GPVO (11/5/2023) – Trong Tông huấn Patores Dabo Vobis, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đào tạo trường kỳ rằng: “Việc đào tạo trường kỳ dành cho linh mục chẳng những là một điều kiện cần thiết nhưng còn là một phương thế tất yếu để thường xuyên khơi thắm lại cảm thức về sứ vụ truyền giáo và để bảo đảm cho sứ vụ truyền giáo được thực hiện một cách trung thành và quảng đại […]. Chỉ nhờ vào một việc đào tạo trường kỳ thỏa đáng, linh mục mới được nâng đỡ trong sự trung thành thiết yếu và dứt khoát trong sứ vụ của mình”.
Trong hai ngày 9-10/5/2023, tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vinh đã diễn ra kỳ thường huấn (quý 3 năm thứ 2) của quý cha khóa XII và khóa XIII. Hiện diện và đồng hành với quý cha có Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên.
Chủ đề kỳ thường huấn lần này là: “Linh mục và các thách đố mục vụ đầu đời”. Đây là cơ hội để quý cha tích lũy cho mình những kinh nghiệm và phương thức tốt nhất cho công việc mục vụ đã được trao phó. Nhờ ơn Chúa và sự hướng dẫn của những chuyên viên, những chia sẻ cụ thể trong áp dụng thực hành rất thiết thực và hữu ích. Những kinh nghiệm của các linh mục đàn anh cũng giúp ích rất nhiều cho chức năng rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn (x. PO 13) của các linh mục trẻ.
Kỳ thường huấn được bắt đầu vào lúc 14h00’ với phần thuyết giảng của Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên. Chủ đề mà Đức cha đưa ra để cùng với quý cha suy tư và học hỏi đó là sự bình an trong cuộc sống và công việc mục vụ tại các giáo xứ. Bên cạnh đó, Đức cha cũng mời gọi quý cha suy tư về các lời khấn hứa khi lãnh nhận thừa tác vụ linh mục: vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo.
Sau phần lắng nghe thuyết giảng, quý cha cùng nhau học hỏi, trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm mục vụ với nhau.
Vào lúc 19h30’, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã có bài huấn đức tới anh em linh mục. Trong giờ huấn đức, Đức cha Anphong mời gọi quý cha luôn ý thức và sống rập khuôn theo mẫu gương Đức Kitô – Linh mục Thượng phẩm. Trong đời sống của linh mục, “đức ái mục tử” chính là con đường giúp tiến gần với Đức Kitô. Vì thế, ngang qua thiên chức linh mục, mỗi người phải ý thức sự hiện diện của mình là sự hiện diện của Đức Kitô; phải sống và biểu lộ “đức ái mục tử” qua việc chăm sóc, băng bó và chữa lành đoàn chiên mà Chúa đã trao phó.
Ngoài ra, Đức cha khuyên bảo anh em linh mục phải không ngừng đi ra khỏi vùng “an toàn” để đến với đoàn chiên. Chính mỗi linh mục là hiện thân sống động của Đức Kitô; nơi đời sống phải biểu lộ tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa.
Cuối cùng là việc trao ban các bí tích cho đoàn chiên. Mỗi linh mục chính là máng thông ơn để ban phát mọi ơn lành của Thiên Chúa đến với muôn dân. Vì thế, khi trao ban các bí tích, phải “mặc trọn” sự thánh thiện để làm phát sinh hoa trái thiêng liêng cho người lãnh nhận. Phải luôn sẵn sàng ra đi, không quản ngại những khó khăn để trao ban các bí tích Rửa tội, Thánh Thể và Xức Dầu….
Kết thúc ngày thường huấn thứ nhất, quý cha bước cử hành giờ Chầu Thánh Thể.
Bước sang ngày thứ hai của kỳ thường huấn, vào lúc 7h00’, quý cha bước vào buổi tĩnh tâm. Trong bài chia sẻ, Đức cha đã nêu lên những thực trạng, thách đố và những khó khăn của việc mục vụ trong bối cảnh ngày hôm nay. Bên cạnh đó, ngài cùng với quý cha cùng nhau chia sẻ và đưa ra những đường hướng, cách thức để tìm hướng mục vụ tốt nhất trước những thực trạng đó. Sau giờ tĩnh tâm, quý cha hồi tâm cá nhân và xưng tội để chuẩn bị bước vào thánh lễ.
Vào lúc 10h00’, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đã chủ sự thánh lễ tạ ơn khép lại kỳ thường huấn tại nhà nguyện Trung tâm Mục vụ Giáo phận.
Trong bài giảng lễ, khởi đi từ bài Tin mừng thứ Tư tuần V Phục sinh (Ga 15, 1-8), Đức cha Phêrô đã quảng diễn về mối liên hệ chặt chẽ giữa cây nho và cành nho để diễn tả đời sống, căn tính và sứ mạng của người linh mục. Linh mục là người bước theo Chúa, dâng hiến trọn đời sống của mình cho Thiên Chúa và không ngừng sinh hoa trái dồi dào cho Ngài. Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu nói rằng: “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì” (Ga 15, 5-6). Như vậy, điều kiện để mỗi người sinh hoa trái đó là “ở lại” với Chúa. Nhờ việc ở lại với Chúa, mỗi người được Ngài cắt tỉa, dạy dỗ và gia tăng sức mạnh để can đảm ra đi trở nên chứng tá sống động cho Chúa.
Sau thánh lễ, quý cha cùng nhau chia sẻ bữa cơm huynh đệ tại nhà ăn Trung tâm Mục vụ Giáo phận trước khi trở về công việc mục vụ nơi các giáo xứ.
Gioan Nguyễn