bắt đầu từ chính mình, một điều vừa dễ vừa khó, hết sức khó mà cũng hết sức dễ. Vâng, bởi vì “đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27).
Lm. Gioan Phêrô của Chúa Thánh Linh, OCDS