GPVO (25/11/2021) – Năm phụng vụ Công giáo được tổ chức như một chu kỳ thường niên để tưởng niệm những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu và các ngày lễ của các thánh. Những mầu nhiệm này đã được hoàn tất trong thời gian của Chúa Giêsu nhưng nay vẫn tiếp tục thể hiện trong thời gian của Giáo Hội.
Theo cơ cấu hiện nay, phụng vụ Công giáo chia làm 5 mùa: Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh và Mùa Thường Niên. Đó là khoảng thời gian kéo từ Chúa nhật I Mùa Vọng cho đến trưa thứ Bảy trong tuần cuối cùng của Mùa Thường Niên (tuần XXXIV). Với thời gian này, “theo luật lệ lưu truyền: cứ mỗi mùa trong năm, Giáo Hội kiện toàn việc huấn luyện các tín hữu bằng những việc lành hồn xác, bằng việc giảng dạy, lời cầu nguyện, việc sám hối và các việc bác ái.”[1]
Mùa Vọng và việc cử hành
Mùa Vọng là mùa đầu tiên của năm phụng vụ. Mùa Vọng gắn liền với Mùa Giáng Sinh, gồm 4 Chúa nhật (kéo dài 4 tuần lễ).[2] Tùy từng năm, Mùa Vọng bắt đầu sớm nhất vào ngày 27/11 và muộn nhất vào ngày 3/12.
Nếu như trong Mùa Giáng Sinh, con cái Giáo Hội chiêm ngắm Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm Thiên Chúa làm người (mầu nhiệm Giáng Sinh) và mầu nhiệm Người tỏ mình là Thiên Chúa (Hiển Linh) thì 4 tuần lễ Mùa Vọng được hướng về hai lần ngự đến của Chúa Kitô (x. GLHTCG số 542).
Bởi đó, phụng vụ Mùa Vọng gồm hai phần liên hệ mật thiết với nhau. Phần thứ nhất, từ Chúa Nhật I Mùa Vọng đến ngày 16/12, phụng vụ nói lên sự mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời gian, nghĩa là hướng về việc Chúa đến lần thứ hai. Như thế, luôn có sự tiếp nối giữa Mùa Thường Niên và Mùa Vọng, vì Mùa Thường Niên được kết thúc bằng những bài Tin Mừng nói tới thời cánh chung và việc cử hành lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Phần thứ hai gồm 8 ngày cuối cùng (từ ngày 17 đến 24), phụng vụ trực tiếp nói tới ngày sinh nhật của Người.
Các Chúa nhật trong Mùa Vọng không đọc kinh Vinh Danh.[3] Điều đó không có ý nói rằng Mùa Vọng mang đặc tính đền tội của Mùa Chay nhưng là để bài ca của các thiên thần được coi như là một tiếng hát mới mẻ ngân vang trong đêm Giáng Sinh.
Lễ phục truyền thống của Mùa Vọng là màu tím nhưng vào Chúa nhật III có thể sử dụng màu hồng và được gọi là “Chúa nhật Hồng” bởi diễn tả niềm vui Chúa đến.[4]
Mùa Vọng, mùa của niềm hân hoan trông đợi
Trước đây, Mùa Vọng được xem là mùa sám hối, mùa để đền tội. Tuy nhiên, theo tinh thần canh tân của Công đồng Vaticanô II thì Mùa Vọng không còn là mùa sám hối nữa, mà là mùa hân hoan trông đợi. Quy luật tổng quát về năm phụng vụ và niên lịch nói rõ: “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Với hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi.”[5]
Trong Mùa Vọng, chúng ta hân hoan đón mừng Vị Cứu Tinh đến để giải thoát nhân loại khỏi nô lệ tội lỗi và với lòng trông cậy ở Đấng Cứu Thế, chúng ta sống trong niềm hy vọng tràn trề. Điều đó thật đúng trong bối cảnh Covid 19, hơn lúc nào hết, nhân loại đang mong chờ Ngôi Hai ngự đến, để mang lại ơn cứu độ và sự giải thoát.
Hiểu như thế, người tín hữu cùng chung tâm tình với toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, cử hành một mùa phụng vụ đầy ý nghĩa, như niềm xác tín của Công đồng Vaticanô II: “Khi cử hành những mầu nhiệm cứu độ, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp phong phú của Chúa, nhờ đó những mầu nhiệm này có thể nói là được hiện tại hóa qua mọi thời đại, các tín hữu được tiếp xúc với các mầu nhiệm và được đầy tràn ơn cứu rỗi.”[6]
Giuse Nguyễn Văn Lâm
ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê
Chú thích:
[1] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 105.
[2] X. Quy luật tổng quát về năm phụng vụ và niên lịch, 1969, số 41.
[3] X. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, 2000, số 53.
[4] X. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, 2000, số 346 d, f.
[5] Quy luật tổng quát về năm phụng vụ và niên lịch, 1969, số 39.
[6] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 102.