RVA (7/11/2022) – Thứ Bảy, ngày 05 tháng Mười Một năm 2022, ngày thứ ba và là ngày áp chót trong chuyến viếng thăm tại Bahrain, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có hai hoạt động dành cho các tín hữu Kitô: ban sáng là thánh lễ tại sân vận động quốc gia với hơn 30.000 tín hữu Công giáo và ban chiều ngài gặp gỡ hơn 800 người trẻ tại Trường Công giáo Thánh Tâm ở thủ đô Manama.
Thánh lễ cầu cho Công lý và Hòa bình
Ban sáng lúc 8 giờ, Đức Thánh Cha đến Sân vận động quốc gia ở Awali cách nhà quốc khách ở khu vực hoàng cung bảy cây số. Tại đây hàng chục ngàn tín hữu đã có mặt hàng giờ trước đó để chuẩn bị dự lễ với Đức Thánh Cha, thánh lễ công cộng duy nhất ngài cử hành trong chuyến viếng bốn ngày tại Bahrain. Đặc biệt cũng có hàng trăm tín hữu từ Arập Sauđi, quốc gia không có một nơi thờ phượng nào của Công giáo, đến đây để tham dự thánh lẽ đặc biệt này.
Sân vận động được kiến thiết cách đây 40 năm và được tân trang cách đây 10 năm, hồi tháng Mười Hai năm 2011, được dùng làm sân bóng đá và các biến cố thể thao quan trọng trong nước. Sân có thể chứa được gần 30.000 khán giả, nhưng trong thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành, không những khu vực dành cho khán giả nhưng cả phần sân chơi của sân, trước lễ đài cũng được biến thành chỗ ngồi thêm cho các tín hữu dự lễ. Họ đến từ các cộng đoàn toàn quốc Bahrain và cả các nước thuộc giáo phận đại diện Tông tòa Bắc Arabia, gồm cả nước Qatar, Kuwait và Arập Saudi.
Khi đến thao trường, Đức Thánh Cha đã dùng xe bọc kiếng đi quanh cách lối đi để chào thăm các tín hữu, trước sự reo mừng của họ.
Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ lúc 8 giờ 30, có gần 20 hồng y, giám mục và gần 100 linh mục. Đặc biệt trong số những người hiện diện cũng có một Hoàng tử và nhiều vị Bộ trưởng, đứng đầu là Bộ trưởng của chính phủ Bahrain.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng bằng tiếng Tây Ban Nha, và được phiên dịch sang tiếng Anh, Đức Thánh cha quảng diễn bài Tin mừng theo thánh Matthêu (5,38-48), trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù. Ngài nhận xét rằng: Ngôn sứ Isaia đã loan báo về Đức Messia sẽ đến như một vị quyền năng, “nhưng không phải như một nhà lãnh đạo gây chiến và thống trị trên người khác, nhưng như một vị “vua hòa bình” (Is 9,5), như một Đấng hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa họ với nhau. Quyền năng cao cả của Người không sử dụng sức mạnh của võ lực, nhưng dùng sự yếu đuối của tình thương. Quyền năng của Đức Kitô là tình thương. Và cả chúng ta cũng được Người trao ban cùng quyền năng ấy, quyền năng yêu thương, yêu thương nhân danh Người, yêu thương như chính Người đã yêu? Yêu vô điều kiện: không những khi mọi sự tốt đẹp và khi chúng ta cảm thấy muốn yêu, nhưng luôn luôn, không những đối với các bạn hữu và người thân cận của chúng ta, nhưng yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù”.
Và Đức Thánh Cha lần lượt quảng diễn hai ý tưởng: yêu luôn luôn và yêu tất cả mọi người.
“Trước hết, yêu luôn luôn là luôn ở lại trong tình thương của Chúa, vun trồng và thực thành tình thương ấy bất luận chúng ta sống trong hoàn cảnh nào.”
Đức Thánh Cha nói: Chúa rất thực tế, Chúa biết những khó khăn của chúng ta, nhưng Ngài nói rõ là yêu cả những người gian ác và kẻ thù (vv.38.43). Chúa biết rằng bên trong những quan hệ của chúng ta hằng ngày vẫn diễn ra một cuộc chiến đấu giữa yêu và ghét, và cả trong nội tâm chúng ta, mỗi ngày đều có một cuộc đụng độ giữa ánh sáng và tối tăm. Chúa biết có những xung đột, đàn áp và thù nghịch.
