PHẦN II: NĂM THÁNH THƯỜNG LỆ 2025
III. LỜI CỦA HY VỌNG
Câu 58. Niềm hy vọng Kitô giáo đặt nền tảng ở đâu?
Đáp: Niềm hy vọng Kitô giáo đặt nền tảng trên “tình yêu của Thiên Chúa”. Lời Chúa giúp chúng ta tìm ra những lý do cho niềm hy vọng ấy. Chúng ta hãy để cho điều Thánh Phaolô đã viết cho các Kitô hữu ở Rôma hướng dẫn chúng ta (x. Rm 5,1-2.5).
Câu 59. Điều mà Thánh Phaolô luôn nỗ lực, nhiệt thành, tận tụy mang tới cho mọi người là gì?
Đáp: Thánh Phaolô mang đến cho mọi người Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và sống lại, là lời loan báo niềm hy vọng sẽ hoàn thành lời hứa, sẽ dẫn đến vinh quang và không làm thất vọng vì có nền tảng là tình yêu.
Câu 60. Niềm hy vọng của chúng ta phát sinh bởi đâu?
Đáp: Lời của niềm hy vọng chính là Đức Giêsu Kitô. Quả thực, niềm hy vọng của chúng ta phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ Trái tim Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì yêu thương chúng ta và để cứu độ chúng ta (x. SCNT, 3)
Câu 61. Dựa vào đâu để chúng ta có thể khẳng định rằng niềm hy vọng Kitô giáo không lừa dối, không làm thất vọng?
Đáp: Dựa trên niềm xác tín rằng không có gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa: “…cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35.37-39).
Câu 62. Đâu là vai trò của Chúa Thánh Thần đối với niềm hy vọng của chúng ta?
Đáp: Chúa Thánh Thần luôn hiện diện cùng Giáo Hội lữ hành để chiếu tỏa ánh sáng hy vọng trên các tín hữu. Người giữ cho ánh sáng ấy luôn cháy như một ngọn đuốc không bao giờ tắt để nâng đỡ và ban sinh lực cho chúng ta.
Câu 63. Trên hành trình nhân sinh đầy thử thách gian nan, đức tính nào có thể giúp chúng ta vượt khó để kiên vững trong niềm hy vọng?
Đáp: Đức tính kiên nhẫn (x. SCNT, 4). Thánh Phaolô nhắn gửi: “Chúng ta tự hào trong nỗi gian khổ, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên trì; kiên trì sinh ra nghị lực; nghị lực sinh ra hy vọng” (Rm 5,3-4).
Câu 64. Đâu là những giá trị tích cực cụ thể mà đức tính kiên nhẫn mang lại cho chúng ta?
Đáp: Đức tính kiên nhẫn giúp chúng ta điềm tĩnh, không nóng vội trong một thế giới luôn hối hả căng thẳng; tránh những bạo lực vô cớ, dẫn đến sự hủy hoại bản thân và người khác. Bởi lẽ, “Tính nóng vội làm mất kiên nhẫn, gây nguy hại nghiêm trọng cho con người. Thật vậy, điều đó gây ra bất khoan dung, căng thẳng, đôi khi cả bạo lực vô cớ, dẫn đến bất mãn và khép kín” (SCNT, 4).
Câu 65. Trong cuộc lữ hành Đức tin, đức tính kiên nhẫn đóng vai trò nào về việc nuôi dưỡng niềm hy vọng?
Đáp: Kiên nhẫn chính là hoa trái của Thánh Thần, nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như một nhân đức và một lối sống. Vì thế, chúng ta hãy học cách thường xuyên xin ơn kiên nhẫn, vốn vừa là con đẻ của hy vọng lại vừa nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Câu 66. Tại sao sự kiên trì trong đức tin lại quan trọng?
Đáp: Sự kiên trì trong đức tin giúp người tín hữu vượt qua mọi thử thách và khó khăn trong cuộc sống, đồng thời củng cố lòng tin vào ơn cứu độ của Thiên Chúa và niềm hy vọng vào Người.
