01/08/18 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th. An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,44-46
KHÁM PHÁ ĐƯỢC KHO TÀNG
“Nước Trời giống như chuyện kho báu… người kia tìm được, bán tất cả những gì ông có để mua.” (Mt 13,44)
Suy niệm: Hôm qua Giáo Hội kính nhớ Thánh I-nha-xi-ô, sáng lập Dòng Tên; hôm nay là Thánh An-phong, sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế. Cuộc đời hai vị thánh này là những minh hoạ tuyệt vời lời Đức Giê-su kể hôm nay: “bán tất cả những gì mình có” để mua “kho tàng chôn giấu trong ruộng.” Mỗi người mỗi cách, nhưng cả hai đều xuất thân từ những gia đình đầy thế giá và đều đang say sưa săn đuổi quyền lực và danh vọng thế trần. Rồi một biến cố xảy đến tuy tự nó không đủ để làm vỡ mộng, nhưng cả hai đã ‘tự ý’ vỡ mộng – để ôm một giấc mộng cao hơn, giấc mộng ‘Nước Trời’, và sẽ không bao giờ phải vỡ mộng nữa.
Mời Bạn: Hãy tượng tượng rằng bạn chỉ còn 10 ngày nữa để sống. Bạn gác tay lên trán và nghĩ xem bằng cách nào mình sẽ sống tốt nhất 10 ngày cuối cùng này. Đâu là những thứ bèo bọt mà lâu nay bạn dành quá nhiều quan tâm, quá nhiều thời gian và sức lực, và bây giờ cần phải dứt bỏ? Đâu là những điều thực sự giá trị và đáng nghĩ, đáng nói, đáng làm, mà lâu nay bạn không mấy tha thiết hay thậm chí hoàn toàn dửng dưng, vì lòng trí bạn bị xâm chiếm bởi những thứ rơm rác khác?
Sống Lời Chúa: Ta chỉ có thể sống tốt nhất một đời bằng cách sống tốt nhất từng ngày. Bạn qui hướng trọn ngày sống hôm nay về Đức Ki-tô và về Tin Mừng của Người, khi một mình cũng như khi tiếp xúc với người khác, khi làm việc cũng như lúc giải trí: tất cả ĐỂ VINH DANH CHÚA HƠN!
Cầu nguyện: Lạy Chúa, này con đây, xin thuộc trọn về Chúa. Xin Chúa dùng con hoàn toàn theo như ý Chúa muốn.
02/08/18 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th. Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, linh mục
Mt 13,47-53
MONG LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH
“Nước Trời cũng giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi rồi ngồi nhặt cá tốt mà cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.” (Mt 13,47b-48)
Suy niệm: Một lần nữa chúng ta được nghe Chúa Giê-su mạc khải về ngày tận thế qua dụ ngôn chiếc lưới đầy cá và sự chọn lựa của ngư dân. Trong ngày sau hết cũng vậy, Thiên Chúa sẽ tách biệt người công chính ra khỏi kẻ gian ác. Kẻ gian ác thì chịu án phạt, còn người công chính được ân thưởng trong Nước Trời.
Mời Bạn: Hội Thánh ở trần gian giống như chiếc lưới, mời gọi mọi người không trừ ai. Thế nhưng, trong Hội Thánh, mọi tín hữu đều hướng tới mục tiêu là nên thánh, nên công chính để được Chúa tuyển chọn vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong ngày sau hết. Trở nên người công chính, đó là ước mong của mọi người chúng ta khi làm môn đệ Chúa Ki-tô. Và chính điều mong ước này là động lực thúc đẩy chúng ta sống công chính theo gương Ngài để được chọn vào trong nhà Chúa. Lời Chúa mời gọi “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nhờ bí tích Rửa tội chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta nên sống công chính thánh thiện để mỗi ngày một nên giống Chúa hơn.
Chia sẻ: Bạn sẽ thực hành và quyết tâm điều gì để trở nên giống Chúa Ki-tô và sống công chính mỗi ngày?
Sống Lời Chúa: Nỗ lực mỗi ngày nên hoàn thiện hơn bằng cách chừa bỏ một thói quen xấu và tập một đức tính tốt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban ơn giúp sức để chúng con biết sống xứng đáng là con cái Chúa và mai sau được vui hưởng hạnh phúc cùng Ngài. Amen.
03/08/18 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Mt 13,54-58
THOÁT RA KHỎI THÀNH KIẾN
“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” (Mt 13,54)
Suy niệm: Những tháng gần đây, chỗ này có tin tượng Đức Mẹ cười, chỗ kia rộ lên tin tượng Đức Mẹ khóc chảy máu mắt. Các mạng xã hội lại góp phần làm cho thông tin ấy lan truyền với tốc độ chóng mặt. Chưa biết thực hư ra sao, người ta đã nườm nượp đổ xô chạy đến những nơi ấy, người thì khóc lóc kêu khấn, người thì khẩn cầu xin ơn, kẻ thì đến vì tò mò, hiếu kỳ… Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su về giảng dạy tại quê hương của mình cũng làm dấy lên nhiều thông tin trái chiều như vậy. Dân làng cho rằng mình biết rõ ông Giê-su này từ thuở còn tấm bé, biết cả tông chi họ hàng, con cháu ông nào bà nào, nghề nghiệp ra sao… Việc Ngài giảng dạy khôn ngoan và làm nhiều phép lạ không làm cho họ tin được rằng con người quá quen thuộc đến độ bị coi là tầm thường đó lại là Con Thiên Chúa đến cứu độ muôn người.
Mời Bạn: Việc nhìn người khác theo lối mòn của thói quen khiến người ta “dán” lên tha nhân những nhãn mác và đóng khung họ trong những thành kiến, và vì thế không thể khám phá những giá trị độc đáo, những nét tốt đẹp và mới mẻ của tha nhân. Cần phải thoát ra khỏi thành kiến để có thể yêu, để có thể tin và lúc đó bạn sẽ thấy được phép lạ của Chúa.
Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa hằng ngày để nhờ Lời soi dẫn bạn có thể nhìn tha nhân với đôi mắt tích cực và tràn ngập tin yêu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết nhận ra Chúa qua những con người chúng con gặp gỡ, những con người với muôn vẻ riêng biệt Chúa dựng nên để con kính cẩn trước mỗi thụ tạo tuyệt vời và ca tụng Chúa không ngừng.
04/08/18 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th. Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê, linh mục
Mt 14,1-12
LÀM TRÒN BỔN PHẬN
Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. (Mt 14,10-11)
Suy niệm: Một ông vua Hê-rô-đê đam mê tửu sắc lại muốn giữ thể diện vì đã lỡ thề với cô gái trước mặt bá quan văn võ, một bà Hê-rô-đi-a lăng loàn đem lòng oán hận đối với người đã lên tiếng tố giác mối quan hệ bất chính của bà, những người này ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy đen tối của Sa-tan mà dấn bước không chút đắn đo vào hành vi tội lỗi. Còn Gio-an thực thi sứ mệnh Thiên Chúa trao ban: dọn đường cho Đấng Mê-si-a, dám một mình bênh vực lẽ phải, không khuất phục trước bạo quyền; ông mạnh mẽ lên án nhà vua: ngài không được phép lấy vợ của anh mình. Gio-an đã sống và chết cho sứ mệnh. Ông làm tròn bổn phận Thiên Chúa giao phó.
Mời Bạn: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, thuộc đủ mọi thành phần khác nhau: giám mục, linh mục, giáo dân, trùm họ, thầy giảng, chủng sinh, đã chu toàn bổn phận của mình, dấn thân theo Chúa, phụng sự Giáo Hội, một lòng vâng theo ý Chúa. Thánh Si-mon Hòa nói với các con: “Cha yêu thương và hằng săn sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn nữa. Chúa đã muốn cha chịu khổ hình, cha xin vâng ý Người cho trọn.”
Sống Lời Chúa: Hy sinh tận tuỵ làm tròn bổn phận được giao phó cho tôi trong gia đình, trong giáo xứ.
