Vatican.va – [Đức Phanxicô đã bày tỏ những lời cầu chúc Năm Mới của mình đối với các thành viên của Ngoại giao đoàn tại Tòa Thánh, vào Thứ Năm, ngày 9/1/2025. Ngài đã trình bày với các đại sứ, đại diện cho 184 quốc gia mà Tòa Thánh duy trì quan hệ, những định hướng về một nền ngoại giao hy vọng, được hình thành bởi bốn trụ cột của sự thật, sự tha thứ, tự do và công lý. Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh cha:]
Thưa quý bà, quý ông,
Sáng nay chúng ta gặp nhau trong một khoảnh khắc gặp gỡ mà, ngoài tính chất thể chế của nó, trước hết mang tính gia đình: một khoảnh khắc mà gia đình các dân tộc được gắn kết một cách tượng trưng bởi sự hiện diện của quý vị để trao đổi những lời cầu chúc huynh đệ, bỏ qua một bên những tranh cãi gây chia rẽ, và thay vào đó tái khám phá những gì hiệp nhất. Vào đầu năm nay, năm có tầm quan trọng đặc biệt đối với Giáo hội Công giáo, cuộc gặp gỡ của chúng ta có một giá trị biểu tượng đặc biệt, bởi vì ý nghĩa thực sự của Năm Thánh là “tạm nghỉ” khỏi chứng cuồng nhiệt đang ngày càng trở thành đặc trưng của cuộc sống hàng ngày, để nạp lại năng lượng và nuôi dưỡng bản thân bằng những gì thực sự cần thiết: tái khám phá mình là con cái Thiên Chúa và anh em trong Ngài, tha thứ những xúc phạm, nâng đỡ người yếu đuối và người nghèo, cho trái đất được nghỉ ngơi, thực thi công lý và tìm lại niềm hy vọng. Đây là điều tất cả những ai phục vụ công ích và thực thi hình thức bác ái cao cả này – có lẽ là hình thức bác ái cao nhất – tức chính trị, được kêu gọi.
Trên tinh thần này, tôi đón tiếp quý vị bằng cách trước tiên cảm ơn ngài Đại sứ Georges Poulides, Trưởng Đoàn Ngoại giao, về những lời ngài bày tỏ tình cảm chung của quý vị. Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến tất cả quý vị, biết ơn vì tình cảm và sự quý trọng mà các dân tộc và chính phủ của quý vị dành cho Tòa Thánh, và quý vị đại diện rất tốt. Các chuyến thăm của hơn 30 nguyên thủ quốc gia và chính phủ mà tôi hân hạnh được đón tiếp tại Vatican vào năm 2024, cũng như việc ký kết Nghị định thư bổ sung thứ hai đối với Thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Burkina Faso về tình trạng pháp lý của Giáo hội Công giáo ở Burkina Faso và Thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Séc về một số vấn đề pháp lý, được ký kết vào năm vừa qua, làm chứng cho điều này. Vào tháng Mười năm ngoái, Thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc bổ nhiệm các giám mục đã được gia hạn thêm 4 năm, một dấu hiệu cho thấy mong muốn tiếp tục một cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng vì lợi ích của Giáo hội Công giáo trong nước và của toàn thể dân tộc Trung Quốc.
Về phần mình, tôi muốn đáp lại tình cảm này thông qua các chuyến tông du gần đây vốn đưa tôi đến thăm các đất nước xa xôi như Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore, và các nước gần hơn như Bỉ và Luxembourg, và cuối cùng là Corse. Mặc dù rõ ràng đây là những thực tại rất khác nhau, nhưng mỗi chuyến đi đối với tôi là một cơ hội gặp gỡ và đối thoại với các dân tộc, các nền văn hóa và các trải nghiệm tôn giáo khác nhau, đồng thời mang đến một lời động viên và an ủi, đặc biệt đến những người dễ bị tổn thương nhất. Thêm vào những chuyến đi này là ba chuyến thăm tôi đã thực hiện ở Ý: Verona, Venice và Trieste.
Vào lúc khởi đầu Năm Thánh này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt tới Chính quyền Ý, quốc gia và địa phương, vì những nỗ lực đã thực hiện trong việc chuẩn bị Rôma cho Năm Thánh. Công việc không ngừng nghỉ trong những tháng gần đây đã gây ra nhiều bất tiện, giờ đây đang được đền đáp bằng việc cải thiện một số dịch vụ và không gian công cộng, để mọi người, người dân, khách hành hương và khách du lịch có thể tận hưởng nhiều hơn vẻ đẹp của Thành phố vĩnh cửu. Với người Rôma, nổi tiếng về lòng hiếu khách, tôi gửi một ý nghĩ đặc biệt, cảm ơn họ vì sự kiên nhẫn mà họ đã có trong những tháng gần đây và vì sự kiên nhẫn mà họ sẽ tiếp tục có trong việc chào đón nhiều du khách sẽ đến. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn nồng nhiệt đến tất cả các cơ quan thực thi pháp luật, bảo vệ dân sự, cơ quan y tế và tình nguyện viên đang làm việc hàng ngày để đảm bảo an ninh và vận hành suôn sẻ Năm Thánh.