Câu 67. Người tín hữu có thể tận dụng Năm Thánh để đối diện với những khó khăn cá nhân như thế nào?
Đáp: Năm Thánh giúp người tín hữu đối diện với khó khăn bằng cách tìm đến Thiên Chúa qua cầu nguyện, xưng tội và xin Người ban sức mạnh để vượt qua những thách thức.
Câu 68. Tại sao Năm Thánh là cơ hội đặc biệt để chữa lành những vết thương trong cộng đoàn?
Đáp: Năm Thánh kêu gọi sự hòa giải và tha thứ, giúp các cộng đoàn hàn gắn những mối bất hòa và xây dựng lại sự hiệp nhất trong đức tin và tình yêu thương.
Câu 69. Hành trình đức tin trong Năm Thánh có ý nghĩa gì?
Đáp: Hành trình đức tin trong Năm Thánh là một cuộc hành hương thiêng liêng, giúp tín hữu tìm kiếm Thiên Chúa và cảm nhận sâu sắc tình yêu của Người, đồng thời thúc đẩy sự hoán cải và đổi mới đời sống.
Câu 70. Tại sao nói kiên trì trong đức tin của Kitô hữu là con đường của hy vọng?
Đáp: “Từ mối liên hệ giữa niềm hy vọng và sự kiên nhẫn, có thể thấy rõ rằng đời sống Kitô hữu là một con đường cần những khoảnh khắc mạnh mẽ để nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như người bạn đồng hành không thể thay thế, cho ta thoáng thấy mục tiêu là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu” (SCNT, 5).
IV. NĂM THÁNH, NHỮNG DẤU CHỈ CỦA NIỀM HY VỌNG
Câu 71. Trong Spes non confundit, chúng ta khám phá niềm hy vọng qua những dấu chỉ nào của thời đại, và những dấu chỉ ấy được nêu ở số mấy?
Đáp: Chúng ta khám phá niềm hy vọng qua các dấu chỉ:
- lòng đạo đức bình dân (số 5): Được thể hiện qua sự nhiệt thành của các tín hữu từ thời Năm Thánh đầu tiên (năm 1300), khởi đi từ hành trình ân sủng và khát vọng tha thứ;
- truyền thống hành hương (số 5): Điển hình là các cuộc hành hương đến Santiago de Compostela và các lộ trình Năm Thánh tại Rôma;
- lòng thương xót qua Bí tích Hòa giải (số 5): Năm Thánh nhấn mạnh sự hoán cải và tái khám phá nguồn hy vọng nơi bí tích này;
- sự vượt qua biên giới địa lý (số 5): Tín hữu từ khắp nơi trên thế giới cùng hành hương, chiêm ngắm vẻ đẹp thiên nhiên và nghệ thuật, kết hợp cầu nguyện và cảm nghiệm sự hiệp nhất trong đức tin.
Câu 72. Tại sao hòa bình được gọi là dấu chỉ hy vọng đầu tiên trong Năm Thánh 2025?
Đáp: Hòa bình là dấu chỉ hy vọng đầu tiên vì thế giới đang chìm trong thảm kịch chiến tranh và bạo lực. Năm Thánh nhắc nhở mọi người rằng, chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai xây dựng hòa bình sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Hòa bình không chỉ là khát vọng, mà còn là trách nhiệm chung cần nỗ lực thực hiện qua hành động và cầu nguyện (x. SCNT, 8).
Câu 73. Lời kêu cứu của các dân tộc bị đàn áp chất vấn chúng ta như thế nào?
Đáp: Lời kêu cứu của những dân tộc chịu cảnh bạo lực, chiến tranh chất vấn lương tâm mỗi người, đòi hỏi chúng ta hành động vì công lý và bác ái. Đó là lời mời gọi mạnh mẽ đến các nhà lãnh đạo thế giới để chấm dứt xung đột, ngăn chặn chết chóc và hủy diệt, đồng thời xây dựng những kế hoạch hòa bình cụ thể với lòng can đảm và sáng tạo (x. SCNT, 8).
