GPVO – Vào 8g30′ sáng ngày 16/6/2020, tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã cử hành Thánh lễ tạ ơn Ngọc khánh Linh mục. Đồng tế và hiện diện trong thánh lễ có Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, GM GP Vinh, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, GM Phụ tá Giáo phận Vinh; Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, GM GP Hà Tĩnh; cha Gioan B. Nguyễn Khắc Bá, Tổng đại diện GP Hà Tĩnh; đông đảo quý cha đến từ 2 giáo phận Vinh và Hà Tĩnh; quý tu sĩ, chủng sinh; đại gia đình linh tông, huyết tộc của Đức cha Phaolô Maria cùng cộng đoàn dân Chúa.
Cùng với Đức cha Phaolô Maria, cộng đoàn hai giáo phận Vinh và Hà Tĩnh cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương gìn giữ và nâng đỡ ngài trong suốt hành trình 93 năm cuộc đời, 60 năm linh mục và 28 năm giám mục. trong đó 10 năm trên cương vị chủ chăn giáo phận, là những khoảng thời gian đủ dài cho một bến đỗ cần thiết, trước hết, để chính Đức cha Phaolô Maria nhìn lại chặng đường đã qua trong niềm cảm tạ tình Chúa, tri ân tình người. Thứ đến, đó cũng là cơ hội để mỗi người con giáo phận Vinh và Hà Tĩnh nhìn về những năm tháng mà ngài đã hết lòng tận tụy phục vụ giáo phận mà bày tỏ lòng biết ơn trong tình con thảo.
Mười năm về trước, trong thánh lễ tạ ơn mừng kim khánh linh mục của Đức cha Phaolô Maria, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã chia sẻ:
“Không những chỉ có mặt trên từng cây số không gian, Đức cha Phaolô Maria còn có mặt trên từng cây số con đường chức vụ trong giáo phận: ngài đã lần lượt đảm nhiệm từ công việc quản xứ cho đến quản lý tòa giám mục, từ hạt trưởng, tổng đại diện cho đến giám đốc chủng viện, từ giám mục phó cho đến giám mục chính tòa. Chưa hết, ngài còn có mặt trong hàng trăm công trình, đã từng ký hàng ngàn dự án và kế hoạch…”
“Đó là hình ảnh một linh mục lúc nào cũng miệt mài trên đường sứ mệnh. Cuộc đời đó không phải là một cuộc đời bằng phẳng, yên hàn. Cuộc đời đó đã diễn ra trong muôn vàn gai chông của thời thế. Cuộc đời đó là anh em song sinh với một giai đoạn lịch sử đầy phức tạp vì kỳ thị ý thức hệ, đầy đau thương vì chiến tranh bom đạn. Nhưng ngài đã không tránh né, không cầu an, ngài đã có mặt trên từng cây số hầm hố cong queo.”
Giảng trong thánh lễ, Đức cha Anphong nói: “Nếu mỗi thánh lễ là một hành vi tạ ơn cao độ và xứng hợp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa, và nếu chỉ tính mỗi linh mục dâng một thánh lễ một ngày, thì trong 60 năm qua, Đức cha Phaolô Maria đã dâng 21.900 thánh lễ… Tạ ơn Thiên Chúa là thái độ phải có của người con Chúa khi nhìn nhận tất cả mọi ân huệ mình có được đều từ Thiên Chúa ban cho. Đối với một tín hữu thì họ tạ ơn Chúa bằng lời cầu nguyện, xin lễ, hoặc làm việc lành bác ái. Đối với một linh mục thì phải tạ ơn Chúa nhiều hơn vì hồng ân linh mục. Đối với giám mục thì phải gấp ba, vì chức linh mục viên mãn đã nhận lãnh”.
