Marianne Farina, C.S.C.
Người ta nói thầy là ai?” Đức Giêsu hỏi các môn đệ. Câu trả lời của các ông – từ Gioan Tẩy Giả đến Êlida hay một trong các ngôn sứ – cho thấy các môn đệ của Người hiểu thế nào về đời sống và sứ vụ của Người. Ngày nay, hỏi người Hồi giáo cùng một câu – bạn nghĩ Đức Giêsu là ai? – thì cũng có những tiết lộ tương tự.
Kinh Qur’an có nhắc đến tên Giêsu, hay Isa, 25 lần, nhưng mỗi lần đều khác nhau. Kinh Qur’an giải thích rằng Đức Giêsu sinh bởi trinh nữ Maria (19,20-21) và “được vinh dự cao trọng ở đời này và đời sau” (3,45-47). Vì thế, Người được gọi Isa ibn Maryam, hay Giêsu con của Maria. Kinh Qur’an còn đề cập đến Người là ruh min Allah (“Thần Khí từ Thiên Chúa”), mushia bi’l baraka (“Đấng Mêsia—người được Thiên Chúa chúc phúc”), kalimah min Allah (“Lời từ/của Thiên Chúa”), và rasul (Ngôn sứ – Sứ giả) của Thiên Chúa.
Người Hồi giáo tin rằng Đức Giêsu là một ngôn sứ, được trao cho một sứ điệp đặc biệt—injil, hay Phúc âm—để truyền lại cho mọi người. Sứ điệp này vừa xác nhận những gì được dạy bảo trong Tôra (Ngũ Thư) và vừa tiên báo sự ngự đến của Ngôn sứ Muhammad. Như thế, Đức Giêsu có một vai trò quan trọng và độc đáo trong đức tin của Hồi giáo.
Tuy nhiên, trong khi người Hồi giáo chấp nhận Đức Giêsu là một tôi tớ, thầy dạy, và người yêu mến Lời của Thiên Chúa, họ không tin rằng Người là Thiên Chúa hay con của Thiên Chúa. Kinh Qur’an diễn tả những phép lạ của Đức Giêsu, tỉ như chữa lành bệnh tật và cho kẻ chết chỗi dậy, nhưng không gán tính cách thần thánh của Người cho các phép lạ này. Thay vào đó, Đức Giêsu là một dấu chỉ cho nhân loại về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Người Hồi giáo không tin vào tội nguyên tổ. Họ không thấy nhu cầu cần phải có một Đấng cứu độ và, hơn nữa, họ không tin vào khổ hình thập giá của Đức Giêsu. Kinh Qur’an viết rằng Đức Giêsu đã được đưa lên trời (3,169) trước khi thực sự chết. Truyền thống Hồi giáo giải thích rằng Đức Giêsu được tha cho khỏi phải chết vì Người là Đấng thánh của Thiên Chúa. Người Hồi giáo tin rằng kẻ thù của Đức Giêsu không thể thắng nổi Người, vì Người là tôi tớ được tuyển chọn của Thiên Chúa.
Giống như Kitô hữu, người Hồi giáo tin rằng Đức Giêsu sẽ trở lại. Các bản văn Hồi giáo nói rằng Đức Giêsu sẽ trở lại vào Ngày Phán Xét, khi Người sẽ tiêu diệt ad-dajjal—tên-phản-Kitô hay kẻ mạo danh.
Trong lịch sử và ngày nay, nhiều nhà tư tưởng Hồi giáo thường dùng Đức Giêsu như một tấm gương đạo đức quan trọng. Học giả Abu Hamid al-Ghazali trong thế kỷ XI và XII khuyên người Hồi giáo hãy cầu nguyện như Đức Giêsu thường làm. Triết gia Ibn ‘Arabi của thế kỷ XIII gọi Đức Giêsu là wilaya (“dấu ấn người bạn của Thiên Chúa”) bởi vì Người có được kiến thức cao nhất về sự mật thiết cũng như được mật thiết với Thiên Chúa. Mahmoud Ayoub, một thần học gia Hồi giáo hiện nay, đang phát triển một loại Kitô học Hồi giáo để tìm hiểu xem Đức Giêsu là điển hình thế nào về việc chu toàn nhân tính bởi được giác ngộ đầy đủ bởi ánh sáng của Thiên Chúa (tajalli).
Dĩ nhiên người Hồi giáo nghĩ về Đức Giêsu khác với các giảng dạy của Kitô giáo. Nhưng chúng ta còn chia sẻ nhiều điều tin tưởng chung: sự sinh hạ trong trắng của Đức Giêsu, sự tôn kính sâu xa mầu nhiệm Thiên Chúa, yêu mến Đức Giêsu, và sẵn sàng học hỏi từ đời sống của Người khi chúng ta tìm kiếm hạnh phúc nơi Thiên Chúa. Có lẽ đây là một loại mở đầu cho cuộc đối thoại tốt đẹp giữa các đức tin.
Pt Nhật lược dịch từ uscatholic.org