Các Đại sứ thân mến,
theo lời ngôn sứ Isaia, mà Chúa Giêsu đã lấy làm của mình trong hội đường ở Nadarét vào lúc bắt đầu cuộc đời công khai của Người theo trình thuật được thánh sử Luca kể lại cho chúng ta (4, 16-21), chúng ta thấy được tóm tắt không chỉ mầu nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta vừa cử hành, mà cả mầu nhiệm Năm Thánh mà chúng ta đang sống. Chúa Kitô đã đến “loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Is 61, 1-2a).
Thật không may, chúng ta bắt đầu năm nay khi thế giới thấy mình bị chia rẽ bởi nhiều cuộc xung đột lớn và nhỏ, ít nhiều được biết đến, cũng như việc tái diễn các hành động khủng bố tàn ác, chẳng hạn như những vụ gần đây xảy ra tại Magdeburg ở Đức và tại New Orleans, Hoa Kỳ.
Ở nhiều đất nước, chúng ta cũng thấy rằng bối cảnh xã hội và chính trị, ngày càng trở nên trầm trọng hơn do sự tương phản ngày càng tăng. Chúng ta đang phải đối mặt với những xã hội ngày càng phân cực, trong đó đang âm ỉ cảm giác sợ hãi và thiếu tin tưởng chung đối với người lân cận và tương lai. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi việc liên tục tạo ra và phổ biến những tin giả vốn không chỉ bóp méo sự thật, mà còn làm méo mó lương tâm bằng cách làm nảy sinh những nhận thức sai lầm về thực tế và tạo ra bầu không khí nghi ngờ nuôi dưỡng hận thù, làm suy yếu an ninh của người dân và làm tổn hại đến việc chung sống dân sự và sự ổn định của toàn bộ các quốc gia. Các cuộc tấn công nhằm vào Tổng thống Chính phủ Cộng hòa Slovakia và chống lại Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ là những ví dụ bi thảm.
Một bầu không khí bất an như vậy thúc đẩy việc dựng lên những rào cản mới và vạch ra những đường biên giới mới, trong khi những đường biên giới khác, chẳng hạn như đường biên giới đã chia cắt đảo Síp từ hơn 50 năm qua và đường biên giới đã chia đôi bán đảo Triều Tiên từ hơn 70 năm qua, vẫn giữ nguyên hiện trạng, chia tách gia đình và chia cắt nhà cửa và các thành phố. Những biên giới hiện đại có tham vọng là những đường ranh giới bản sắc, trong đó sự đa dạng là nguyên nhân gây ra sự đa nghi, ngờ vực và sợ hãi: “Những gì đến từ đó không tạo nên sự tin tưởng, bởi vì đó là một thực tại không được biết đến, không quen thuộc, không có quyền thành quốc. Vì vậy, những rào cản mới được tạo ra để tự bảo tồn đến độ thế giới không còn tồn tại và chỉ còn thế giới “của tôi” tồn tại; đến mức nhiều người không còn được coi là con người với phẩm giá bất khả xâm phạm, và chỉ trở thành “họ””. [1] Thế nhưng, thật nghịch lý, thuật ngữ biên giới không chỉ một nơi chia tách, nhưng là nơi hợp nhất, “nơi chúng ta nhận ra mình cùng nhau” (cum-finis), nơi chúng ta có thể gặp tha nhân, biết họ, đối thoại với họ.
Lời cầu chúc của tôi trong năm mới này là Năm Thánh cũng sẽ, đối với tất cả mọi người, những người Kitô hữu cũng như những người không Kitô hữu, một cơ hội để suy nghĩ lại về những mối quan hệ ràng buộc chúng ta, với tư cách là những con người và những cộng đồng chính trị; vượt quá lôgic của sự đối đầu và trái lại chọn theo lôgic của sự gặp gỡ, để tương lai không tìm thấy chúng ta như những kẻ lang thang tuyệt vọng, nhưng là những người hành hương hy vọng, những con người và cộng đồng trên hành trình dấn thân xây dựng một tương lai hòa bình.
Mặt khác, trước mối đe dọa ngày càng cụ thể của một cuộc chiến tranh thế giới, ơn gọi của ngoại giao là thúc đẩy đối thoại với mọi người, kể cả với những người đối thoại được coi là “khó chịu” nhất hoặc những người mà người ta không coi là hợp pháp để đàm phán. Đó là cách duy nhất để phá vỡ xiềng xích hận thù và trả thù đang giam cầm, đồng thời tháo gỡ những tính cách ích kỷ, kiêu căng và ngạo mạn của con người trước nguồn gốc của mọi ham muốn hiếu chiến vốn hủy diệt.
Thưa Quý Bà và Quý Ông,
Dưới ánh sáng của những cân nhắc ngắn gọn này, sáng nay tôi muốn cùng quý vị vạch lại, dựa trên những lời của ngôn sứ Isaia, những đặc điểm của một nền ngoại giao hy vọng mà tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành những sứ giả, để những đám mây đen của chiến tranh bị cuốn đi bởi một làn gió hòa bình mới. Tổng quát hơn, tôi muốn nhấn mạnh một số trách nhiệm mà tất cả các nhà lãnh đạo chính trị phải ghi nhớ khi thực thi trách nhiệm của mình và phải được hướng tới việc xây dựng công ích và phát triển toàn diện con người.
