Học viện Liên dòng tổ chức chuyên đề: Hội nhập văn hóa trong hôn nhân và gia đình Việt Nam

GPVO (24/02/2024) – Sau Công Đồng Vaticanô II, công việc mục về hôn nhân và gia đình đã phát triển không ngừng trong toàn thể Giáo hội nói chung, cách riêng tại Việt Nam. Đây là một lãnh vực được xem còn khá mới mẻ trong các môi trường đào tạo công giáo tại Việt Nam. Nhận thấy sự cần thiết cho hành trang mục vụ của các học viên, Ban Điều hành Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tổ chức chuyên đề Hội nhập văn hóa trong hôn nhân và gia đình Việt Nam, do linh mục Augustinô Nguyễn Văn Dụ, tiến sĩ thần học về hôn nhân và gia đình, trình bày.

Đúng 14h00’, ngày 23/02/2024, Học viện hân hoan chào đón sự hiện diện của cha giảng huấn, Ban Điều hành Học viện, quý Bề trên các Hội dòng và Hiệp hội, quý thầy tiền chủng sinh và quý cựu học viên về tham dự chương trình.

Sau giây phút cầu nguyện, cha Giám đốc Phaolô Nguyễn Thiện Tạo có lời chào đến cha giảng huấn, quý Bề trên và các tham dự viên. Với trách nhiệm của người đứng đầu Học viện, ngài nhắn nhủ đến các Học viên “hãy biết tích lũy tri thức để làm hàng trang cho việc làm chứng Tin Mừng trong thời đại hôm nay qua mục vụ hôn nhân và gia đình”.

Tiếp theo chương trình, khởi đi từ Huấn Quyền của Hội Thánh cũng như tư tưởng của các thần học gia, cha giảng huấn Augustinô Nguyễn Văn Dụ, đã sử dụng kiến thức chuyên môn cuả mình và khéo léo trình cho các học viên nhận thấy được tầm quan trọng của lời mời gọi mà Mẹ Hội Thánh đang hướng tới các nền văn hóa khác biệt tại các Giáo Hội địa phương ngang qua mục vụ hôn nhân gia đình. Ngài nhấn mạnh: “Giáo Hội đã và đang nỗ lực duy trì mối liên hệ với hết mọi nền văn hóa. Ngay từ buổi ban đầu, Tin Mừng đã được rao giảng và đức tin đã được thực hành trong mạch văn hóa đa dạng và dị biệt: nền văn hóa Palestin-Aramien, nền văn hóa Do Thái lưu đày, văn hóa Hi Lạp, v.v.. Đó là nhịp tiến chung của Giáo Hội, cách chung ở Đông Phương và trong đề tài của chúng ta, ngay cả ở Việt Nam”. Hơn thế nữa, vấn đề hội nhập văn hóa trong định chế hôn nhân và gia đình cần được nhìn nhận một cách mới mẻ, vì: “Hôn nhân và gia đình là gốc rễ hình thành xã hội. Hôn nhân và gia đình cũng là nhựa sống nuôi dưỡng các giá trị văn hóa xã hội, cho nên phải đi từ định chế gia đình, để biến đổi và kiện toàn văn hóa qua việc dùng Lời Chúa để thấm nhập vào nền văn hóa. Trong thể thức ấy, người ta đi từ định chế hôn nhân tự nhiên nơi mọi dân tộc, đến định chế hôn nhân Kitô. Để Kitô hóa, không cần phải nhổ bật các giá trị văn hóa ra khỏi nếp sinh hoạt thông thường, nhưng cần phải biến đổi từ bên trong. Cải hóa không có nghĩa là loại trừ khỏi mạch sống, nhưng là liên tục cập nhật hóa”. Ngài trích dẫn lời của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Familiaris Consortio: “Nhờ việc hội nhập văn hóa ấy, người ta tiến tới chỗ phục hồi trọn vẹn Giao Ước đối với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là chính Đức Kitô. Giáo Hội cũng được thêm phong phú nhờ tất cả những nền văn hoá dù chưa được kỹ thuật hóa, nhưng vốn giầu sự khôn ngoan nhân loại và những giá trị luân lý cao cả”.

Nhiều gợi hứng được đưa ra cho các tham dự viên trong công cuộc dân thân phục vụ Tin Mừng trong các môi trường hiện nay, nhất là môi trường mục vụ hôn nhân và gia đình, từ chuẩn bị xa đến chuẩn bị gần, đó là: nam nữ tu sĩ, thành viên các Tu Hội Đời và các Hội trọn lành khác, với danh nghĩa cá nhân hay tập đoàn, cũng đều có khả năng đem lại một sự phục vụ nào đó cho các gia đình, đặc biệt quan tâm tới các trẻ em, nhất là những trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, nghèo khổ hay tàn tật; và họ có thể làm điều đó bằng cách thăm viếng các gia đình và săn sóc bệnh nhân; tạo những tương quan đầy kính trọng và bác ái với những gia đình thiếu vắng, đang gặp khó khăn hoặc phân tán; trình bày giáo huấn và đưa ra những lời khuyên để chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân, và giúp cho các đôi bạn trong vấn đề truyền sinh thật sự có trách nhiệm; giúp đỡ các gia đình mở cửa đón nhận người khác một cách giản dị và chân tình, để các gia đình có thể gặp được ở đó cảm thức về Thiên Chúa, sự ham thích cầu nguyện và hồi tâm, tấm gương cụ thể về một đời sống trong tình bác ái và niềm vui huynh đệ giữa các thành phần trong đại gia đình Thiên Chúa. Cách đặc biệt, ngài khuyên các tham dự viên tiếp cận Tông Huấn Amoris Laetitia để tìm các phương pháp mục vụ gia đình hữu hiệu. Bởi “Tông huấn này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các gia đình cũng như cho các tác viên mục vụ gia đình, nếu được đào sâu từng phần một cách kiên nhẫn, hay nếu người ta tìm trong đó những điều mình cần cho từng hoàn cảnh cụ thể.” (A.L. 7).

Buổi chuyên đề kết thúc vào lúc 16h15’ cùng ngày với phần cảm ơn của một học viên đại diện Học viện dành cho cha giảng huấn, các vị khách mời cũng như sự tham gia nhiệt tình của quý thầy Tiền Chủng sinh. Buổi chuyên đề thực sự đã tạo ra một hướng nhìn mới trong cách tiếp cận mục, cách đặc biệt là những học viên đang mang trên mình nhiều nỗi ưu tư trong việc mục vụ hôn hân và gia đình hiện nay.

Ban Truyền thông Học viện