Cầu nguyện: “Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng. Xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu, được moi gương các ngài, biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các ngài ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển.” Amen.
05/08/18 CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – B
Ga 6,24-35
TÌM KIẾM BÁNH TRƯỜNG SINH
Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (Ga 6,26)
Suy niệm: Chúa Giê-su làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho dân chúng được no thoả cơn đói trong hoang địa. Qua dấu chỉ đó, Chúa báo trước Ngài sẽ ban Bánh Hằng Sống để ai ăn sẽ được sống đời đời. Thế mà dân chúng không quan tâm đến thứ “lương thực thường tồn” đó mà hăm hở đi tìm Chúa chỉ để tìm kiếm những “lương thực mau hư nát” cốt sao được no cái bụng. Chúa Giê-su mạnh mẽ khiển trách não trạng thực dụng đó của người Do Thái. Và Ngài mời gọi mọi người tin vào Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến và lãnh nhận Bánh Trường Sinh là Mình Máu Ngài để được sống đời đời.
Mời Bạn: Sống trong xã hội duy vật và thực dụng, với nếp sống hưởng thụ vật chất đang lên ngôi thống trị mọi ngõ ngách của cuộc sống, người ta chấp nhận một cách đương nhiên rằng “có thực mới vực được đạo;” và sống trong môi trường đó, những người con cái Chúa cũng chịu tác động mạnh mẽ của lối sống này. Mời bạn phản ứng lại lối sống thế tục này bằng cách đem tinh thần siêu nhiên thấm nhập vào cuộc sống của mình, bằng cách sống trọn vẹn những giáo huấn của Chúa cho dù có phải hy sinh, thiệt thòi trong cuộc sống ở đời này.
Chia sẻ: Đời sống và cái chết của các thánh tử đạo là lời tuyên xưng đức tin vào cuộc sống vĩnh cửu. Lời tuyên xưng đó có giá trị gì cho chúng ta ngày nay?
Sống Lời Chúa: Trong giờ kinh tối, xét mình xem tinh thần thế tục đã len vào gia đình, cộng đoàn mình như thế nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con đã tìm Chúa chỉ vì “ăn bánh no nê”, xin chữa lành con và giúp con biết tìm kiếm “của ăn thật” là Thịt Máu Chúa. Amen.
06/08/18 THỨ HAI TUẦN 18 TN
Chúa Hiển Dung
Mc 9,2-10
HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI
Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 19,7)
Suy niệm: Khuôn mặt có thể diễn tả tâm trạng con người. Để diễn tả tình cảm vui buồn, người ta nói: khuôn mặt đưa đám, khuôn mặt lễ hội; người hồn nhiên có khuôn mặt thiên thần, còn phường đâm thuê chém mướn thì đầu trâu mặt ngựa. Khuôn mặt Đức Giê-su rực rỡ ngời sáng hôm nay cũng là một biểu hiện con người của Ngài. Ngài lên núi để cầu nguyện, thỉnh ý Chúa Cha về cuộc “xuất hành” (theo Lu-ca) hay hành trình mạo hiểm lên Giê-ru-sa-lem sắp đến. Ngài đặt dự định, chương trình này trước mặt Cha để xem có đúng điều “Cha muốn Con làm không.” Ngài đã nhận được sự chấp thuận từ nơi Cha, qua việc cho khuôn mặt Ngài sáng láng rực rỡ và lời nói chuẩn y. Con đường thập giá, hiến mình Ngài sắp thực hiện, là con đường tốt nhất để cứu rỗi nhân loại.
Mời Bạn: Khuôn mặt bạn cũng sẽ ngời sáng rực rỡ sau mỗi lần bạn nghiền ngẫm Lời Hằng Sống, hay thực hiện một nghĩa cử đẹp lòng Thiên Chúa. Bạn hãy “đại tu” dung nhan không phải ở thẩm mỹ viện hay các mỹ phẩm, nhưng bằng khóa tĩnh tâm, các giờ cầu nguyện hay các cử chỉ hy sinh hiến mình.
Chia sẻ: Một kinh nghiệm về sự biến hình trong cuộc đời bạn.
Sống Lời Chúa: Tập cầu nguyện, thỉnh ý Thiên Chúa về các kế hoạch của đời mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con muốn được ngời sáng rực rỡ, nhưng lại ngại hiến mình hy sinh. Xin Chúa biến đổi chúng con mỗi ngày qua việc cầu nguyện thỉnh ý Chúa, cũng như qua các nghĩa cử phục vụ hiến mình cho những người anh em bé nhỏ nhất ở giữa chúng con. Amen.
07/08/18 THỨ BA TUẦN 18 TN
Th. Xít-tô II, giáo hoàng và các bạn tử đạo
Mt 14,22-36
THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27)
Suy niệm: Sức mạnh cho lòng tin là ở nơi Lời của Thiên Chúa. Quả thật, nhờ lời của Đức Giê-su: “Chính Thầy đây, đừng sợ” và lệnh truyền của Ngài: “Cứ đến!” thì mặt nước dưới chân Phê-rô trở nên vững chắc như đất bằng để ông ung dung bước tới. Phê-rô đã mau mắn nghe và tin vào lời Thầy “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước mà đến với Đức Giê-su.” Thế nhưng, sự nhanh nhảu đó ít nhiều bị thúc đẩy bởi những xung động của cảm tính, nên không tránh khỏi bóng dáng của tính tự phụ, và vì thế, rất mong manh dễ vỡ: chỉ một cơn gió thổi qua, ông đã hoảng hốt, chao đảo; nếu ông không nắm chặt lấy bàn tay Thầy đưa ra cứu giúp, hẳn là ông đã chìm nghỉm dưới những ngọn sóng rồi. Phê-rô cũng đã tin vào Đức Ki-tô, nhưng đồng thời ông đã nhận thức được sự yếu đuối của bản thân, ông đã kêu cầu Chúa: “Lạy Thầy, xin cứu con.” Và cùng với các tông đồ, ông đã thưa với Thầy: “Thưa Thầy, xin ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5).
Mời Bạn: Đức tin là ơn siêu nhiên do Chúa ban tặng nhưng con người được đòi hỏi phải đáp trả quà tặng đó bằng việc phó thác trọn vẹn vận mạng cuộc sống mình trong tay Chúa. Trong cuộc sống này, lắm lúc chúng ta cũng như các tông đồ phải đối diện với những đau khổ khốn cùng, bế tắc, và chúng ta rơi vào hoảng loạn, sợ hãi, thất vọng, mất bình an… Bạn nhớ rằng dù Chúa dường như vắng mặt, nhưng thực ra Ngài vẫn hiện diện, vẫn để tâm chăm sóc chúng ta.
Sống Lời Chúa: Trước và sau bất cứ việc gì, tôi dâng một lời nguyện phó dâng mình và công việc đó cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con. Amen.
08/08/18 THỨ TƯ TUẦN 18 TN
Th. Đa-minh, linh mục
Mt 15,21-28
ĐỂ ĐỨC TIN VỮNG MẠNH
Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15,28)
Suy niệm: Nhà văn Pháp Marcel Proust nhận xét: Một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm gặp được những vùng đất mới, cho bằng có được đôi mắt mới. Đôi mắt ấy giúp họ khám phá thế giới quen thuộc nhưng chứa chất nhiều điều bí ẩn, tuyệt diệu hữu ích cho cuộc sống. Người đàn bà xứ Ca-na-an trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, quả thật, có đôi mắt mới. Bà không nhìn Chúa Giê-su như những người Na-da-rét, đồng hương của Chúa, để khinh bỉ Ngài. Bà cũng không nhìn Chúa Giê-su như những đồng hương xứ Ca-na-an của bà, để xa tránh Chúa. Trái lại, bà nhận ra trong con người Giê-su ấy một quyền năng, mà không ai trong xã hội có thể có để cứu giúp bà trong cơn khốn đốn. Ở nơi Ngài, bà trực giác nhận ra một lòng thương xót thường trực, khích lệ bà tìm đến. Như người thấy được kho báu trong ruộng, bà bỏ hết những mặc cảm, đến với Chúa Giê-su và đặt tất cả niềm tin vào Ngài. Với bà, Giê-su là Đấng làm cho con tim của bà và con bà “vui trở lại.”