Câu 74. Năm Thánh 2025 nhắc nhở gì về vai trò của giới ngoại giao trong việc xây dựng hòa bình?
Đáp: Năm Thánh 2025 nhấn mạnh vai trò của giới ngoại giao trong việc tạo không gian đàm phán và đạt đến hòa bình lâu dài. Họ được mời gọi với tinh thần trách nhiệm, lòng can đảm và sáng tạo để không ngừng tìm kiếm các giải pháp, tránh cho thế giới những hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh trên quy mô toàn cầu (x. SCNT, 8).
Câu 75. Hòa bình đòi hỏi mỗi người phải thực hiện điều gì trong đời sống cá nhân và cộng đồng?
Đáp: Hòa bình đòi hỏi mỗi người biết tha thứ, từ bỏ sự hận thù và xung đột trong đời sống cá nhân, đồng thời góp phần xây dựng công lý và hòa giải trong cộng đồng. Qua cầu nguyện và hành động cụ thể, chúng ta cùng nỗ lực biến khát vọng hòa bình trở thành hiện thực, như một dấu chỉ rõ ràng của niềm hy vọng Kitô giáo (x. SCNT, 8).
Câu 76. Hy vọng liên quan thế nào đến việc nhìn về tương lai và trách nhiệm truyền sinh?
Đáp: Hy vọng hướng về tương lai cần có một cái nhìn tích cực về cuộc sống và trách nhiệm chuyển trao sự sống. Đây là sứ mạng Chúa đã giao phó cho các đôi vợ chồng, để tình yêu phong phú của họ trở thành dấu chỉ mang lại tương lai và niềm hy vọng cho xã hội (x. SCNT, 9).
Câu 77. Những nguyên nhân nào khiến tỷ lệ sinh giảm ở nhiều quốc gia?
Đáp: Tỷ lệ sinh giảm là do nhịp sống căng thẳng, lo sợ về tương lai, thiếu ổn định nghề nghiệp và bảo đảm xã hội. Ngoài ra, các mô hình xã hội ưu tiên lợi nhuận hơn các mối quan hệ và sự đổ lỗi sai lầm cho gia tăng dân số thay vì chỉ trích chủ nghĩa tiêu thụ đã làm suy giảm niềm hy vọng về sự sống (x. SCNT, 9).
Câu 78. Cộng đồng Kitô giáo được mời gọi làm gì để ủng hộ niềm hy vọng về sự sống?
Đáp: Cộng đồng Kitô giáo được mời gọi xây dựng một liên minh xã hội vì niềm hy vọng, khuyến khích đón nhận sự sống và giúp đỡ các đôi vợ chồng. Liên minh này không dựa trên ý thức hệ mà trên tình yêu, nhằm tạo ra một tương lai tràn ngập tiếng cười trẻ thơ, thay thế những chiếc nôi trống rỗng (x. SCNT, 9).
Câu 79. Tại sao con người cần tìm lại niềm vui sống?
Đáp: Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa nên không thể sống chỉ để qua ngày hay hài lòng với thực tại vật chất. Niềm vui sống giúp vượt qua chủ nghĩa cá nhân, khơi dậy hy vọng, loại bỏ cay đắng và bất bao dung, để tâm hồn chan hòa với tình yêu và niềm tin (x. SCNT, 9).
Câu 80. Vai trò của cộng đồng tôn giáo và xã hội trong việc khuyến khích truyền sinh là gì?
Đáp: Cộng đồng tôn giáo và xã hội cần tạo ra sự trợ giúp mạnh mẽ, không chỉ về pháp lý mà còn cả về tinh thần, để người trẻ can đảm đón nhận trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Sự trợ giúp này thúc đẩy tình yêu phong phú và niềm hy vọng, làm nền tảng cho một xã hội tươi sáng (x. SCNT, 9).
Câu 81. Tại sao Năm Thánh lại mời gọi chúng ta trở nên dấu chỉ hy vọng cho các tù nhân?
