GPVO (12/4/2023) – Đại lễ Phục sinh, khắp thế giới vang vọng lời loan báo của Giáo hội: “Đức Giêsu Kitô đã phục sinh!” Đó là sứ điệp vĩ đại nhất, quan trọng nhất của Kitô giáo mà phụng vụ lời Chúa muốn trình bày cho chúng ta. Như một ánh lửa mới, Tin mừng Phục sinh được thắp lên trong đêm đen, khi thế giới đang bị bủa vậy bởi bóng tối tội lỗi, đam mê, bạo lực và hận thù; khi bao người đang chìm ngập trong bóng tối của khổ đau, tuyệt vọng. Giữa những cảnh huống ấy, cuộc Vượt qua vinh thắng của Chúa Giêsu mang đến cho vũ hoàn nguồn ánh sáng không bao giờ tàn lụi và niềm hy vọng chẳng bao giờ tắt lịm. Hôm nay, chúng ta được mời gọi theo gót những chứng nhân đầu tiên cảm nghiệm lại vẻ đẹp Phục sinh nơi tâm hồn và khám phá ra một thực tại tuyệt vời: “TÌNH YÊU LÀ ĐÒN BẨY LĂN TẢNG ĐÁ CỦA MỘ TRỐNG PHỤC SINH”. Từ đó, mỗi người sẵn sàng lên đường loan báo biến cố trọng đại này cho những ai đang bước đi giữa bóng đêm mịt mù.
Tin mừng Phục sinh ghi lại hiện tượng mộ trống qua kinh nghiệm của ba nhân chứng là Maria Madalena, Phêrô và Gioan. Tất cả đều chứng kiến tận mắt ngôi mộ trống rỗng, tảng đá lấp cửa mộ được đẩy qua một bên, khăn liệm xác Chúa xếp lại gọn ghẽ và điều quan trọng là không còn nhìn thấy xác Chúa Giêsu ở đó nữa. Những sự kiện này là bằng chứng xác thực cho thấy Chúa Giêsu Kitô đã sống lại thật.
Thánh Gioan thuật lại rằng trong cõi thinh lặng của buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, Maria Madalena vội vã ra mộ. Ngày đầu tiên ấy của tuần lễ ám chỉ một nhịp mới trong trật tự thời gian, nó sẽ trở thành “ngày của Chúa” (Kh 1, 10). Hình ảnh “Trời còn tối” gợi đến bóng tối đau khổ của biến cố Thương khó vẫn còn phủ giăng trong lòng và bóng đêm của sự chết vẫn còn đè nặng tâm hồn Maria Macdala. Bà là người được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt và bà cũng yêu mến Người “hơn các người khác”. Chẳng thế mà bà luôn có mặt với Chúa Giêsu suốt đường khổ nạn, dưới chân Thánh giá và khi tẩn liệm, mai táng, bên cạnh thân mẫu của Người. Có thể nói, bà là người phụ nữ đã xuất hiện trong hai sự kiện được xem là quan trọng nhất trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu: Dưới chân Thập giá (x. Ga 19,25) và biến cố phục sinh (x. Ga 20,1-18). Khi đến nơi, Maria trở nên hốt hoảng, hoang mang khi thấy cửa mộ mở tung, phiến đá được lăn sang một bên, thâm tâm bà kết luận rằng thi thể của Thầy mình đã “bị ai đó lấy đi”. Không tìm gì hơn, Maria vụt bỏ chạy. Bà nhanh chóng về báo tin cho nhóm môn đệ.
