Mặc dù trong gần 2 năm qua, từ sau khi ký kết hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, chỉ có một vài bổ nhiệm giám mục mới được thực hiện và nhiều ”trục trặc” từ phía nhà nước Trung Quốc, nhưng có thể Tòa Thánh sẽ gia hạn Hiệp định này.
Trung Quốc giữa cơn lốc thế giới
Từ nhiều tháng nay, những tin tức về Trung Quốc thường xuất hiện hầu như hằng ngày trên các cơ quan truyền thông thế giới, nhất là từ hạ tuần tháng Giêng năm nay với sự bộc phát dịch virus Vũ Hán, hay cũng gọi virus Trung Quốc, và ngày càng bành trướng gây đại họa cho toàn thế giới. Rồi đến cuộc đụng độ lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, vụ quốc hội Trung Quốc ban hành luật an ninh tại Hong Kong, tiếp đến sự chống đối của các nước Đông Nam Á đối với chính sách bá quyền của Trung Quốc tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt ngày 3-6-2020, Philippines đã ngưng tiến trình hủy bỏ hiệp định quân sự 20 năm với Mỹ. Cùng với Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan, chính phủ Philippines chống lại yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tân Tổng Giám mục Giáo phận Phúc Châu
Trong bối cảnh đó, có tin hôm 9-6-2020: Sau 4 năm được Tòa Thánh bổ nhiệm, Đức cha Phêrô Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan), 86 tuổi, đã chính thức nhận chức vụ Tổng Giám mục giáo phận Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến (Fujian) sau khi được nhà nước Trung Quốc công nhận.
Lễ nghi nhậm chức tại nhà thờ Phiếm Thuyền Phổ (Fanchuanpu), cũng gọi là Nhà Thờ Đức Mẹ Mân Côi ở thành phố Phúc Châu, do Đức cha Giuse Thái Bỉnh Thụy (Cai Bingrui), Giám mục Giáo phận Hạ Môn (Xiamen), cũng là Chủ tịch Hội Công giáo yêu nước tỉnh Phúc Kiến, chủ sự trước sự hiện diện của 80 người, trong đó có 50 linh mục, theo tin của hãng Asia News.
Tổng Giáo phận Phúc Châu được coi là giáo phận đông tín hữu Công giáo và giàu nhất tại Trung Quốc, với khoảng 300 ngàn giáo dân, 120 linh mục và hơn 500 nữ tu, nhưng giáo phận này từ nhiều năm nay ở trong tình trạng phân rẽ giữa cộng đoàn hầm trú và cộng đoàn chính thức.
Thân thế Đức cha Lâm Gia Thiện
Đức cha Lâm Gia Thiện năm nay 86 tuổi, theo hãng tin Asia News (hoặc 83 tuổi theo hãng Ucan News), được Tòa Thánh bổ nhiệm năm 2016 trước hiệp định và thuộc cộng đoàn Giáo Hội hầm trú. Trong thập niên 1980, ngài đã bị nhà nước Trung Quốc kết án 10 năm lao động khổ sai. Theo một số tín hữu, từ đầu những năm 2000, ngài muốn được chính thức hóa tình trạng của mình với chính phủ, nhưng bị đa số các linh mục khuyên can. Cách đây 4 năm, Đức cha Lâm Gia Thiện được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Phúc Châu và nay mới được chính phủ Bắc Kinh nhìn nhận.
Hai giám mục được tấn phong chính thức
Từ sau khi ký hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc hồi tháng 9-2018, cho đến nay mới có 2 giám mục được chọn tại Hoa Lục và Đức Thánh Cha Phanxicô chính thứ bổ nhiệm.
Vị thứ nhất là Đức cha Antôn Diệu Thuận (Yao Shun), 54 tuổi, tân Giám mục Giáo phận Tể Ninh (Jining) tỉnh Nội Mông, chịu chức ngày 26-8 năm 2019.
Vị thứ hai là Đức cha Stephanô Tư Hồng Vĩ (Xu Hongwei) 44 tuổi, tân Giám mục Phó Giáo phận Hán Trung (Hanzhong) tỉnh Thiểm Tây, được thụ phong ngày 28-8 năm ngoái (2019). Vị Chủ phong là Đức cha Mã Anh Lâm (Ma Yinglin), Giám mục Giáo phận Côn Minh (Kunming) tỉnh Vân Nam (Yunnan), Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc. Đức cha Mã là 1 trong 7 giám mục đã được Đức Thánh Cha tha vạ tuyệt thông ngày 22-9 năm 2018, cùng ngày hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc được ký kết.
