Tìm hiểu Chương trình Giáo lý Hôn nhân của HĐGM Việt Nam – 2022

1. Được gợi hứng và soi dẫn bởi Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Ủy ban Giáo lý Đức tin (UBGLĐT) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), chương trình Giáo lý Hôn nhân (GLHN) 2022 được cấu trúc như thế nào?

Ngoài phần mở đầu (Phẩm giá và ơn gọi của con người) và kết thúc (Gia đình sống và loan báo Tin Mừng tình yêu), chương trình GLHN có bốn phần chính:

a/ Tình yêu nam nữ (giá trị và ý nghĩa của tình yêu, tính dục và hôn nhân);

b/ Tình yêu vợ chồng (tình yêu trọn vẹn, trung thành, tự do và trổ sinh hoa trái);

c/ Tình yêu được thánh hóa (ý nghĩa và cử hành Bí tích Hôn phối);

d/ Tình yêu tạo nên một gia đình (gia đình: trường dạy nhân bản, đức tin, hội nhập xã hội).

2. Tại sao chương trình giáo lý này mở đầu với đề tài Phẩm giá và ơn gọi của con người và kết thúc với đề tài Gia đình sống và loan báo Tin Mừng tình yêu?

Vì chương trình giáo lý này được xây dựng trên nền tảng con người là một nhân vị được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và có khả năng hiệp thông với những ngôi vị khác. Trong ý hướng này, hôn nhân là sự hiệp thông giữa hai ngôi vị, nhờ đó “con người thể hiện trọn vẹn chính ý nghĩa của hữu thể và sự hiện hữu của mình”[1].

Vì giáo lý nói chung và giáo lý hôn nhân nói riêng phải hướng tới việc truyền giáo để phục vụ cho công cuộc Tân phúc âm hóa (Tân Chỉ Nam 2020), và truyền giáo là mục tiêu oán cải của mọi hoạt động của hoạt động mục vụ của Giáo Hội (Niềm vui Tin Mừng)

3. Tại sao các đề tài “Giá trị và ý nghĩa của tình yêu, tính dục và hôn nhân” vốn là những chuyên đề quen thuộc trong việc chuẩn bị xa cho các bạn trẻ về hôn nhân, được lặp lại trong chương trình GLHN?

Vì đôi bạn chuẩn bị xa cho hôn nhân từ những truyền thống gia đình với những đường hướng và cách thức khác nhau, nên cả hai cần thống nhất một tầm nhìn về các vấn đề căn bản này dưới ánh sáng của đức tin Kitô giáo; nhờ đó, đôi bạn có thể  thấu hiểu và hiệp thông với nhau hơn trong đời sống hôn nhân và gia đình.

4. Tự do, trọn vẹn, trung tín, và trổ sinh hoa trái chỉ là bốn trong những đặc điểm của tình yêu vợ chồng. Vậy chúng được chọn lựa dựa trên cơ sở nào?

Chiêm ngắm Chúa Giêsu, mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa, chúng ta thấy được tình yêu đích thật được trao ban cách tự do (x. Ga 10,18), trọn vẹn (x. Lc 22,19), trung tín (x. Mt 28,20) và dẫn tới việc trổ sinh (x. Ga 14,16). Nếu tình yêu hiến tế của Người không có tự do, thì nó không còn là tình yêu nữa; nếu không trọn vẹn, thì nó chỉ là sự bắt chước nửa vời của tình yêu; nếu không trung tín, thì Người không đáng tin; nếu không có sự trổ sinh, thì chúng ta sẽ không được cứu độ. Vì thế, trong Nghi thức Hôn Phối, trước khi đôi bạn kết ước, vị chủ sự sẽ tra vấn đôi bạn về bốn đặc tính chính yếu này.

5. Tại sao chương trình giáo lý này chỉ vỏn vẹn có 12 đề tài, được khai triển trong 12 buổi Gặp gỡ Giáo lý, và mỗi buổi được tiến hành trong một giờ ba mươi phút?

