GPVO – Phụng vụ Lời Chúa trong lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa đánh dấu cuộc đời công khai của Chúa Cứu Thế sau ba mươi năm sống ẩn dật chuẩn bị cho sứ vụ. Đây cũng là Chúa nhật đầu tiên của mùa Thường niên, một bước khởi đầu mới cho hành trình theo Chúa của mỗi chúng ta. Thánh Luca đã mở ra một tia sáng mới để giúp ta nhận ra Chúa Giêsu thực sự là ai, và sứ vụ của Người là gì vào ngày Người chịu phép rửa tại sông Gio-đan. Chúa Giêsu chịu phép rửa là một bước đi mới của huyền nhiệm nhập thể, một phép rửa tự hạ mình xuống, tự hủy mình đi. Người là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xé trời đi xuống làm thân phận loài người, mang lấy ách đau khổ và liên đới với với tội nhân, hòa mình chịu phép rửa với toàn dân không phân biệt già trẻ, nam nữ, Hy lạp hay Do thái, nô lệ hay tự do. Một phép rửa trong tình yêu – yêu nên “cúi xuống và dìm mình” để gánh tội trần gian. Việc thanh tẩy này chính là hình bóng của bí tích rửa tội mà dân mới được lãnh nhận.
Tin Mừng thuật lại rằng khi vị tiền hô kêu gọi người ta làm phép rửa, đã có nhiều tầng lớp trong xã hội Do thái đến với ông. Thế nhưng, phép rửa này của Gioan không phải là bí tích, mà đơn thuần là cử chỉ tỏ lòng thống hối, không tất yếu phát sinh hiệu quả tha tội. Còn phép rửa của Chúa Giêsu mà Gioan nhắc đến thì lại là một bí tích: tha tội tổ tông truyền và các tội riêng cho người lãnh nhận. Chính Gioan đã khiêm hạ thú nhận rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!” Lời giới thiệu của Gioan cho chúng ta thấy thời đại cũ hay thời chuẩn bị đã chấm dứt và kỷ nguyên cứu độ đang đến. Thời khắc đổi mới đã thực sự đến khi Gioan đối diện với Chúa Giêsu trong lần gặp thứ hai. Ba mươi năm trước, khi hai bà mẹ thánh thiện tương ngộ bên nhau, lần đầu tiên Gioan được cảm biết Chúa Cứu thế trong dạ mẹ, nên ông đã nhảy lên vì vui sướng. Ngày hôm nay, sau ngần ấy năm, ông Gioan xúc động khi nhìn thấy Chúa Giêsu lại chủ động đến với mình trong tư cách là một người xin ông làm phép rửa. Một cảnh tượng thật đẹp đẽ và cao cả. Giữa sa mạc khô cằn, một dòng chảy – biểu tượng cho sự canh tân phục hồi đã được Đấng Cứu độ dìm mình xuống. Trong dòng sông Gio-đan, ý thức sứ mệnh gánh tội trần gian của mình, Chúa Giêsu đã lãnh nhận phép rửa bởi “vị ngôn sứ cuối cùng” để đại diện cả nhân loại tỏ lòng thống hối trước mặt Thiên Chúa. Hành động này đã làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha, khiến cửa trời mở ra. Chúa Cha ban Thánh Thần đến dưới hình chim câu, đồng thời công khai xác nhận: “Con là Con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về Con”. Thế là tình trạng đóng kín giữa trời và đất từ khi nguyên tổ phạm tội nay đã hé mở. Sau khi rơi xuống tận đáy cách thê thảm, con người đã không còn có thể trở về trời cao. Nay Chúa Giêsu đến làm trung gian giao hòa trời với đất, nối kết ân nghĩa giữa Thiên Chúa và loài người.
Chiêm ngắm Đấng Cứu thế cầu nguyện với Cha nơi dòng sông Gio-đan, chúng ta hiểu được thế nào là hiệp thông trong cầu nguyện. Chính trong giây phút tâm sự sâu đậm này mà Chúa Giêsu cảm nhận được đầy tràn Thánh Thần và nghe được tiếng Cha âu yếm. Nhờ đó, Người mới sẵn sàng cho sứ vụ công khai của mình. Chúa Giêsu đã nên gương mẫu cho chúng ta về việc cầu nguyện xin ơn trên và tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa trước khi bắt đầu bất cứ một sứ vụ nào. Chúng ta có thỉnh ý Thiên Chúa và xin Người trợ lực trước khi làm một việc gì hay không? Lời Chúa hôm nay thách thức chúng ta trung tín với lời mời gọi làm mọi việc vì vinh danh Thiên Chúa và gìn giữ tấm áo tinh trắng của tâm hồn trong ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa.
Maria Fiat Diệu Huyền, MTG Vinh