Trong một thánh lễ tạ ơn đầy cảm xúc tại nhà thờ chính tòa Manila vào hôm thứ Hai 27 tháng Giêng, tức là mùng Ba Tết Canh Tý, các giám mục, linh mục và các giáo dân đã cầu nguyện cho Đức Hồng y Tổng Giám mục Luis Antonio Tagle khi ngài chuẩn bị lên đường nhận sứ vụ mới tại Vatican.
ĐHY Tagle đã quỳ trước cung thánh của nhà thờ trong khi những người tham dự giơ tay về phía ngài cầu nguyện.
Đức Giám mục Phụ tá Broderick Pabillo đọc lời nguyện sau: “Xin Chúa bảo vệ Đức Hồng y với vòng tay âu yếm của Chúa. Xin Chúa giữ ngài trong tay mình và gìn giữ ngài gần gũi với trái tim Chúa khi ngài bắt tay vào nhiệm vụ mới”.
Nhân danh Tổng Giáo phận, Đức cha Pabillo cảm ơn ĐHY Tagle vì những “nỗ lực rất lớn” trong sứ vụ của ngài tại Manila trong khi vẫn phải thực hiện các công việc khác của Giáo Hội hoàn vũ.
Đức cha Pabillo nói: “Thậm chí dù mệt mỏi sau khi trở về từ nửa vòng trái đất, Đức Hồng y vẫn dành các nỗ lực để mang đến cho chúng ta các buổi nói chuyện, tham gia các cuộc họp của chúng ta, và hướng dẫn các cuộc gặp gỡ của chúng ta. Thậm chí, ngài còn đích thân đến thăm chúng ta khi ai đó đã qua đời trong gia đình, khi có ai đó yếu đau liệt lào, Đức Hồng y thực sự dành hết thời gian để ở với chúng ta, để làm cho chúng ta cảm thấy sự hiện diện của ngài.”
Tháng 12 năm ngoái, ĐHY Tagle đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, một trong những bộ quan trọng hàng đầu trong Giáo triều Rôma.
Trước đó, vị Hồng y người Philippines đã thực hiện nhiều chuyến đi bên ngoài Philippines với tư cách là người đứng đầu Caritas quốc tế, là một liên minh các tổ chức bác ái Công giáo toàn cầu. ĐHY Tagle cũng là một nhân vật hàng đầu trong các Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô. Ngài cũng là một trong những diễn giả chính trong hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt của Vatican về lạm dụng tình dục.
Đức cha Pabillo nói thêm: “Mỗi cuộc chia tay, ly biệt đều mang lại những nỗi đau nhưng nếu chúng ta nhìn vào câu chuyện này từ hướng khác, chúng ta trong Tổng Giáo phận Manila này, đã được hưởng rất nhiều đặc quyền trong tám năm mà Đức Hồng y ở với chúng ta”.
“Chúng con bảo đảm với Đức Hồng y những lời cầu nguyện của chúng con. Đức Hồng y luôn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng con và trong trường hợp Đức Hồng y cảm thấy mệt mỏi với công việc của thế giới, ngài hãy chắc chắn rằng ngài có một ngôi nhà tại Manila này.”
Trong bài giảng, Đức Hồng y Tagle đã trình bày các suy tư về chủ đề tạ ơn và cố tránh không đề cập trực tiếp đến chuyện sắp ra đi của mình.
“Đừng tạ ơn theo các tiêu chí và định mức của anh chị em. Nếu anh chị em chỉ tạ ơn khi đạt được đúng như lòng mong muốn của mình thì tôi e rằng anh chị em sẽ phải phàn nàn nhiều hơn là tạ ơn,” Đức Hồng y nói.
