Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc các bạn trẻ rằng dù có nhiều khác biệt giữa các bạn trẻ nhưng không có gì ngăn cản họ gặp gỡ và hiệp nhất với nhau. Chính tình yêu Thiên Chúa đã thúc đẩy và nối kết họ với nhau. Ngài mời gọi họ yêu thương nhau để thực hiện giấc mơ yêu thương của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hiến mạng sống để thực hiện.
Lúc gần 5 giờ chiều ngày 24/1, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Công viên Santa María La Antigua, ở khu vực ven biển của thành Panama, gọi là Cinta Costera, để gặp gỡ các bạn trẻ.
Đến nơi, Đức Thánh Cha đã dùng xe Papamobile, cùng với Đức Tổng Giám mục Ulloa sở tại, đi dọc theo các lối đi để chào thăm khoảng 250 ngàn bạn trẻ Panama và quốc tế tụ tập tại đây với 150 cờ của các quốc gia xuất xứ của họ. Trong khi đó ca đoàn các bạn trẻ hát bài ca Ngày Giới trẻ Thế giới năm nay: “Hàgase en mi, segón tu palabra”, xin xảy cho cho tôi theo lời sứ thần!
Chào mừng Đức Thánh Cha
Khi ĐTC đến chân lễ đài, ngài được 5 bạn trẻ đại diện 5 châu, trong y phục truyền thống, chào đón và cùng bước lên lễ đài cao. Tiếp đến là cuộc rước Thánh Giá Ngày Giới Trẻ Thế Giới và ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Rôma.
Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Đức TGM Ulloa sở tại cám ơn Đức Thánh Cha đã chọn eo biển bé nhỏ này, nước Panama, làm nơi cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới năm nay, và mang lại cơ hội cho rất nhiều bạn trẻ Trung Mỹ, nhất là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội vì nghèo đói, nhờ đó họ có thể trải qua kinh nghiệm gặp gỡ những người trẻ thế giới, và qua đó, họ khám phá mình cũng là những người nắm giữ vai chính trong việc canh tân Giáo Hội và xã hội.
Tiếp lời Đức TGM Ulloa, 5 bạn trẻ đại diện 5 châu ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha trong khi cờ của hơn 150 nước được rước trên lễ đài. Rồi các vận động viên Panama, trong y phục truyền thống, đã tặng Đức Thánh Cha giây Stola màu trắng, do các thổ dân thuộc bộ lạc Gunas dệt bằng loại vải của họ.
Mọi người lại hát bài Emmanuel, bài ca Ngày Giới trẻ Thế giới Năm Thánh 2000, trong khi ở các tầng khác nhau của lễ đài, các nhóm bạn trẻ trình diễn hoạt cảnh gợi lại cách thức Tin Mừng được đưa vào thế giới qua sự hội nhập văn hóa. Tin Mừng được biểu lộ qua một em bé cùng một ca sĩ tiến qua các nhóm chủng tộc khác nhau.
Giới thiệu 8 thánh bổn mạng ĐHGT Panama
Tiếp đến, ảnh của 8 vị thánh bổn mạng Ngày Giới trẻ Thế giới lần này, từ thánh Romero đến thánh Gioan Phaolô II, qua các vị khác như thánh Martino de Porres, thánh Rosa Lima, thánh Domingo del Rio, thánh Don Bosco, được các bạn trẻ rước lên lễ đài, trước khi cộng đoàn nghe công bố bài Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 2,1-11) về tiệc cưới Cana, trong đó Mẹ Maria dặn những người giúp việc tại đây: “Các anh hãy làm những gì Người dạy”.
Bài giảng
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc các bạn trẻ rằng dù có nhiều khác biệt giữa các bạn trẻ nhưng không có gì ngăn cản họ gặp gỡ và hiệp nhất với nhau. Chính tình yêu Thiên Chúa đã thúc đẩy và nối kết họ với nhau. Ngài mời gọi họ yêu thương nhau để thực hiện giấc mơ của Thiên Chúa, là giấc mơ mà Chúa Giêsu đã dâng hiến sự sống để thực hiện.
