“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2). Đây là lời chứng thực mà các Nhà Đạo sĩ đã gởi đến cho những cư dân thành Giêrusalem, loan báo với họ rằng vua Do Thái vừa được hạ sinh.
Các nhà Đạo sĩ chứng thực rằng họ đã lên đường theo một hướng khác trong cuộc đời bởi vì họ đã nhìn thấy một ánh sáng mới trên bầu trời. Chúng ta hãy dừng lại để suy tư về hình ảnh này khi chúng ta cử hành Lễ Chúa Hiển Linh trong Năm Thánh hy vọng này. Tôi muốn nhấn mạnh đến ba đặc tính của vì sao mà Thánh Mátthêu, tác giả Tin Mừng nói đến: vì sao sáng ngời, vì sao rõ hiện cho mọi người và vì sao chỉ lối.
Trước hết, vì sao sáng ngời. Nhiều vị vua vào thời Chúa Giêsu tự gọi mình là ‘những vì sao’ bởi họ thấy mình quan trọng, quyền lực và nổi danh. Tuy nhiên, ánh sáng biểu lộ phép lạ Giáng Sinh cho các Đạo sĩ chẳng thuộc bất kỳ ‘ánh sáng’ nào trong số này. Vẻ huy hoàng lạnh nhạt và giả tạo của họ, phát sinh từ những trò chơi quyền lực đầy mưu đồ, không thể làm thoả mãn những đòi hỏi của các Đạo sĩ đang tìm kiếm sự mới mẻ và niềm hy vọng. Thay vào đó, những Đạo sĩ này thoả lòng bởi một loại ánh sáng khác, được biểu trưng bằng vì sao, vốn chiếu toả và sưởi ấm người khác qua việc để chính nó bừng sáng và bị tiêu hao. Ngôi sao nói với chúng ta về ánh sáng đặc biệt đó vốn có thể cho hết thảy mọi người thấy con đường dẫn đến ơn cứu độ và hạnh phúc, cụ thể là ánh sáng của tình yêu. Đây là ánh sáng duy nhất có thể làm cho chúng ta hạnh phúc.
Trên hết, ánh sáng này chính là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã trở nên người phàm và trao ban chính mình cho chúng ta qua việc hy sinh mạng sống. Và rồi khi suy niệm, chúng ta có thể thấy rằng ánh sáng này cũng mời gọi chúng ta trao ban chính mình cho nhau, với sự trợ giúp của Người, trở nên dấu chỉ hy vọng cho nhau, ngay cả trong những đêm đen tăm tối nhất của cuộc đời. Chúng ta hãy nghĩ suy về điều này: liệu chúng ta có chiếu sáng với niềm hy vọng không? Chúng ta có thể trao ban hy vọng cho người khác với ánh sáng đức tin của mình không?
Vì sao đưa dẫn các Đạo sĩ đến Bêlem nhờ sự sáng ngời của nó. Cũng vậy, nhờ tình yêu, chúng ta có thể mang đến cho Chúa Giêsu những người mà chúng ta gặp gỡ, giúp họ nhìn thấy nơi Con Thiên Chúa làm người vẻ đẹp nơi dung mạo của Chúa Cha (x. Is 60, 2) và đường lối yêu thương của Người, vốn qua sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: Thiên Chúa gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Đây chính là tình yêu: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Hơn nữa, chúng ta có thể thực hiện điều này mà chẳng cần đến những phương tiện phi thường hoặc những phương pháp phức tạp, nhưng đơn giản bằng cách làm cho tâm hồn chúng ta trở nên ngời sáng bằng đức tin, bằng ánh nhìn chào đón khoan dung, bằng những cử chỉ và lời nói đầy nhã nhặn và tử tế.
Vì vậy, khi suy ngắm về các nhà Đạo sĩ, những người đã hướng mắt lên trời khi kiếm tìm vì sao, chúng ta hãy cầu xin Chúa hầu chúng ta có thể trở thành những ánh sáng rạng ngời có thể dẫn đưa nhau đến gặp gỡ Người (x. Mt 5, 14-16). Thật buồn biết bao khi một số người không phải là ánh sáng cho người khác.
Giờ đây, chúng ta đến với điểm thứ hai nơi đặc tính của vì sao: rõ hiện cho mọi người. Các nhà Đạo sĩ không theo những manh mối của mã bí mật, nhưng là theo vì sao mà họ thấy chiếu sáng trên bầu trời. Trong khi quan sát vì sao đó, những người khác – như Hêrôđê và các kinh sư – thậm chí không màng để ý đến sự hiện diện của nó. Tuy nhiên, vì sao vẫn luôn ở đó, có thể gần được với những ai hướng ánh nhìn lên trời để tìm kiếm dấu chỉ của niềm hy vọng. Liệu chúng ta có trở nên dấu chỉ hy vọng cho người khác không?
