Trẻ em mồ côi
Trẻ em mồ côi hay cô nhi là người không có cha mẹ trong thời thơ ấu bởi vì cha mẹ các em đã chết, đã mất tích hoặc đã bỏ rơi các em vĩnh viễn tại thời điểm các em chưa trưởng thành. Như vậy, cô nhi là một trẻ thơ không được thừa hưởng sự nuôi dưỡng và giáo dục của cả cha lẫn mẹ trong thời thơ ấu.
Cô nhi viện
Vào đầu thế kỷ 19 tại Việt Nam, cô nhi viện hay mái ấm tình thương đã được các Dòng tu Công giáo thành lập để nuôi dưỡng và giáo dục các trẻ em mồ côi vì cha mẹ của các em đã qua đời, đã mất tích hoặc đã bỏ rơi họ vĩnh viễn trong thời thơ ấu. Vào đầu thập niên 1960, các Cô nhi viện Phật giáo đã bắt đầu được thành lập để dưỡng dục các trẻ mồ côi.
Trẻ em mồ côi tại Việt Nam
Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia, kể từ đầu thập niên 1970 Việt Nam có 120 cô nhi viện được thành lập để chăm sóc cho 19,000 trẻ em mồ côi. Đến thế kỷ 21 Việt Nam có trên 150.000 trẻ em mồ côi. Vì số lượng đông nên nhà nước đã kêu gọi lòng hảo tâm của cá nhân và các tổ chức xã hội, từ thiện, bác ái hỗ trợ trong lĩnh vực này.
Nghĩa Sinh tiếp giúp 200 trẻ mồ côi tại Cần Giuộc và Đồng Nai
Vào sáng ngày 16/05/2021, Đoàn CTXH Nghĩa Sinh đã đến Chùa Pháp Tánh (Cần Giuộc, Long An) để thăm hỏi và trao tặng quà cho gần 100 em cô nhi đang được Mái ấm Tình thương Pháp Tánh nuôi dưỡng và giáo dục. Mỗi phần quà cho trẻ mồ côi gồm có dụng cụ học sinh và nhu yếu phẩm – với tổng giá trị 15.000.000 VNĐ. Vào chiều ngày 16/05/2021, Đoàn CTXH Nghĩa Sinh đã đến Mái ấm Tình thương Phúc Lâm tại Long Thành (Đồng Nai) để thăm hỏi và trao tặng quà cho hơn 100 em cô nhi đang được nuôi dưỡng và giáo dục tại trung tâm nầy. Mỗi phần quà cho trẻ mồ côi gồm có dụng cụ học sinh và nhu yếu phẩm như gạo, mỳ, sữa, dầu ăn – với tổng giá trị 15.000.000 VNĐ.
Nghĩa Sinh thực tập tư duy hiến tặng vô điều kiện
Các thành viên Đoàn CTXH Nghĩa Sinh nhận định rõ ràng về lý tưởng phục vụ đồng loại về quà trao tặng, cách trao tặng và nỗ lực thực hiện tư duy hiến tặng vô điều kiện trong các hoạt động bác ái xã hội của Nghĩa Sinh.
1. Quà trao tặng
Có nhiều loại quà để trao tặng trong các chuyến công tác thiện nghĩa như tài, trí, tâm, thân.
- “Tài” hiến tặng là trao tặng tiền bạc (tài chánh) hay của cải (tài sản).
- “Trí” hiến tặng là chia sẻ kiến thức chuyên khoa (y khoa, luật khoa) hay kỹ năng chuyên môn (thợ mộc, thợ nề).
- “Tâm” hiến tặng là thể hiện lòng yêu thương, ước muốn được giúp đỡ và tìm mọi cách để giúp đỡ theo sự thúc dục của trái tim.
- “Thân” hiến tặng là hy sinh thời giờ, công sức và sự hiện diện của mình để làm vơi đi những nỗi buồn sầu của người mình muốn giúp đỡ và hết lòng phục vụ. “Thân” hiến tặng là phong cách làm việc từ thiện đã được Đoàn CTXH Nghĩa Sinh áp dụng thường xuyên trong các chuyến công tác xa gần.
