Ban Công lý & Hòa bình GP Vinh: Thông báo về Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên lần thứ IV 1/9/2018

       GIÁO PHẬN VINH
BAN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
—————–o0o—————

Xã Đoài, ngày 22 tháng 8 năm 2018

 THÔNG BÁO
V/v. Ngày Thế giới Cầu nguyện
cho việc Chăm sóc Thiên nhiên lần thứ IV

Kính gửi: Quý Cha, quý thầy Phó tế, quý Tu sĩ, Chủng sinh và quý ông bà anh chị em trong toàn giáo phận.

Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc thiên nhiên đang tới, để chuẩn bị cho mỗi người tín hữu chúng ta ý thức hơn trong việc bảo vệ chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận xin gửi tới mọi người một vài gợi ý để suy tư, cầu nguyện và hành động.

1. Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay

Thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung xảy ra hơn hai năm nay, một thảm họa kinh hoàng mà cho đến nay các nhà hữu trách vẫn chưa công bố nguyên nhân và hậu quả một cách minh bạch, khách quan và có tính khoa học nghiêm túc, điều này sẽ để lại một hệ lụy khôn lường cho sức khỏe và tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, có thể nói vấn đề ô nhiễm môi sinh đang trong tình trạng báo động ở mọi lĩnh vực. Thực phẩm bẩn, chất bảo quản và các chất phụ gia độc hại, các sản phẩm tiêu dùng, ngay cả thuốc chữa bệnh cũng làm giả. Hiện tượng lũ lụt, sạt lở và các hậu quả của nó do nạn tàn phá rừng một cách tàn nhẫn và vô trách nhiệm trong quản lý rừng của các cơ quan chức năng.

“Rau trồng hai luống, gà nuôi hai chuồng,” không chỉ là câu chuyện hài hước mà là một thực trạng của lương tâm con người hôm nay. Vì thế, bệnh ung thư đang trở thành đại dịch ở Việt Nam mà nguyên nhân chính là do môi trường bị ô nhiễm và sử dụng thực phẩm, đồ uống không đảm bảo. Giữa một môi trường sống như thế, những người có lương tâm, đứng lên kêu gọi và bảo vệ môi trường thì bị khép tội một cách oan ức và tù đày bất công, họ đang ở trong tình trạng đơn độc dưới một nền chuyên chế không dựa trên pháp luật công minh, khiến cho xã hội càng ngày càng trở nên vô cảm với môi sinh của chúng ta. Đúng như Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thông điệp Laudato Sí: “Trái đất đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên… Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, ‘đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở’.” (x. số 1-2)

2. Giáo huấn của Giáo Hội

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một giáo huấn vừa cụ thể vừa phong phú, sâu sắc trong Thông điệp Laudato Sí, ở đây chỉ xin nhắc lại một vài điểm:

– Hủy hoại môi trường là chống lại và hủy hoại sự sống con người: “Qua việc khai thác vô tội vạ thiên nhiên, con người phải đối mặt với một nguy hiểm là sẽ tàn phá thiên nhiên và trở thành tế vật cho việc tàn phá của mình.” (x. số 4)

– Hủy hoại môi trường là một tội ác: “Con người đã tàn phá sáng tạo của Thiên Chúa với nhiều phương cách sinh học; con người đã phá hoại sự toàn vẹn của trái đất, gây nên sự biến đổi khí hậu, bóc lột trái đất từ những cánh rừng tự nhiên hay tàn phá những vùng ẩm ướt; con người đem đến những tai họa cho kẻ khác, gây bệnh hoạn vì làm nhơ bẩn nguồn nước, đất đai và không khí bằng những chất độc hại – đó là tội lỗi. Vì một tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chính chúng ta và là một tội lỗi chống lại Thiên Chúa.” (x. số 8)

– Ơn gọi và trách nhiệm của người tín hữu: “Ngoài ra, là Kitô hữu, chúng ta còn được mời gọi ‘đón nhận vũ trụ như một bí tích của cộng đoàn, như một phương tiện chia sẻ với Thiên Chúa và tha nhân trong chiều kích vũ trụ. Đó là một xác quyết khiêm tốn, gặp gỡ với điều của Thiên Chúa và nhân loại trong những thành phần nhỏ nhất của trang phục không viền mối sáng tạo của Thiên Chúa, ngay cả trong hạt bụi nhỏ bé nhất của hành tinh chúng ta’.” (x. số 9)