Mang tin mừng đến cho người nghèo
Trong mọi lúc và mọi nơi, con người luôn bị thu hút bởi ý tưởng có thể tự túc, có thể tự đủ, trở thành người kiến tạo nên số phận của chính mình. Mỗi lần họ để cho mình bị chi phối bởi giả định này, họ buộc phải khám phá ra, qua những biến cố và hoàn cảnh bên ngoài, rằng mình yếu đuối và bất lực, nghèo khó và thiếu thốn, đau khổ bởi những bất hạnh về tinh thần và vật chất. Nói cách khác, họ phát hiện ra rằng mình là kẻ khốn khổ và cần một ai đó giúp họ thoát khỏi nỗi khốn khổ.
Những nỗi khốn khổ của thời đại chúng ta thì rất nhiều. Chưa bao giờ nhân loại đã biết đến nhiều tiến bộ, phát triển và giàu có đến vậy, và có lẽ chưa bao giờ nhân loại thấy mình cô đơn và lạc lõng đến thế, thường thích vật nuôi hơn trẻ em. Có một nhu cầu cấp thiết để nhận được tin mừng. Một tin mừng mà, từ viễn cảnh Kitô giáo, Thiên Chúa ban cho chúng ta vào Đêm Giáng Sinh! Tuy nhiên, mỗi người – ngay cả những người không phải là tín hữu – đều có thể trở thành những người mang tin mừng về niềm hy vọng và sự thật.
Hơn nữa, con người bẩm sinh đã có lòng khao khát chân lý. Cuộc tìm kiếm này là một chiều kích cơ bản của thân phận con người và mỗi người đều mang trong mình nỗi hoài niệm về sự thật khách quan cũng như niềm khao khát hiểu biết không thể dập tắt. Nó đã luôn như vậy, nhưng trong thời đại chúng ta, việc phủ nhận những sự thật hiển nhiên dường như đang thắng thế. Một số người dè chừng với những lập luận hợp lý mà họ coi như là công cụ trong tay của một thế lực huyền bí, trong khi những người khác tin rằng họ sở hữu một cách rõ ràng sự thật mà chính họ đã tự xây dựng, do đó miễn cho họ khỏi phải đối đầu và đối thoại với những người có suy nghĩ khác. Cả hai đều có xu hướng tạo ra “sự thật” của riêng mình bất chấp tính khách quan của sự thực. Những xu hướng này có thể được củng cố bằng các phương tiện truyền thông hiện đại và bằng trí tuệ nhân tạo, bị lạm dụng như phương tiện thao túng lương tâm vì các mục đích kinh tế, chính trị và ý thức hệ.
Tiến bộ khoa học hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực tin học và truyền thông, mang lại những lợi ích không thể phủ nhận cho nhân loại. Chúng cho phép chúng ta đơn giản hóa nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, giữ liên lạc với những người thân yêu ngay cả khi họ ở rất xa, giúp chúng ta cập nhật thông tin và nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, không được bỏ qua những giới hạn và cạm bẫy, vì chúng thường góp phần vào việc tạo ra sự phân cực, thu hẹp viễn cảnh tinh thần, đơn giản hóa thực tại, vào nguy cơ lạm dụng, lo lắng và, một cách nghịch lý, vào sự cô lập, đặc biệt thông qua việc sử dụng mạng xã hội và trò chơi trực tuyến.
Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo đang làm tăng thêm mối lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm việc làm cho hàng triệu người, tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ môi trường chống lại rác thải điện tử (e-waste). Hầu như không nơi nào trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi văn hóa rộng lớn do những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ mang lại, và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc chạy theo các lợi ích thương mại sẽ tạo ra một nền văn hóa bén rễ sâu vào chủ nghĩa tiêu thụ.
Sự mất cân bằng này có nguy cơ làm đảo lộn trật tự các giá trị vốn gắn liền với việc tạo dựng các mối quan hệ, với việc giáo dục và truyền tải các tập tục xã hội, trong khi cha mẹ, người thân và các nhà giáo dục phải vẫn là kênh truyền tải văn hóa chính; các Chính phủ nên tự hạn chế vào việc hỗ trợ họ trong trách nhiệm giáo dục của họ. Từ quan điểm này, giáo dục, với tư cách là học đọc viết ngôn ngữ truyền thông (alphabétisation des médias), nhằm mục đích cung cấp các công cụ thiết yếu để phát triển kỹ năng tư duy phê bình, nhằm cung cấp cho giới trẻ những phương tiện cần thiết cho sự phát triển cá nhân và sự tham gia tích cực của họ vào tương lai xã hội.
Do đó, nền ngoại giao hy vọng trước hết là nền ngoại giao của sự thật. Ở đâu thiếu mối liên kết giữa thực tại, sự thật và kiến thức, nhân loại không còn có thể nói hoặc hiểu nhau vì thiếu nền tảng của một ngôn ngữ chung gắn liền với thực tại của sự vật, và do đó có thể hiểu được một cách phổ quát. Mục đích của ngôn ngữ là giao tiếp, nó chỉ thành công trong chừng mực ngôn từ chính xác và ý nghĩa của các thuật ngữ được chấp nhận rộng rãi. Câu chuyện trong Thánh Kinh về Tháp Babel cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi mỗi người chỉ nói ngôn ngữ của “mình”.
