GPVO (18/9/2022) – Khi linh mục cử hành thánh lễ, chắc hẳn mỗi tín hữu sẽ cảm nghiệm được rằng: Bí tích Thánh Thể chính là trung tâm, là nguồn mạch và là chóp đỉnh của mọi sinh hoạt của Giáo hội. Chính Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống và sứ mạng của Giáo hội.
Việc cử hành tuần chầu cũng là dịp để làm sống lại những tâm tình đó. Trong những ngày vừa qua, giáo xứ Tân Yên đã cử hành tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể thay cho Giáo phận.
Đặc biệt, vào lúc 8h00’ sáng Chúa nhật 18/09/2022, giáo xứ hân hoan chào đón Đức Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên viếng thăm và cử hành thánh lễ cao điểm tuần chầu lượt. Hiệp dâng thánh lễ có Đức ông Brendan đến từ New Zealand , cha quản xứ Phêrô Nguyễn Hiệu Phượng, quý cha giáo, quý cha trong và ngoài giáo hạt Xã Đoài, quý tu sĩ cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa.
Giáo xứ Tân Yên cách giáo đô Xã Đoài khoảng 2km, cùng thuộc địa bàn xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc. Giáo xứ Tân Yên được công bố quyết định thành lập vào ngày 1/1/2014. Mặc dù mới được thành lập song Tân Yên là vùng đón nhận đức tin từ rất sớm với một hành trình hình thành và phát triển lâu đời. Dưới sự cầu bầu của thánh Phêrô – quan thầy giáo xứ, đời sống đạo nơi đây ngày một thăng tiến, các đoàn thể sinh hoạt thường xuyên và thu được nhiều kết quả hữu ích như: Gia Đình Thánh Tâm, Gia Đình Khôi Bình, Thiếu Nhi Thánh Thể,… Hiện nay, giáo xứ có gần 2.570 nhân danh dưới sự coi sóc của cha Phêrô Nguyễn Hiệu Phượng.
Trong phần khai lễ, Đức cha chủ tế đã mời gọi cộng đoàn cùng nhau cảm tạ Chúa Kitô bởi vì Ngài đã ở cùng chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế bằng nhiều cách thức khác nhau nhưng cụ thể nhất là bí tích Thánh thể. Chính bí tích Thánh Thể làm nên Giáo hội. Đức cha cũng mời gọi cộng đoàn ý thức về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Giêsu trong đời sống mỗi người trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn.
Giảng trong thánh lễ, Đức ông Brendan đã quảng diễn về sự cao trọng của bí tích Thánh thể. Nơi bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả tình yêu trọn vẹn khi trao hiến Thịt và Máu mình làm của ăn, của uống cho nhân loại. Qua bí tích cực thánh này, Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh, hình rượu để trở nên lương thực nuôi dưỡng mỗi người, làm cho đời sống tinh thần của mỗi người được lớn mạnh không ngừng. Ngài đã chết thay chúng ta nhưng không phải chỉ có thế, Ngài muốn “ở lại” với mỗi người cho đến tận thế và muốn nuôi dưỡng mỗi người mãi mãi. Thịt Máu Ngài là lương thực thần thiêng giúp mỗi người sống và lưu lại trong tình yêu thương của Ngài. Mỗi khi đón nhận bí tích Thánh Thể, mỗi người không chỉ thưởng thức bánh và rượu nhưng đã có một cuộc trao đổi kỳ diệu dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Chúa Giêsu qua lời truyền phép của linh mục. Thánh Thể mãi mãi cung cấp dưỡng chất cho linh hồn mỗi người, là của ăn không thể thiếu đối với mỗi nguời trong hành trình tiến về nhà Cha.
Nhu cầu tất yếu để duy trì và phát triển của sự sống là lương thực. Con người muốn tồn tại và lớn lên phải ăn, phải uống, vì nhờ đồ ăn thức uống, cơ thể được cung cấp những năng lượng cần thiết đáp ứng cho sự hiện hữu của mình. Tương tự như nhu cầu của thể xác, linh hồn mỗi người cũng cần có lương thực hằng ngày để bảo tồn sự sống thiêng liêng. Bí tích Thánh Thể là của ăn của uống quí báu khả dĩ đáp ứng cơn đói khát của đời sống tâm linh. Mình và Máu Chúa Kitô là quà tặng Chúa ban, là sự sống nuôi linh hồn chúng ta. Thánh Thể Chúa là bảo chứng tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa, đó là tình yêu tự nguyện và đi cho đến cùng, được Ngôi Hai Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô ban tặng khi lấy chính Thịt và Máu mình hiến trao vì sự sống của chúng ta.
Ý thức giá trị và sự cần thiết của bí tích Thánh Thể trong cuộc sống lữ hành trên trần thế của mỗi người, đồng thời thực thi sứ mạng của mình đối với nhân loại, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong Tông thư “Mane Nobiscum Domine – Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con” như một qui chiếu thực hành ngay hôm nay đối với mỗi người: “Mỗi lần ta dự phần vào Mình và Máu Người, chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình niềm hân hoan mình đã cảm nghiệm. Việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô cách thường xuyên được tăng triển và đào sâu trong bí tích Thánh Thể khơi lên trong Giáo hội và nơi mỗi tín hữu một lời mời gọi khẩn thiết cho việc làm chứng và rao giảng Tin mừng” (Gioan Phaolô II, Mane Nobiscum Domine, số 24).
Sau thánh lễ, Đức cha, quý cha và cộng đoàn hiện diện đã sốt sắng chầu Thánh Thể. Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể là mỗi lần người Kitô hữu được suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô, từ Nhập Thể đến Phục Sinh và sự trở lại trong vinh quang của Ngài.
Tâm Quảng