Để mừng lễ Thánh Antôn Pađua người Bồ Đào Nha, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 12 tháng 6, Đức Phanxicô đã nói lên lời chúc lễ trong thánh lễ ngài chủ sự ngày hôm trước ở quảng trường Thánh Phêrô.
Khi chào các người trẻ, người lớn tuổi, người bệnh và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Phanxicô nhắc lại lời trong thánh lễ phụng vụ của vị thánh rao giảng và bổn mạng của người nghèo và người đau khổ. Ngài chúc các khách hành hương: “Xin lời cầu bầu của Thánh Antôn giúp anh chị em trải nghiệm được sự giúp đỡ của lòng thương xót Chúa”.
Thánh Antôn, tiến sĩ Giáo Hội, bạn của người nghèo, người làm phép lạ, người rao giảng cho đại chúng là người yêu Lời Chúa. Các lời hay ý đẹp của Thánh Antôn là “chiếc bình kỳ diệu của Chúa Thánh Thần”, ngài đã rao giảng trước Công nghị của Giáo hoàng và các hồng y, ngài cho thấy một sự hiểu biết sâu đậm về Lời Chúa, mà “những người ở trong Công nghị, dù họ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng họ hiểu rõ ràng các lời của ngài”.
Ngày thứ Tư 10 tháng 2 năm 2010, Đức Bênêđictô XVI đã dành một buổi để giảng về giáo lý của Thánh Antôn, ngài nói: “Đây là một trong các thánh nổi tiếng nhất trong toàn Giáo Hội Công giáo, không những ngài được tôn kính ở thành Pađua mà còn trên khắp thế giới. Pađua có một Vương Cung Thánh Đường lưu giữ thánh tích của ngài. Các hình ảnh và tượng của ngài đều có biểu tượng hoa huệ và Chúa Giêsu. Hoa huệ tượng trưng cho sự thanh khiết, Chúa Giêsu bồng trên tay là nhớ lại sự hiện ra kỳ diệu được ghi lại trong sách vở và rất thân thuộc với giáo hữu”.
Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phát triển đặc sủng của tu sĩ Dòng Phan Sinh: “Thánh Antôn đã đóng góp đáng kể vào việc phát triển linh đạo Phan Sinh, với các ơn đặc biệt như thông minh, quân bình, lòng nhiệt thành làm việc tông đồ, và chủ yếu là lòng sốt sắng thần nghiệm… Thánh Antôn cũng là một trong các vị thầy thần học đầu tiên của Dòng Anh em Hèn mọn”.
Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Thánh Antôn, cùng trường phái với Thánh Phanxicô Assisi, ngài luôn đặt Chúa Kitô vào trọng tâm đời sống và tư tưởng, trong hành động và lời rao giảng của ngài. Đây là một đặc điểm điển hình khác của thần học Phan Sinh: chủ hướng đặt Đức Kitô làm trọng tâm”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
fr.zenit.org, Anne Kurian, 2019-06-12