Chủ chăn Giáo phận Vinh nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ tạ ơn Chúa về những hồng ân mình nhận được, mà còn phải tạ ơn Chúa về những hồng ân Chúa ban cho anh chị em của mình, bởi vì chúng ta kết thành một gia đình thiêng liêng trong tình yêu của Chúa. Và điều đó được thể hiện qua thánh lễ tạ ơn hôm nay. Có thể một mình Đức cha Phaolô Maria tạ ơn Chúa cũng đủ với một chiều dày 60 năm linh mục, nhưng ngài muốn nhờ chúng ta tạ ơn Chúa với ngài và cho ngài. Phần chúng ta, qua việc sum họp quanh ngài để dâng lễ tạ ơn này, chúng ta lại còn muốn nói lên lòng biết ơn của giáo phận Vinh và Hà Tĩnh đối với ngài nữa, vì suốt 60 năm linh mục và 28 năm giám mục, ngài đã ngược xuôi vất vả trong cả hai giáo phận để làm mục vụ, và cho đến hôm nay, tuy hưu, nhưng ngài không nghỉ, ngài vẫn nhiệt huyết đến với nhiều giáo xứ, từ rất sớm của ban sáng hoặc chiều tối, để dâng lễ và thăm hỏi đoàn chiên Chúa. Rồi còn bao lời cầu nguyện, bao hy sinh, chịu đựng bệnh tật, bao chia sẻ vật chất với giáo phận. Ở tuổi ngoài 90, lúc mà người nào còn sống thì chỉ muốn an nhàn hưởng cho hết những ngày còn lại, hoặc chờ người khác đến thăm mình, thì Đức cha Phaolô Maria vẫn muốn vượt trên từng cây số để đến thăm đoàn con, cống hiến chút sức lực còn lại để nuôi dưỡng đoàn con qua bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Tôi cảm kích về châm ngôn giám mục của ngài: “Cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô” (Gl 2,19). Đức cha đã vác thập giá theo Chúa và hơn nữa còn muốn chịu đóng đinh vào thập giá qua những khó nhọc của tuổi già và sứ vụ giám mục-linh mục”.
Cuối thánh lễ, cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Linh mục Giáo phận, thay mặt linh mục đoàn cùng cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận gửi lời chúc mừng Đức cha Phaolô Maria khả kính “vì chuỗi hồng ân cao quý Thiên Chúa đã ban tặng cho ngài, cho Giáo Hội và cho xã hội, chúc mừng vì Đức cha là một trong số rất ít vị Giám mục có thể mừng ngọc khánh linh mục. Hơn thế nữa, với hơn 93 tuổi đời, Đức cha cũng chính là vị giám mục cao niên nhất trong hàng Giám mục của Giáo Hội Việt Nam hiện tại. Chúc Đức cha đón nhận thêm được nhiều ơn lành khác do lòng thương xót của Thiên Chúa và qua Đức cha, Thiên Chúa cũng tuôn xuống cho chúng con ân huệ và tình thương của Người.”
Đáp lại, Đức cha Phaolô Maria cũng thổ lộ tâm tình: “Hôm nay đây, nhìn lại giờ phút lịch sử đã mở ra một chuyến đi dài suốt 60 năm qua, con vô cùng xao xuyến, bồi hồi và nếu cần phải chia sẻ những tâm tình của con trong lúc này thì con cũng chỉ xin vắn tắt nói lên một điều: Đó là con hết sức ghi ơn những niềm tin và tâm tình yêu thương của giáo phận được thể hiện qua các Đức cha, quý cha và mọi thành phần dân Chúa đã lần lượt đồng hành với con trong suốt 60 năm qua và mãi cho đến hôm nay. Được như thế chính vì Chúa đã thương gọi con và trao cho con trách nhiệm cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ. Dù rằng ở một thời điểm không mấy dễ dàng nhưng rất cảm ơn Chúa, Chúa đã giao cho con trách nhiệm thì Chúa cũng ban cho con những điểm tựa vô cùng vững chắc để vượt thắng mặc cho chuyến đi có rất nhiều gian nan nguy hiểm, điểm tựa ấy chính là Thánh Tâm đầy yêu thương của Chúa và Mẹ Maria, Mẹ giáo phận”.
Để kết, xin mượn lời của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong dịp kỷ niệm 25 năm Giám mục của Đức cha Phaolô Maria: “Chặng đường Đức cha Phaolô Maria đã đi, không một con số toán học nào có thể đếm hết được. Chỉ có tình yêu thương, sự hy sinh cho việc hiệp nhất còn tồn tại mãi mãi”.
Quốc Diện