GPVO (6.3.2021) – Vào 15 giờ thứ Sáu 5/3/2021, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã viếng thăm và cử hành thánh lễ khai mạc tam nhật cao điểm tuần chầu đền tạ giáo xứ Xuân Am. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha quản xứ Phaolô Văn Đình Dũng, quý cha trong và ngoài giáo hạt Cầu Rầm, quý tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Nằm trên địa bàn xóm Xuân Tân, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với hơn 700 nhân danh, giáo xứ Xuân Am được hình thành vào khoảng những năm 1890 với tên gọi sơ khai là Xóm Chài. Năm 1902, nhóm người ở Xóm Chài này chuyển về sinh sống ở Bến Gành, đồng thời đổi tên xóm thành Xuân Am. Năm 1905, dưới thời Đức Giám mục Louis Pineau Trị, nhờ sự hăng say nhiệt huyết truyền giáo của cố Đề, hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào vùng đất Xuân Am. Và cứ thế, cùng với thời gian, hạt giống đức tin ấy không ngừng được lan tỏa và triển nở.
Sau khi vùng đất này được đón nhận Tin Mừng, năm 1909, Bề trên giáo phận đã cho các gia đình Công giáo ở đây tách khỏi vùng đất mẹ Xuân Am, chuyển ra sinh sống thành một vùng độc lập gọi là Xuân Tân nhưng tên gọi của họ đạo vẫn là Xuân Am.
Năm 1946, thời hai linh mục quản xứ Cầu Rầm là cha Hữu và cha Trọng, phần móng của nhà thờ giáo họ dần được hình thành. Nhưng mãi đến năm 1952, thời cha Phêrô Phùng Viết Mỹ quản xứ, với sự hỗ trợ của cha quê hương Giuse Nguyễn Đức Bảo, công trình xây dựng nhà thờ mới bắt đầu được thực hiện và hoàn thành.
Ngày 19/02/2003, giáo họ tiến hành khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới. Sau hơn 2 năm xây dựng, ngày 24/5/2005, cộng đoàn Xuân Am hân hoan chào đón Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên viếng thăm cũng như chủ sự thánh lễ tạ ơn và làm phép ngôi nhà thờ mới này.
Ngày 18/6/2020, sau những trông chờ và hy vọng, trải qua biết bao sóng gió và biến động, Xuân Am đã chính thức được Bề trên giáo phận nâng lên hàng giáo xứ với đầy đủ tư cách pháp nhân.
Giảng trong thánh lễ, khởi đi từ cuộc gặp gỡ giữa Giakêu với Đức Giêsu, Đức cha chủ tế nhấn mạnh đến sự biến đổi của con người thông qua những cuộc gặp gỡ với chính Thiên Chúa và với tình yêu của Người. Thiên Chúa không nhìn con người theo công trạng mà họ làm được nhưng Người yêu thương họ cách nhưng không, vô điều kiện. Vì thế, tội lỗi không là rào cản khi Người đến với tội nhân nhưng là cơ hội để Người biểu lộ tình yêu cách rõ rệt hơn. Điều quan trọng là con người có nhận ra bước chân của Người đang đến hay không, có nhìn ra ánh mắt của Người đang dõi theo bản thân mỗi người qua các biến cố của đời sống không, nhất là trong lòng mỗi người có nhen nhúm lên một ước muốn được thấy Người hay không.
Vì vậy, Đức cha Phaolô Maria mời gọi: “Hằng ngày, chúng ta hãy cố gắng lặp đi lặp lại đề xuất mà Chúa Giêsu đã nói với ông Giakêu rằng hôm nay Ngài phải đến nhà ông”. Chúng ta hãy nhắc đi nhắc lại câu này nhiều lần trong ngày và cố cảm nhận cho kỳ được cái ý nghĩa tuyệt vời của hồng ân viếng thăm mà Thiên Chúa thực hiện nơi tâm hồn ta. Đó cũng là những mốc điểm chúng ta cần dừng lại để xem chúng ta đang đi về đâu, bởi vì không biết đích điểm của cuộc hành trình, chúng ta sẽ sa vào nhàm chán, vô vị rồi tìm cách khỏa lấp bằng bao nhiêu thú vui hưởng thụ vô nghĩa”.
Thế nên, mỗi người cần biết chỗi dậy và trở về với chính bản thân mình. Trở về với bản thân là trở về với con đường hạnh phúc, chân thật, là trở về với cõi thinh lặng của lòng mình. Và trong cõi thinh lặng ấy, mỗi người sẽ có thể gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ bản thân và gặp gỡ anh em mình. Trong cõi thinh lặng ấy, con người mới có thể trình bày lên Thiên Chúa những băn khoăn, khao khát và thao thức của bản thân. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần biết thực hiện xét mình hằng ngày để cộng tác với Chúa Thánh Thần mà điều chỉnh nếp sống của bản thân sao cho phù hợp với Tin Mừng tức là biết mời Chúa đến trong nhà mình, mau mắn đón nhận tiếng Chúa và thực thi thánh ý Ngài.
Quốc Diện