GPVO (29/02/2024) – Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa phú bẩm cho chúng ta nhiều đặc ân siêu việt cùng với khả năng tìm kiếm Đấng Tạo Hóa là cứu cánh, hiểu theo nghĩa xuất phát (raditus) và đích điểm (exitus) của mọi thụ tạo (x. Thomas d’Aquin, Tổng luận Thần học, I,II,q.7.a.1). Vì thế, mọi thực hành của các tôn giáo hướng con người về thần linh xét cho cùng thì cũng chỉ là hành vi tìm về với Thiên Chúa là nguồn cội. Trong khi thực hành niềm tin, các tôn giáo dù khác nhau vẫn có những điểm tương đồng và chuỗi thánh đức “cầu nguyện, ăn chay và bố thí” được xem như là mẫu số chung của các tín đồ dẫu khác niềm tin. Tuy vậy, mỗi tôn giáo sẽ khoác vào mình một tinh thần riêng biệt. Dưới lăng kính đức tin Kitô giáo, người viết xin được dừng lại ở một số điểm chính để đối chiếu nền tảng Tin Mừng, Giáo huấn của Hội thánh với thực trạng sống đạo qua việc cầu nguyện, ăn chay và bố thí của các tín hữu trong thời đại hôm nay.
Cầu nguyện – Chiều kích hướng thượng
Trước hết, cầu nguyện là cột trụ tâm linh giúp con người thiết lập mối tương quan cũng như sự liên lạc trực tiếp đối với Thiên Chúa. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo định nghĩa cầu nguyện là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người có khả năng đáp trả lại tình yêu của Ngài, Ðấng đã đi bước trước đến gặp gỡ họ. Qua đó, cầu nguyện là một sự liên kết sống động, một cuộc chuyện trò thân tình giữa cá nhân mỗi người với Thiên Chúa” (số 2558, 2565). Phải chân nhận rằng cầu nguyện hệ tại đến tình trạng sinh tử của linh hồn bởi vì nó được ví như hơi thở nhịp tim và như lương thực thần thiêng nuôi dưỡng đời sống tâm linh; qua cầu nguyện, con người được Thần Khí hướng dẫn và nhận lãnh ân sủng mà thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống. Như vậy, cầu nguyện làm nên căn tính và biểu tỏ tình con thảo của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa là Cha. Chính Đức Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo và thầy dạy cho con người về đời sống cầu nguyện trong thinh lặng, khiêm tốn, tín thác, hướng thượng và vâng phục (Mt 6,5-15; Mc 11,25; Lc 11,2-4).
Thế mà, nhìn vào thực tế, nhiều người ngày nay chẳng còn khao khát, xem thường và thậm chí lãng quên cầu nguyện, dẫn đến tình trạng mất liên lạc với Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Thiếu bầu khí cầu nguyện, người ta sống phóng túng theo bản năng và lý trí tự nhiên, sống như không bao giờ phải chết và họ như đã chết khi đang còn hơi thở (trên bình diện luân lý và ân sủng). Cách riêng, với người trẻ, chủ nghĩa cá nhân và những lý luận thực nghiệm nơi đời sống đã trở nên biểu hiện của lạc thuyết ngộ đạo mới (neo-gnosticismo), tức là chủ trương ơn cứu độ thuần túy nội tâm, hệ tại việc tự hoàn thiện bản thân, cậy dựa vào sức mạnh tri thức; và lạc thuyết Pelagiô thời hiện đại tức là không nhìn nhận giới hạn của bản thân, chẳng cần quyền năng của Thiên Chúa (Gaudete et Exsultate, số 36-51). Bên cạnh những trào lưu ấy thì cũng có rất nhiều tín hữu đi nhà thờ đọc kinh để cho thiên hạ thấy “cái nhãn mác có đạo” mà thiếu đi chiều sâu nội tâm, một số chỉ tìm đến bên Chúa lúc gặp đau khổ còn khi đi ra xã hội thì họ làm ngơ như không biết Thiên Chúa là ai. Thay vì luôn luôn hiện hữu như là con cái Chúa thì họ trở thành những Kitô hữu “bất thình lình hay đột ngột”. Ở một số nơi, người ta còn biến tướng các hành vi cầu nguyện dẫn đến sự thờ phượng lệch lạc, gây nhiễu loạn tinh thần của người dân và đánh mất vẻ đẹp thánh thiêng của cầu nguyện.
Ăn chay – Chiều kích hướng nội
Thứ đến, ăn chay là một hành vi đem đến sự quân bình và hài hòa trong nội tại của mỗi người nhờ sự trợ lực của Thiên Chúa thông qua sức mạnh của đời sống cầu nguyện. Nhờ việc kiêng khem ăn uống mà Giáo hội mời gọi con cái đi vào ăn chay nội tâm, làm chủ thân xác, tháo cởi xiềng xích tham-sân-si và giảm bớt chi tiêu để chia sẻ với những anh chị em túng thiếu. Lúc ăn chay, con người phó dâng cho Thiên Chúa sự khổ chế của các quan năng, tức là từ chối các đam mê xác thịt, kể cả những nhu cầu chính đáng để tôn vinh chủ quyền của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Ăn chay làm cho tâm hồn thanh đạm, biết sống tiết độ, không tham lam; điều quan trọng là tu sửa tâm tính, nuôi dưỡng hạt mầm phẩm hạnh, làm giàu cảm xúc yêu thương và kiêng cữ sự dữ. Tựu trung lại, việc ăn chay rất quan trọng trong đời sống đạo giúp người tín hữu mở rộng tương quan với chính mình để tăng trưởng tình yêu với Thiên Chúa.
