GPVO – Vào lúc 7g45’ Chúa nhật 10/1/2021, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, cộng đoàn giáo xứ Trại Gáo hân hoan chào đón Đức Giám mục Giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long viếng thăm, cử hành nghi thức làm phép trường giáo lý mới và chủ tế thánh lễ ban Bí tích Thêm sức cho 86 em trong ngày cao điểm của Tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha quản hạt Nhân Hòa Gioan B. Lê Trọng Châu, cha xứ Giuse Nguyễn Văn Hiệu, cha phó Giuse Nguyễn Văn Linh, quý cha trong và ngoài giáo hạt, quý nam nữ tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Nằm trên địa bàn xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, tân giáo xứ Trại Gáo (được Bề trên Giáo phận nâng lên hàng giáo xứ vào tháng 1/2020) là một cộng đoàn có mức độ trung bình về dân số và bề dày lịch sử. Tính đến nay, giáo xứ có hơn 1.300 giáo dân, do Lm. Giuse Nguyễn Văn Hiệu coi sóc. Nơi đây đã được nhiều người gần xa biết đến nhờ có Đền Thánh Antôn, Trung tâm hành hương của giáo phận.
Theo các vị lão thành kể lại, “vào quãng giữa thể kỷ XIX, vùng đất Trại Gáo là trang trại của Nhà Chung, dùng để trồng lúa và chăn nuôi gia súc. Cách Đền Thánh Antôn hiện nay hơn 1km về phía Đông Bắc, Nhà Chung có một kho chứa lúa. Vì thế, lúc đầu người ta gọi nơi đây là “Trại Gạo”. Nhưng với thời gian, người ta đọc trệch dần thành “Trại Gáo”.
Khi mới hình thành trang trại, nơi đây chỉ có dăm gia đình Công giáo sinh sống và làm công cho Nhà Chung. Sau một thời gian, các linh mục ở Tòa giám mục đã đưa những người nghèo khổ về đây để lao động sinh sống. Khi số tín hữu nơi đây tăng lên chừng mươi hộ, các ngài đã cất cho họ một ngôi nhà nguyện ở xóm Nhà Hốm, bên cạnh kho lúa Nhà Chung.
Vì sinh sống ở vùng ẩm thấp, nên nhiều người bị ốm đau, do đó đã có những gia đình phải dời nhà lên phía trên đồi cách đó hơn một cây số về phía Tây. Dù nơi đó rậm rạp âm u, nhưng họ hy vọng ở nơi cao ráo sẽ đỡ bệnh tật hơn.
Thấy những gia đình dời lên đồi cao được khỏe mạnh, một số gia đình khác cũng dời theo. Dần dần số dân ở trên triền núi đông hơn dưới khu vực đồng trũng.
Để các tín hữu nơi đây noi gương vị thánh “yêu chuộng sự khó khăn”, cũng như để phó thác những người nghèo đói, khổ đau cho đấng thánh “hay làm phép lạ”, các linh mục đã chọn thánh Antôn Pađôva làm Quan thầy cho giáo họ Trại Gáo. Bày tỏ niềm tôn kính và tin tưởng nơi ngài, năm 1898, các cha thừa sai đã mua một pho tượng của thánh nhân bằng thạch cao ở Pháp để đưa về lập đền thờ. Sau nhiều ngày tháng di chuyển bằng đường thủy, tượng thánh Antôn đã được đưa về Nhà Chung Xã Đoài. Về đến đây, người ta tiếp tục dùng đò để đưa tượng thánh nhân lên Trại Gáo. Khi đi đến cuối làng Thanh Hương, các tín hữu mới dùng kiệu để cung nghinh ngài về. Đi đến địa điểm Đền Thánh hiện nay, mọi người dừng nghỉ để lấy sức tiếp tục kiệu tượng lên trên đỉnh núi, nơi các cha đã định sẽ xây dựng Đền Thánh. Nhưng sau khi nghỉ xong, họ không làm sao nhấc tượng lên được. Huy động thêm người vẫn không có kết quả, ngược lại tất cả các dây khiêng đều bị đứt. Thấy dấu hiệu ấy, các vị hữu trách nhận ra ý thánh Antôn muốn xây dựng cho ngài ngôi đền tại đó. Vì vậy, các vị đã cùng với các tín hữu nơi đây dựng một ngôi đền dài 18 mét, rộng 12 mét, hoàn toàn bằng gỗ, để làm nơi tôn kính ngài.
Sau phép lạ đầu tiên đó, cũng như sau khi đền thánh được xây xong, các tín hữu về sinh sống quanh đền thánh đông hơn. Một số còn lại dưới vùng đất trũng, năm 1976 cũng được chính quyền di dời lên trên triền núi để bảo đảm sức khỏe cho họ cũng như để lấy diện tích canh tác.
Tiếng lành đồn xa. Được tin thánh Antôn hay làm phép lạ và nhất là đã thực hiện việc lạ lùng ngay khi tượng ngài được cung nghinh về đây, nhiều người dân trong khu vực, cả giáo lẫn lương, khi gặp khó khăn đều đến cầu khấn ngài. Rất nhiều người đã được Chúa ban ơn qua lời chuyển cầu của thánh nhân. Nhiều người phương xa nghe tin cũng tìm đến với thánh nhân mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn, đau ốm.