Mời Bạn: Này bạn ơi! Đức tin của người phụ nữ Ca-na-an trưởng thành trong thử thách và được Chúa lấy làm mẫu gương cho tín hữu. Còn đức tin của bạn thì sao?
Chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm đức tin của bạn về tình yêu Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Đọc một đoạn Tin Mừng và suy niệm để nhận ra điều Thiên Chúa muốn nói với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho đôi mắt con được ngời sáng để nhận ra những điều Chúa muốn nói với con qua những biến cố cuộc đời, qua Lời Chúa chúng con đọc, qua các cử hành phụng vụ con tham dự và qua việc rước Chúa hằng ngày.
09/08/18 THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th. Tê-rê-sa Bê-nê-đi-ta Thánh Giá, nữ tu.
Mt 16,13-23
ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚA
Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (Mt 16,21)
Suy niệm: Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống và được Ngài khen là người có phúc. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ và chịu chết như thế được. Cũng như bao người Do-thái khác, Phê-rô mong đợi một Đấng Ki-tô như là một vị vua trần thế nắm quyền lực chính trị, giải phóng Ít-ra-en khỏi ách thống trị Rô-ma làm bá chủ thế giới. Nhưng đường lối của Chúa thì khác, con đường hiến thân phục vụ: “Con người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
Mời Bạn: Cuộc sống luôn có những thách đố mời gọi bạn vượt qua để khẳng định chính mình, để biết rõ mình và để lớn lên hơn mỗi ngày. Chúa Giê-su biết Ngài phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ và bị giết chết nhưng Ngài không chùn bước. Chúa cũng mời gọi bạn bước theo Chúa trên con đường khổ giá để cùng chết và cùng Phục sinh như Ngài.
Chia sẻ: Bạn cảm nghiệm Thập giá thật sự có ý nghĩa như thế nào?
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng đón nhận những điều trái ý trong cuộc sống khi phục vụ tha nhân vì đó đúng là con đường của Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cũng như các thánh tử đạo Việt Nam và biết bao người theo Chúa trên đường thập giá. Xin cho con can đảm theo Chúa đến cùng trên con đường hiến thân phục vụ của Chúa. Amen.
10/08/18 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Th. Lô-ren-xô, phó tế, tử đạo
Ga 12,24-26
HẠNH PHÚC NGƯỜI PHỤC VỤ
“Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12,26)
Suy niệm: Thi sĩ Tagore (Ấn Độ) có viết: “Nằm ngủ, tôi mơ thấy đời là hạnh phúc. Thức dậy tôi thấy sống là phục vụ. Tôi dấn thân phục vụ và tôi khám phá ra rằng phục vụ là hạnh phúc.” Những ai dấn thân vào một công việc phục vụ nào đó đều có thể trải nghiệm được điều thi sĩ Tagore vừa chia sẻ. Việc phục vụ càng đòi hỏi dấn thân quên mình nhiều thì hạnh phúc mang lại càng lớn. Thế nên người phục vụ Đức Ki-tô, “Con Chí Ái” của Chúa Cha, từ bỏ chính mình để theo Ngài trên đường thập giá là người được hạnh phúc lớn nhất bởi vì sẽ được “Chúa Cha quý trọng” được Chúa Cha yêu mến, và đến ở trong người ấy (x. Ga 14,23).
Mời Bạn: Nếu như hạnh phúc của bản thân chính là biết quên mình để nghĩ đến hạnh phúc của người khác, thì ngược lại, mọi sự bất hạnh trên trần gian này đều bắt đầu từ chỗ muốn chiếm giữ cho riêng mình; đó cũng chính là lúc con người chối bỏ và loại trừ người khác. Phần bạn, bạn đặt hạnh phúc của bạn nơi điều gì? Phải chăng là của cải, danh vọng, địa vị, thú vui ích kỷ…? Hay bạn coi việc phục vụ anh em làm hạnh phúc của mình?
Chia sẻ một niềm vui của bạn khi dấn thân phục vụ tha nhân cách vô vị lợi.
Sống Lời Chúa: Tập quan sát và nhạy bén nhận ra những nhu cầu của anh chị em hơn là nhìn vào chính mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đã tiếp nhận cuộc sống từ bao người khác; xin cho con biết hân hoan đón nhận cuộc sống và đến lượt con cũng biết hiến trao cho anh em trong bài học cho đi như chính Chúa. (Hosanna)
11/08/18 THỨ BẢY TUẦN 18 TN
Th. Cla-ra, trinh nữ
Mt 17,14-20
SỨC MẠNH ĐỨC TIN
“Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ nghe.” (Mt 17,20)
Suy niệm: Một người cha mang con của mình đến xin các môn đệ chữa bệnh cho, nhưng các ông không chữa được. Các môn đệ thành thật hỏi Chúa lý do và Chúa đã trả lời: “Tại anh em kém tin.” Chỉ cần có đức tin lớn bằng hạt cải thôi mà đã có thể chuyển núi dời non. Thế mà đức tin của các môn đệ lúc này lại còn kém hơn cả hạt cải thì đức tin đó cũng kể bằng không. Mà “không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,6). Thế nên, đức tin thật quan trọng và cần thiết cho đời Ki-tô hữu biết bao. Chúa mời gọi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa, dù đức tin ấy chỉ bằng hạt cải thôi, thì Ngài sẽ thực hiện những gì còn lại cho bạn.
Mời Bạn: Đức tin có vị trí nào và tầm quan trọng nào trong đời sống của bạn? Bạn có thể vượt qua những thử thách hằng ngày nếu thiếu kém đức tin không? Danh xưng Ki-tô hữu của bạn có ý nghĩa gì nếu bạn không còn đức tin?
Sống Lời Chúa: Thánh Phao-lô quả quyết: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô” (Rm 10,17). Mỗi tuần bạn dành thêm thời giờ học hỏi lời Chúa để được tăng cường đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải, để con làm bật khỏi lòng con những ích kỷ và khép kín. Xin cho con đức tin can đảm, để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến, chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay. Xin ban cho con đức tin sáng suốt, để con thấy được Đấng Vô Hình, nhưng rất gần gũi, thân thương. (Rabbouni)
12/08/18 CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – B
Ga 6,41-51
“THẦY BAN TRÓT THÂN MÌNH”
“Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51)
Suy niệm: Trong trọn bản văn Thánh Lễ của Sách Lễ Rôma, những chữ được in đậm và to nhất chính là ‘lời truyền phép’: “TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN, VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY, SẼ BỊ NỘP VÌ CÁC CON… TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG, VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI...” In đậm và to nhất, bởi vì đây là những lời quan trọng nhất, đây là khoảnh khắc đậm đặc ý nghĩa YÊU THƯƠNG nhất của Thánh Lễ. Trong khoảnh khắc này, Chúa Giêsu dứt khoát trao hiến chính sự sống của Ngài cho chúng ta. Và đây không phải là một quyết định bốc đồng kiểu ‘anh hùng rơm’; đây là cả một chương trình hiến thân được vạch ra từ trước, như bản văn Tin Mừng hôm nay xác nhận.
Mời Bạn: Hãy nghe với cả tâm hồn mình, hãy nghe như lần đầu tiên được nghe những lời tha thiết của Chúa: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con…” Và bạn hãy cảm nhận niềm hạnh phúc được Chúa yêu thương đến mức đó.
Chia sẻ: Hẳn bạn từng trao tặng điều gì thật quí cho bạn hữu, người thân? Hãy mô tả kinh nghiệm ấy. Rồi bạn nhìn lại hành động của Chúa: Ngài yêu thương ta đến mức trao chính bản thân, chính sự sống của Ngài chứ không phải chỉ là một cái gì đó ở ngoài Ngài!
Sống Lời Chúa: Bạn sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước lễ với cả tâm tình.