Truyền thông, đối thoại và dấn thân vì công ích đòi hỏi thiện ý và tuân thủ một ngôn ngữ chung. Điều này đặc biệt quan trọng trong phạm vi ngoại giao, đặc biệt là trong bối cảnh đa phương. Tác động và sản phẩm của từng lời nói, các tuyên bố, nghị quyết và nói chung là các văn bản đàm phán đều phụ thuộc vào điều kiện này. Có một thực tế là chủ thuyết đa phương chỉ mạnh mẽ và hiệu quả nếu nó tập trung vào các vấn đề được bàn đến và sử dụng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng và ước định.
Vì vậy, thật đặc biệt đáng lo ngại trước mưu toan công cụ hóa các văn kiện đa phương – bằng cách thay đổi ý nghĩa của các thuật ngữ hoặc đơn phương diễn giải lại nội dung các hiệp ước quốc tế về nhân quyền – để thúc đẩy những ý thức hệ chia rẽ, chà đạp lên các giá trị và đức tin của các dân tộc. Thực ra, đó là một cuộc thuộc địa hóa mang tính ý thức hệ thực sự mà, theo những chương trình được hoạch định cẩn thận, cố gắng xóa bỏ những truyền thống, lịch sử và những mối liên hệ tôn giáo của các dân tộc. Đó là một não trạng, khi tự cho đã vượt qua được cái mà nó coi là “những trang đen tối của lịch sử”, sẽ tha hồ thể hiện nền văn hóa xóa bỏ. Nó không dung thứ cho những khác biệt và tập trung vào quyền lợi của các cá nhân, bỏ qua bổn phận đối với người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và mong manh nhất. [2] Trong bối cảnh này, chẳng hạn, không thể chấp nhận được khi nói đến cái gọi là “quyền phá thai” vốn mâu thuẫn với nhân quyền, đặc biệt là quyền sống. Mọi mạng sống phải được bảo vệ, mọi lúc, từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, bởi vì không có đứa trẻ nào là sai lầm hoặc có tội để tồn tại, cũng như không có người già hay bệnh tật nào có thể bị tước đoạt niềm hy vọng hoặc bị loại bỏ.
Lối tiếp cận này có những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong khuôn khổ của nhiều cơ quan đa phương. Tôi đặc biệt nghĩ đến Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, trong đó Tòa Thánh là thành viên sáng lập và đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán cách đây nửa thế kỷ dẫn đến Tuyên ngôn Helsinki năm 1975. Điều cấp bách hơn bao giờ hết là phải tìm thấy lại “tinh thần Helsinki”, nhờ đó các Nhà nước đối lập, được coi là “kẻ thù”, đã thành công tạo ra không gian gặp gỡ, và không từ bỏ đối thoại như một công cụ để giải quyết xung đột.
Ngược lại, các thể chế đa phương, hầu hết được hình thành vào cuối Thế chiến thứ hai cách đây 80 năm, dường như không còn khả năng đảm bảo hòa bình và ổn định, cuộc đấu tranh chống lại nạn đói và vì sự phát triển mà chúng được tạo ra, cũng như không đáp ứng được một cách thực sự hiệu quả trước những thách thức mới của thế kỷ XXI, như các vấn đề về môi trường, y tế công cộng, văn hóa và xã hội, cũng như những thách thức do trí tuệ nhân tạo đặt ra. Nhiều trong số đó phải được cải cách bằng cách ghi nhớ rằng bất kỳ cuộc cải cách nào cũng phải dựa trên các nguyên tắc bổ trợ và liên đới, đồng thời tôn trọng chủ quyền bình đẳng của các Nhà nước, trong khi thật đáng buồn khi ghi nhận rằng có nguy cơ “chủ nghĩa đơn tử” và sự phân mảnh thành những câu lạc bộ có cùng ý tưởng vốn chỉ để cho những người có suy nghĩ giống họ vào.
Tuy nhiên, đã và đang không thiếu những dấu hiệu đáng khích lệ ở nơi đâu có thiện chí. Tôi nghĩ đến Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị giữa Argentina và Chilê, được ký tại Thành quốc Vatican vào ngày 29 tháng 11 năm 1984, nhờ sự trung gian của Tòa Thánh và thiện chí của các Bên, đã chấm dứt tranh chấp liên quan đến Kênh Beagle. Điều này chứng minh rằng hòa bình và hữu nghị có thể thực hiện được khi hai thành viên của Cộng đồng quốc tế từ bỏ việc sử dụng vũ lực và long trọng cam kết tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế và thúc đẩy hợp tác song phương. Gần đây hơn, tôi nghĩ đến những dấu hiệu tích cực của việc nối lại các cuộc đàm phán để quay trở lại nền tảng thỏa thuận hạt nhân Iran, với mục đích đảm bảo một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Chữa lành vết thương cho những tấm lòng tan nát
Một nền ngoại giao hy vọng cũng là nền ngoại giao của sự tha thứ, có khả năng, trong thời đại xung đột công khai hoặc tiềm ẩn, nối lại các mối quan hệ bị xâu xé bởi hận thù và bạo lực, cũng như có khả năng chữa lành vết thương cho những tấm lòng tan nát của quá nhiều nạn nhân. Lời cầu chúc của tôi trong năm 2025 này là toàn thể cộng đồng quốc tế trước hết nỗ lực chấm dứt cuộc chiến từ ba năm qua gây đẫm máu, hành hạ Ucraina và gây ra nhiều nạn nhân, trong đó có nhiều thường dân. Những dấu hiệu đáng khích lệ đã xuất hiện ở phía chân trời, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng những điều kiện cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài cũng như để chữa lành những vết thương do sự xâm lược gây ra.