Vì trong hoạt động mục vụ của các giáo xứ hiện nay, các giáo xứ thường tổ chức mỗi năm hai khóa Giáo lý hôn nhân (3 tháng/khóa) và hai khóa Giáo lý dự tòng (6 tháng/khóa). Khóa Giáo lý hôn nhân được tổ chức song song với giai đoạn dự tòng trong chương trình Giáo lý dự tòng; chẳng hạn giáo lý dự tòng được tổ chức vào thứ Hai và thứ Sáu, còn giáo lý hôn nhân được tổ chức vào thứ Tư, để các đôi bạn – nếu muốn – có thể tham dự cả hai. Ngoài 12 đề tài chính, các giáo xứ – theo nhu cầu và hoàn cảnh địa phương – vẫn có thể khai triển các đề tài trong phụ trương thành những buổi Gặp gỡ khác.

6. Tại sao các buổi học hỏi giáo lý được gọi là các buổi Gặp gỡ Giáo lý?

Trong Bản Ghi Nhớ của Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc lần thứ IV tại Tổng Giáo phận Huế vào tháng 8/2014, 237 tham dự viên đã thống nhất “đưa việc dạy giáo lý ra khỏi khuôn khổ của một lớp học”, với lối mòn của việc nghe giảng bài, học bài, làm bài, kiểm tra, đậu rớt, thưởng phạt… chủ yếu nhằm cung cấp kiến thức, để phục vụ cho mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Chúa; từ đó gặp gỡ tha nhân. Trong ý hướng này, buổi học hỏi giáo lý chuyển thành buổi Gặp gỡ Giáo lý và giáo lý viên trở thành người đồng hành, theo mẫu đồng hành của Đức Giêsu và hai môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24,13-35).

7. Một buổi Gặp gỡ Giáo lý được tiến hành như thế nào?

Trước khi tiến hành buổi gặp gỡ, người đồng hành cần nắm vững mục đích và yêu cầu trên các bình diện nhận thức, tâm tình và hành động mà buổi gặp gỡ phải đạt tới. Kế đến, người đồng hành nên suy niệm Lời Chúa và tìm hiểu giáo huấn của Giáo Hội có liên quan đến chủ đề. Sau hết, đọc ý chính và dàn ý để nắm vững nội dung cũng như cách khai triển chủ đề.

Trong phần đón tiếp và chuẩn bị cho buổi gặp gỡ giáo lý, người đồng hành có thể tập một bài hát sẽ dùng đến trong buổi gặp gỡ, nhắc lại trọng tâm của buổi gặp gỡ giáo lý trước và giới thiệu chủ đề của buổi gặp gỡ này.

Buổi gặp gỡ khởi sự với phần cầu nguyện mở đầu nhằm giúp tham dự viên đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, Đấng đã hứa rằng “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Ngài đang hiện diện giữa mọi người và sẵn sàng dấn mình vào cuộc gặp gỡ cũng như trò chuyện với từng người.

Sau đó, người đồng hành cùng với tham dự viên nhìn vào cuộc sống hay nhớ lại một kinh nghiệm có liên quan đến chủ đề; tương ứng với bước XEM trong phương pháp XEM – XÉT – LÀM.

Kế đến, dựa trên những kinh nghiệm mà các tham dự viên vừa chia sẻ, người đồng hành giúp mọi người cùng nhau suy nghĩ về sự kiện hay kinh nghiệm ấy dưới ánh sáng của lý trí cũng như dưới ánh sáng của đức tin; tương ứng với bước XÉT trong phương pháp XEM – XÉT – LÀM.

Trong bước xét dưới ánh sáng của đức tin, người đồng hành mời tham dự viên lắng nghe Lời Chúa và tìm hiểu ý nghĩa của bản văn, qua đó khám phá ra lời mời gọi của Chúa đang âm vang trong lòng.

Cuối cùng, nhờ sự hướng dẫn của Huấn Quyền, Lời Chúa càng âm vang và thôi thúc tham dự viên nghiệm lại bản thân, chấp nhận biến đổi con người và cuộc sống của mình cũng như môi trường sống cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa; tương ứng với bước LÀM trong phương pháp XEM – XÉT – LÀM.

Nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, vị Thầy của nội tâm, và của người đồng hành, mọi việc diễn ra như thể bàn tay Chúa nâng đỡ và dẫn đưa từng tham dự viên bước vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong cầu nguyện, đỉnh cao của buổi gặp gỡ.

