Vatican News (22.10.2021) – “Trọng tâm của Ngày Thế giới Truyền giáo là kinh nghiệm của vô số nhà truyền giáo, những người chia sẻ với người khác câu chuyện tình yêu của chính họ với Chúa Giêsu”, ĐHY Tagle nói trong cuộc họp báo.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Vatican hôm 21/10 để chuẩn bị cho Ngày Thế giới Truyền giáo 24/10, ĐHY Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, nói với các nhà báo rằng, sứ mạng truyền giáo của Giáo hội không chỉ thuộc về một số ít người được chọn, mà đây là “lời kêu gọi dành cho tất cả những người đã được Rửa tội.”
Đức Hồng y nói: “Linh đạo và cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu luôn mang tính truyền giáo. Tương quan với Chúa Giêsu là một kinh nghiệm thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình để chia sẻ Chúa Giêsu với mọi người.”
Ai là nhà truyền giáo? Họ là bất cứ ai “kể ‘câu chuyện tình yêu’ đã sống với Chúa Giêsu và mang lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đến cho thế giới”. Do đó, Đức Hồng y nhấn mạnh: “chúng ta không thể giữ cho riêng mình cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng đã chạm đến trái tim của chúng ta và Đấng đã làm nên những công trình kỳ diệu.”
Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay được lấy từ sách Công vụ Tông đồ: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20).
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói rằng, đời sống đức tin của một người “ngày càng yếu, mất đi sức mạnh ngôn sứ và khả năng khơi dậy sự kinh ngạc và lòng biết ơn khi chúng ta trở nên cô lập và rút lui thành những nhóm nhỏ.” Nhưng ngược lại, “tự bản chất, đời sống đức tin đòi hỏi một sự cởi mở ngày càng tăng để đón nhận mọi người, ở mọi nơi.”
ĐHY Tagle nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha và nói rằng: “cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và Tin Mừng của Người làm chúng ta mở ra và hiệp thông với người lân cận”.
“Kinh nghiệm về Đức Kitô không xây lên những bức tường ngăn cách chúng ta với những người khác, nhưng đẩy chúng ta về phía người khác với niềm vui, không phải như những kẻ chinh phục theo nghĩa chiến thắng, nhưng là chia sẻ sự tốt lành về những gì chúng ta đã thấy, đã nghe và đã kinh nghiệm được,” Đức Hồng Y Tagle nói.
Khi được hỏi về những thách đố mà các nhà truyền giáo phải đối mặt trong đại dịch, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ trong các nỗ lực loan báo Tin Mừng của Giáo hội, ĐHY Tagle cho biết, ngài “biết ơn những tiến bộ trong công nghệ” vì nó cho phép mọi người tham dự các buổi phụng vụ trực tuyến và tham gia các chương trình học Kinh Thánh.
Tuy nhiên, Đức Hồng Y cũng nói rằng, Giáo hội và các nhà truyền giáo cũng không quên rằng, việc phụ thuộc vào công nghệ cũng có những mặt trái của nó.
Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta là những hữu thể với thân xác, chúng ta cần tiếp xúc. Khi những người trẻ của chúng ta đang phát triển trong thế giới gọi là trí tuệ nhân tạo, trí thông minh ảo, thì chúng ta, nơi Giáo hội, được mời gọi phát triển các loại trí thông minh khác”.
Văn Yên, S.J