Cầu nguyện: Hát “Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng… Thầy yêu chúng con Thầy ban trót thân mình, để nuôi chúng con ngày lưu ký trần gian…”
13/08/18 THỨ HAI TUẦN 19 TN
Th. Pon-ti-a-nô, giáo hoàng và Híp-pô-li-tô, linh mục, tử đạo
Mt 17,22-27
TỰ NGUYỆN NỘP
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời… Anh lấy đồng quan ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” (Mt 17,22.27)
Suy niệm: “Bị nộp” và “nộp thuế” gợi lên những hành động bị bắt buộc. Đức Giê-su “bị nộp” vào tay người đời và “nộp thuế” cho đền thờ Giê-ru-sa-lem. Những cái nộp này bên ngoài có vẻ là bị bắt buộc, nhưng thực ra là một sự tự nguyện từ bên trong. Đức Giê-su bị bắt, bị giết không phải vì Người là một tội nhân đáng bị như thế, nhưng đó là điều Người tự nguyện đón nhận để thực hiện trọn vẹn ý muốn của Chúa Cha. Đức Giê-su chịu nộp thuế không do tư cách Người là một công dân Do Thái có trách nhiệm làm nghĩa vụ đối với đền thờ, bởi vì đền thờ là nhà Thiên Chúa mà Người là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su tự nguyện nộp thuế để “khỏi làm cớ cho người ta sa ngã.”
Mời Bạn: Không ai tránh khỏi những điều mình không mong chờ mà nó vẫn đến. Tính tự nhiên chúng ta dễ vùng vằng xua đuổi chúng. Nếu nhìn lên Đức Giê-su chúng ta thấy vì đại cuộc mà Người tự nguyện chấp nhận chúng. Vì thế, nếu chúng ta muốn cộng tác với Đức Giê-su trong công trình của Thiên Chúa, thì Người là mẫu gương tự nguyện tuyệt vời cho chúng ta.
Sống Lời Chúa: Nhìn những gì trái với ý muốn của minh như yếu tố rèn luyện bản thân để có thể đón nhận chúng một cách vui lòng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chấp nhận nộp thuế và cái chết với tinh thần tự nguyện để chúng con được ơn cứu rỗi. Xin ban thêm nghị lực để chúng con đón nhận những trái ý nghịch lòng hầu trở nên giống Chúa hơn.
14/08/18 THỨ BA TUẦN 19 TN
Th. Mắc-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo
Mt 18,1-5.10.12-14
LỚN NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI
“Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18,4)
Suy niệm: Các môn đệ xem ra bị ám ảnh bởi quan niệm lớn-bé, nhất-nhì, đến nỗi nhiều lần tranh cạnh nhau ra mặt và không úp mở đặt thẳng vấn đề với Chúa. Để trả lời, Chúa gọi một em bé đến đứng trước mặt các ông. Ta tưởng tượng các ông chưng hửng như thế nào! Trật tự trong Nước Trời khác hẳn trật tự trong trần thế. Chúa muốn các môn đệ của Ngài có tinh thần khiêm tốn nên đã cho các ông một bài học thiết thực. Chính sự tự hạ sẽ làm cho một người bé mọn nhất ở trần gian thành người lớn nhất trong Nước Trời.
Mời Bạn: Phải chăng bài học của Chúa không còn thích hợp với người thời nay nữa, bởi với nền kinh tế thị trường, đâu cũng chỉ thấy sự cạnh tranh ráo riết, hơn thua, đến nỗi người ta không chịu lép vế, ai cũng muốn mình phải hơn, phải thắng? Điều khó khăn nhất không phải là thắng người, mà là thắng chính mình, thắng được tính ích kỷ, kiêu căng của mình. Người như thế mới thật là người “vĩ đại”. Tục ngữ xưa dạy tinh thần nhún nhường: “Ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà muốn nữa, tôi thì thứ ba”.
Chia sẻ: Có khi nào bạn cảm nghiệm điều này: Khi muốn hơn người, tôi thấy lòng mất bình an. Ngược lại bạn có cảm nhận được khi nhún nhường, có một sự bình an sâu thẳm tuôn trào trong lòng bạn không?
Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa dạy: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con luôn sống khiêm tốn, nhỏ bé như Chúa đã sống và đã dạy chúng con. Amen.
15/08/18 THỨ TƯ TUẦN 19 TN
Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Lc 1,39-56
LINH HỒN TÔI NGỢI KHEN CHÚA
“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa… Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,46-48)
Suy niệm: Nơi Đức Ma-ri-a kết hợp những thực tại xem ra rất khác biệt không thể dung hoà: nữ tỳ khiêm tốn trở thành “đối tác” với Thiên Chúa chí tôn; trinh nữ “không biết đến người nam” lại cưu mang Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần; và nơi cung lòng của Mẹ, bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính con người trong con người Giê-su. Những sự kết hợp tuyệt vời ấy được diễn tả cách tuyệt vời qua lời ca tụng Magnificat. Mẹ cất tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa, với niềm vui và sự rung động sâu xa tận tâm hồn: vì Mẹ nhận ra tình thương Chúa đang cúi xuống trên những con người nghèo hèn bé nhỏ; vì Mẹ nhận ra rằng “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc,” không phải vì mình có công trạng khả năng gì, nhưng vì “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.
Mời Bạn: Vâng, lời ca tụng Magnificat không chỉ diễn tả tâm tình của Mẹ “hớn hở vui mừng” lúc bình minh ơn cứu độ, mà còn cảm nghiệm lòng thương xót Chúa khi đứng dưới chân thập giá và tôn vinh cánh tay Ngài biểu dương sức mạnh trong ngày Chúa Ki-tô phục sinh. Điều đó cho bạn và tôi thấy được tính chất ngôn sứ của Đức Ma-ri-a và của những ai dám theo Chúa đi vào đời với một niềm tin yêu hy vọng.
Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ Ma-ri-a, chúng ta hãy thể hiện niềm tin trong cuộc sống qua việc sống khiêm nhu và phục vụ để nâng cao phẩm giá những ai bé nhỏ, đói nghèo, bị khinh chê, bỏ rơi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con có được tâm tình sống như Mẹ để cuộc sống hôm nay là con đường đưa chúng con đến hạnh phúc thiên đàng.
16/08/18 THỨ NĂM TUẦN 19 TN
Th. Tê-pha-nô Hung-ga-ri
Mt 18,21-19,1
NHÂN LÊN ƠN THA THỨ
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)
Suy niệm: Trong suốt ba mươi năm, mỗi ngày cha quản xứ họ Ars ngồi tòa giải tội mười sáu, mười bảy tiếng, tính ra cha đã dùng 172.000 giờ để ban ơn tha tội cho khoảng hơn 100.000 người từ khắp nơi tuôn đến với cha xin ơn hòa giải với Thiên Chúa. Bản thân cha cũng luôn tha thứ cho những người xúc phạm đến cha. Cha bị vu khống chê bai đủ điều: nào là ‘giả vờ đạo đức’ để che miệng thế gian, ‘dốt nát mà cũng giải tội,’ nào là chửi bới, thư nặc danh, bêu xấu công khai trên tòa giảng. Với những linh mục đồng sự xúc phạm đến mình, cha không buồn giận kêu trách nhưng nói cách thành thực: “Các vị ấy chưa biết tôi rõ ràng, chớ nếu biết tỏ tường các ngài còn chê trách tôi nhiều điều khác nữa.” Vị linh mục bổn mạng các cha xứ đã hiến dâng cuộc đời mình để sống cho lòng khoan dung của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Dụ ngôn hôm nay chỉ cho ta cách sống bí tích hòa giải: Chúa đã tha thứ cho khối lượng tội lỗi to lớn của ta, đến lượt ta, ta cũng phải tha thứ cho những lỗi lầm bé tí của anh em. ‘Có qua phải có lại.’ Có lại ở đây là nếu Chúa đã mở rộng vòng tay đón tiếp ta trở về sống trong nhà Ngài, chúng ta cũng mở tung cửa lòng để cho người anh em được sống trong tình yêu với ta.
Chia sẻ: Trong cộng đoàn chúng ta còn có những chuyện ‘bằng mặt không bằng lòng không’? Đây chính là những quả bom nổ chậm. Nếu không được tháo gỡ, chúng sẽ có lúc phát nổ và gây đổ vỡ cho đời sống chung.