Tương tự như vậy, tôi nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn và thả các con tin Israel ở Gaza, nơi tình hình nhân đạo rất nghiêm trọng và thảm hại, đồng thời tôi yêu cầu người dân Palestine nhận được mọi viện trợ cần thiết. Lời cầu chúc của tôi là, người Israel và người Palestine có thể xây dựng lại những cây cầu đối thoại và tin cậy lẫn nhau, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, để các thế hệ tương lai có thể sống cạnh nhau trong hai Nhà nước, trong hòa bình và an ninh, và Giêrusalem là “thành phố của sự gặp gỡ” nơi các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo chung sống hòa hợp và tôn trọng. Tháng Sáu vừa qua, tại khu vườn Vatican, chúng ta đã cùng nhau gợi lại kỷ niệm 10 năm Lời kêu gọi Hòa bình tại Thánh Địa, vào ngày 8 tháng 6 năm 2014 trước sự hiện diện của Tổng thống Nhà nước Israel lúc bấy giờ là Shimon Peres, Tổng thống của Nhà nước Palestine, Mahmoud Abbas, và Đức Thượng phụ Bartôlômêô I. Cuộc gặp này chứng tỏ rằng đối thoại luôn luôn khả thi và chúng ta không thể nhượng bộ ý tưởng rằng sự thù địch và sự hận thù giữa các dân tộc sẽ chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng chiến tranh được thúc đẩy bởi sự phổ biến liên tục các loại vũ khí ngày càng tinh vi và có sức tàn phá cao hơn. Sáng hôm nay, tôi nhắc lại lời kêu gọi rằng “với các nguồn tài chính dành cho vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, một Quỹ toàn cầu sẽ được thành lập nhằm xóa bỏ nạn đói một lần cho tất cả, và vì sự phát triển của các nước nghèo nhất để cư dân của họ không dùng đến các giải pháp bạo lực hoặc lừa đảo cũng như không cần phải rời bỏ đất nước của mình để tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn”. [3]
Chiến tranh luôn là một thất bại! Sự liên lụy của dân thường, đặc biệt là trẻ em, và việc phá hủy cơ sở hạ tầng không chỉ là một thất bại, mà còn đảm bảo rằng kẻ thù duy nhất giành chiến thắng là sự dữ. Chúng ta hoàn toàn không thể chấp nhận việc dân thường bị đánh bom hoặc cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự sống còn của họ bị tấn công. Chúng ta không thể chấp nhận việc chứng kiến trẻ em chết vì lạnh bởi vì bệnh viện bị phá hủy hoặc mạng lưới năng lượng của một đất nước bị ảnh hưởng.
Toàn bộ cộng đồng quốc tế dường như đồng ý tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, tuy nhiên, việc luật này không thực thi đầy đủ và cụ thể đã đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu chúng ta quên mất những gì là cơ sở, nền tảng của sự tồn tại của chúng ta, của tính chất thánh thiêng của sự sống, của những nguyên tắc sinh động thế giới, thì làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng luật này có hiệu quả? Cần thiết phải khám phá lại những giá trị này và để chúng được thể hiện trong những giới luật của lương tâm công chúng để nguyên tắc nhân đạo thực sự là nền tảng của hành động. Vì thế, tôi cầu chú rằng Năm Thánh này sẽ là một thời gian thuận lợi trong đó cộng đồng quốc tế tích cực tham gia để những quyền bất khả xâm phạm của con người không bị hy sinh vì những đòi hỏi quân sự.
Nói như vậy, tôi yêu cầu chúng ta tiếp tục làm việc để việc không tuân thủ luật nhân đạo quốc tế không còn có thể xảy ra nữa. Cần có thêm những nỗ lực để đảm bảo rằng những gì đã được thảo luận tại Hội nghị quốc tế của Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ lần thứ 34, được tổ chức vào tháng Mười vừa qua tại Genève, có hiệu quả. Lễ kỷ niệm 75 năm Công ước Genève vừa được tổ chức, và điều bắt buộc là các chuẩn mực và các nguyên tắc làm cơ sở cho các Công ước này phải được áp dụng ở quá nhiều chiến trường vẫn còn công khai.