3. Việc làm cụ thể của chúng ta

Trước thực trạng của môi trường hiện nay, trong ngày 1 tháng 9 sắp tới, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận tiếp tục mời gọi các giáo xứ, chuẩn giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu hiệp dâng thánh lễ, chầu Thánh Thể để cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên, cầu nguyện cho những người vì bảo vệ môi trường mà bị bắt bớ tù đày. Mặt khác, cần dành thời gian thu gom rác thải, làm sạch môi trường trong giáo xứ, giáo họ, khu phố và thôn xóm. Đặc biệt, mỗi người chúng ta còn được mời gọi thực hiện một cách nghiêm túc và thiết thực hơn nữa những vấn đề sau đây:

– Hoán cải về việc chúng ta gây ra ô nhiễm môi trường sống, để thay đổi từ trong suy tư, trách nhiệm của mỗi người. “Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và sở hữu chủ, nên được quyền tận dụng. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật.’’ (x. số 2)

– Hãy dừng lại việc sản xuất và chế biến các thực phẩm độc hại. Chúng ta không được chạy theo lợi nhuận, sự cạnh tranh trong cơ chế thị trường mà bất chấp về an sinh và mạng sống của người khác.

– Hãy biết đồng hành với những người vì đấu tranh cho môi trường sống mà bị tù đày bất công. Đừng để họ đơn độc trong cuộc chiến chống lại thảm hỏa hủy diệt giống nòi của chúng ta. Đừng để sự hy sinh của họ bị lãng quên, trở nên vô ích và lúc đó vô cảm trở nên tràn lan trong xã hội chúng ta.

– Biết gìn giữ lương tâm trong sáng, biết giáo dục thanh thiếu niên ý thức việc bảo vệ chăm sóc thiên nhiên. Bởi vì khi ý thức chưa thay đổi, nhận thức không có, thì những việc làm cụ thể chỉ mang tính cách phong trào và sau đó, lại tệ hơn trước. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Đòi buộc chúng ta tìm cách giải quyết, không những về mặt kỷ thuật, nhưng còn ngay trong việc thay đổi con người, vì thật ra, chúng ta chỉ đối mặt với các hiện tượng. Ngài (Đức Thượng Phụ giáo chủ Barthôlômêô) đề nghị với chúng ta từ việc tiêu thụ sang hy sinh, từ sự tham lam sang quảng đại, từ phung phí sang khả năng chia sẻ, bước vào sự khổ hạnh, điều đó có nghĩa là, học hỏi để ban phát, chứ không phải chỉ biết từ chối. Đó là một cách yêu thương, từng bước từ vượt qua điều chúng ta ham muốn đến việc trao ban điều mà vũ trụ của Thiên Chúa cần thiết. Đó là việc giải thoát khỏi lo âu, ham hố và ràng buộc.” (x. số 9)

Kính thưa quý Cha và anh chị em,

Thánh Giacôbê Tông đồ đã khẳng định: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2, 26), và trong thông điệp Laudato Sí, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Việc bảo vệ chăm sóc thiên nhiên là một việc làm thiết yếu của đức tin.” Đã đến lúc, vì đức tin thúc đẩy và giáo huấn của Hội Thánh hướng dẫn, chúng ta hãy ra tay hành động, để bảo vệ chăm sóc ngôi nhà chung là trái đất chúng ta đang sống. Hãy ra tay hành động khi chưa quá muộn. Hãy ra tay hành động vì tinh thần trách nhiệm và vì lương tâm đòi buộc, dù chúng ta gặp phải bất cứ thử thách nào, vì tương lai sự sống của chúng ta và của giống nòi chúng ta.

Ban Công lý và Hoà bình Giáo phận ước mong sự đồng hành, cổ võ cho việc bảo vệ môi sinh của quý Đức Cha, quý Cha, quý thầy Phó tế, quý Tu sĩ, Chủng sinh và các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các hội đoàn và tất cả những người thành tâm thiện chí, làm cho ngày vì môi trường thực sự mang lại ý nghĩa, lợi ích cho chúng ta và các thế hệ tương lai.

Xin kính chúc mọi người dư tràn ân ban của Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời – Mẹ Giáo phận Vinh.

 

T/M. BAN CL & HB GIÁO PHẬN
Trưởng Ban
(Đã ký và đóng dấu)
Lm. An tôn Nguyễn Văn Đính

THÔNG QUA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
(Đã ký và đóng dấu)
+GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp