Kính thưa toàn thể cộng đoàn,
Vào năm 2013, tôi có dịp ra Hà Nội và ghé thăm một gia đình trẻ. Đôi vợ chồng có hai người con, một gái và một trai. Sau khi sinh đứa con gái đầu thì người vợ bị bệnh nặng và được giải phẫu. Theo các bác sĩ, chị sẽ không bao giờ sinh con được nữa. Tuy nhiên, hai vợ chồng vẫn luôn hy vọng có thêm con. Họ đã đến với thánh An-tôn tại Trại Gáo này cầu nguyện. Quả thật, không lâu sau đó, đứa con trai khỏe mạnh, khôi ngô của họ ra đời. Từ đó trở đi, họ đến với thánh An-tôn vào ngày 13 tháng 6 hằng năm. Tôi nghĩ rằng các thành viên của gia đình trẻ đó đang hiện diện cùng chúng ta trong Thánh Lễ hôm nay.
Thánh An-tôn có nhiều tước hiệu, trong đó tước hiệu phổ biến nhất là ‘ông thánh hay làm phép lạ’, vì thế, có rất nhiều người đến với ngài. Giờ đây chúng ta cùng nhau chia sẻ đôi điều về phép lạ.
Thông thường, chúng ta hiểu phép lạ như là điều kỳ diệu xảy ra vượt quá kinh nghiệm thông thường của con người. Phép lạ không chống lại trật tự hay qui luật tự nhiên, nhưng vượt quá sự chi phối của trật tự hay qui luật tự nhiên. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi dân tộc Do Thái trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Chẳng hạn, Thiên Chúa cho Dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ ráo chân, nuôi sống họ bốn mươi năm trong sa mạc bằng Man-na hay Thiên Chúa cho bà Xa-ra sinh I-xa-ác, bà An-na sinh Sa-mu-en, bà Ma-nô-ác sinh Sam-sôn trong tuổi già. Tới thời Tân Ước, Đức Giê-su đã thực hiện nhiều phép lạ để minh chứng rằng Người từ Thiên Chúa mà đến, Người làm công việc của Thiên Chúa và Người là Thiên Chúa. Những phép lạ Đức Giê-su thực hiện nhằm diễn tả tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Điểm chung của các phép lạ Đức Giê-su thực hiện là đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho con người.
Trước các phép lạ, câu hỏi mà chúng ta quan tâm không chỉ là ‘điều gì đã xảy ra?’, mà quan trọng hơn là ‘điều đã xảy ra có ý nghĩa gì?’ và qua điều đã xảy ra, ‘sứ điệp mà Thiên Chúa gửi đến cho con người là gì’? Chẳng hạn, Đức Giê-su trục xuất ma quỉ có nghĩa rằng Nước Thiên Chúa đã hiện diện trên trần gian. Chính Đức Giê-su đã nói với những người Pha-ri-sêu rằng “nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28). Tương tự như vậy, Đức Giê-su tha thứ tội lỗi có nghĩa rằng quyền năng và tình thương của Thiên Chúa đã vượt thắng muôn hình thức tội lỗi của con người. Đức Giê-su cho người bệnh được mạnh khỏe trở lại có nghĩa rằng Thiên Chúa luôn an ủi và nâng đỡ con người trong cơn đau khổ ngặt nghèo. Những phép lạ được thực hiện qua trung gian các thánh như Phê-rô, Phao-lô, Gio-an cùng các thánh trong lịch sử Giáo Hội hay thánh An-tôn có nghĩa rằng Thiên Chúa đã hành động qua các vị và rằng Tin Mừng các vị loan báo là Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Phép lạ của Thiên Chúa là dấu chỉ và phương tiện giúp gia tăng niềm tin của chúng ta, để chúng ta nỗ lực hoán cải và biến đổi đời sống mình. Ai không biến đổi, người đó sẽ chết, điều này đúng cho cả đời sống thể chất, lẫn đời sống tâm linh. Phép lạ giúp chúng ta sống đức tin bằng hành động cụ thể của mình. Chính thánh An-tôn đã nói rằng hành động có tiếng vang hơn lời nói (actions speak louder than words). Phép lạ Đức Giê-su thực hiện mở ra cho chúng ta viễn cảnh của một thế giới tốt đẹp hơn thế giới bấp bênh, bế tắc và muôn hình thức đau khổ mà ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm. Tất cả phép lạ Đức Giê-su làm đều nhắm đến ơn cứu độ chung cuộc của chúng ta cũng như tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.