Trong số các chiến trường này, tôi nghĩ đến những xung đột khác nhau vẫn đang tồn tại trên lục địa châu Phi, đặc biệt là ở Sudan, ở Sahel, ở vùng Sừng châu Phi, ở Mozambique, nơi một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đang diễn ra, và ở các khu vực phía đông của Cộng hòa Dân chủ Congo nơi người dân bị ảnh hưởng bởi những thiếu hụt nghiêm trọng về y tế và nhân đạo, đôi khi trở nên trầm trọng hơn do tai họa khủng bố, dẫn đến thiệt mạng và khiến hàng triệu người phải di tản. Thêm vào đó là những tác động tàn phá của lũ lụt và hạn hán đang làm xấu đi những điều kiện vốn đã bấp bênh ở nhiều khu vực khác nhau ở Châu Phi.
Nhưng viễn cảnh về một nền ngoại giao của sự tha thứ không chỉ được kêu gọi để chữa lành các xung đột quốc tế hoặc khu vực. Nó trao cho mỗi người trách nhiệm trở thành người kiến tạo hòa bình để xây dựng những xã hội thực sự hòa bình, trong đó những khác biệt chính đáng về chính trị cũng như xã hội, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo tạo thành một sự phong phú, chứ không phải là nguồn gốc của hận thù và chia rẽ.
Tôi đặc biệt nghĩ đến Myanmar, nơi dân chúng đang phải chịu đau khổ nặng nề do các cuộc đụng độ vũ trang liên tục, buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa và sống trong sợ hãi.
Cũng thật đau lòng khi ghi nhận rằng vẫn còn những bối cảnh xung đột chính trị và xã hội rất gay gắt, đặc biệt là ở lục địa Châu Mỹ. Tôi nghĩ đến Haiti, nơi tôi cầu chúc rằng chúng ta có thể thực hiện những biện pháp cần thiết càng sớm càng tốt để khôi phục trật tự dân chủ và chấm dứt bạo lực. Tôi cũng nghĩ đến Venezuela và cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng mà nước này đang trải qua. Cuộc khủng hoảng này chỉ có thể khắc phục được bằng cách chân thành tuân thủ các giá trị của sự thật, công lý và tự do, bằng việc tôn trọng sự sống, nhân phẩm và quyền của mỗi người – kể cả những người đã bị bắt trong các sự kiện tiếp theo trong những tháng gần đây -, bằng việc từ chối bất kỳ hình thức bạo lực nào và, chúng ta hy vọng, bằng việc mở ra các cuộc đàm phán một cách thiện chí nhằm đến công ích của đất nước. Tôi nghĩ đến Bolivia, nơi đang trải qua một tình hình chính trị, xã hội và kinh tế đáng lo ngại; và cả Colombia, nơi tôi tin tưởng rằng sự giúp đỡ của mỗi người sẽ giúp vượt qua nhiều cuộc xung đột đang xâu xé đất nước quá lâu. Cuối cùng, tôi nghĩ đến Nicaragua, nơi Tòa Thánh, luôn sẵn sàng đối thoại một cách tôn trọng và mang tính xây dựng, đang theo dõi một cách quan ngại các biện pháp chống lại người dân và các tổ chức của Giáo hội và hy vọng rằng quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác sẽ được bảo đảm thỏa đáng cho tất cả mọi người.
Thật vậy, không có hòa bình thực sự nếu tự do tôn giáo không được đảm bảo, điều này bao hàm sự tôn trọng lương tâm của các cá nhân và khả năng thể hiện công khai đức tin của mình và việc thuộc về một cộng đồng. Theo nghĩa này, những biểu hiện ngày càng tăng của chủ nghĩa bài Do Thái, điều mà tôi cực lực lên án và đang ảnh hưởng đến ngày càng nhiều cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới, là điều rất đáng lo ngại.
Tôi không thể im lặng bỏ qua vô số cuộc đàn áp chống lại các cộng đồng Kitô hữu khác nhau thường do các nhóm khủng bố vi phạm, đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Á, cũng như những hình thức hạn chế tự do tôn giáo “tinh vi” hơn mà đôi khi chúng ta cũng gặp phải ở Châu Âu, nơi phát triển các quy tắc pháp lý và thực hành hành chính vốn “ hạn chế hoặc vô hiệu hóa một cách hiệu quả các quyền mà hiến pháp chính thức công nhận đối với các cá nhân tín hữu và các nhóm tôn giáo.” [4] Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng tự do tôn giáo là “một thành tựu của nền văn minh chính trị và pháp lý”. [5] Thật vậy, khi nó “được công nhận, phẩm giá của con người được tôn trọng tận gốc rễ, ethos (lối sống) và thể chế của các dân tộc được củng cố”. [6]
Các Kitô hữu có thể và muốn đóng góp tích cực vào việc xây dựng xã hội mà họ đang sống. Ngay cả ở những nơi họ không chiếm đa số trong xã hội, họ vẫn là những công dân đầy đủ, đặc biệt là trên những vùng đất mà họ đã sinh sống từ thời xa xưa. Tôi đặc biệt nghĩ đến Syria, sau nhiều năm chiến tranh và tàn phá, dường như đang ổn định lại. Tôi cầu chúc rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, sự đoàn kết của người dân Syria và những cải cách hiến pháp cần thiết sẽ không bị ai xâm phạm và cộng đồng quốc tế sẽ giúp Syria trở thành một vùng đất chung sống hòa bình, nơi tất cả người dân Syria, kể cả thành phần Kitô giáo, sẽ có thể cảm thấy mình là những công dân đầy đủ và tham gia vào công ích của đất nước thân yêu này.