“Đứng trước tất cả những tình trạng đó, câu hỏi quan trọng cần được nêu lên là: phải làm gì khi chúng ta đứng trước những tình trạng như thế? Đề nghị của Chúa Giêsu thật là gây ngạc nhiên, táo bạo. Chúa yêu cầu các môn đệ của Ngài hãy can đảm trong tình trạng có vẻ là thua thiệt. Chúa yêu cầu hãy luôn trung thành ở lại trong tình yêu, mặc dù tất cả những gì xảy ra, đứng trước sự ác và kẻ thù. Phản ứng bình thường của con người là “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng điều này có nghĩa là tự kiến tạo công lý cho mình với cùng những võ khí của kẻ thù mà ta đã chịu. Chúa Giêsu dám đề nghị với chúng ta một cái gì mới của Ngài, khác biệt, không thể tưởng tượng được: “Thầy bảo các con đừng chống lại kẻ gian ác; hơn nữa, nếu ai vả má bên phải, các con hãy giơ cả má bên trái cho hắn” (v.39). Chúa yêu cầu chúng ta: đừng mơ tưởng một thế giới không thực tế được tình huynh đệ linh hoạt, nhưng chính chúng ta hãy dấn thân, bắt đầu sống cụ thể và can đảm tình huynh đệ đại đồng, kiên trì trong điều thiện cả khi chúng ta nhận được điều ác, phá vỡ cái vòng luẩn quẩn báo thù, giải giáp bạo lực, giải giáp con tim. Thánh Phaolô tông đồ đã phản ánh điều này khi ngài viết: “Con đừng để mình bị sự ác chiến thắng, nhưng hãy thắng sự ác bằng điều thiện” (Rm 12,21).
Thứ hai là “yêu thương tất cả mọi người”. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta có thể dấn thân trong tình yêu thương, nhưng vẫn chưa đủ nếu chúng ta giới hạn trong khuôn khổ chật hẹp: chỉ yêu những người đã yêu thương chúng ta, bạn hữu và đồng loại của mình. Cả trong trường hợp này, lời mời gọi của Chúa Giêsu cũng gây ngạc nhiên và mở rộng biên cương của luật lệ và cảm thức thông thường (..), chỉ yêu những người cùng thuộc cộng đoàn, cùng gia đình hoặc quốc gia, cùng ý tưởng hoặc sở thích.
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Nhưng điều gì xảy ra khi người xa lạ xích lại gần chúng ta, người ngoại quốc, khác biệt, thuộc tín ngưỡng khác trở thành người láng giềng sống cạnh chúng ta? Chính đất nước này là một hình ảnh sinh động về sự sống chung của những khác biệt, hình ảnh một thế giới ngày càng có hiện tượng di cư trường kỳ của các dân tộc, với những ý tưởng, phong tục và truyền thống khác nhau. Vì thế, điều quan trọng là đón nhận sự thách thức của Chúa Giêsu: “Nếu các con chỉ yêu những người yêu thương các con, thì các con được phần thưởng nào? Những người thu thuế chẳng làm như vậy sao?” (Mt 4,46). Để trở thành con của Chúa Cha và xây dựng một thế giới huynh đệ, điều quan trọng là yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù… Trong thực tế, điều Chúa dạy có nghĩa là hãy chọn đừng có kẻ thù, đừng coi người khác như một chướng ngại cần vượt qua, nhưng như một người anh chị em cần yêu thương. Yêu thương kẻ thù là mang xuống trần thế phản ánh của Trời Cao, là để cho cái nhìn và con tim của Chúa Cha xuống trần thế này, Chúa là Đấng không phân biệt, không kỳ thị, nhưng làm cho “mặt trời mọc lên trên những người xấu và người tốt, làm cho mưa xuống trên những người công chính và người bất chính” (v.45).
Trong phần cuối của bài giảng, Đức Thánh Cha cám ơn các tín hữu “vì chứng tá hiền từ và vui tươi trong tình huynh đệ, để trở thành những hạt giống yêu thương và an bình tại đất nước này. Đó là thách đố mà Tin mừng hằng ngày trao cho các cộng đoàn Kitô chúng ta, cho mỗi người trong chúng ta.”
Đức Thánh Cha chào thăm các tín hữu thuộc giáo phận đại diện Tông tòa bắc Arabia gồm Bahrain, Kuwait, Qatar và Arập Sauđi cũng như từ các nước khác trong Vùng Vịnh, và các lãnh thổ khác. Ngài nói: “Ngày hôm nay tôi mang đến cho anh chị em sự gần gũi và quí mến của Giáo hội hoàn vũ, đang nhìn đến và ôm lấy, yêu mến và khích lệ anh chị em”.
Trong phần lời nguyện phổ quát, các ý nguyện được xướng lên bằng các thứ tiếng Konkani, Malayalam, Tagalog, Pháp, Swahili, Tamil, phản ánh các sắc dân khác nhau trong cộng đoàn Công giáo địa phương.
Cuối lễ, Đức cha Paul Hinder, người Thụy Sĩ thuộc dòng Capuchino, Đại diện Tông tòa Bắc Arabia, đã đại diện mọi người cám ơn Đức Thánh Cha và ngài tặng cho giáo phận địa phương một chén lễ quý giá để lưu niệm.
Thánh lễ kết thúc lúc quá 10 giờ sáng và Đức Thánh Cha trở về nơi ngài cư ngụ, gần cung điện hoàng gia Bahrain.
G. Trần Đức Anh, O.P.