Tiếp đến, người đồng hành nhắc lại nội dung chính của buổi gặp gỡ giáo lý được thâu tóm trong phần ghi nhớ và kết thúc buổi gặp gỡ với một kinh nguyện chung như Kinh Lạy Cha hay một bài hát bày tỏ lòng yêu mến, tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa, Đấng hằng sống và luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

8. Người đồng hành thực hiện buổi Gặp Gỡ với những bận tâm chính yếu nào?

Theo Tông Huấn, người đồng hành thực hiện buổi Gặp Gỡ với những bận tâm sau:

a/ Trình bày những điểm chính yếu và cụ thể: làm nổi bật lên mục đích kết hợp của hôn nhân, lời mời gọi triển nở trong tình yêu và lý tưởng tương trợ lẫn nhau; tránh trình bày một thứ lý tưởng thần học hôn nhân quá trừu tượng, được xây dựng hầu như nhân tạo, xa rời hoàn cảnh cụ thể và các khả năng thực tiễn của các đôi bạn (x. AL 36).

b/ Trình bày theo hướng mở ra cho ân sủng: không chỉ nhấn mạnh những vấn đề đạo lý, đạo đức sinh học và luân lý, nhưng còn khuyến khích đôi bạn mở lòng ra với ân sủng, để tình yêu của họ được củng cố và thánh hóa. Hơn nữa, cần trình bày hôn nhân như một hành trình năng động của phát triển và thực hiện, hơn là gánh nặng phải chịu đựng suốt cả cuộc đời (x. AL 37);

c/ Trình bày theo hướng đề ra con đường mang lại hạnh phúc: đừng phung phí năng lượng mục vụ cho việc lên án một thế giới suy đồi, mà ít có khả năng đề ra cho đôi bạn những con đường mang lại hạnh phúc. Hãy học với Đức Giêsu cách vừa đề xuất một lý tưởng rất đòi hỏi, vừa gần gũi và cảm thương với những con người yếu đuối (x. AL 38).

d/ Trình bày thế nào để có thể chạm tới trái tim của người trẻ: nhận ra thứ văn hóa không cổ võ cho tình yêu và sự hiến dâng, như “văn hóa tạm bợ”, “văn hóa vứt bỏ”, “lối sống tốc độ” khiến đôi bạn sợ viễn cảnh của một sự dấn thân vĩnh viễn (x. AL 39); đồng thời tìm ra những ngôn ngữ, những lý lẽ và những chứng từ thích hợp có khả năng chạm tới trái tim những người trẻ, những người có thừa khả năng sống quảng đại, dấn thân, yêu thương, thậm chí sống anh hùng, để mời gọi họ đón nhận những thách đố của đời sống hôn nhân và gia đình với cả lòng nhiệt thành và can đảm (x. AL s.40).

9. Điểm mới của chương trình Giáo Lý Hôn Nhân này là gì?

Chương trình giáo lý này không có gì mới trên bình diện nội dung, nhưng mới trong cách trình bày; trình bày thế nào để đời sống hôn nhân trở thành hấp dẫn và đáng khao khát hơn, nhờ đó các bạn trẻ nếm hưởng được niềm vui và vẻ đẹp của tình yêu trong hôn nhân và gia đình, nhiệt tâm và quảng đại dấn thân vào đời sống này.

10. Phải chăng đôi bạn chỉ cần tham dự một khóa giáo lý là đủ cho cả đời sống hôn nhân?

Một khóa học chắc chắn không đủ cho cả đời sống hôn nhân của đôi bạn. Vì thế, giáo xứ phải tiếp tục quan tâm, nâng đỡ, đồng hành, khích lệ để đôi bạn có thể vượt qua những khó khăn trong những năm đầu đời sống hôn nhân và bền vững trong giao ước hôn phối.

+====+===========================

MUA SÁCH TẠI: Văn phòng Giáo lý – Trung tâm Mục vụ Saigon, 6bis Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp,HCM. Điện thoại: 0909301963
Giá bìa 40.000đ (giá bán lẻ) – Giá ưu đãi cho các giáo xứ: 32.000đ/cuốn


[1] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tiếp kiến chung, ngày 16 tháng 01 năm 1980.

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Nguồn: Ủy ban Giáo lý Đức tin