Thánh Phêrô hiện diện và đồng hành với các bạn trẻ
Mở đầu, Đức Thánh Cha kể lại rằng tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Cracovia, các bạn trẻ hỏi ngài có tham dự Ngày Ngày Giới trẻ Thế giới Panama không, ngài trả lời rằng ngài không biết nhưng ngài chắc chắn là thánh Phêrô sẽ hiện diện. Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Hôm nay, cha vui mừng nói với các con: Phêrô hiện diện với các con để cử hành và canh tân đức tin và niềm hy vọng. Thánh Phêrô và Giáo Hội đồng hành với các con và muốn nói với các con đừng sợ, hãy tiến bước với sức lực được canh tân và ước muốn kiên trì để làm chứng nhân cho Tin Mừng. Tiến bước không phải để tạo nên một Giáo Hội đi song đôi, ”giải trí” một tí, vui một tí, trong một sự kiện dành cho người trẻ, làm cho họ vui thích. Ngược lại, Giáo Hội muốn cùng chúng con tìm lại và đánh thức sự mới mẻ và nét tươi trẻ luôn luôn của Giáo Hội trong một lễ Ngũ tuần mới. Điều này chỉ có thể, nếu chúng ta biết cùng nhau bước đi trong sự lắng nghe nhau và lắng nghe trong sự kiên toàn lẫn nhau, nếu chúng ta biết làm chứng bằng cách loan báo về Chúa khi phục vụ anh chị em chúng ta; ở đây muốn nói đến sự phục vụ cụ thể.”
Không có gì ngăn cản chúng ta gặp nhau và hạnh phúc ở bên nhau
Đức Thánh Cha khẳng định rằng: Dù tất cả các bạn trẻ đến từ những nền văn hóa và chủng tộc khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau và mang trang phục khác nhau, có những lịch sử và hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng không có gì ngăn cản chúng ta gặp nhau và hạnh phúc ở bên nhau. Điều này có thể được là vì chúng ta biết có một điều liên kết chúng ta, có một Đấng làm cho chúng ta trở nên anh em của nhau…
Đức Thánh Cha cũng nói rằng: Các con là những bậc thầy và những người thợ xây dựng nền văn hóa gặp gỡ. Với các cử chỉ và thái độ của các con, với cái nhìn, ước mong và nhất là sự nhạy cảm của các con, sự hiện diện của các con ở đây là lời phủ nhận và loại bỏ tất cả những diễn văn nhắm đến và cố gắng tạo nên sự chia rẽ, sự loại trừ và trục xuất những người “không giống mình”.
Đức Thánh Cha nhắc lại lời Đức Bênêđictô XVI: “Tình yêu thật sự không loại bỏ những khác biệt chính đáng, nhưng hòa hợp chúng trong một sự siêu hiệp nhất”. Ngược lại với những người kiến tạo hiệp nhất chính là ma quỷ, cha của sự dối trá, muốn một dân tộc chia rẽ và tranh cãi hơn là một dân tộc học sống chung với nhau. Gặp nhau không có nghĩa là trộn lẫn vào nhau hay suy nghĩ và sống những điều giống nhau, làm cùng những điều tương tự như nghe cùng thứ âm nhạc hay mặc cùng một loại áo của một đội bóng. Đức Thánh Cha khẳng định: “Nền văn hóa gặp gỡ là một lời mời gọi có can đảm giữ cho một ước mơ chung được sống động.”