Tương tự như vậy, tôi nghĩ đến Libăng thân yêu, hy vọng rằng đất nước này, với sự giúp đỡ quyết định của thành phần Kitô giáo, có thể có được sự ổn định về mặt thể chế cần thiết để đối mặt với tình hình kinh tế và xã hội nghiêm trọng, xây dựng lại miền nam đất nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, và thực hiện đầy đủ Hiến pháp và Hiệp định Taëf. Cầu mong tất cả người Libăng nỗ lực để bộ mặt của Xứ bá hương không bao giờ bị biến dạng bởi sự chia rẽ và luôn tỏa sáng với việc “sống chung” và vẫn là một Đất nước – thông điệp về sự chung sống và hòa bình.
Công bố tự do cho những người nô lệ
Hai nghìn năm Kitô giáo đã giúp loại bỏ chế độ nô lệ khỏi mọi hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nhiều hình thức nô lệ vẫn tồn tại, bắt đầu từ chế độ nô lệ lao động, ít được công nhận nhưng được thực hiện rộng rãi. Quá nhiều người sống như nô lệ cho công việc của mình, một phương tiện bị biến thành mục đích tồn tại của họ. Họ thường phải chịu những điều kiện vô nhân đạo về an ninh, giờ làm và tiền lương. Cần phải nỗ lực tạo ra những điều kiện lao động xứng đáng và để lao động, tự nó là cao quý và cao thượng, không trở thành một trở ngại cho sự triển nở và phát triển của con người. Đồng thời, cần phải đảm bảo rằng có các cơ hội việc làm thực sự, đặc biệt ở những nơi mà tình trạng thất nghiệp lan rộng khuyến khích lao động chui và, do đó, dẫn đến tội phạm.
Cũng có nạn nô lệ khủng khiếp cho ma túy, đặc biệt ảnh hưởng đến giới trẻ. Thật không thể chấp nhận được khi chứng kiến bao nhiêu mạng sống, gia đình và đất nước bị hủy hoại bởi tai họa dường như ngày càng lan rộng này, đặc biệt do sự xuất hiện của các loại ma túy tổng hợp thường gây tử vong, được tiếp cận rộng rãi bởi hiện tượng buôn bán ma túy đê tiện.
Trong số các hình thức nô lệ khác của thời đại chúng ta, nạn nô lệ do những kẻ buôn người thực hiện là một trong những hình thức khủng khiếp nhất: những kẻ vô đạo đức khai thác nhu cầu của hàng nghìn người chạy trốn chiến tranh, nạn đói, đàn áp hoặc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tìm kiếm một nơi an toàn để sống. Nền ngoại giao hy vọng là nền ngoại giao của sự tự do vốn đòi hỏi sự cam kết chung của Cộng đồng quốc tế để loại bỏ hoạt động buôn bán đáng khinh này.
Đồng thời, chúng ta phải quan tâm đến các nạn nhân của nạn buôn người này, chính họ là những người di cư buộc phải đi bộ hàng nghìn cây số, ở Trung Mỹ cũng như ở sa mạc Sahara, hoặc băng qua Địa Trung Hải hoặc eo biển Manche trên những chiếc thuyền tạm bợ quá tải, để rồi bị từ chối hoặc thấy mình đang lén lút ở một vùng đất xa lạ. Chúng ta dễ dàng quên rằng đây là những người cần được chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. [7]
Ngược lại, tôi vô cùng đau buồn nhận thấy rằng nạn di cư vẫn bị bao quanh bởi đám mây đen tối của sự ngờ vực, thay vì được coi là nguồn tăng trưởng. Những người di cư chỉ được coi là một vấn đề cần được quản lý. Tuy nhiên, họ không thể được đồng hóa với các đồ vật cần dọn dẹp; họ có phẩm giá và nguồn lực để cống hiến cho người khác; họ có kinh nghiệm, nhu cầu, nỗi sợ hãi, khát vọng, ước mơ, kỹ năng và tài năng của họ. Chỉ từ viễn cảnh này, chúng ta mới có thể tiến bộ trong cuộc chiến chống lại một hiện tượng vốn đòi hỏi sự đóng góp chung của tất cả các nước, đặc biệt thông qua việc tạo ra các tuyến đường thường xuyên an toàn.
Điều cần thiết vẫn là phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc di cư, để việc rời bỏ nhà mình để đi tìm một nhà khác là một lựa chọn chứ không phải là “nghĩa vụ sống sót”. Với nhãn quan này, tôi cho rằng điều quan trọng là phải cùng nhau tham gia hợp tác phát triển để giúp loại bỏ một số nguyên nhân thúc đẩy người dân di cư.
Công bố sự phóng thích cho các tù nhân
Cuối cùng, nền ngoại giao hy vọng là nền ngoại giao của công lý mà không có nó thì không thể có hòa bình. Năm Thánh là thời gian thuận lợi để thực thi công lý, tha nợ và giảm án cho tù nhân. Không có khoản nợ nào cho phép bất cứ ai, kể cả Nhà nước, đòi mạng sống của người khác. Về vấn đề này, tôi nhắc lại lời kêu gọi loại bỏ án tử hình ở tất cả các quốc gia [8] bởi vì, trong số các công cụ có khả năng sửa chữa công lý, ngày nay nó không tìm thấy sự biện minh nào.