“Thánh ý của Thiên Chúa là điều không phải lúc nào chúng ta cũng có thể hiểu được, nhưng trong đức tin chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng nhân lành, là nguồn mạch của mọi điều thiện hảo. Kế hoạch của Thiên Chúa không phải là kế hoạch của chúng ta. Đôi khi các kế hoạch của Chúa phá vỡ những chương trình của chúng ta nhưng trong mọi trường hợp chúng ta hãy nói ‘Tôi tin rằng Chúa là Đấng nhân lành’”.
Nhưng ở cuối bài giảng, đến lúc cũng phải nói lời chia tay, Đức Hồng y Tagle bắt đầu không cầm được nước mắt, nghẹn ngào ngài nói: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì Ngài là Đấng nhân lành, và Lòng Thương Xót của Chúa tồn tại đến muôn đời.”
Trước khi lên đường sang Rôma, Đức Hồng y vẫn còn một vài cuộc gặp gỡ tại Manila. Ngài dự kiến sẽ khai mạc Hội nghị bốn ngày về Tân Phúc Âm hóa của Hội đồng Giám mục Philippines tại thành phố Quezon.
Trong khi đó, vẫn chưa có thông tin nào từ Vatican về việc ai sẽ thay thế Đức Hồng y Tagle trong chức vụ Tổng Giám mục Manila.
“Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết và chính Đức Giáo Hoàng sẽ công bố người sẽ thay thế Đức Hồng y. Thật là tốt nếu Đức Thánh Cha có thể bổ nhiệm các nhà lãnh đạo của Tổng Giáo phận trước khi Đức Hồng y ra đi,” Cha Roy Bellen, phát ngôn viên của Tổng Giáo phận Manila nói.
Thông thường, nếu cần phải có thời gian dài để suy tư thêm, Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm một vị Giám quản Tông Tòa để điều hành tạm thời công việc của giáo phận. Việc ngài không công bố vị Giám quản Tông Tòa có thể là dấu chỉ cho thấy trong thời gian rất ngắn sắp tới, thậm chí là ngay trước khi Đức Hồng y giã từ Manila, việc bổ nhiệm sẽ được quyết định.
John Allen của tờ Crux nhận xét rằng con đường ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc có lẽ sẽ phải đi vòng qua Philippines. Theo ký giả kỳ cựu này, ĐHY Tagle, một người có mẹ là người gốc Trung Hoa, và là một người sẵn sàng đối thoại sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc sửa chữa hàng loạt những vấn đề trong thỏa hiệp ký với Trung Quốc ký ngày 22 tháng Chín, 2018.
Báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ vào đầu năm nay cho thấy từ sau thỏa thuận Vatican – Trung Quốc năm 2018, các cuộc đàn áp Giáo Hội thầm lặng vẫn tiếp tục, và thậm chí lại còn dã man hơn trước đó.
Tháng Ba năm ngoái, trong chuyến công du Đài Loan và Hồng Kông kéo dài một tuần, Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ là ông Brownback nói rằng Trung Quốc đang “gây chiến tranh với đức tin”.
Ông Brownback đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc.
“Kể từ khi thỏa thuận tạm thời này được công bố vào năm ngoái, việc sách nhiễu các thành viên của cộng đồng Công giáo vẫn tiếp tục diễn ra và ngày càng trắng trợn.”
Đại sứ Brownback than thở rằng “không ai biết chi tiết những gì đã được thỏa thuận ngoại trừ Vatican và chính phủ Trung Quốc”. Trong tư cách là một đại sứ của chính phủ Hoa Kỳ, ông nhìn nhận việc không công bố nội dung thỏa thuận là đặc quyền riêng của mỗi thực thể có chủ quyền. Tuy nhiên, trong tư cách là một tín hữu Công giáo, ông cảnh báo rằng đó là một khe hở cho nhà cầm quyền Bắc Kinh lợi dụng. “Khi muốn giật sập những cây thánh giá khỏi nóc nhà thờ, họ nói rằng đó là theo thỏa thuận với Vatican, “ ông nói trong cuộc họp báo tại Hồng Kông.
Đặng Tự Do
VietCatholic News