Đáp: Năm Thánh nhắc nhở chúng ta sống lòng thương xót qua việc quan tâm đến những người khốn khó, đặc biệt là tù nhân. Họ không chỉ chịu sự giam cầm mà còn thiếu thốn tình cảm và sự tôn trọng. Việc thực hiện các hành động ân xá, giảm án, và hỗ trợ tái hòa nhập là cách để khôi phục niềm hy vọng, giúp họ nhận ra giá trị bản thân và cơ hội làm lại cuộc đời (x. SCNT, 10).
Câu 82. Lời mời gọi thực hiện ân xá trong Năm Thánh có nguồn gốc từ đâu?
Đáp: Lời mời gọi này bắt nguồn từ Thánh Kinh. Luật Môsê trong sách Lêvi (x. Lv 25,10) và tiên tri Isaia (x. Is 61,1-2) đã công bố lệnh ân xá, phóng thích cho những người bị giam cầm. Chúa Giêsu cũng khẳng định sứ vụ của Người là thực hiện năm hồng ân của Chúa (x. Lc 4,18-19), đem hy vọng đến cho những người bị áp bức và tù đày (x. SCNT, 10).
Câu 83. Giáo Hội được mời gọi làm gì cho các tù nhân trong Năm Thánh này?
Đáp: Giáo Hội, đặc biệt là các mục tử, được mời gọi lên tiếng đòi hỏi sự tôn trọng nhân quyền, cải thiện điều kiện sống trong tù, và vận động bãi bỏ án tử hình. Đây là cách thể hiện lòng thương xót, khơi dậy hy vọng cho tù nhân, đồng thời thúc đẩy công lý và hòa giải theo tinh thần Tin Mừng (x. SCNT, 10).
Câu 84. Việc mở Cửa Thánh trong một nhà tù mang ý nghĩa gì?
Đáp: Việc Đức Giáo Hoàng mở Cửa Thánh trong một nhà tù là một biểu tượng mạnh mẽ, mời gọi các tù nhân nhìn về tương lai với niềm hy vọng và quyết tâm đổi mới. Hành động này thể hiện sự gần gũi của Giáo Hội, khẳng định rằng ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, họ vẫn được yêu thương và có cơ hội làm lại cuộc đời (x. SCNT, 10).
Câu 85. Tại sao án tử hình bị xem là trái ngược với đức tin Kitô giáo?
Đáp: Án tử hình đi ngược lại đức tin Kitô giáo vì nó triệt tiêu hy vọng về sự tha thứ và cơ hội đổi đời. Đức tin dạy chúng ta rằng mọi người đều có khả năng hoán cải và được mời gọi sống lại trong ân sủng Chúa. Bãi bỏ án tử hình là biểu hiện của lòng thương xót và tin tưởng vào khả năng biến đổi của con người (x. SCNT, 10).
Câu 86. Tại sao chúng ta được mời gọi chăm sóc bệnh nhân như một dấu chỉ hy vọng?
Đáp: Chăm sóc bệnh nhân là cách cụ thể để sống lòng thương xót, mang đến hy vọng qua sự gần gũi và yêu thương. Những nghĩa cử này không chỉ xoa dịu đau khổ mà còn khơi dậy tâm tình biết ơn, giúp họ cảm nhận phẩm giá của mình. Đây cũng là cách cộng đồng thể hiện tình liên đới, trở thành khí cụ của niềm hy vọng trong cuộc sống (x. SCNT, 11).
Câu 87. Làm thế nào để chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với các nhân viên y tế?
Đáp: Chúng ta cần ghi nhận và tri ân những nỗ lực của các nhân viên y tế, những người đã kiên nhẫn và tận tụy chăm sóc bệnh nhân, dù phải đối mặt với những khó khăn trong công việc. Họ là những người góp phần nâng cao phẩm giá con người và xây dựng niềm hy vọng qua chính sự hy sinh thầm lặng của mình (x. SCNT, 11).
Câu 88. Việc quan tâm đến những người khuyết tật hoặc bệnh nhân đặc biệt có ý nghĩa gì?