Sống Lời Chúa: ‘Lầm lỗi là của con người.’ Sẵn sàng bỏ qua, không nhắc lại những điều sai lỗi của người khác.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.
17/08/18 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Mt 19,3-12
SỐNG TÍN TRUNG
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)
Suy niệm: Lời bài hát “Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian bao năm đổi thay, dù tình ta nghi nan hững hờ, thì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” nhắc nhở ta điều vẫn diễn ra trong lịch sử cứu độ đầy yêu thương của Chúa: con người dù có luôn bất tín và phản bội, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn tín trung thực hiện giao ước của Ngài đã ký kết để cứu độ dân Ngài. Sự trung tín của đôi vợ chồng trong giao ước hôn nhân được đặt nền tảng trên lòng trung tín của Thiên Chúa như mẫu mực. Đến lượt họ, qua việc sống chung thuỷ yêu thương nhau trong đời sống vợ chồng, họ lại trở thành chứng nhân loan báo sự trung thành của Thiên Chúa Tình Yêu.
Mời Bạn: Ngày nay trên thế giới, tỷ số các cặp vợ chồng ly dị liên tục tăng cao, đặc biệt nơi các đôi vợ chồng trẻ. Vợ chồng ly dị, gia đình tan nát, gây ra không những cho nhau mà còn cho con cái những vết thương tâm lý khó lành trong suốt cuộc đời. Người ta đưa ra những lý lẽ giải thích hoặc tìm kiếm những giải pháp chữa trị tình trạng này trên bình diện tâm lý hoặc xã hội. Thế nhưng tất cả những điều đó chỉ là tương đối nếu sự bền vững của giao ước hôn nhân không dựa trên nền tảng sâu xa là sống tín trung như Thiên Chúa là Đấng trung tín.
Chia sẻ: Khi vợ chồng trong gia đình bạn hay các thành viên trong nhóm của bạn gặp sự cố, mâu thuẫn, bạn giải quyết bằng cách nào?
Sống Lời Chúa: Duy trì giờ cầu nguyện chung trong gia đình/cộng đoàn của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng luôn trung tín và đầy yêu thương, xin giúp chúng con sống trung tín và quảng đại để cùng nhau phụng sự Chúa.
18/08/18 THỨ BẢY TUẦN 19 TN
Mt 19,13-15
DẪN TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA
Đức Giê-su nói : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19,14)
Suy niệm: Mỗi khi phải đón tiếp những nhân vật quan trọng, người ta thiết lập những hàng rào an ninh nghiêm mật nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các VIP đó. Những việc lớn lao như thế đương nhiên là việc “người lớn”, còn “con nít thì đi chỗ khác chơi”! Các môn đệ Chúa cũng dễ sa vào cơn cám dỗ “kẻ cả” đó: biến Thầy mình thành VIP để vai trò của mình được quan trọng hoá lên. Và họ cho rằng việc đầu tiên phải làm ngay là cấm chỉ không cho lũ trẻ nít bén mảng đến gần Thầy mình. Kể ra cũng các môn đệ cũng “hơi bị quê độ” khi Đức Giê-su sửa lưng các ngài ngay tức khắc: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng xua đuổi chúng.”
Mời Bạn chiêm ngắm Thầy Giê-su. Thầy của chúng ta thật bình dị và dễ mến, phải không bạn? Dù bạn là ai, có nhỏ bé nghèo hèn cỡ nào đi nữa, bạn cứ chắc một điều là bạn có một chỗ bên cạnh lòng Thầy Giê-su đó. Và là một chỗ ưu tiên nữa cơ, nếu bạn có một tâm hồn của trẻ thơ “vì Nước Trời thuộc về ai giống như chúng”. Và bạn cũng phải tự hỏi lòng mình: Có khi nào tôi đã vô tình hay cố ý xua đuổi, ngăn cản người khác, nhất là các bạn trẻ, không cho họ đến với Thầy Giê-su hay không?
Sống Lời Chúa: – dành cho người lớn: bớt chút thì giờ mỗi ngày để chăm sóc cho con em về mặt tinh thần; – cách riêng cho các bạn trẻ: dành riêng 5 phút/ngày để tâm sự với Chúa vì Chúa yêu các bạn lắm đấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con giữ gìn trong con một tâm hồn trong trắng đơn sơ và luôn phó thác như một trẻ thơ để con được gần Chúa luôn mãi.
19/08/18 CHÚA NHẬT TUẦN 20 TN – B
Ga 6,51-58
LƯƠNG THỰC MỚI, SỰ SỐNG MỚI
“Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (Ga 6,57)
Suy niệm: Trong bí tích Rửa Tội, Ki-tô hữu trở nên tạo vật mới, nhận được sự sống mới nhờ lòng Chúa xót thương, được nên một với Chúa Giê-su Ki-tô trong Thân Thể của Ngài là Hội Thánh. Sự sống mới đó cũng cần có lương thực để nuôi sống, nhưng không phải là lương thực tự nhiên của trần thế, mà là lương thực thần linh cho sự sống mới. Sự sống mới cần lương thực mới. Lương thực đó chính là Thân Mình Chúa Giê-su Ki-tô rộng ban cho những ai đã được tái sinh nhờ đó họ trở nên con người mới. Sự biến đổi đó sống động trong lời cam kết của Ki-tô hữu trước Thánh Thể: “Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến,” nghĩa là khi lãnh nhận Thánh Thể, Ki-tô hữu cam kết thay đổi cuộc sống phù hợp với Thánh Thể Chúa.
Mời Bạn: Không hẳn bao lần bạn rước Mình Thánh Chúa là bấy nhiêu lần bạn vui mừng đón nhận sự sống mới và trở nên con người mới, vì lắm khi bạn không nhận ra Chúa trong tấm bánh đơn sơ nên không thờ kính Ngài và biến đổi đời sống của bạn cho phù hợp với lời bạn cam kết trước Thánh Thể. Bạn thay đổi thế nào nhờ lời Chúa hôm nay?
Sống Lời Chúa: Dọn tâm hồn rước Chúa cho xứng đáng và quyết tâm sống đời sống mới.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, con xin cảm tạ Chúa đã ban cho con Mình Thánh Chúa là sự sống mới. Xin cho con năng đến lãnh nhận lương thực thần linh này.
20/08/18 THỨ HAI TUẦN 20 TN
Th. Bê-na-đô, viện phụ
Mt 19,16-22
MUỐN NÊN HOÀN THIỆN
“Thưa thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” (Mt 19,16)
Suy niệm: Qua câu chuyện giữa anh thanh niên với Chúa, ta thấy con đường nên hoàn thiện phải gồm hai điều, trước hết là phải ước muốn: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện…”. Không thể đạt được một điều gì nếu chính đương sự không muốn, không tha thiết. Hễ muốn là có thể đạt được, như câu ngạn ngữ Pháp: “Muốn là có thể”; thứ đến, sự hoàn thiện không hệ tại những việc lành làm được, mà ở tại việc đi theo Chúa, gắn bó với Chúa: “hãy đến theo tôi”. Những việc tốt lành làm được chỉ mới là một phần thiện, còn phải trở nên một với Đấng là “Chân, Thiện, Mỹ” nữa thì mới gọi được là hoàn thiện.
Mời Bạn: Người thanh niên đã giữ các giới răn, đã làm những việc tốt, nhưng điều anh thiếu là chính Chúa. Vì thế phải cảnh giác với thái độ tự mãn rằng khi giữ những giới răn của Chúa và Giáo Hội là tôi đã hoàn thiện rồi, trong khi thực ra “không có Thầy, các con không thể làm được gì”. Một đời sống không gắn bó với chính Đấng là nguồn mạch sự thiện, thì chưa phải là hoàn thiện.
Chia sẻ: Tự hỏi mình về khát vọng nên thánh. Một nghịch lý thường gặp là trong mọi lãnh vực, tôi luôn muốn vị trí hàng đầu, thế mà khát vọng nên thánh thì lại chẳng quan tâm đến. Thánh Au-gút-ti-nô nói: “Ông kia bà nọ nên thánh được, mà tại sao tôi lại không?”
Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi cố gắng làm mọi việc cách hoàn hảo nhất, dù đó là một việc nhỏ nhặt nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con nên hoàn thiện như Chúa là Đấng toàn thiện. Xin giúp chúng con làm những việc tầm thường cách không tầm thường, trong sự hiệp nhất với Chúa.
21/08/18 THỨ BA TUẦN 20 TN
Th. Piô X, giáo hoàng
Mt 19,23-30
“THẾ THÌ AI CÓ THỂ ĐƯỢC CỨU?”
“Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời… Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Chúa.” (Mt 19,23)
Suy niệm: Được cứu rỗi là ưu tư hàng đầu và chính đáng của bất cứ ai quan tâm đến số phận đời mình, đặc biệt là các môn đệ Chúa Giê-su. Thế nhưng, một cản trở rất lớn cho ơn cứu rỗi ấy là lòng ham muốn của cải trần thế quá mức khiến ta quay lưng với các đòi hỏi của Tin Mừng: lòng nhân nghĩa, sự công bằng và tinh thần phó thác. Không phải hễ giàu là xuống hỏa ngục, nhưng chỉ những người giàu ích kỷ như ông phú hộ đối với anh La-da-rô trong Lc 16,19-31 mới bị trừng phạt. Còn giàu có như thánh nữ Ê-li-sa-bét nước Hungari, dùng của cải giúp người nghèo, sống như người nghèo, lại có cơ hội không thể tốt hơn để được vào Nước Thiên Chúa.
Mời Bạn: Mấu chốt của vấn đề là bạn có muốn rỗi linh hồn, muốn vào Nước Trời không? Nếu có, mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn cho bạn, dù bạn có thể đang sở hữu một khối tài sản lớn hay chỉ là một người nghèo. Bạn đã có lòng muốn ấy chưa?
Sống Lời Chúa: Khao khát được cứu độ cho chính mình và cho tha nhân là khát vọng siêu nhiên. Siêu nhiên hoá những gì là đời thường của cuộc sống này là lộ trình để “được cứu”. Lộ trình đó là con đường hẹp mà Chúa đã giới thiệu trong Tin Mừng và đòi hỏi chính chúng ta phải khổ luyện. Hãy bước đi trên con đường ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã gọi con làm môn đệ Chúa. Xin cho con ngày càng thấm nhuần lời Chúa dạy: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26). Amen.
22/08/18 THỨ TƯ TUẦN 20 TN
Đức Ma-ri-a Nữ Vương
Lc 1,26-38
LÀ MẸ VÀ LÀ NỮ VƯƠNG
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Trong một lần thị kiến, Đức Mẹ bảo thánh Faustina: “Ta không chỉ là Nữ Vương Thiên Đàng, nhưng còn là Người Mẹ của lòng thương xót.” Bát nhật sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Giáo hội mừng lễ Đức Ma-ri-a Nữ Vương. Đức Mẹ được lên trời và được tôn vinh là Nữ Vương, Nữ vương hoàn vũ. Tựa như người con yêu dấu của mình, Đức Giê-su, tỏ rõ địa vị Ki-tô Vua khi bị treo trên thập giá, Đức Ma-ri-a cũng vậy, hình ảnh Mẹ đứng dưới chân thập giá của Con mình, là hình ảnh đẹp nhất nói lên Mẹ chính là Nữ Vương nhân loại. Ngày hôm nay, Mẹ tiếp tục sứ vụ Nữ Vương ấy qua danh hiệu “Mẹ của lòng thương xót.” Mẹ nhắc nhở đoàn con, khuyên nhủ, hướng dẫn, hộ phù, cầu Chúa ban ơn nâng đỡ, vì không muốn một người con nào hư mất.
Mời Bạn: Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng kêu lên: “Đức Ma-ri-a là Người Mẹ hơn là Nữ Vương.” Có lẽ bạn cũng vậy, bạn cảm nhận, cảm thấy gần gũi với Đức Ma-ri-a trong tư thế Người Mẹ yêu thương, chăm sóc, nâng đỡ bạn, đồng thời cũng là mẫu gương cho bạn noi theo. Mẹ là Nữ Vương theo nghĩa Mẹ có thể cầu thay nguyện giúp cùng Chúa cho bạn, là máng thông ơn Thiên Chúa cho bạn trong hành trình theo Chúa.
Sống Lời Chúa: Mỗi tối trước khi ngủ, tôi đọc ba kinh Kính Mừng để bày tỏ lòng tôn kính, yêu mến Đức Mẹ. Tôi cũng tập “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” những gì Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mình, như Đức Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, con chúc tụng Mẹ là Nữ Vương vũ hoàn, và cũng là Người Mẹ yêu dấu của con. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho con mỗi ngày.
23/08/18 THỨ NĂM TUẦN 20 TN
Mt 22,1-14
MẶC CHIẾC ÁO CƯỚI
“Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.” (Mt 22,2)
Suy niệm: Trong các loại tiệc tùng, có lẽ không có tiệc nào vui bằng tiệc cưới. Ta dự một bữa tiệc cưới không phải chỉ để ăn, để uống, nhưng còn để chia sẻ những tâm tình vui tươi, hiệp thông, thân ái, chúc mừng với đôi tân hôn và gia đình hai họ. Không lạ gì Chúa Giê-su đã mượn hình ảnh tiệc cưới để nói lên những thực tại cao quý của Nước Trời, niềm vui của Nước Trời. Chúa mời gọi mọi người trên thế giới, không trừ một ai, gia nhập Nước Trời cao quý, vui tươi ấy. Thế nhưng, để xứng đáng là công dân Nước Trời, ta phải mặc chiếc áo cưới phù hợp. Đây không phải là chuyện ăn mặc khi dâng lễ, nhưng là tâm tình tôn giáo của ta: trân trọng được Chúa mời gọi, vui tươi hân hoan vì ân huệ lớn lao Chúa ban, thờ phượng Chúa với cả con người, yêu thương Chúa và tha nhân với trọn con tim.
Mời Bạn: Tiệc cưới Nước Trời ấy được tái hiện mỗi ngày, mỗi tuần qua bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Bạn đừng bỏ qua bữa tiệc, cũng như khi đi dự tiệc, bạn phải mặc y phục lễ cưới mà Đức Giêsu đòi hỏi: y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối; y phục của tình yêu thương, liên đới và chia sẻ với người nghèo, bạn nhé!
Sống Lời Chúa: Mỗi khi dâng lễ, hãy dọn lòng thanh sạch, trân trọng giây phút thánh thiêng đón rước Chúa, liên đới cầu nguyện cho tha thân, noi gương Đức Giê-su yêu thương hết mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa, thì cũng được biến đổi, để ngày càng trở nên giống Chúa hơn, xứng đáng một ngày kia được tham dự vào bàn tiệc Thiên quốc. Amen.
24/08/18 THỨ SÁU TUẦN 20 TN
Th. Ba-tô-lô-mê-ô, tông đồ
Ga 1,45-51
MỤC ĐÍCH LOAN BÁO TIN MỪNG: GẶP GỠ ĐỨC KITÔ
Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” (Ga 1,46)
Suy niệm: Công việc giới thiệu Đức Giê-su cho ông Na-tha-na-en, người mà truyền thống vẫn xem là Ba-tô-lô-mê-ô thật không dễ dàng. Ông Phi-líp-phê giới thiệu về một Đấng mà sách Luật đã nói và các ngôn sứ đã loan báo, nhưng Ba-tô-lô-mê-ô cũng trưng dẫn truyền thống để phản biện: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Thế nhưng “trăm nghe không bằng mắt thấy”, Phi-líp-phê đã dùng một cách giới thiệu thật thuyết phục: “Cứ đến mà xem.” Ba-tô-lô-mê-ô tuy mang định kiến, nhưng lại giàu thiện chí. Ông đã đến gặp Chúa Giê-su như bạn mình đề nghị và khi gặp được rồi, ông đã nhận ra Ngài là Đấng bấy lâu ông hằng mong đợi. Điều này cho thấy, sứ mệnh của người loan báo Tin Mừng chỉ đạt mục tiêu khi đưa dẫn người khác đến gặp Chúa.
