GPVO (28/9/2022) – Dù muốn dù không, khi nắm mắt về nơi cuối trời thì con người được gói gọn trong chiếc áo quan. Mỗi người đều mặc chiếc áo quan trước khi đi vào lòng đất mẹ hay được ngọn lửa thiêu đốt thân xác mình.
Nơi thành thị, nơi những gia đình đại gia thì những cổ áo quan cũng như một lễ an táng diễn ra thật hoành tráng. Có những chiếc áo quan trị giá đến cả trăm hay hơn trăm triệu gì đó. Thường ở những nơi phồn hoa đô thị thì chuyện lo hậu sự cho người thân xem chừng ra nhẹ nhàng. Cùng lắm có một số gia đình nghèo quá không thể lo nổi nên rồi xin những chiếc áo quan từ thiện. Và họa hoằn lắm ta mới thấy trường hợp phải xin.
Ngược lại, ở những vùng quê nghèo thì chiếc áo quan độ gần chục hay hơn chục triệu gì đó. Với những gia đình có khả năng thì số tiền đó có thể xoay sở khi gia đình có người thân qua đời. Cạnh đó, có những người nghèo cần đến sự chia sẻ của người khác. Và tôi lại được thấy nhiều và nhiều hoàn cảnh nghèo cần đến sự chia sẻ.
Ở cái vùng nghèo này, chung chung là đủ thứ lo. Cái lo đó có khi là bữa ăn sáng cho đám trẻ con học giáo lý, có khi là chung chia chút gì đó cho những người nghèo và người bệnh. Và rồi cũng có khi cũng lo đến cả phần hậu sự. Chính vì lẽ đó, khởi đi từ lòng chạnh thương với người nghèo, trong nhà chúng tôi có những chiếc áo quan “0 đồng”.
Sau vài đợt “nhập hàng” và “hàng” đã cạn. Nay lại tiếp tục nhập kho để chung chia với những mảnh đời bất hạnh. Chuyến hàng vừa về thì theo kiểu nói vui của chúng tôi là “sang tay” ngay trên đường về.
Áo quan mà chúng tôi nhập về nhìn cũng đẹp ra phết. Hoa văn cũng như mẫu mã trông cũng bắt mắt lắm chứ đâu phải chuyện đùa. Người dân ở đây nghe đâu phải mua đến giá 16 triệu. Người nghèo đến với chúng tôi thì nhận về với chi phí 0 đồng.
Câu chuyện là có người vừa về với Chúa nhưng gia cảnh không cho phép mua 1 chiếc áo quan như bao người khác. Sự chia sẻ ngay thời khắc ấy quả là niềm vui cho cả người cho lẫn người nhận.
Có một chuyện vui là nơi chúng tôi đang ở, người sắc tộc dường như họ ngại khi đến nhà thờ mà thấy những chiếc “áo” như thế. Trong niềm tin gì đó khó hiểu là họ rất quan ngại khi mua quan tài trữ sẵn. Điều mà họ không nghĩ đến là trong làng không ai biết được lúc nào có người qua đời. Nếu không trữ sẵn thì làm sao có khi hữu sự. Có những nơi họ không chấp nhận để áo quan trong nhà thờ vì sợ. Đứng trước tình hình đó, chúng tôi bèn phải tìm để cất nơi kín đáo hay tìm cách để phủ lên để tránh sự ngó nhìn và khiếp sợ cho họ.
Có vùng thiểu số họ đóng áo quan sẵn để ở nhà để chờ lo hậu sự.
Mỗi dân tộc, mỗi người có niềm tin cũng như tín ngưỡng khác nhau. Khó mà bắt ai theo một khi họ không thích. Chắc có lẽ họ không hiểu cũng như họ sợ điều gì đó chả lành.
Trước khi hết “lô hàng” này. Còn trong kho 2 cái. Chúng tôi đùa vui là 2 cái dành cho “2 đứa” ở trong nhà. Vui vậy thôi chứ làm sao biết trước.
Cũng như xe lăn vậy. Trong kho còn 1 chiếc, chả ai biết ai cần đến nó. Và tôi cũng đùa vui : “2 đứa” trong nhà chưa biết đứa mô phải dùng.
Thật vậy, phận con người thận mong manh, mỏng giòn và yếu đuối. Đời người như cơn gió thoảng mà thôi. Cuối cùng rồi ai ai cũng nhắm mắt xuôi tay. Giàu cũng như nghèo khi chết rồi cũng có biết cái gì đâu. Khi nằm xuống thì ai cho mình vô đâu thì làm sao mình biết được. Suy nghĩ điều đó để sống cho nhẹ lòng.
Nhìn những chiếc áo quan “0 đồng” đang chuyển vào kho để khi hữu sự chuyển đến cho những người nghèo tôi lại nghĩ đến phận người. Khoảng cách giàu nghèo cũng như đời sống ngày một lớn. Có nơi kẻ ăn không hết và cũng có nơi kẻ lần không ra. Thế nhưng rồi dù giàu dù nghèo thì cũng trở về cát bụi như nhau.
Đang sống giữa người nghèo để rồi cảm nghiệm cách sâu hơn về phận nghèo. Thôi thì mình làm được điều gì đó cho người nghèo cũng là điều tốt. Có khi chiếc áo quan gửi đến những gia đình khốn khó cũng là thực thi lòng bác ái như lòng Chúa mong muốn.
Lm. Anmai, CSsR