Đáp: Quan tâm đến những người khuyết tật hoặc bệnh nhân là cách chúng ta tôn vinh phẩm giá con người và khẳng định giá trị của từng cá nhân. Đây là một bài ca hy vọng, kêu gọi toàn xã hội hành động hài hòa để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất, giúp họ vượt qua giới hạn và cảm nhận tình yêu thương đích thực (x. SCNT, 11).
Câu 89. Trong Năm Thánh, chúng ta có thể làm gì để trở thành dấu chỉ hy vọng cho các bệnh nhân?
Đáp: Chúng ta có thể thăm nom, lắng nghe, và chia sẻ yêu thương với các bệnh nhân, mang đến sự an ủi và hy vọng qua những nghĩa cử nhỏ bé nhưng chân thành. Đồng thời, hãy khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động cộng đồng hướng đến việc chăm sóc sức khỏe và cải thiện điều kiện sống của họ, để thể hiện rằng họ luôn được trân trọng và yêu thương (x. SCNT, 11).
Câu 90. Tại sao giới trẻ được xem là hiện thân của niềm hy vọng?
Đáp: Giới trẻ là hiện thân của niềm hy vọng vì tương lai được xây dựng trên nhiệt huyết và ước mơ của họ. Sự năng động và tinh thần dấn thân của họ, chẳng hạn như tình nguyện hỗ trợ trong các thảm họa hoặc bất ổn xã hội, cho thấy họ là sức sống và niềm vui của thế giới. Tuy nhiên, họ cần được đồng hành để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, giúp họ tìm thấy ý nghĩa và vẻ đẹp của cuộc đời (x. SCNT, 12).
Câu 91. Những thách thức nào khiến người trẻ dễ mất niềm hy vọng?
Đáp: Người trẻ dễ mất hy vọng khi ước mơ bị tan vỡ do tương lai bấp bênh, việc học không lối ra, thiếu việc làm hoặc công việc không ổn định. Những áp lực này đẩy họ vào u sầu và buồn chán, khiến họ dễ sa vào những ảo tưởng như ma túy, hành vi phạm pháp, hoặc những lối sống chóng qua, làm lu mờ vẻ đẹp và ý nghĩa cuộc sống (x. SCNT, 12).
Câu 92. Giáo Hội có thể làm gì để đồng hành cùng người trẻ trong Năm Thánh?
Đáp: Trong Năm Thánh, Giáo Hội được mời gọi truyền cảm hứng và đồng hành cùng người trẻ bằng cách gần gũi, lắng nghe và hỗ trợ họ vượt qua thách thức. Giáo Hội cần chăm sóc họ bằng tình yêu thương, hướng dẫn họ tìm thấy niềm vui và hy vọng, đồng thời khuyến khích họ khám phá sứ mạng của mình trong xã hội và Giáo Hội (x. SCNT, 12).
Câu 93. Làm thế nào để cộng đồng giúp giới trẻ giữ vững niềm hy vọng?
Đáp: Cộng đồng có thể giúp giới trẻ giữ vững niềm hy vọng bằng cách tạo môi trường tích cực cho sự phát triển của họ, như hỗ trợ giáo dục, tạo cơ hội việc làm, và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động ý nghĩa. Ngoài ra, sự quan tâm của gia đình, xã hội, và Giáo Hội sẽ giúp người trẻ vượt qua những thử thách, định hình một tương lai đầy hy vọng và tràn ngập niềm vui (x. SCNT, 12).
Câu 94. Những thách thức nào người di cư thường phải đối mặt?
Đáp: Người di cư thường phải đối mặt với chiến tranh, bạo lực, phân biệt đối xử, và sự khép kín của một số cộng đồng. Họ cũng gặp khó khăn trong việc đảm bảo an ninh, giáo dục và việc làm. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến niềm hy vọng của họ mà còn cản trở khả năng hội nhập vào bối cảnh xã hội mới (x. SCNT, 13).
Câu 95. Cộng đồng Kitô giáo có thể làm gì để hỗ trợ người di cư?
Đáp: Cộng đồng Kitô giáo được mời gọi bảo vệ quyền lợi của người yếu thế nhất, đặc biệt là người di cư. Việc mở rộng cửa đón nhận, đảm bảo phẩm giá và hỗ trợ học hành, việc làm cho họ là cách thiết thực để sống lời Chúa dạy: “Ta là khách lạ, các con đã tiếp đón Ta”. Những hành động này không chỉ giúp người di cư mà còn khẳng định tình yêu thương và lòng nhân ái của các Kitô hữu (x. SCNT, 13).
Câu 96. Làm thế nào để giữ vững hy vọng cho người di cư?
Đáp: Hy vọng cho người di cư được giữ vững khi họ không bị đối xử bằng thành kiến hoặc khép kín, mà được đón tiếp và hỗ trợ xây dựng cuộc sống mới. Đảm bảo quyền học tập, làm việc, và hội nhập xã hội là những yếu tố quan trọng. Cộng đồng cần hành động như một gia đình Kitô hữu, giúp họ thấy rằng niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn không bao giờ là điều viển vông (x. SCNT, 13).
Câu 97. Tại sao người cao tuổi cần được xem là dấu chỉ hy vọng?
Đáp: Người cao tuổi là dấu chỉ hy vọng bởi họ mang trong mình kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan, và đức tin sâu sắc, là kho báu quý giá cho các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, họ thường đối diện với nỗi cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi. Cộng đồng Kitô giáo và xã hội cần trân trọng họ, giúp họ cảm nhận giá trị của mình qua sự quan tâm và lòng biết ơn của các con cháu (x. SCNT, 14).
Câu 98. Vai trò của các ông bà nội ngoại trong việc nuôi dưỡng niềm hy vọng là gì?
Đáp: Các ông bà nội ngoại đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lại đức tin, kinh nghiệm sống, và khích lệ các thế hệ trẻ. Họ là chỗ dựa vững chắc và nguồn cảm hứng cho con cháu. Trong Năm Thánh 2025, chúng ta được kêu gọi nâng đỡ họ bằng sự yêu thương và biết ơn, để họ tiếp tục là cầu nối của sự đoàn kết và niềm hy vọng giữa các thế hệ (x. SCNT, 14).
Câu 99. Cộng đồng Kitô giáo có trách nhiệm gì đối với người cao tuổi?
Đáp: Cộng đồng Kitô giáo được mời gọi xây dựng một liên minh giữa các thế hệ, giúp người cao tuổi cảm thấy được trân trọng và yêu thương. Điều này bao gồm việc chăm sóc họ, ghi nhận những đóng góp của họ và khuyến khích mối quan hệ gần gũi giữa họ và thế hệ trẻ. Qua sự quan tâm chân thành, chúng ta góp phần khơi dậy hy vọng và ý nghĩa sống trong cuộc đời họ (x. SCNT, 14).
Câu 100. Tại sao người nghèo cần được chú ý đặc biệt trong Năm Thánh 2025?
Thưa: Người nghèo cần được chú ý đặc biệt vì họ thường thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu như nhà ở, lương thực, và sự quan tâm. Họ chịu đựng sự loại trừ và thờ ơ từ xã hội, dù thế giới có nguồn tài nguyên dồi dào. Trong Năm Thánh, chúng ta được mời gọi nhìn nhận giá trị của họ và hành động cụ thể để khôi phục niềm hy vọng, thay vì coi các vấn đề của họ như “việc tuỳ phụ” trong các quyết sách (x. SCNT, 15).
Câu 101. Chúng ta có thể làm gì để đem lại niềm hy vọng cho người nghèo?
Thưa: Để đem lại niềm hy vọng cho người nghèo, chúng ta cần quan tâm đến họ bằng những hành động cụ thể như chia sẻ của cải, tạo điều kiện việc làm và giúp họ tiếp cận các nhu cầu cơ bản. Đồng thời, cần thay đổi tư duy xã hội để không chấp nhận sự bần cùng hóa như một điều hiển nhiên, mà xem đây là trách nhiệm chung cần giải quyết trong tình liên đới (x. SCNT, 15).
Câu 102. Vì sao sự thờ ơ với người nghèo là một tai tiếng lớn?