Để bày tỏ lòng tri ân về những ơn lành do thánh Antôn đã chuyển cầu cho nhiều người trong và ngoài giáo phận, cũng như để khích lệ các tín hữu đến với thánh nhân nhiều hơn, ngõ hầu được ngài bầu cử cứu giúp, đồng thời noi gương ngài trong việc mến Chúa và yêu người, Đức giám mục giáo phận đã chọn nơi đây làm trung tâm hành hương chính của giáo phận.
Trong thời gian gần đây, đặc biệt là để chuẩn bị cho Năm Thánh Kỷ niệm 110 năm Đền Thờ Antôn được xây dựng nơi đây, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã cho phép mở rộng khu vực Đền Thánh, tu sửa lễ đài và xây dựng thêm một số cơ sở cần thiết. Bây giờ cảnh quan trong cũng như ngoài sạch sẽ và thu hút hơn với cổng tam quan, lèn đá Đức Mẹ, nhà nguyện thánh Antôn, lễ đài, khu nhà hành hương… (Trích kỷ yếu mừng 170 năm thành lập Giáo phận Vinh).
Trước giờ bắt đầu thánh lễ, Đức cha Anphong đã cắt băng khánh thành và làm phép trường giáo lý mới. Sau ba tháng thi công, cùng với sự nỗ lực của giáo dân Trại Gáo và sự giúp đỡ của các ân, thân nhân trong và ngoài giáo phận, ngôi trường đã được hoàn thành với nhiều công năng: Đây vừa là nơi để học hỏi và củng cố giáo lý đức tin, vừa là nơi để mọi người lãnh nhận bí tích Giao hòa, vừa là nơi để khách hành hương từ phương xa đến nghỉ ngơi, cũng như vừa là nơi tổ chức các sinh hoạt khác của giáo xứ và giáo phận.
Trong phần khai lễ, Đức cha Anphong gửi lời chào đến tất cả mọi người hiện diện, cách riêng cộng đoàn giáo xứ Trại Gáo đã quy tụ về đây để cùng hiệp thông dâng thánh lễ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Đức cha lấy làm vui mừng vì từ nay giáo xứ có thêm một ngôi trường giáo lý khang trang, cao ráo, thoáng mát để dùng vào các mục đích tốt đẹp cho con em và các mục đích tôn giáo khác của giáo xứ. Đặc biệt, ngài hướng các em sắp lãnh bí tích Thêm sức hôm nay ý thức việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần là một hồng ân lớn lao mà các em phải đón nhận trong tinh thần khiêm hạ.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha quảng diễn về sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngang qua phép rửa của Chúa Giêsu. không như phép rửa chỉ kêu gọi con người ăn năn sám hối về lỗi lầm của mình mà ông Gioan Tẩy Giả đã làm xưa, phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa có giá trị tha tội và các hình phạt của tội và ban Chúa Thánh Thần để thánh hóa, biến đổi những ai lãnh nhận nên thánh thiện. Đó chính là Bí tích Rửa tội mà ngày nay Hội Thánh vẫn đang cử hành cho những ai muốn trở thành Kitô hữu, dù đang thơ bé chưa hiểu biết về đức tin hay đã trưởng thành và có những ước muốn, tự do chọn lựa. Bên cạnh bí tích Rửa tội, Chúa Thánh Thần còn được ban cho người Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Thêm sức, để gia tăng và củng cố ơn của bí tích Rửa tội.
Ngoài ra, Đức cha nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần ngự xuống sau khi Ngài chịu phép rửa. Các tầng trời mở ra và có tiếng Chúa Cha tuyên phán rằng đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe lời Người. (x. Mt 3, 16-17). Thật thế, Đức Giêsu đã đến thế gian để thi hành thánh ý của Chúa Cha là cứu độ hết thảy mọi người, quy tụ họ gia nhập vào cộng đoàn gia đình con cái Thiên Chúa để được hưởng hạnh phúc đích thực là Thiên Đàng. Đức Giêsu chính là con yêu dấu của Chúa Cha, Ngài luôn sống với Chúa Cha ngang qua đời sống cầu nguyện, luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha trong mọi biến cố của cuộc đời và vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết trên Thập Giá để đền bù tội lỗi của nhân loại (x. Pl2, 6-8). Noi gương Đức Giêsu, mỗi tín hữu được mời gọi trở thành những “người con yêu dấu” trong gia đình. Cách riêng là những em thiếu niên sắp lãnh nhận bí tích Thêm sức hôm nay, các em hãy trở thành những người con ngoan của Chúa, những người trò ngoan ở trường và những người con ngoan trong gia đình mình, luôn sống đẹp lòng Chúa, thực thi giới luật yêu thương “mến Chúa, yêu người”; dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, bằng sức khỏe, sức trẻ của mình các em sẵn sàng ra đi đem niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người, mọi thời và mọi nơi, trở thành những chứng nhân, những người con yêu dấu của Chúa giữa lòng thế giới.
Sau phần giảng lễ, từng 86 em lần lượt tiến lên để lãnh nhận bí tích Thêm sức, qua việc đặt tay cầu nguyện và xức dầu thánh được cử hành bởi Đức cha Anphong và cha quản hạt Gioan B. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn nâng đỡ và gìn giữ các em trong suốt hành trình sống đức tin, giúp các em biết xa lánh tội lỗi, chăm chỉ học tập, hoàn thiện nhân cách, luôn yêu thương hết thảy mọi người để xứng đáng là người Kitô hữu đích thực, người con yêu dấu của Chúa, người trò, người con ngoan của thầy, cô và gia đình.
Pet. Lê Hồ