GPVO – Tối ngày 4/9/2019, tại giáo xứ Bùi Ngọa, Ban Bác ái Xã hội – Caritas Giáo phận Vinh đã long trọng đón nhận 307 thành viên gia nhập trong thánh lễ mừng kính thánh Têrêxa Calcutta – bổn mạng Caritas Vinh.
Thánh lễ do Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên cử hành. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Caritas Giáo phận, cha quản xứ Giuse Phan Văn Danh, Ban điều hành Caritas Giáo phận. Trong thánh lễ, các tân hội viên được tiếp nhận làm thành viên Caritas Việt Nam qua Nghi thức Gia nhập hội viên.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô Maria gợi nhắc tiểu sử của Mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ Têrêsa Calcutta là mẫu gương sống động về tinh thần hy sinh, phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Mẹ mãi mãi là hình ảnh của một Kitô hữu có một đức tin không hề lay chuyển, một đức cậy bất chấp phong ba và một đức ái vượt mọi biên thùy. Lời đáp trả trước tiếng gọi của Chúa Giêsu “Hãy đến làm ánh sáng cho Thầy” đã biến Mẹ thành một nhà thừa sai bác ái, một “người mẹ của kẻ nghèo”, một biểu tượng cho lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người và một bằng chứng sống động cho thấy rằng Chúa Giêsu từng ngày khắc khoải chờ đợi tình yêu của mỗi một linh hồn.
Sau phần giảng lễ, cha Giám đốc Caritas Giáo phận đã cử hành nghi thức gia nhập và trao thẻ cho các hội viên mới của Caritas Việt Nam. Từ đây, mỗi anh chị em trong Ban Caritas giáo xứ chính thức là một phần của đại gia đình Caritas Việt Nam.
Sau lời nguyện hiệp lễ, một đại diện của các hội viên mới đã bày tỏ tâm tình tri ân cảm tạ đối với Đức cha, quý cha, quý tu sĩ, Caritas giáo phận cùng cộng đoàn giáo xứ; đồng thời thể hiện quyết tâm can đảm và nhiệt thành hơn trong việc dấn thân vào các hoạt động từ thiện, bác ái để giúp đỡ những anh chị em xung quanh mình.
Trong “Nội quy dành cho hội viên Caritas Việt Nam”, Điều 1 nhấn mạnh: “Hội viên Caritas trước tiên là người được tình yêu Đức Kitô chinh phục. Khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, họ có thể trao ban tình yêu này cho những anh chị em đồng loại qua những việc bác ái. “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14). Thật vậy, con người có khả năng nhận ra tình yêu Thiên Chúa và đáp lại tình yêu đó. Vì thế, cách nhìn của họ về người khác không chỉ xuất phát từ tình cảm tự nhiên, nhưng từ cách nhìn của Đức Kitô để khám phá ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những người mình phục vụ. “Chỉ có việc phục vụ tha nhân mới mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Người đã yêu tôi như thế nào” (x. TĐ. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18).
Quốc Diện