Mời Bạn: Bạn từng nói về Chúa cho người khác và an tâm vì đã sống sứ mệnh truyền giáo. Sứ mệnh đang còn dang dở: mời bạn tiếp tục đưa họ đến gặp Chúa và sống thân mật với Chúa.
Chia sẻ: Mục đích của sứ mệnh loan báo Tin Mừng là gì?
Sống Lời Chúa: Chia sẻ niềm tin với một người bạn lương dân và mời người tham dự Thánh Lễ hoặc một sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến và sống giữa nhân loại để loan báo Tin Mừng là chính Chúa, Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu độ. Xin cho con biết hăng say bền chí loan báo Tin Mừng này cho anh chị em con, để họ được hạnh phúc như thánh Ba-tô-lô-mê-ô đã nhận.
25/08/18 THỨ BẢY TUẦN 30 TN
Th. Giu-se Ca-la-san, linh mục
Mt 23,1-12
QUYỀN BÍNH LÀ ĐỂ PHỤC VỤ
Đức Giê-su nói: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 23,11)
Suy niệm: Chẳng ai mang nơi mình một chức vụ nào khi sinh ra. Trái lại, mọi quyền bính là do Thiên Chúa (x. Rm 13,1). Mà đối với Đức Ki-tô, quyền bính được trao ban không phải là để được ăn trên ngồi trốc, không phải để được “ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường…”, mà là để phục vụ. Ngay cả Chúa Giê-su, mặc dù là Thiên Chúa, khi nhập thể làm người, đã không đòi cho mình quyền ngang hàng với Thiên Chúa, mà đã trút bỏ vinh quang để trở nên người phục vụ (x. Pl 2,1-11). Càng phục vụ, Đức Giê-su càng chứng tỏ Ngài đích thực là Con Thiên Chúa. Quyền làm con Thiên Chúa đó, Ngài chia sẻ với chúng ta: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,18-19).
Mời Bạn: Để làm cho chúng ta từ những “người ở xa” trở thành những “người nhà của Thiên Chúa,” Chúa Ki-tô đã hy sinh chính thân mình trên thập giá, nhờ đó “phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” và quy tụ muôn dân thành một trong Ngài (x. Ep 2,11-22). Đó cũng là điều Chúa muốn hiện thực nơi chúng ta: “Hãy làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).
Sống Lời Chúa: Hãy quan tâm đến một người anh em đang gặp phải bế tắc và đề nghị giúp đỡ họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã làm cho chúng con nên con cái Thiên Chúa và được quyền gọi Thiên Chúa là Cha. Xin cho chúng con không chỉ kêu “lạy Chúa, lạy Chúa,” mà còn thực thi quyền ấy qua cung cách phục vụ, để cũng được thừa kế gia nghiệp Chúa.
26/08/18 CHÚA NHẬT TUẦN 21 TN – B
Ga 6,54a.60-69
Ở LẠI VỚI CHÚA
Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa. Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,66-67)
Suy niệm: Sau diễn từ của Chúa Giê-su về Bánh Hằng Sống, “nhiều môn đệ rút lui”! Chúa muốn hiến thân để ở lại với con người nhưng nhiều người kể cả các môn đệ đã chối từ, “rút lui, không còn đi với Người nữa.” Ngày hôm nay, Chúa Giê-su vẫn muốn ở lại với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế,” cách đặc biệt, bằng sự hiện diện của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, nếu chân thành nghe lắng nghe, ta sẽ nhận ra rằng Thầy Giê-su vẫn đang hỏi chúng ta với cùng một câu hỏi ấy: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Bỏ đi vì vô tình, vô tâm. Bỏ đi vì cầu an, ngại khó, ngại bị phiền toái, bị rắc rối, bị quấy rầy. Bỏ đi vì vỡ mộng, vì bất đắc chí, vì so đo hơn thiệt. Bỏ đi vì nhút nhát hay hèn nhát. Có cả ngàn lẻ một thứ cám dỗ để tôi bỏ đi. Nói chung, bất cứ khi nào tôi chọn lựa một thứ gì đó như là giá trị cao hơn Đức Giê-su và Tin Mừng của Người, thì đấy là lúc tôi đang đành… bỏ Người mà đi!
Mời Bạn dừng chân ở lại với Chúa, là Bánh Hằng Sống bằng việc chầu Thánh Thể nơi Nhà Tạm; ở lại với Chúa bằng việc lắng nghe Lời Ngài nơi Sách Thánh, trong Phụng Vụ; ở lại với Chúa nơi tha nhân, và cách riêng nơi những mảnh đời nghèo hèn bất hạnh ở xung quanh mình.
Chia sẻ về một lần bạn bỏ Chúa mà đi và bạn rút ra được những kinh nghiệm nào từ đó.
Sống Lời Chúa: Trong từng ngày, từng việc, bạn lại chọn: ở lại với Chúa.
Cầu nguyện: Hát “Bỏ Thầy con biết theo ai…”
27/08/18 THỨ HAI TUẦN 21 TN
Th. Mô-ni-ca
Mt 23,13.15-22
KHIỂN TRÁCH THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ HIỆU
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và Pha-ri-sêu đạo đức giả. ” (Mt 23,13)
Suy niệm: Ta có thể nhận thấy Chúa Giê-su lên án năm cung cách đạo đức giả nơi người Pha-ri-sêu như sau: một là không muốn ai tiếp cận chân lý (c. 13); hai là biến các tân tòng thành con cái hỏa ngục, quy về mình hơn là về Chúa (c. 15); ba là an tâm tự tại với một số đồ dâng cúng mà bỏ qua những điều cần phải tuân giữ cho đẹp lòng Thiên Chúa (cc. 16-19); bốn là nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua những điều quan trọng hơn là công lý, lòng nhân và thành tín (cc. 23-24); năm là chú trọng nghi thức thanh tẩy bên ngoài, mà bên trọng đầy chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ (cc. 25-26). Sở dĩ các kinh sư có những cung cách đạo đức giả đáng ghét này vì họ muốn trục lợi vật chất, thích phô trương thanh thế, tôn thờ mình thay vì thật sự thờ phượng Chúa. Họ biết thế, nhưng họ không muốn làm theo điều mình lẽ ra phải làm, mà vẫn khư khư ôm chặt cái lợi về mình nên bị Chúa quở trách là giả hình, giả hiệu.
Mời Bạn: Xã hội ta đang sống không thiếu những biểu hiện giả đạo đức “ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng lại đựng một bồ dao găm” làm ta phát sợ, khiến ta bi quan cho thế thái nhân tình. Một đàng, ta được Lời Chúa răn dạy tránh xa cung cách đạo đức giả ấy; đàng khác, ta nỗ lực sống trung thực như Lời Chúa mời gọi.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ coi chừng và phân định năm biểu hiện đạo đức giả trên đây nơi tôi, nơi cộng đoàn để sửa đổi kịp thời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết thành thật với chính mình để có thể cư xử thành thật với Chúa và với tha nhân. Amen.
28/08/18 THỨ BA TUẦN 21 TN
Thánh Au-gút-ti-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 23,23-26
BẠN ÁP DỤNG “LUẬT’ GÌ?
“Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia.”(Mt 23,23c)
Suy niệm: Thuế thập phân là loại thuế trích từ một phần mười lợi tức của vụ mùa hằng năm dâng cho Thiên Chúa (Đnl 14,22-24), dành cho việc thờ phượng Đức Chúa ở Đền thờ, và chu cấp cho những người làm việc tại đó. Thuế này mang ý nghĩa: Thiên Chúa được nhìn nhận như là chủ sở hữu của mọi sự, đặc biệt Dân Chúa bày tỏ lòng biết ơn với của cải Thiên Chúa ban cho. Ngoài khoản thuế thập phân trên đây, người Pha-ri-sêu còn nộp thêm một phần mười hoa màu của bạc hà, thì là, rau húng, là những thứ hoa màu phụ không bắt buộc. Chúa Giê-su trách họ chú trọng đến chuyện nộp thuế phụ này, đang khi xao lãng những điều quan trọng, căn bản nhất trong Lề luật là sự công bằng, lòng nhân và thành tín, là những điều phải được đặt lên hàng đầu.