Ngày nay, tinh thần ăn chay của người Công giáo xem ra đã bị lạm dụng và thường hướng chiều về những hành vi tiêu cực. Có những người ăn chay chỉ vì mục đích được khen là đạo đức, họ làm ra vẻ thiểu não cốt để làm sao cho mọi người biết mình là người nghiêm chỉnh giữ chay. Điều này trái ngược với lời dạy của Chúa Giêsu là phải ăn chay kín đáo (Mt 6,16-18). Lại có những người ăn chay chỉ vì vụ luật hay sợ Chúa phạt. Cũng có những người tính toán ăn uống trước ngày ăn chay hoặc nằm chờ cho qua thời gian luật định, sau đó nhậu nhẹt hả hê. Đi sâu hơn nữa, một loại chay tịnh quan trọng mà người Công giáo cũng đang coi thường đó là giữ chay lời nói và tâm trí. Thay vì dùng ngôn từ giao tiếp hay lời bình phẩm trên mạng xã hội để bắc những nhịp cầu yêu thương, thăng tiến phẩm giá thì người ta lại nhuốm đen tâm hồn mình, gieo rắc hoang mang và nghi kỵ, xúc phạm đến danh dự và hủy hoại cuộc đời người khác. Có lẽ, lời khiển trách năm xưa của Chúa Giêsu cũng đang vang lên từng giây phút mời gọi chúng ta thay đổi cung cách chay tịnh của mình.
Bố thí – Chiều kích hướng tha
Bố thí được xem như là hoa quả của hành vi cầu nguyện đi kèm với ăn chay và làm nên vẻ đẹp đức ái Kitô giáo. Khi đã gặp được Thiên Chúa, tìm thấy chính mình thì người ta được thôi thúc trao gửi tình yêu bằng hành động cụ thể đến với tha nhân. Bố thí không chỉ giới hạn theo nghĩa chặt là trao tặng của cải vật chất nhưng còn được mở rộng theo chiều kích cho đi tri thức, kinh nghiệm, niềm vui, nụ cười, những nghĩa cử nhân văn và cao cả nhất là cho đi cuộc đời của mình. Theo nghĩa này, bố thí diễn tả hình ảnh một Thiên Chúa chạnh lòng thương và tự hủy vì hạnh phúc con người, biểu lộ chiều kích hiệp thông với cuộc thương khó của Chúa Giêsu (x. Mt 26,11), đem đến cho mình và tha nhân ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã trút bỏ mọi vinh quang để “trao ban” sự sống cho nhân loại; qua đó, Người đã dạy chúng ta biết sống vì và sống cho nhau. Người cũng tận tình bày vẽ cho chúng ta cách bố thí có công phúc trước mặt Thiên Chúa là “đừng để tay trái biết việc tay phải làm”, có nghĩa là phải khiêm tốn, âm thầm trong lòng, không tìm tự mãn, tự hãnh diện về thành quả của bản thân (x.Mt 6,1-4). Vì lẽ đó, chúng ta đừng bao giờ biến bố thí thành kiểu cho đi vì thương hại hay để rửa tiền, chạy tội cho bản thân, bởi như thế là chúng ta đang “bóp méo sự tinh tuyền của tình yêu và cũng chính là dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa”. Trong xã hội hôm nay, thay vì làm việc bố thí để lớn lên trong đức ái và nhận ra chính Chúa Kitô nơi người nghèo thì người ta xem nó như là “sân chơi” để cho cái bả danh vọng có cơ hội bộc phát. Nhiều người đi làm bác ái mà lại khua chiêng gõ trống, đăng hình để đánh bóng tên tuổi của mình, câu like, cầu lợi, vô tình làm tổn thương và xúc phạm đến những người mình giúp đỡ. Và còn đó nhiều âm mưu đen tối ẩn nấp dưới hình hài của bố thí mà chúng ta cần phải tỉnh thức để loại bỏ.
Tóm lại, khi thực hiện cuộc viễn kiến đi sâu vào ba cột trụ tâm linh “cầu nguyện, ăn chay và bố thí”, chúng ta mới thấy được những trái khuấy ẩn chứa trong hiện tình mà đã đi quá xa so với nền tảng nguyên thủy Kitô giáo. Mặc dù, vẫn còn đó nhiều tâm hồn thủ đắc được sự thánh thiện nhờ thực hành ba cột trụ này nhưng thực tế vẫn khiến ta xót xa đau lòng. Không chỉ là giáo dân, mà sự tục hóa các hành vi thờ phượng này cũng đã len lỏi sâu vào đời tu. Nhiều tu sĩ vì bỏ quên, vì hời hợt không thực hành nghiêm túc nên đã gây gương mù gương xấu, bất hạnh trong đời tu, thậm chí là sa lầy, đứt gánh giữa đường. Thiết nghĩ, trong bối cảnh Giáo hội hiệp hành hôm nay, tất cả chúng ta, dù đang sống ở bậc nào cũng nên quay về với căn tính Kitô hữu qua chuỗi thánh đức quý giá này để nhờ sức mạnh hướng thượng, hướng nội và hướng tha mà cuộc đời chúng ta được mở ra tới những chân trời xa xăm diệu vời của những giá trị thường hằng bất biến. Đây cũng chính là “điểm phản tỉnh” để người viết khởi đi từ bản thân mình và cố gắng lan tỏa đến những người xung quanh.
Maria Diệu Huyền, MTG Vinh