Trong khi Tin Mừng Nhất Lãm (Mát-thêu, Lu-ca và Mác-cô) dùng từ ‘phép lạ’ để nói về những việc kỳ diệu Đức Giê-su thực hiện, thánh Gio-an không dùng từ đó mà lại dùng từ ‘dấu lạ’ hay ‘dấu chỉ’. Câu hỏi đặt ra là tại sao thánh nhân lại dùng từ ‘dấu lạ’? Chúng ta có thể giải thích rằng thánh nhân muốn tất cả mọi người hãy nhìn xa hơn những dấu lạ mà Đức Giê-su thực hiện trong hành trình trần thế của Người. Chúng ta có thể xem các dấu lạ Đức Giê-su thực hiện như là những món quà. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rằng khi chúng ta nhận món quà của ai đó, vấn đề chính không phải là chúng ta đánh giá, lượng định, xem xét giá trị kinh tế của món quà đó, mà là giá trị tinh thần, giá trị tình yêu hay nồng độ tình yêu được diễn tả qua món quà đó. Chúng ta có thể ví von rằng dấu lạ chính là ngón tay chỉ mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng. Dấu lạ giúp chúng ta hướng về thực tại tối hậu của Nước Thiên Chúa viên mãn.
Trong Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an, thánh nhân trình bày bảy dấu lạ Đức Giê-su thực hiện. Dấu lạ thứ nhất: Đức Giê-su biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2,1-11); dấu lạ thứ hai: Đức Giê-su chữa con của một sĩ quan cận vệ nhà vua (Ga 4,46-54); dấu lạ thứ ba: Đức Giê-su chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bết-da-tha (Ga 5,1-18); dấu lạ thứ tư: Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá cho hơn 5000 người ăn mà còn dư mười hai thúng (Ga 6,1-15); dấu lạ thứ năm: Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ mà đến với các môn đệ (6,16-21); dấu lạ thứ sáu: Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-7); và dấu lạ thứ bảy: Đức Giê-su cho anh La-da-rô hồi sinh (Ga 11,1-44). Chúng ta biết rằng trong bối cảnh Kinh Thánh, số ‘7’ tượng trưng cho sự hoàn hảo. Đối với thánh nhân, trình bày bảy dấu lạ của Đức Giê-su như vậy là đủ. Ở Ga 20,30-31, thánh Gio-an viết rằng: “Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,30-31) và câu cuối cùng trong Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an là: “Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,25). Là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa làm người, Đức Giê-su luôn quan tâm đến mọi nhu cầu của con người, đặc biệt, những người lâm vào cảnh khó khăn hay đương đầu với nhiều hình thức đau khổ.
Hình ảnh phổ biến nhất về thánh An-tôn trong nhiều nhà thờ và trung tâm hành hương trên thế giới là hình ảnh ngài bồng ẵm Đức Giê-su với hình hài trẻ thơ. Chính Đức Giê-su đã hiện ra và đàm đạo cùng thánh nhân với hình hài như vậy. Đức Giê-su luôn là trung tâm của đời sống thánh An-tôn và thánh nhân, Nhà Giảng Thuyết Lừng Danh, luôn chia sẻ về Đức Giê-su trong các bài giảng của mình cho tất cả mọi người. Ngài luôn mời gọi mọi người suy ngắm về mầu nhiệm Đức Giê-su, đặc biệt, mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta. Thật là nghịch lý, với Đức Giê-su, Thiên Chúa trở nên bé nhỏ, Thiên Chúa trở nên yếu đuối, Thiên Chúa cần sự nâng đỡ của đôi bàn tay con người. Thần học rao giảng của thánh An-tôn là thần học quy Ki-tô (Christocentric). Cùng với thánh Phao-lô và các thánh khác trong lịch sử Giáo Hội, Thánh An-tôn cho chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là Niềm Hy Vọng của chúng ta, Người dẫn chúng ta về hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.
Trong hành trình trần thế này, chúng ta có kinh nghiệm rằng, chúng ta không bao giờ thỏa mãn với những ai nhỏ hơn Thiên Chúa, tình yêu nào nhỏ hơn tình yêu vô biên của Thiên Chúa, công trình nào thua kém công trình sáng tạo diệu kỳ của Thiên Chúa, cũng như quê hương nào ít hạnh phúc hơn Quê Hương Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Hình ảnh thánh An-tôn bồng ẵm Đức Giê-su đặt ra những câu hỏi cho mỗi người chúng ta là: Chúng ta đang bồng ẵm ai vào lòng, Đức Giê-su hay là ai khác? Chúng ta có dành chỗ cần thiết cho Đức Giê-su trong lòng mình không hay lòng mình luôn chật chội với nhiều thứ lỉnh kỉnh khác, đến nỗi không còn chỗ nhỏ bé nào cho Đức Giê-su? Chúng ta hãy tự trả lời cho những cho câu hỏi đó và nỗ lực hoán cải để ngày càng kết hợp với Đức Giê-su cách mật thiết hơn.