Mời Bạn: Dầu bạn là ai, ở bậc sống nào, những lời sau đây mở ra hướng đi mới, thúc đẩy bạn dấn thân hơn: “Tất cả hoạt động mục vụ của Giáo hội phải in dấu sự dịu hiền mà Giáo hội diễn tả cho các tín hữu… Quả thực có những lúc chúng ta hành động như những chủ nhân ông của ơn sủng hơn là như những người hỗ trợ nó. Nhưng Giáo Hội không phải là một trạm thu thuế; Giáo Hội là nhà của Chúa Cha, nơi có đủ chỗ cho mọi người, với tất cả những vấn đề của họ” (x. Niềm Vui Yêu Thương, 310).
Sống Lời Chúa: Tập chú tâm đến công bình, lòng nhân và thành tín khi thi hành bổn phận với tha nhân; và cầu nguyện nhiều cho các nhà lãnh đạo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con còn quá chú trọng hình thức bên ngoài và giữ luật cách cứng nhắc. Xin cho con một lương tâm ngay thẳng, yêu mến để luật lệ nên ách êm ái cho con và mọi người.
29/08/18 THỨ TƯ TUẦN 21 TN
Th. Gio-an Tẩy giả bị trảm quyết
Mc 6,17-29
DÁM SỐNG – CHẾT CHO SỰ THẬT
Hê-rô-đê đã sai người đi bắt Gio-an và xiềng ông trong ngục, lý do vì ông Gio-an nói với vua là không được phép lấy vợ của anh mình. (Mc 6,17-18)
Suy niệm: Đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống, cha ông ta rút ra bài học sau đây: “sự thật thì mất lòng.” Nhưng trong trường hợp của Gio-an Tẩy Giả, chẳng những đã làm vua Hê-rô-đê phật lòng, mà còn làm mất cả mạng sống mình nữa. Trong thực tế không dễ có mấy người dám can đảm thà mất lòng người khác để sống đúng sự thật, phương chi là dám liều mạng mình để bảo vệ sự thật ấy. Như vậy xem ra, để bảo vệ sự thật theo tinh thần của Ki-tô giáo, ta phải trả giá nhiều lắm. Có như thế mới thấy hết giá trị của vị Tiền hô của Đức Giê-su. Lịch sử Hội Thánh đã có biết bao chứng nhân, được sử sách ghi lại, được Hội thánh tuyên phong, vì các ngài đã dám sống theo tinh thần của Gio-an Tẩy giả và của Thầy Giê-su.
Mời Bạn: Trong thời đại nào, dưới thể chế nào, dường như con người luôn muốn sống yên phận, xin được hai chữ “bình an,” để rồi suy nghĩ ấy dễ dàng dẫn đến tình trạng thỏa hiệp với sự dữ. Bạn và tôi được mời gọi phải dứt khoát dám sống và dám chết cho sự thật, nhất là sự thật đức tin, để sự dữ không còn đất sống. Chúng ta hãy quyết tâm làm điều này, bạn nhé!
Chia sẻ: Khi sống đúng sự thật, bạn phải đối diện với những thử thách, nhưng chắc chắn bạn thấy lòng mình bình an. Hãy chia sẻ kinh nghiệm ấy.
Sống Lời Chúa: Tâm niệm “sự thật sẽ giải phóng anh em” để giúp chúng mình luôn là người tự do trong Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con được Chúa cứu vớt qua cái chết của Chúa. Xin thêm sức để chúng con sống xứng đáng với ơn Chúa đã ban. Amen.
30/08/18 THỨ NĂM TUẦN 21 TN
Mt 24,42-51
TỈNH THỨC LÀ CHU TOÀN BỔN PHẬN
“Chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44)
Suy niệm: Những tai họa xảy ra liên tiếp gần đây khiến người ta phải bàng hoàng bởi sự tàn khốc và bất ngờ. Trận lũ lụt và sạt lở đất vào ngày 08/07 tại miền tây Nhật Bản làm hơn 200 người chết; hay sự cố vỡ đập thủy điện Attapeu ở Lào vào ngày 23/07, với hơn 5 tỷ mét khối nước nhấn chìm hạ lưu Sanamsay, làm hàng trăm người chết và mất tích, hàng ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất. Những biến cố này khiến chúng ta liên tưởng đến câu chuyện nạn lụt đại hồng thủy trong Kinh Thánh. Đó là lời nhắc nhở về ngày Chúa đến luôn bất ngờ, và mỗi người phải luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng để chờ đón, như người đầy tớ thức tỉnh làm việc và đợi chủ về. Tỉnh thức là luôn sống trong ân sủng, tránh xa những đam mê tội lỗi, luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa trên cuộc đời mình.
Mời Bạn: Biết “tỉnh thức và sẵn sàng” chính là biết chu toàn các bổn phận hằng ngày; những bổn phận gắn liền với ơn gọi và trách nhiệm được trao cho mỗi người và được lựa chọn ưu tiên để mình càng được thuộc về Chúa nhiều hơn mỗi ngày. Bạn được mời gọi chu toàn các bổn phận ấy với lòng yêu mến.
Chia sẻ: Bạn đánh giá thế nào về thái độ “tỉnh thức và sẵn sàng” hiện nay của mình?
Sống Lời Chúa: Chu toàn từng việc nhỏ với ước muốn “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban sức mạnh để chúng con biết can đảm tránh xa tội lỗi, biết yêu mến sự đơn sơ và bé mọn, biết hành động để được thuộc về Chúa mỗi ngày. Amen.
31/08/18THỨ SÁU TUẦN 21 TN
Mt 25,1-13
GHI NHỚ CÙNG ĐÍCH ĐỜI NGƯỜI
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” (Mt 25,13)
Suy niệm: “Quên mục đích của mình là hình thức phổ biến nhất của sự khờ dại” (Triết gia F. Nietzsche). Tại sao các cô phù dâu khờ dại lại có thể quên mang theo dầu dự trữ? – Có lẽ các cô cũng đã nghĩ đến quãng đường dài đi đón chàng rể, nhưng lòng trí còn mãi mê với áo quần, giày dép, đồ trang điểm, nên rốt cuộc quên mất chuyện quan trọng hơn là mang thêm dầu, mục đích của việc phù dâu. Cũng vậy, cuộc sống hôm nay với những tiện nghi vật chất, hưởng thụ lạc thú, lắng lo công ăn việc làm… có thể chi phối tâm trí ta, làm cho ta xao lãng, quên mất cùng đích tối hậu của đời người: phụng thờ Chúa, đạt được ơn cứu độ cho mình và cho người khác. Khi nào quên cùng đích tối hậu của đời mình, ta gia nhập nhóm người khờ dại của thế giới.
Mời Bạn: Nhớ đến mục đích soi đèn đón chàng rể, các cô phù dâu sẽ chuẩn bị dầu dự trữ. Tương tự, nhớ đến cùng đích tối hậu sẽ giúp bạn có những chuẩn bị cho cùng đích ấy. Cùng đích tối hậu ấy chi phối, ảnh hưởng đến mọi lựa chọn lớn nhỏ trong đời bạn. Bạn có ý thức mình đang đi về đâu và hướng đi ấy có đưa bạn đến vui hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa của mình không?
Sống Lời Chúa: Tôi xét xem mục đích cuối cùng của tôi trong cuộc đời là gì: tiện nghi đời sống, hưởng thụ, kiếm tiền hay thờ phượng Chúa, mưu cầu phần rỗi cho mình và cho người khác?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã chỉ cho con thấy rõ ý nghĩa, cùng đích cuộc đời của mình. Xin cho con xác tín phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân trong cuộc sống hôm nay để mai sau được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa là đích điểm đời con. Amen.