Quán trọ Samari: Những ước nguyện cuối năm được chia sẻ

GPVO (19/02/2024) – Chiều 30 tết, các ngã đường của thành phố Vinh không quá tấp nập, hối hả như những ngày trước đó. Mọi người hầu như đã sắm sửa tết xong xuôi. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Các chợ cũng thưa người buôn bán. Chỉ còn một số ít tiểu thương, người bán hàng rong cố nán thêm để bán nốt mấy món hàng của ngày tết hay mong muốn tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập để mong có “cái tết ấm no”.

Từ quán trọ Samari nhìn về phía hành lang của bệnh viện Ung bướu, dù không quá tấp nập như những ngày trước, nhưng vẫn còn đó những bóng hình của các bệnh nhân. Họ phải ở lại cho những lần xạ trị. Họ cũng có thể là những người không còn chỗ nào để về…

Bước chậm rãi trên đường, với vẻ mặt buồn, như đang muốn nói hay tìm kiếm một điều gì đó, chị B., một giáo dân thuộc giáo xứ N., đã giật mình sau tiếng chào hỏi của chúng con. Nghe tiếng chào hỏi, chị ngước mắt lên, quan sát một lúc, và nói: “Có phải cha không? Con chào cha. Sao cha lại ở đây? Cha không về quê ăn tết? Cha có biết…?” Cứ như vậy, chị B. đã đặt ra nhiều câu hỏi.

Các tình nguyện viên đã mời chị vào quán trọ. Và từ đó, những tâm tình được chia sẻ: bắt đầu từ những thông tin, rồi đến những mong ước, và cả những cảm nghiệm thiêng liêng về đau khổ.

Như trút được một gánh nặng, chị đứng lên, với phích nước sôi và một chút bánh trái của ngày tết. Chị nói: “Con an tâm vì đã có nước nôi. Con tìm từ trưa tới giờ, nhưng các cửa hàng đã đóng cửa”.

Một phích nước sôi, vài chiếc bánh nhỏ trên tay, chị B. lại tiếp tục trở về bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, nơi mà người con gái 16 tuổi của chị đang được điều trị. Con gái của chị bị chảy máu não, sau một vụ tai nạn.

Và cứ như vậy, người qua kẻ lại: có người đến từ miền tây Nghệ An để chăm sóc con ở trung tâm Truyền máu Huyết học, có người đến từ Đức Thọ, Hà Tĩnh, để chăm sóc vợ và các con ở bệnh viện Sản Nhi, và có rất nhiều người từ các vùng miền khác nhau đến bệnh viện Ung Bướu… Họ đã tìm thấy được một không gian để trò chuyện, để chia sẻ. Những câu chuyện về bệnh tật, về làng quê, về cách thức đón tết, và cả về cách để chống chọi với bệnh tật đều được chia sẻ.

Đang say sưa với từng câu chuyện, chúng con được ông S. trao cho một chiếc điện thoại và nói “con trai con muốn nói chuyện với cha”. Qua cuộc gọi video, chúng con thấy bệnh nhân đang phải quấn những chiếc băng trên đầu, những vệt máu đã khô vẫn còn dính trên má. Từ bên kia, bệnh nhân trẻ xin chúng con cầu nguyện nói: “nếu được, cha cho con xin một cỗ tràng hạt”. Giữa những tiếng chia sẻ, chuyện trò của bao người, chúng con thầm thì “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện…”. Sau đó, chúng con trao vào tay người nhà của bệnh nhân một cỗ tràng hạt và thưa với Mẹ rằng “xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời…”

Tiếng xe trên phố thưa dần. Người người như đang ấm áp bên bữa ăn cuối năm với những người thân. Những giây phút cuối năm – khoảng thời gian linh thiêng và lạ lùng ấy sao mà như đang trôi một cách thật chậm, phảng phất nhiều nỗi buồn và luyến tiếc.

Từ góc phố phía sau quán trọ, cô H., một cán bộ về hưu, trên tay cầm những hộp sữa, bước vào quán với giọng nói ấm áp: “Các chú cất cất vào tủ, người bệnh nào cần, nhờ các chú trao cho họ giúp. Ngày mai cô lại ra thăm quán. Giờ cô phải về cúng ông bà”.

Và cứ thế, quán trọ như là ngôi nhà chung của bao người. Xin cho ước muốn ban đầu của quán trọ – là nơi gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ – trở nên một mái nhà thật thân thiện, dễ thương và ý nghĩa.

Ước mong cho những lời chúc của những bệnh nhân và những người nhà bệnh nhân về sự an lành, sức khoẻ, hạnh phúc và mọi sự may mắn được trở thành hiện thực.

Lm. Fx. Phan Văn Dương, AA.