GPVO (7/8/2022) – Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong bài chia sẻ tại Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 13 (ngày 2/2/2009) đã khẳng định: Đời sống thánh hiến là gì nếu không phải là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô? Bản chất của đời sống thánh hiến là sống và thực hành ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Lời nói và gương lành của Chúa Giêsu là nền tảng của các lời khuyên Phúc âm: “Các lời khuyên ấy là ân huệ thần linh mà Giáo hội đã nhận lãnh bởi Chúa mình và trung thành gìn giữ nhờ ơn Người” (Hiến chế Tín lý về Giáo hội, số 43). Theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu, người sống đời thánh hiến sống tốt các lời khuyên ấy là một cách thức hữu hiệu nhất để giúp họ nên thánh trong đời tu và thể hiện dấu chỉ huy hoàng của Nước Trời mai hậu.
Chính vì thế, trong hai ngày 6-7/9/2022, 21 thầy khóa 14 của Giáo phận Vinh đã tham dự kỳ thường huấn năm thực hành mục vụ tổ chức tại Tòa Giám mục Xã Đoài. Chủ đề kỳ thường huấn quý 2 là “Đức khiết tịnh”. Các vị giảng phòng là cha G.B Nguyễn Kim Đồng, Giám đốc Tiền Chủng viện Xã Đoài, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiểu, quản hạt Xã Đoài, Đại diện Tư pháp. Ngoài ra, quý thầy còn nhận được sự đồng hành của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, cha Phaolô Nguyễn Thiện Tạo, Phó Giám đốc Tiền Chủng viện Xã Đoài, linh mục đặc trách và cha Phêrô Nguyễn Văn Quang, Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục linh hướng và giải tội.
Ngày thứ nhất, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiểu đã cùng với quý thầy tìm hiểu những quy định pháp lý của Giáo luật về đời sống độc thân thánh hiến. Một Kitô hữu bước vào đời sống thánh hiến khi đảm nhận cách tự do bậc sống này qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục bằng lời khấn hoặc bằng mối ràng buộc thánh. Khi đã tuyên khấn tu sĩ được mời gọi tuân giữ trọn vẹn các lời khuyên phúc âm về khía cạnh thần học lẫn khía cạnh pháp lý (đ. 598§2; đ. 587§3).
Trong giờ huấn đức vào buổi tối, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã hiện diện và chia sẻ với quý thầy tham dự. Đức cha mời gọi quý thầy nhìn vào mẫu gương của Đức Giêsu trong đời sống khiết tịnh. Lời khuyên khiết tịnh không chỉ dựa trên những lời mời gọi mà còn dựa trên chính đời sống của Người. Đức Giêsu đã không lập gia đình bởi vì Người muốn dành hết tâm lực cho việc phục vụ Nước Thiên Chúa. Ngày nay, khi tuyên giữ khiết tịnh vì Nước Trời, tu sĩ cũng muốn bắt chước Đức Kitô, dâng trót đời mình để mang tình yêu Chúa đến cho tha nhân. Việc bắt chước Người không chỉ nhằm họa lại một bức tranh tuy đẹp nhưng bất động. Việc đi theo Đức Kitô không chỉ giới hạn vào việc diễn lại cuộc sống lịch sử của Người cho bằng thông hiệp với những tâm tình sống động của Đức Kitô tử nạn và phục sinh. Lời khuyên khiết tịnh diễn tả lại tình yêu của Người đến nỗi hiến mạng cho người yêu. Lời khuyên khiết tịnh diễn tả điều kiện phục sinh khi thân xác được Thánh Thần biến đổi.
Sau cùng, Đức cha nhấn mạnh đến những khó khăn và thách đố trong việc sống và giữ đức khiết tịnh trong đời sống tu trì. Ngày nay cũng như trước kia, việc sống khiết tịnh luôn là một thách đố. Thế giới hôm nay đang mải miết chạy theo văn hóa hưởng thụ, cố tình “tháo gỡ mọi quy tắc khách quan của tính dục, giản lược tính dục thành một trò chơi và một món hàng tiêu thụ, cũng như tôn thờ bản năng tính dục với sự đồng lõa của các phương tiện truyền thông đại chúng”. Hiện tượng phim ảnh và các ấn phẩm, sách báo đồi trụy phổ biến rộng khắp đã có những tác động xấu, khiến nhiều người đánh mất ý thức trong sáng về tính dục. Người ta lẫn lộn giá trị tình yêu và tình dục.
Đứng trước tình trạng này, bằng việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, người tu sĩ phải chứng tỏ cho thế gian thấy được “quyền năng của Thiên Chúa trong sự mỏng giòn của thân xác con người” và làm chứng rằng nhờ ơn Chúa, “điều mà đa số xem như không thể được lại trở nên có thể và thật sự mang lại tự do” cho con người. Cũng vậy, qua việc khấn giữ đức khiết tịnh, người thánh hiến phải chứng tỏ cho thế gian biết rằng, trong Đức Kitô, người ta có thể yêu mến Thiên Chúa hết cả con tim, hết cả trí lòng sẵn sàng đặt Người lên trên mọi mối tình và yêu anh em đồng loại như yêu chính mình.
Ngày thứ hai của khóa thường huấn, quý thầy được lắng nghe bài chia sẻ tĩnh tâm của linh mục G.B Nguyễn Kim Đồng với chủ đề: “Đức khiết tịnh”. Đức khiết tịnh giúp cho người tu sĩ củng cố và kiện toàn đức bác ái, là nhân đức vượt trên mọi nhân đức khác. Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người sống đức ái nhưng sự trọn hảo của đức ái chỉ dành cho những ai tự nguyện dấn thân trong đời sống thánh hiến qua việc thực hành các nhân đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục vì Nước Trời. Giáo hội luôn nhìn nhận sự khiết tịnh như là một bậc sống. Chính Chúa Giêsu đã sống đức khiết tịnh một cách hoàn hảo.
Cha giảng phòng đưa ra bốn điểm để quý thầy cùng suy tư trong bậc sống của mình với những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban: Độc thân khiết tịnh vì Nước Trời; ý nghĩa phu thê của độc thân khiết tịnh; ý nghĩa khổ chế; đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là đầu.
Với nhân đức khiết tịnh, người sống đời thánh hiến được mời gọi không ngừng đào sâu ân huệ lời Chúa nhờ một tình yêu ngày càng chân thành hơn và mạnh mẽ hơn trong chiều kích Ba Ngôi: Càng khó khăn bao nhiêu, càng cho thấy sức mạnh của ơn Chúa thật lớn lao bấy nhiêu. Mỗi người không thể tự mình đứng vững nếu không có ơn Chúa. Bởi vậy, thánh Phaolô mới nói với mỗi người từ chính kinh nghiệm của bản thân thánh nhân: “Ai tự hào hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1,31). Đó là bài học trên hết mọi bài học áp dụng cho sự độc thân khiết tịnh mà mỗi người phải học thuộc và nỗ lực sống trong đời mình.
Tâm Quảng