Đức Giám mục Robert Barron: Truyền giáo qua mạng xã hội

Đức Giám mục Robert Barron rất tích cực trên Facebook, YouTube và Twitter, ngài có gần hai triệu người theo dõi

cath.ch, Bernard Hallet, 2020-02-10

Đức Giám mục Robert Barron, 60 tuổi, giám mục phụ tá giáo phận Los Angeles là chuyên gia truyền thông xã hội, ngài cổ động cho sự hiện diện hữu hình trong thế giới kỹ thuật số. Trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 29/1/2020, ngài khuyến khích các bạn trẻ dùng mạng xã hội để truyền giáo.

Theo Đức Giám mục Barron, quyền năng giảng dạy là một trong ba nhiệm vụ của một giám mục, bên cạnh quyền năng quản trị và thánh hóa. Nhưng ngày nay quyền năng giảng dạy phải thích ứng với thế giới kỹ thuật số đang mở rộng nhanh chóng.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tuần báo NCR (National Catholic Register) Đức Giám mục Barron khuyên các bạn trẻ như sau: “Trước khi đăng một cái gì trên mạng xã hội, các con hãy đặt câu hỏi đơn giản sau: lời nói của tôi có phải là một hành vi yêu thương không? Các con hãy nhớ lại, yêu thương là muốn điều tốt cho người khác. Vì thế, ngay cả các lời nói sắc bén và phê phán cũng có thể biểu lộ tình yêu nếu nó thật sự dùng để giúp người khác. Nhưng nếu các con chỉ làm để trút giận hay để ăn miếng trả miếng, hoặc để chứng tỏ mình thông minh hơn, để đến với một nhóm thảo luận trên mạng, thì chúng con đừng bấm nút “Gửi!”

“Hãy yêu thương rồi đăng những gì mình muốn” 

Vì thế phải cẩn thận: “Một cách để kỷ luật bản thân là luôn để một ngày trôi qua trước khi mình đăng phản hồi. Có nhiều khả năng trong vòng 24 giờ các con sẽ nhận ra thế giới sẽ tốt hơn nếu không có phản hồi của mình”.

Theo ngài, Internet và mạng xã hội có lợi “với điều kiện rao giảng Tin Mừng và trên tinh thần yêu thương, nghĩa là muốn điều tốt cho người khác”. Nếu cha có thể sửa lời Thánh Âugutinô thì nó sẽ là: “Hãy yêu thương rồi đăng những gì mình muốn”. 

Thẩm quyền của Giáo Hội trên mạng xã hội

Tuy nhiên, Đức Giám mục Barron đề nghị cần tăng cường thẩm quyền giám mục trong lĩnh vực kỹ thuật số. Ngài xin các giám mục giám sát nhiều hơn các đại học hoạt động dưới sự bảo trợ của Giáo hội: “Như Đức Gioan Phaolô II trong Tông hiến về các Trường đại học Công giáo (Ex corde ecclesiae) ngày 15 tháng 8 năm 1990, tôi xin các giám mục chúng ta thực thi một thẩm quyền nào đó về những ai cho mình là người giảng dạy cho Giáo Hội trên các trang mạng xã hội”.

Theo ngài, có một “số người trên các mạng xã hội gieo hoang mang với những lời lẽ hận thù và chia rẽ, thường mâu thuẫn sâu sắc với thần học của Giáo Hội và đáng tiếc những lời này lại có ảnh hưởng mạnh trên dân Chúa”.

Ngài tự hỏi liệu đã đến lúc “đưa một cái gì đó giống như nhiệm vụ (mandatum) cho những người tự cho mình là giảng dạy đức tin trên mạng, một nhiệm vụ qua đó giám mục khẳng định người này giảng dạy trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội”.

Đức Giám mục Robert Barron rất tích cực trên các trang Facebook, YouTube Twitter, ngài có gần hai triệu người theo dõi. Sự nổi tiếng của ngài do việc thành lập Hiệp hội “Lời bừng cháy của các sứ vụ” (Word of Fire Ministries) vào năm 2000 để rèn luyện cách nói chuyện với mục đích truyền giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch