Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 42 đã được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, sáng ngày thứ Ba 10-4-2018, dưới sự chủ tọa của Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, (giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột – Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam) và linh mục Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký Ủy ban Thánh nhạc.
Gần 160 hội thảo viên (các linh mục trưởng ban thánh nhạc giáo phận, các vị đặc trách thánh nhạc Đại chủng viện, các dòng tu, các tu sĩ, các nhạc sĩ và các ca trưởng của 26 giáo phận) đã cùng với thuyết trình viên Tiến Linh tìm hiểu đề tài:
CÁC HÌNH THỂ ÂM NHẠC TRONG PHỤNG VỤ và TRONG GIÁO ĐƯỜNG
(xin xem Nội san Hương Trầm, số 27, phát hành ngày 10 tháng 4 năm 2018, trang 17).
Vì thời gian giới hạn, nên thuyết trình viên chỉ xoay quanh 3 hình thể âm nhạc chính yếu thường hay được sử dụng trong cử hành Thánh lễ:
1. Hình thể đáp ca (Responsorium) dùng hát đáp ca sau bài đọc 1;
2. Hình thể đối ca (Antiphona) dùng cho nhập lễ, dâng lễ và hiệp lễ;
3. Hình thể vịnh ca (Hymnus) cho các bài ca chúc tụng.
Ngoài ra còn có các hình thể khác như Alleluiaticus dùng để hát trước bài Tin Mừng, và Sequentiahát nối tiếp với Alleluiaticus.
Trong khi thuyết trình, nhạc sĩ Tiến Linh đã có những minh họa cụ thể và sinh động cho mỗi hình thể âm nhạc, không phải bằng hình ảnh trên màn chiếu mà chính là bằng giọng hát của 35 anh chị em trong Ban hợp xướng Piô X. Chính nhờ phương pháp trực quan sinh động này, thuyết trình viên đã giúp cho các hội thảo viên hiểu đúng, cũng như phân biệt được sự khác biệt giữa các hình thể âm nhạc dùng trong phụng vụ. Qua đó, các nhạc sĩ sáng tác được thổi hứng cần phải lấy bình ca (cantus planus) làm mẫu mực cho các sáng tác mới của mình.
Hội thảo Thánh nhạc lần này đã để lại và khơi lên (cho cả nhạc sĩ, lẫn ca trưởng cũng như ca đoàn) những ước mơ và thao thức phải áp dụng triệt để những hướng dẫn mục vụ thánh nhạc hầu góp phần xây dựng nền thánh nhạc Việt Nam khởi sắc hơn nữa.
UB Thánh nhạc / Hội đồng Giám mục Việt Nam