Thánh An-tôn rất nổi tiếng trong việc chuyển cầu cho người bị mất mát, thất lạc vật này vật nọ. Nhiều người đến với thánh An-tôn để nhờ ngài giúp họ tìm được những gì họ đánh mất, điều đó cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhờ ngài chuyển cầu cho chúng ta tìm lại được những thứ quan trọng hơn mà chúng ta đánh mất, chẳng hạn, chúng ta đánh mất cảm thức đức tin của chúng ta, đánh mất lòng quảng đại đối với anh chị em chúng ta, đánh mất niềm hy vọng vào Thiên Chúa, vào sự vinh thắng của quyền năng Thiên Chúa trên quyền lực đêm tối, quyền lực ma quỉ, quyền lực thế gian, quyền lực xác thịt. Hơn nữa, chúng ta không chỉ xin thánh nhân cho chúng ta ‘được lại những thứ đã mất’, mà còn xin thánh nhân cho chúng ta ‘mất đi những thứ đã được’, chẳng hạn, cho chúng ta mất đi đam mê lạc thú, mất đi não trạng sở hữu vô độ, mất đi tư tưởng xấu xa, mất đi tất cả những gì phương hại đến phẩm giá cao quí của chúng ta là con cái Thiên Chúa, là em của Đức Giê-su và là bạn của Người.
Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đang hiện diện nơi đây cũng những tất cả những ai vì điều kiện không cho phép đến với thánh An-tôn Trại Gáo trong dịp này đều mong mỏi nhờ sự chuyển cầu của thánh nhân để được những ơn lành nào đó hay món quà nào đó, điều này đúng thôi. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng Đức Giê-su Phục Sinh đã để lại cho chúng ta ba món quà kỳ diệu, đó là Bí Tích Thánh Thể, Chúa Thánh Thần và Bình An. Mỗi người chúng ta cần ý thức và trân quí ba món quà này và cố gắng làm cho ba món quà này được sinh hoa kết quả dồi dào trong đời sống chúng ta.
Mặc khải Ki-tô giáo cho chúng ta nhận thức rằng mọi sự luôn biến đổi, mọi sự sẽ qua đi, chỉ có vĩnh cửu mới quan trọng. Cuộc đời của mỗi người chúng ta, cũng như lịch sử của thế thế giới thụ tạo này, có kéo dài hàng tỷ năm cũng chưa bằng ‘cái chớp mắt của Vĩnh Cửu’. Vấn đề đặt ra cho mỗi người chúng ta là trong khoảng thời gian ngắn ngủi của mình trên trần gian này, chúng ta đã tin tưởng và thực thi thánh ý Thiên Chúa như thế nào? Hơn ai hết, thánh An-tôn là mẫu gương cho mỗi người chúng ta trong việc dành thời gian để học hỏi, suy niệm, hiệp thông với Đức Giê-su và loan báo Đức Giê-su cũng như Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại.
Phép lạ không ở đâu xa xôi, phép lạ luôn hiện diện trong thế giới vi mô, phép lạ luôn hiện diện trong thế giới vĩ mô, phép lạ luôn hiện diện trong mọi sự thuộc thế giới thụ tạo này: Mỗi nguyên tử, mỗi phân tử, mỗi tế bào, mỗi hành tinh, mỗi thiên hà là một phép lạ. Phép lạ luôn hiện diện trong đời sống chúng ta: Mỗi hơi thở, mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười của chúng ta là một phép lạ. Sau khi sống lại, Đức Giê-su nói với thánh Tô-ma rằng: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Hôm nay, Đức Giê-su đang nói với chúng ta như vậy. Không ai trong chúng ta hiện diện nơi đây đã thấy Đức Giê-su bằng con mắt thể lý của mình, nhưng chúng ta luôn đặt niềm tin vào Đức Giê-su, Đấng Hy Vọng duy nhất của mỗi người chúng ta cũng như tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.
Nhờ sự chuyển cầu của thánh An-tôn, xin Thần Khí của Đức Giê-su là Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và hướng dẫn tất cả chúng ta, giúp mỗi người chúng ta có thể đọc được những dấu chỉ của Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày và hành động theo những dấu chỉ đó một cách trung tín nhất.
Pet. Nguyễn Văn Viên