Nhận được tin này, tức tốc, Phêrô và Gioan thoát ra khỏi sự ủ dột, sợ hãi. Họ rời bỏ nơi ẩn náu an toàn và chạy nhanh đến mộ trong sự vỡ òa dù chưa hiểu những gì đang xảy ra. Vậy, tại sao họ lại chạy vội vã mà không đi? Ðiều gì đã buộc họ chạy như thế? Thông thường người ta đi chứ không chạy, người ta chỉ chạy khi có một xúc động mạnh từ bên ngoài hoặc từ bên trong thúc đẩy. Cuộc chạy bộ đến mồ buổi sáng trong tâm thế ngỡ ngàng, vội vã phần nào phản ánh thái độ của tình yêu, là nguồn sức mạnh ẩn tàng bên trong con tim của các ông. Tin mừng cho biết Gioan đã chạy nhanh hơn nên đến trước nhưng ông chưa vào. Thái độ tinh tế “kính trên nhường dưới” đã níu bước chân Gioan lại, không vượt mặt vị Tông đồ trưởng Phêrô. Hẳn là vì sức thanh niên trai tráng mà Gioan có thể chạy nhanh hơn. Tuy vậy, khung cảnh này làm nổi bật một điểm khác quan trọng hơn, đó là tình yêu cháy bỏng với cường độ mạnh mẽ của Gioan dành cho Chúa Giêsu. Lúc này, Phêrô đi vào trong mộ. Lý luận của ông mang đến một sự khám phá mới mẻ. Trong trường hợp trộm xác, ngôi mộ hẳn phải lộn xộn vô cùng; thế mà dải vải, khăn liệm đều được cuốn lại gọn gàng, đâu vào đấy. Còn với Gioan, ánh sáng chợt lóe lên trong tâm trí của người môn đồ dấu yêu này. Chuyện xảy ra trước mắt làm ông nhớ lại lời Kinh thánh, lời Chúa Giêsu vẫn nhắc tới thường xuyên. Bí mật nay được giải đáp: “Ông đã thấy và ông đã tin”. Đó là trực giác nhạy bén của tình yêu. Chính TÌNH YÊU mới là đòn bẩy mở ra mọi tảng đá đang ngăn lối người ta đến với Chúa trong cõi bí nhiệm, thâm sâu.
Ngôi mộ trống hôm nay mang đến cho chúng ta nhiều trải nghiệm phong phú. Một ngôi mộ rỗng tuếch nhưng không câm nín. Một lỗ hổng đen ngòm nhưng chan chứa ánh sáng mặc khải. Một sự trống rỗng mênh mông lại lấp đầy sự sống. Một thực tại gợi nhớ bao kỷ niệm quá khứ. Một sự vắng mặt tràn đầy sự có mặt. Một kết thúc bi thảm mang vóc dáng của sự khởi đầu tinh khôi. Một cái chết để bước qua sự Phục sinh.
Thêm vào đó, thái độ và phản ứng của ba nhân vật trong trình thuật buổi sáng Phục sinh cũng cho ta nhiều bài học quý giá. Tin mừng Phục sinh quá vĩ đại khiến cho họ không thể trì hoãn một giây phút nào. Cả ba đều chạy do một động lực chung là đức tin, một niềm vui chung là Tin mừng Sống lại, và một tình yêu chung là Đức Giêsu Phục sinh. Phần chúng ta, khi nhận lãnh tin vui Phục sinh, chúng ta cũng được mời gọi trở nên như Maria Madalena, Phêrô và Gioan chạy thật nhanh trên đường đức tin, tình yêu và hy vọng vào Đấng đã sống lại từ cõi chết. Giữa cuộc đời đầy tăm tối, u sầu, chán chường, thử thách, thất vọng có khi đi đến tuyệt vọng, niềm tin Phục sinh cho chúng ta ánh sáng hy vọng để dọi chiếu vào thế gian tăm tối. Do đó, làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục sinh là dùng chính đời sống mình để chứng tỏ cho mọi người, cho thế giới biết quyền năng Đức Kitô Phục sinh đã tác động và biến đổi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh khải hoàn và vinh thắng,
vì Chúa đã Phục sinh nên chúng con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã Phục sinh nên chúng con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối.
Vì Chúa đã Phục sinh nên không có gì trong cuộc đời có thể làm chúng con tuyệt vọng.
Xin Chúa cho chúng con luôn ý thức bước đi trong quyền năng của sự sống Phục sinh,
biết lấy tình yêu làm đòn bẩy lăn đi mọi đá tảng đang ngăn lối đi vào cõi Phục sinh.
Biết sống niềm vui của Tin mừng Phục sinh và hân hoan tiến về vương quốc Phục sinh. Amen.
Maria Diệu Huyền, MTG Vinh