Đáp: Sự thờ ơ với người nghèo là một tai tiếng lớn vì nó đi ngược lại đức ái Kitô giáo và tình liên đới xã hội. Trong khi tài nguyên thế giới được sử dụng lãng phí hoặc đầu tư vào vũ khí, hàng tỷ người vẫn sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Thái độ thờ ơ khiến họ tiếp tục bị gạt ra bên lề, làm xói mòn hy vọng và nhân phẩm của những con người vốn đã chịu nhiều bất công (x. SCNT, 15).
Câu 103. Làm thế nào để cộng đồng Kitô giáo trở thành dấu chỉ hy vọng cho người nghèo?
Đáp: Cộng đồng Kitô giáo trở thành dấu chỉ hy vọng cho người nghèo bằng cách thực thi bác ái cụ thể, xây dựng các chương trình hỗ trợ bền vững và lên tiếng cho quyền lợi của họ. Sự hiện diện yêu thương và hành động công bằng sẽ giúp người nghèo cảm nhận được niềm hy vọng và nhìn thấy một tương lai tốt đẹp hơn, phản ánh tinh thần Phúc Âm (x. SCNT, 15).
Câu 104. Người nghèo có vai trò gì trong niềm hy vọng Kitô giáo?
Đáp: Người nghèo là trung tâm của niềm hy vọng Kitô giáo vì Chúa Giêsu luôn hiện diện nơi họ và mời gọi chúng ta phục vụ họ như phục vụ chính Người. Qua việc quan tâm và hỗ trợ người nghèo, chúng ta không chỉ làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa mà còn tạo nên một xã hội công bằng hơn, nơi mọi người được sống xứng đáng với phẩm giá con người (x. SCNT, 15).
Câu 105. Năm Thánh 2025 nhắc nhở chúng ta điều gì về của cải trên trái đất?
Đáp: Năm Thánh nhắc rằng của cải trên trái đất không chỉ dành cho một số ít người, mà thuộc về tất cả mọi người. Những người có của cải được mời gọi nhận ra khuôn mặt của anh em mình đang cần giúp đỡ, sống quảng đại và chia sẻ. Đây là lời nhắc nhở về công bình và bác ái trong xã hội, nhằm bảo đảm không ai phải chịu cảnh đói khát hoặc thiếu thốn các nhu cầu căn bản (x. SCNT, 16).
Câu 106. Vì sao nạn đói được coi là một vết thương đáng hổ thẹn?
Đáp: Nạn đói là một vết thương đáng hổ thẹn vì nó xảy ra trong một thế giới có đủ nguồn lực để nuôi sống tất cả mọi người. Thay vì chia sẻ công bằng, tài nguyên lại bị lãng phí hoặc sử dụng vào những mục đích như chi tiêu quân sự. Nạn đói là lời mời gọi khẩn thiết thức tỉnh lương tâm toàn nhân loại để không ai bị bỏ lại phía sau (x. SCNT, 16).
Câu 107. Giáo Hội kêu gọi các quốc gia giàu có làm gì trong Năm Thánh?
Đáp: Giáo Hội kêu gọi các quốc gia giàu có nhận thức trách nhiệm của mình, không chỉ qua hành động xóa nợ cho các quốc gia nghèo, mà còn qua việc giải quyết những món nợ môi sinh. Đây không chỉ là hành động hào phóng, mà là vấn đề công lý, để khắc phục những bất bình đẳng lâu đời giữa các nước phát triển và đang phát triển (x. SCNT, 16).
Câu 108. Tại sao vấn đề xóa nợ và bất công lại được nhấn mạnh trong Năm Thánh?
Đáp: Vấn đề xóa nợ và bất công được nhấn mạnh vì đây là nguyên nhân sâu xa gây nên bất ổn và nghèo đói toàn cầu. Khi các quốc gia nghèo phải chịu những món nợ không thể trả, họ bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự lệ thuộc và bất công. Hành động xóa nợ không chỉ là cách giải quyết vấn đề kinh tế, mà còn mở đường cho hòa bình và hy vọng (x. SCNT, 16).