2. Cách trao tặng
- Nét mặt – cho dù món quà có nhỏ bé và khiêm tốn cách mấy đi chăng nữa, nhưng với thái độ niềm nở thể hiện trên gương mặt của người cho cũng đủ làm cho người nhận cảm thấy hạnh phúc.
- Ánh mắt – Với một cái nhìn thiện ý và nhân hậu cũng đủ sức để động viên tinh thần của người nhận giúp họ cảm thấy một ngày mới tốt đẹp hơn.
- Lời nói – Lời nói chẳng mất tiền mua nên lúc nào chúng ta cũng có thể lựa chọn để nói những lời thân ái khiến họ cảm thấy được an ủi, vỗ về.
- Việc làm – Thể hiện những hành động nhân ái để giúp đỡ người khác nhiều lúc còn có giá trị hơn cả của cải và tiền bạc.
3. Tư duy hiến tặng vô điều kiện
Tư duy hiến tặng vô điều kiện là:
- Cho đi một cách tự nhiên, không đòi hỏi người nhận phải làm bất cứ điều gì cho mình.
- Cho đi một cách vô tư, cho người thích mình cũng như cho người không thích mình bằng nhau.
- Cho bất cứ ai, lòng mình vẫn cảm thấy hân hoan, hạnh phúc.
Bảng vàng Công đức: Cảm ơn Ân nhân và Nghĩa Sinh
Hội đồng Huynh Trưởng Nghĩa Sinh chân thành cảm ơn Mái ấm Tình thương Phúc Lâm đã trao tặng Bảng Vàng Công Đức cho Đoàn CTXH Nghĩa Sinh để bày tỏ lòng biết ơn quý Ân nhân Nghĩa Sinh đã quảng đại giúp đỡ các em mồ côi và quý Trưởng cùng Nghĩa Sinh trong Đoàn CTXH Nghĩa Sinh đã mang gạo, sữa, bánh, xà bông, bàn chải và các nhu yếu phẩm khác đến tận tay các em cô nhi được nuôi dưỡng và giáo dục tại Cơ sở Bảo trợ Xã hội Mái ấm Tình thương Phúc Lâm ở Đồng Nai.
Huynh Trưởng Nghĩa Sinh đã nhân cơ hội này gửi lời cảm ơn đến các tham dự viên Đoàn CTXH Nghĩa Sinh đã hy sinh thời giờ quý báu để kiên trì tham gia các công tác thiện nghĩa trong niên hoạt 2020-2021 – từ việc giúp đỡ các em cô nhi bất hạnh đến việc hỗ trợ những người khuyết tật phục hồi thể xác và bồi dưỡng tâm linh; từ việc tiếp giúp phòng ngừa bệnh tật đến việc đúc chuông nhà thờ cho các xứ đạo nghèo; từ chương trình giếng nước sạch cho người nghèo đến chương trình máy lọc nước sông thành nước sạch cho các gia đình ở vùng sâu vùng xa.
Thay mặt Hiệp đoàn Nghĩa Sinh Việt Nam, Huynh Trưởng Nghĩa Sinh gửi lời cám ơn quý Trưởng và quý Nghĩa Sinh sau đây – đã kiên định phục vụ tha nhân trong các chuyến công tác thiện nguyện: dù xa, dù gần; dù nắng, dù mưa (phương danh Nghĩa Sinh xếp theo thứ tự abc): NS Hoàng Văn Tám, NS Nguyễn Công Bình, NS Nguyễn Thị Hiền, NS Nguyễn Văn Thu, NS Phạm Thu Loan, NS Xuân Lê, Trưởng Ngũ Phùng Vân, Trưởng Nguyễn Thị Bích, Trưởng Nguyễn Hồng Lam, Trưởng Nguyễn Văn Vượng.
Nguyễn Vũ Khánh Hoàng