Từ sau khi ban hành ”Các quy luật mới về các hoạt động tôn giáo”, nhà nước Trung Quốc đòi các giáo sĩ phải gắn bó với ”Giáo Hội độc lập”, yêu tổ quốc và tùng phục chính sách của Đảng cộng sản. Sau khi Hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc được ký kết, áp lực này trên các linh mục càng gia tăng (Asia News 9-6-2020).
Kết quả ít ỏi
Không có tin chính thức của Tòa Thánh về việc Đức cha Lâm Gia Thiện nhận chức tại nhà thờ ở Phúc Châu hôm 9-6-2020.
Trong hai năm trời mà chỉ có 2 giám mục được chính thức bổ nhiệm và thụ phong tại Trung Quốc, không kể một vài vị được âm thầm hợp thức hóa, hoặc công nhận. Hiện nay vẫn còn hơn 40 giáo phận tại nước này không có giám mục. Ngoài ra, trong thời gian qua, mặc dù đã ký hiệp định với Tòa Thánh, nhưng nhiều nơi ở Trung Quốc có những vụ phá đổ thánh đường và thánh giá Công giáo. Nhiều người tự hỏi: Trong những tình cảnh như thế, Hiệp định tạm thời mà Tòa Thánh ký kết với nhà nước Trung Quốc sẽ ra sao, có tiếp tục hay không?
Cuộc phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Celli
Trong bối cảnh này, người ta đặc biệt chú ý đến cuộc phỏng vấn Đức TGM Claudio Maria Celli dành cho đài truyền hình TGCOM24 ở Italia hôm 7-6 vừa qua, qua đó Đức TGM cho biết hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục có thể sẽ được gia hạn 1 hay 2 năm.
Đức TGM Celli năm nay 79 tuổi (1941), nguyên là Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh rồi làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Truyền thông Xã hội từ năm 2007 cho đến khi về hưu năm 2016. Ngài là trưởng ban thương thuyết giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về hiệp định vừa nói, đưa tới quyết định của Đức Thánh Cha tha vạ tuyệt thông cho 8 giám mục Trung Quốc bất hợp pháp, trong số này 1 vị qua đời trước khi công bố việc giải vạ của Tòa Thánh. Theo hiệp định đó, quyết định chung kết trong việc bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc thuộc quyền Đức Thánh Cha, nhưng việc chọn lựa và cử ứng viên có thể là do địa phương. Như đã nói trên, trong hai năm qua, Tòa Thánh đã bổ nhiệm 2 giám mục tại Trung Quốc theo thể thức này. Hai vị đó đã được các đại biểu linh muc, nữ tu và giáo dân bầu lên. Rồi Tòa Thánh cứu xét và Đức Thánh Cha bổ nhiệm chung kết.
Hiệp định tạm thời
Văn bản Hiệp định tạm thời trên đây giữa Tòa Thánh và Trung Quốc chưa hề được công bố và có nhiều người, đặc biệt là Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám mục Hong Kong, lên tiếng phê bình, vì nhà nước Bắc Kinh tiếp tục chèn ép Giáo Hội Công giáo trong chủ trương xen mình vào nội bộ của mọi tôn giáo và ép buộc các giám mục và linh mục Công giáo phải ký tên gia nhập Hội Công giáo yêu nước do nhà nước điều khiển.
Hiệp định có thể được gia hạn
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình TGCOM24 ở Italia hôm 7-6-2020 vừa qua, Đức TGM Claudio Maria Celli nhìn nhận có những khó khăn, những đoạn ”gồ ghề trên đường đi”, nhưng Tòa Thánh tiếp tục hành trình và muốn đạt tới một tình trạng bình thường trong đó Giáo Hội Công giáo tại Trung Quốc có thể hoàn toàn biểu lộ lòng trung thành với Tin Mừng và đồng thời là Trung Hoa.
Theo Đức TGM Celli, tương quan giữa Tòa Thánh và Trung Quốc có đặc tính ”tôn trọng, rõ ràng, đồng trách nhiệm và nhìn xa trông rộng”. Ngài nói: ”Chúng tôi có gắng nhìn về tương lai, và chúng tôi cố gắng mang lại cho tương lai những hoạt động của chúng tôi một căn bản sâu xa và tôn trọng, và tôi có thể nói chúng tôi đang làm việc theo chiều hướng đó… Hành trình tiến bước với Trung Quốc đã được đề ra trong thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc ít lâu sau khi Hiệp định tạm thời được ký kết hồi năm 2018”.
Và Đức TGM Celli kết luận: ”Hiệp định tạm thời sẽ hết hạn vào tháng 9 tới đây (2020) và chúng tôi phải tìm ra một công thức, chúng tôi phải xem điều gì cần làm. Tòa Thánh chưa quyết định về vấn đề này, một quyết định sẽ được thông báo cho chính quyền Trung Quốc sau đó”.
G. Trần Đức Anh OP