Điều này cũng hàm chứa một thông điệp quan trọng. Thiên Chúa không mặc khải mình cho những nhóm riêng biệt hoặc cho một số người ưu tuyển. Thiên Chúa đồng hành và hướng dẫn những ai kiếm tìm Người với tâm hồn chân thành (x. Tv 145, 18). Thật vậy, Người thường biết trước những vấn đề của chúng ta, đến để tìm kiếm chúng ta trước khi chúng ta kêu xin (x. Rm 10, 20; Is 65, 1). Vì lẽ này, trong cảnh Giáng Sinh, chúng ta phác hoạ các nhà Đạo sĩ với những đặc điểm của mọi lứa tuổi và chủng tộc: người trẻ, người trưởng thành, người già, phản chiếu nhiều người khác nhau trên địa cầu. Chúng ta làm điều này để gợi nhắc bản thân rằng Thiên Chúa tìm kiếm mọi người, luôn luôn. Thiên Chúa tìm kiếm mọi người, tất cả mọi người.
Hôm nay, chúng ta nên suy ngẫm về điều này, khi mà những cá nhân và quốc gia được trang bị với những phương tiện truyền thông hùng mạnh, nhưng xem ra lại trở nên ít sẵn lòng thấu hiểu, đón nhận và đối thoại với nhau trong tính đa dạng của họ.
Vì sao, chiếu sáng trên vòm trời và trao ban ánh sáng cho tất cả, gợi nhắc chúng ta rằng Con Thiên Chúa đã đến trần gian để gặp gỡ mọi người trên trái đất, dù bất cứ sắc tộc, ngôn ngữ hay chủng tộc nào mà họ thuộc về (x, Cv 10, 34-35; Kh 5, 9), và Người uỷ thác cho chúng ta cùng một sứ mạng phổ quát (x. Is 60, 3). Nói cách khác, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta loại bỏ bất cứ điều gì gây phân biệt, loại trừ hay vứt bỏ con người, và thay vào đó là làm thăng tiến, trong các cộng đoàn và khu vực chung quanh chúng ta, một nền văn hoá chào đón nồng nhiệt, để những nơi chật hẹp của sợ hãi và đe doạ được thay thế bằng những không gian rộng mở của đối thoại, hội nhập và sẻ chia sự sống; những không gian an toàn mà mọi người có thể tìm thấy được sự ấm áp và chỗ tựa nương.
Vì sao ở trên bầu trời không phải để giữ khoảng cách và khó tiếp cận được, nhưng là để ánh sáng của nó có thể cho tất cả mọi người thấy được, để nó có thể vươn đến mọi ngôi nhà và vượt qua mọi rào cản, mang niềm hy vọng đế những góc khuất bị lãng quên và xa xôi nhất của hành tinh này. Vì sao ở trên bầu trời để có thể tỏ cho mọi người, nhờ ánh sáng rạng ngời của nó, rằng Thiên Chúa không chối từ hoặc quên lãng bất cứ ai (x. Is 49, 15). Tại sao? Bởi vì Người là Cha mà niềm vui lớn lao nhất của Người là xem thấy con cái mình trở về nhà, quy tụ cùng nhau từ khắp nơi trên thế giới (x. Is 60, 4). Thiên Chúa ưa thích nhìn thấy con cái mình dựng xây những chiếc cầu, dọn dẹp những quang lộ, tìm kiếm những ai lạc mất và mang trên vai mình những ai đang gắng sức bước đi, để không người nào bị bỏ lại đằng sau và tất cả có thể chung chia niềm vui trong nhà Cha của mình.
Vì sao nói với chúng ta về niềm mơ ước của Thiên Chúa mà mọi người ở khắp mọi nơi, trong tất cả sự đa dạng phong phú của mình, sẽ cùng nhau tạo thành một gia đình có thể sống hoà thuận trong thịnh vượng và thái bình (x. Is 2, 2-5).
Điều này đưa chúng ta đến đặc tính thứ ba của vì sao: chỉ lối. Đây cũng là cái nhìn hữu ích, đặc biệt trong khung cảnh của Năm Thánh mà chúng ta đang cử hành, mà một trong những đặc điểm chính đó là hành hương.
Ánh sáng của vì sao mời gọi chúng ta thực hiện một hành trình nội tâm mà, như Thánh Gioan Phaolô II từng viết, giải thoát cõi lòng chúng ta khỏi mọi thứ không phải là đức ái, để “gặp gỡ Đức Kitô cách trọn vẹn, tuyên xưng niềm tin của chúng ta nơi Người và nhận lãnh lòng thương xót dư tràn của Người” (Thư liên quan đến cuộc hành hương đến những nơi gắn liền với Lịch sử Cứu độ, 29/6/1999, 12).
Bước đi cùng nhau “theo truyền thống gắn liền với cuộc truy tìm ý nghĩa cuộc sống” (x. Spes Non Confundit, 5). Qua việc nhìn vào ngôi sao, chúng ta cũng có thể làm mới lại lời cam kết trở thành những người ‘theo Đạo’, như các Ki-tô hữu được nhắc đến trong những năm tháng đầu tiên của Giáo hội (x. Cv 9, 2).
Vì thế, xin Chúa làm cho chúng ta trở nên ánh sáng dẫn đưa người khác đến với Người; xin Người làm cho chúng ta nên quảng đại, như Mẹ Maria, trao ban chính mình, ân cần và khiêm tốn bước đi cùng nhau, để chúng ta có thể gặp gỡ, nhận ra và thờ lạy Người. Được Chúa đổi mới, ước gì chúng ta đi ra để đem ánh sáng tình yêu của Người vào thế giới.
Vatican.va | Cồ Ngọc Hải dịch