“Ðời sống thánh hiến bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội Người qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng, các nét đặc trưng của Ðức Giêsu: khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời” (Tông huấn Vita Consecrata, số 1).
GPVO – Vào lúc 8 giờ thứ Sáu 20/11/2020, tại nhà thờ giáo họ độc lập Xuân Sơn, Đức Giám mục Giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long đã chủ sự thánh lễ khấn dòng cho 4 khấn sinh tuyên khấn trọn đời và 9 tập sinh tuyên khấn lần đầu thuộc Hiệp hội Thánh Antôn Pađôva Giáo phận Vinh. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha Bề trên và cũng là vị sáng lập Hiệp hội Antôn Hoàng Đức Luyến, đông đảo quý cha trong và ngoài giáo phận, quý chủng sinh, tu sĩ, quý ân, thân nhân cùng cộng đoàn dân Chúa.
Tôn chỉ “Vì Danh Cha cả sáng, Nước Cha hiển trị” và sống theo linh đạo “bắt chước cuộc đời Thánh Antôn sống khiêm nhường phục vụ Giáo Hội và tha nhân cách vô vị lợi” là sợi chỉ hồng xuyên suốt cuộc đời của các khấn sinh khi gia nhập Hiệp hội.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha chủ tế quảng diễn về những lời khuyên Phúc Âm cho người sống đời thánh hiến, cách riêng về đức khó nghèo cũng như vai trò quan trọng của đức khó nghèo đối với các linh mục, tu sĩ. Hội Thánh rất khôn ngoan ngay từ những thế kỷ đầu đã muốn và mời gọi các tu sĩ tuyên khấn để giữ các lời khuyên Phúc Âm, vì đó là những điều căn bản làm nên đời sống thánh hiến. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là liệu các tu sĩ có thật sự giữ được các lời khuyên đó hay không. Liệu các tu sĩ có giữ được những điều đó một cách quyết liệt, tận căn hay chỉ như một hình thức bên ngoài, bởi những lời khuyên Phúc Âm thật là một thử thách cho người sống thánh hiến suốt cuộc đời vì bản năng con người luôn muốn chiếm hữu vật chất, tiền bạc, muốn làm theo ý muốn của riêng mình,… Thế nên, tu sĩ cần khiêm tốn cầu xin ơn Chúa giúp và biết nỗ lực cộng tác với Người ngõ hầu có thể sống đời thánh hiến cách đúng đắn, tốt đẹp, trọn hảo.
Vị Chủ chăn giáo phận đưa ra những mẫu gương sống động để cộng đoàn, cách riêng các tu sĩ cùng nhau chiêm ngắm và học hỏi, nhất là gương mẫu của chính Đức Giêsu. Trong hành trình dương thế của mình, Đức Giêsu không chỉ giảng dạy nhưng cách đặc biệt, Người đã sống những lời khuyên Phúc Âm một cách tuyệt hảo. Người không bị tai tiếng nào về đức khiết tịnh. Người đã vâng phục Chúa Cha cách tuyệt đối: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34), “Này con đến để thực thi ý Ngài” (Tv 39) hay trong cơn hấp hối Người vẫn cầu xin rằng đừng theo ý Con, một theo ý Cha (x. Mt 26,39). Về đức khó nghèo, Chúa Giêsu đã rao giảng và đòi hỏi về sự nghèo khó của một người môn đệ: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ tất cả mà theo” (Lc 14,26). Và chính Chúa đã sống nghèo khó tột độ, nghèo khó trong cảnh Giáng Sinh không có nơi trú ngụ, nghèo khó khi “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20).
Trong huấn từ nhân Ngày Thế giới vì người nghèo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi người môn đệ Chúa biết đưa tay ra với người nghèo rằng Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta nói với người nghèo, chính Chúa Giêsu đã đến với người nghèo, hãy giơ tay ra với người nghèo, bạn đã nhận được nhiều thứ mà bạn lại để anh chị em của bạn phải chết đói hay sao. Hãy giơ tay ra với người nghèo, đó là chính Chúa Kitô. Đức Thánh Cha đã lặp đi lặp lại câu nói “giơ tay ra với người nghèo, đón nhận và giúp họ thoát khỏi sự nghèo đói”. Đó cũng chính là sứ mạng của người tu sĩ khi tự nguyện sống nghèo khó để anh chị em được thoát khỏi sự đói nghèo như Đức Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì con người, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho con người trở nên giàu có (x. 2Cr 8,9). Người tu sĩ cần ý thức điều căn bản mà Chúa Giêsu vẫn luôn mời gọi, cũng là điều căn bản trong đời sống thánh hiến, để với ơn Chúa giúp, tu sĩ có thể sống đúng căn tính và sứ mạng của mình.
Sau phần giảng lễ, Nghi thức Tuyên khấn khởi đầu với việc gọi tên các tập sinh, khấn sinh, phần thẩm vấn của Ðức Giám mục Giáo phận và lời đáp trả của quý thầy về ước vọng muốn được thánh hiến cho Thiên Chúa. Sau khi hoàn tất lời thẩm vấn, 4 khấn sinh tiến lên cung thánh phủ phục bày tỏ lòng quyết tâm cũng như diễn tả sự vâng phục tuyệt đối thánh ý Thiên Chúa, sự đoạn tuyệt với thế gian và chết cho xác thịt, hiệp cùng cộng đoàn hiện diện trong Kinh Cầu các Thánh để khẩn cầu chư thánh chuyển cầu trước ngai tòa Thiên Chúa.
Tiếp đến, lần lượt các khấn sinh, tập sinh tiến lên đặt mình trong tay cha Bề trên Antôn, trước sự chứng giám của Đức Giám mục Giáo phận và của cộng đoàn, nói lên lời cam kết tận hiến trọn vẹn cho tình yêu Đức Kitô qua việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục và lời khấn khiêm nhường của Hiệp hội.
Phát biểu cuối thánh lễ, đại hiện cho hiệp hội Antôn đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tri ân quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ, quý thân nhân, ân nhân và quý khách đã đồng hành, nâng đỡ Hiệp hội, cách riêng quý thầy tuyên khấn hôm nay trong chặng đường đã qua, cám ơn quý ông bà cố đã sẵn sàng dâng hiến những người con của mình cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội.
Hiệp Hội Thánh Antôn Pađôva Giáo phận Vinh có trụ sở tại giáo họ độc lập Xuân Sơn, giáo xứ Sơn La, hạt Bột Đà, thuộc xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đặc sủng của Hiệp hội là giảng thuyết và chữa bệnh. Về giảng thuyết: Giúp các giáo xứ trong việc tĩnh tâm, linh thao, dạy giáo lý, phát triển và thăng tiến các hội đoàn… Về chữa bệnh: Xây dựng các phòng khám chữa bệnh Đông Tây y kết hợp, phục vụ khám chữa bệnh cho mọi đối tượng không phân biệt lương giáo. Hiệp Hội được Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp chính thức ký Sắc lệnh thành lập Hiệp Hội Công tại Giáo phận Vinh kể từ tháng 6/2015.
Quốc Diện