Giấc mơ yêu thương nhau của Thiên Chúa
Cũng trong bài giảng đầu tiên tại Panama, Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Đúng, một giấc mơ tuyệt vời và có thể bao gồm tất cả mọi người. Giấc mơ mà vì nó, Chúa Giêsu đã hiến mạng sống trên thập giá và Chúa Thánh Thần đã tuôn tràn và vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Người đã đốt lên một ngọn lửa trong trái tim của mỗi người nam nữ, của các con và của cha, với hy vọng tìm thấy không gian tăng trưởng và phát triển. Một giấc mơ được gọi là Chúa Giêsu, được Chúa Cha gieo vãi với niềm tin rằng nó sẽ lớn lên và sống trong mỗi trái tim. Một giấc mơ chảy trong huyết quản của chúng ta, làm cho trái tim co thắt và khiến nó giật mình mỗi khi chúng ta lắng nghe lời Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu các con, các con cũng hãy yêu thương nhau như thế. Từ điều này tất cả mọi người sẽ biết rằng các con là môn đệ của Thầy: nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
Kitô giáo không phải là luật lệ hay luân lý, mà là Chúa Kitô của tình yêu
Nhắc lại lời thánh TGM Oscar Romero: “Kitô giáo không phải là một loạt các chân lý phải tin, một mớ luật lệ phải giữ hay những cấm đoán. Nhìn như thế này nó không hấp dẫn chút nào. Kitô giáo là một Người đã yêu tôi rất nhiều, người mong muốn và đòi hỏi tình yêu của tôi. Kitô giáo là Chúa Kitô”, và Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ: hãy mang giấc mơ mà vì đó Chúa đã hiến dâng sự sống: yêu thương với chính tình yêu mà Người yêu chúng ta.
Tình yêu của Chúa Kitô: Tự do, tôn trọng, chữa lành, hòa giải, trao ban cơ hội
Chúng ta tự hỏi: Điều gì liên kết chúng ta? Tại sao chúng ta liên kết với nhau? Điều gì thúc đẩy chúng ta gặp nhau? Đó chính là tình yêu của Chúa Kitô. Đó là tình yêu ”không áp đặt và không đè bẹp, một tình yêu không loại trừ và không làm câm lặng, một tình yêu không hạ nhục và không khuất phục. Đó là tình yêu của Chúa, tình yêu hàng ngày, kín đáo và tôn trọng, tình yêu tự do và vì tự do, tình yêu chữa lành và nâng cao. Đó là tình yêu của Chúa, Đấng biết trỗi dậy nhiều hơn là ngã xuống, hòa giải hơn là cấm đoán, trao cơ hội mới thay vì lên án, về tương lai hơn là quá khứ. Đó là tình yêu thầm lặng của bàn tay mở rộng trong phục vụ và trong việc trao tặng bản thân mà không cần khoe khoang.
“Lạy Chúa, xin dạy con yêu thương như Chúa đã yêu chúng con”
Đức Thánh Cha hỏi các bạn trẻ: Các con có tin vào tình yêu này không? Đây có phải là tình yêu “đáng giá” không? Đó là câu hỏi cũng được đặt ra trong lời truyền tin của thiên thần và Mẹ đã thưa: ”Này tôi là tôi tớ Chúa: xin hãy thực hiện cho con theo lời ngài” (Lc 1,38). Mẹ đã biết dâng cuộc sống cho giấc mơ của Thiên Chúa. Các con có muốn giấc mơ này sống động không? Đức Thánh Cha nói: ”Đó là câu hỏi được đặt ra với các con, với cha. Các con có muốn cho Chúa thân xác với bàn tay, đôi chân, ánh mắt nhìn, trái tim của các con không? Chúng ta có biết thưa với thiên thần như Mẹ Maria: ”Này chúng con đây, chúng con là tôi tớ của Chúa, xin hãy làm cho chúng con”?
Đức Thánh Cha nhắc các bạn trẻ rằng Ngày Giới trẻ Thế giới không phải là nguồn hy vọng của một tài liệu được ký kết hay một chương trình để thực hiện. Nhưng là mỗi bạn trẻ trở về nhà với sức mạnh mà họ có trong mỗi lần gặp Chúa Giêsu, tràn đầy Chúa Thánh Thần để nhớ và làm cho giấc mơ của Chúa được sống động; giấc mơ đó làm cho chúng ta nên anh em và chúng ta được mời gọi không trở nên băng giá lạnh lùng trong lòng thế giới. Đức Thánh Cha nói: “Bất cứ chúng ta ở đâu, bất cứ điều gì chúng ta sẽ làm, chúng ta luôn có thể hướng lên trời và nói: ‘Lạy Chúa, xin dạy con yêu thương như Chúa đã yêu chúng con’”.
G. Trần Đức Anh OP. & Hồng Thủy