GPVO (20/2/2023) – Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đã chủ sự thánh lễ ban bí tích Thêm sức cho 148 em tại giáo xứ Mỹ Dụ. Thánh lễ diễn ra lúc 8h00 sáng Chúa nhật VII Thường niên (19/2/2023). Hiệp dâng thánh lễ có cha quản xứ Antôn Trương Văn Khẩn, quý cha khách, quý tu sỹ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Mỹ Dụ là vùng đất sông nước, nổi tiếng với đặc sản: “Rươi Mỹ Dụ, cụ Thổ Hoàng”. Xứ đạo đón nhận Tin mừng khá sớm, là xứ có truyền thống đạo đức và là mẹ của các giáo xứ: Cầu Rầm, Phù Long, Gia Hòa và Phúc Thịnh.
Theo sử liệu ghi lại, nhóm tín hữu đầu tiên là những người di cư từ miền Bắc vào, họ sống tập trung theo các chi họ. Trước năm 1869, Mỹ Dụ thuộc xứ Làng Anh; trong các dịp lễ, giáo dân Mỹ Dụ phải cơm đùm, cơm nắm đến Làng Anh để dự lễ, xưng tội.
Trước hoàn cảnh đó, Đức cha Ngô Gia Hậu quyết định thành lập giáo xứ Mỹ Dụ. Theo số liệu tổng kết ngày 7/12/1874, Mỹ Dụ có 9 họ đạo với 700 giáo hữu. Từ đây, Mỹ Dụ bước sang vận hội mới, thời kỳ phát triển giáo xứ.
Tuy nhiên, ở thời kỳ này, người Công giáo gặp khó khăn do phong trào Văn Thân. Cùng chung số phận với các làng Công giáo, Mỹ Dụ có nhiều người bị giết và chịu bách hại nặng nề. Sau đó, mọi thứ yên ổn trở lại, giáo xứ bắt tay vào việc dời nhà thờ ra vườn mới (khu vực nhà thờ xứ hiện nay).
Năm 1893, cha Gioan Tràng được cử về quản xứ, ngài xây nhà thờ, nhà phòng, nhà giáo lý, mở đường chung quanh nhà thờ. Ngài chú trọng nâng cao trình độ văn hóa, mời thầy giáo về dạy chữ cho dân. Ngôi nhà thờ mới bên dòng sông Lam, tạo nên một sắc thái của vùng quê yên bình. Có được nhà thờ mới, sự đạo phát triển cả về số lượng lẫn chiều sâu. Bà con lương giáo sống yêu thương đùm bọc nhau, nhất là trong những năm đói kém 1945.
Với hiệp định Genève (1954), đất nước chia đôi. Giáo dân miền Bắc di cư vào Nam. Người Mỹ Dụ bỏ quê hương ra đi khoảng 1/3. Họ định cư ở Buôn Hồ (Đăk Lăk), Cam Ranh, Đăk Nông, Sài Gòn. Những người ở lại gặp nhiều khó khăn: bị bắt bớ, cầm tù, cấm tham dự các nghi lễ phụng vụ. Tuy nhiên, giáo dân Mỹ Dụ vẫn trung kiên, giữ vững đức tin vượt qua thử thách và nỗ lực xây dựng quê hương.
Đời sống đạo ổn định chưa được bao lâu thì năm 1968 ngôi nhà thờ bằng gỗ lại bị bom đạn tàn phá, mãi tới năm 1972, cha Kiểng mới tu sửa lại. Từ đây, các cha quản xứ tiếp nối nhau vun trồng đời sống đức tin, vì thế sự đạo ở Mỹ Dụ được củng cố và phát triển.
Hiện nay, giáo xứ có hơn 2.000 nhân danh. Cha quản xứ đương nhiệm là linh mục Antôn Trương Văn Khẩn. Tuy nhiên, Mỹ Dụ cũng đang gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất giáo xứ đã xuống cấp. Giáo dân chủ yếu sống nhờ nghề nông lại xa cách nhau về địa lý, sống xen kẽ với anh em lương dân. Có 2 họ lại nằm ngoài đê sông Lam, thường xuyên hứng chịu lũ lụt. Những điều trên đã phần nào ảnh hưởng đến đời sống đức tin. Mặc dù vậy, với tinh thần và truyền thống nơi đây, chúng ta hy vọng về một xứ đạo ngày càng phát triển xứng với bề dày lịch sử của giáo xứ.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng suy niệm về Chúa Thánh Thần nơi đời sống của mỗi người trong hành trình trần thế. Sự sống của mỗi người là do Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Người mà mỗi người được sống. Bao lâu còn hơi thở là bấy lâu còn sự sống, tắt thở là chết. Thật vậy, trong buổi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam, con người đầu tiên để Ađam có sự sống, để Ađam trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã lặp lại hành động ấy khi Người xuất hiện giữa các môn đệ, thổi hơi vào các ông và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).
Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa. Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy tinh thần của Thiên Chúa, vì Thánh Thần là Thần Khí, là hơi thở của Thiên Chúa. Đức cha Phụ tá mời gọi mỗi người hãy luôn kết hiệp với Chúa Thánh Thần để nhận lấy Thần Khí và để Ngài hoạt động trong thân thể mỗi người. Nhờ đó, mỗi người được ánh sáng của Thần Chân lý dẫn đến sự thật toàn vẹn (Ga 16,13).
Đức cha cũng đưa ra cho cộng đoàn ba chữ “H” để suy gẫm: học hỏi, hiệp thông, hành động.
Sau phần giảng lễ, Đức cha Phụ tá Phêrô đã cử hành nghi thức ban bí tích Thêm sức cho 148 em, trao ban Chúa Thánh Thần và các ân sủng của Người giúp các em sống đời sống mới. Sau đó, lần lượt từng em đã tiến lên để ngài đặt tay cầu nguyện, xức dầu thánh và chúc bình an.
Tâm Quảng