Câu 109. Năm Thánh mời gọi mọi người sống tinh thần nào trong việc quản lý trái đất?
Đáp: Năm Thánh mời gọi mọi người sống tinh thần quản lý trái đất như những khách trọ và ngoại kiều, bởi trái đất thuộc về Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chia sẻ công bằng, và dấn thân giải quyết các nguyên nhân của bất công để tạo ra một thế giới hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người (x. SCNT, 16).
Câu 110. Năm Thánh 2025 gắn liền với sự kiện lịch sử nào của Giáo Hội?
Đáp: Năm Thánh 2025 đánh dấu kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicêa, công đồng đại kết đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, diễn ra vào năm 325. Đây là cột mốc quan trọng trong việc duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội, định rõ thiên tính của Chúa Giêsu và sự đồng bản thể của Người với Chúa Cha, đồng thời thiết lập bản Kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng trong thánh lễ Chúa Nhật (x. SCNT, 17).
Câu 111. Công đồng Nicêa đã giải quyết vấn đề nào liên quan đến đức tin?
Đáp: Công đồng Nicêa giải quyết tranh cãi về thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, khẳng định rằng Người “đồng bản thể với Chúa Cha”. Điều này được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, thể hiện sự hiệp thông của tất cả các Giáo Hội và tín hữu. Công đồng còn nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong đức tin, là nền tảng cho việc loan báo Tin Mừng (x. SCNT, 17).
Câu 112. Công đồng Nicêa có ý nghĩa gì đối với tinh thần hiệp hành ngày nay?
Đáp: Công đồng Nicêa nhấn mạnh tinh thần hiệp hành, tập trung vào sự hiệp nhất trong Giáo Hội và sự trung thành với Tin Mừng. Năm Thánh 2025 là cơ hội để tiếp nối tinh thần đó, mời gọi mọi thành phần Dân Chúa – từ giám mục, linh mục đến giáo dân – cùng cộng tác và trở thành những dấu chỉ hy vọng, để chứng minh sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới (x. SCNT, 17).
Câu 113. Hợp nhất sự khác biệt về ngày lễ Phục Sinh ở Đông phương và Tây phương có ý nghĩa gì trong Năm Thánh?
Đáp: Sự khác biệt về ngày lễ Phục Sinh giữa các Kitô hữu Đông phương và Tây phương đã kéo dài qua nhiều thế kỷ, nhưng Năm Thánh 2025 là cơ hội quan trọng để tiến tới một ngày lễ Phục Sinh chung. Điều này không chỉ là bước tiến trong sự hiệp nhất, mà còn làm chứng cho đức tin chung vào biến cố Phục Sinh, khẳng định hy vọng vào sức mạnh của Tin Mừng (x. SCNT, 17).
Câu 114. Tại sao hiệp nhất trong lễ Phục Sinh lại quan trọng?
Đáp: Hiệp nhất trong lễ Phục Sinh là một bước quan trọng để thực hiện lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho tất cả nên một” (Ga 17,21). Khi các Kitô hữu cùng nhau cử hành lễ Phục Sinh, họ không chỉ làm chứng cho sự sống lại của Chúa, mà còn khích lệ thế giới tin rằng Thiên Chúa đã sai Con Người đến cứu độ nhân loại (x. SCNT, 17).
Câu 115. Công đồng Nicêa còn nhắc nhở chúng ta điều gì về sứ mạng của Giáo Hội?
Đáp: Công đồng Nicêa nhắc nhở rằng Giáo Hội phải không ngừng mưu cầu sự hiệp nhất hữu hình giữa các cộng đoàn Kitô hữu. Năm Thánh là cơ hội để các tín hữu cùng nhau ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi, tạ ơn Chúa Giêsu – Đấng mạc khải mầu nhiệm tình yêu – và dấn thân xây dựng sự hiệp nhất, như là lời đáp trả thiết thực cho sứ mạng truyền giáo trong thời đại hôm nay (x. SCNT, 17).
Đại Chủng viện thánh Phanxicô Xavie
———————–