Mặt khác, chúng ta không thể quên rằng, theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là tù nhân vì tất cả chúng ta đều là con nợ. Chúng ta là con nợ đối với với Thiên Chúa, đối với người khác và cả đối với Trái đất thân yêu của chúng ta, nơi chúng ta nhận được lương thực hằng ngày. Như tôi đã nhắc lại trong Sứ điệp hàng năm của mình nhân Ngày Thế giới Hòa bình, “mỗi người phải cảm thấy một cách nào đó chịu trách nhiệm về sự tàn phá mà ngôi nhà chung của chúng ta phải gánh chịu”. [9] Càng ngày, thiên nhiên dường như càng nổi loạn chống lại hành động của con người thông qua những biểu hiện cực đoan về sức mạnh của nó. Điều này được chứng minh bằng các trận lũ lụt tàn khốc ở Trung Âu và Tây Ban Nha, cũng như các cơn lốc xoáy tấn công Madagascar vào mùa xuân và, ngay trước Lễ Giáng Sinh, tỉnh Mayotte của Pháp và Mozambique.
Chúng ta không thể thờ ơ với điều này! Chúng ta không có quyền làm như vậy! Ngược lại, chúng ta có nhiệm vụ nỗ lực tối đa để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, ngôi nhà của những người đang sống và sẽ sống trong đó.
Trong hội nghị COP 29 ở Bakou, các quyết định đã được đưa ra nhằm đảm bảo nhiều nguồn tài chính hơn cho hành động vì khí hậu. Tôi hy vọng chúng sẽ cho phép chia sẻ nguồn lực cho nhiều đất nước dễ bị tổn thương bởi khủng hoảng khí hậu và gánh nặng nợ nần kinh tế. Với nhãn quan này, tôi kêu gọi các quốc gia giàu có nhất hủy bỏ các khoản nợ của các nước sẽ không bao giờ có thể trả được. Đó không chỉ là một hành động liên đới hay cao thượng, mà trên hết là một hành động công bằng. Ngoài ra còn có một hình thức bất bình đẳng mới mà ngày nay chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn: “món nợ sinh thái”, đặc biệt là giữa phía Bắc và phía Nam. [10]
Cũng tùy theo món nợ sinh thái này, điều quan trọng là phải tìm ra những phương cách hiệu quả để biến khoản nợ nước ngoài của các nước nghèo thành các chính sách và chương trình hiệu quả, sáng tạo và có trách nhiệm nhằm phát triển con người toàn diện. Tòa Thánh sẵn sàng hỗ trợ tiến trình này, biết rằng không có biên giới hay rào cản nào, chính trị hay xã hội, mà người ta có thể ẩn núp đằng sau đó. [11]
Trước khi kết thúc, tôi muốn bày tỏ ở đây lời chia buồn và lời cầu nguyện cho các nạn nhân và những người phải chịu đựng trận động đất xảy ra ở Tây Tạng hai ngày trước.
Các Đại sứ thân mến,
theo quan điểm Kitô giáo, Năm Thánh là thời gian ân sủng. Tôi mong muốn năm 2025 này thực sự là một năm ân sủng, giàu sự thật, sự tha thứ, tự do, công lý và hòa bình! “Niềm hy vọng được chất chứa trong trái tim mỗi người như một ước muốn và một mong đợi điều tốt lành” [12], và mỗi người đều được kêu gọi làm cho niềm hy vọng đó triển nở xung quanh họ. Đây là lời cầu chúc chân thành nhất mà tôi bày tỏ đối với tất cả quý vị, các Đại sứ thân mến, đối với gia đình của quý vị, đối với các nhà lãnh đạo và những dân tộc mà quý vị đại diện: ước gì niềm hy vọng triển nở trong trái tim chúng ta và thời đại của chúng ta tìm thấy nền hòa bình mà nó rất mong muốn.
Cảm ơn quý vị.
Tý Linh chuyển ngữ
———————————————–
[1] Thông điệp Fratelli Tutti (3/10/2020), số 27.
[2] Cf. Gặp gỡ Chính quyền dân sự, các Đại diện của các dân tộc bản địa và Ngoại giao đoàn, Citadelle de Québec, 27/7/2022.
[3] Thông điệp Fratelli Tutti, số 262 : Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (26/3/1967), số 51.
[4] Gioan-Phaolô II, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 21, 1/1/1988, số 2.
[5] Bênêđíctô XVI, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 44, 1/1/2011, số 5.
[6] Ibid.
[7] Cf. Diễn văn cho các tham dự viên Diễn đàn quốc tế « Di cư và Hòa bình », 21/2/2017.
[8] Cf. Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 58, 1/1/2025, số 11
[9] Ibid, số 4.
[10] Cf. Sắc chỉ Spes non confundit (9/5/2024), số 16 ; Thông điệp Laudato si’ (24/5/2015), số 51.
[11] Cf. Laudato si’, số 52.
[12] Sắc chỉ Spes non confundit (9/5/2024), số 1.