Vatican News Tiếng Việt (31/1/2023) – Trong gần 25 năm, Sơ Margaret Scott và các nữ tu thuộc nhiều dòng khác nhau đã làm việc ở Nam Sudan, giúp quốc gia trẻ nhất thế giới mang lại tương lai cho những người trẻ tuổi thông qua việc đào tạo giáo viên.
Vào năm 2008, Hội đồng Giám mục Sudan đã yêu cầu xin giúp đỡ. Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền các dòng nam (USG) và Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền các dòng nữ (UISG), là các tổ chức đại diện cho các nam nữ tu sĩ, đã nhanh chóng đáp lại lời yêu cầu bằng việc thành lập tổ chức Liên đới với Nam Sudan.
Sơ Margaret Scott, thuộc Dòng Đức Bà Truyền giáo, đã kể lại kinh nghiệm của sơ khi tham gia vào sứ mạng liên hội dòng đó và giải thích chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô có ý nghĩa như thế nào đối với người dân Nam Sudan.
Sự ra đời của tổ chức Liên đới với Nam Sudan
Vào năm 2006/2007, tôi đã tham gia một số cuộc họp ở Rôma, khi các phái đoàn đầu tiên của các Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền các dòng nam và của các dòng nữ kể lại những gì họ đã thấy và trải nghiệm ở miền nam Sudan. Dòng của chúng tôi đã quyết định tham gia dấn thân vào sứ vụ trợ giúp khu vực này và tôi được hỏi có muốn tham gia vào sứ vụ này không. Vào tháng 8 năm 2008, tôi đã cùng với bốn nữ tu đến miền nam Sudan và chúng tôi đã thành lập một cộng đoàn gồm năm nữ tu dòng Đức Bà Truyền giáo ở Riimenze, thuộc giáo phận Tombura-Yambio. Tổ chức Liên đới dự định xây dựng các trường đào tạo giáo viên ở Malakal và Riimenze và một học viện đào tạo y tế ở Wau, cũng như đào tạo những người làm công tác mục vụ.
Thành lập trường cao đẳng sư phạm
Hai người trong chúng tôi được yêu cầu làm việc trong lĩnh vực đào tạo giáo viên ở giáo phận Yambio. Lúc đầu, chúng tôi cung cấp đào tạo chuyên nghiệp trong các học viện. Khoảng năm 2011, cộng đoàn bắt đầu mở rộng với các thành viên từ các hội dòng khác mới đến. Cuối cùng chúng tôi chuyển đến thành phố chính, Yambio, và một trường cao đẳng được xây dựng trên đất của Giáo hội. Trong cấu trúc đặc biệt này, vào năm 2012, chúng tôi bắt đầu việc đào tạo các giáo viên. Mục tiêu chính của chúng tôi là đào tạo giáo viên tiểu học, vì nhu cầu này vào thời điểm đó rất cao.
Nam Sudan trở thành một quốc gia
Người dân vô cùng phấn khích khi Nam Sudan giành được độc lập vào năm 2011. Họ nghĩ rằng điều này sẽ giải quyết được mọi vấn đề: họ sẽ được độc lập và có thể tự quản lý đất nước. Mọi người tràn đầy hy vọng và nhiệt tình; nhưng trong những năm qua chúng tôi đã gặp phải những khó khăn rất lớn. Ở một khía cạnh nào đó, có một chút hụt hẫng vì mọi thứ không diễn ra tốt đẹp như mong đợi. Theo nhiều cách, đó là điều tự nhiên. Nhiều loại vấn đề xuất hiện khi chúng tôi bắt đầu làm việc cùng nhau như là một quốc gia độc lập.
Giáo dục thiết yếu cho một đất nước mới
Hầu hết mọi người đều hiểu rằng muốn phát triển thì cần có một hệ thống giáo dục tốt. Vào thời điểm đó, có rất ít giáo viên được đào tạo do thiếu các trường đào tạo chuyên nghiệp. Những trường đã có khi đó thì không hoạt động do thiếu nguồn tài chính. Chúng tôi là một bộ phận nhỏ cần thiết để giải quyết vấn đề cung cấp giáo viên được đào tạo. Khắp đất nước đều có một khát vọng lớn lao về học tập, giáo dục và đào tạo những giáo viên có thể chuẩn bị cho các thế hệ tương lai.
Ngay từ đầu, chúng tôi đã nhận ra rằng trong các trường có nhiều giáo viên chưa được đào tạo mong muốn được đào tạo. Vì vậy, chúng tôi đã làm việc trên hai cấp độ: đào tạo tại các trường nơi họ làm việc và chuẩn bị. Các sinh viên cao đẳng không có bằng cấp có độ tuổi khoảng 20, trong một số trường hợp, đến 50 tuổi. Họ tràn đầy nhiệt huyết và ham học hỏi. Sau khi tốt nghiệp, họ háo hức trở lại trường học của họ hoặc gia nhập hệ thống giáo dục và trở thành giáo viên, bởi vì họ muốn điều gì đó tốt hơn cho những người trẻ tuổi. Họ có một tính tích cực phi thường, mặc dù làm việc trong điều kiện cực kỳ bấp bênh. Thậm chí ngày nay bạn có thể thấy mọi người giảng dạy dưới những tán cây. Nhưng họ muốn dạy.
Chương trình đào tạo giáo viên đang có kết quả
Những người mà chúng tôi đã dạy đã đi khắp nơi với sự nhiệt tình và họ dấn thân trở thành giáo viên. Họ đã chuẩn bị công việc của mình bằng cách làm các tấm giấy, tấm bảng và tất cả các loại trò chơi – và cung cấp những thứ thực sự hữu ích. Thường thì những người do chúng tôi đào tạo được chính phủ mời làm việc trong các văn phòng giáo dục. Khi tôi giám sát học sinh của chúng tôi trong trường học, tôi thấy sự tham gia, sự hào hứng và năng lượng của các em, bởi vì các em có giáo viên mà các em có thể tin cậy. Họ có thể thấy những khả năng vô tận cho sự tiến bộ trong tương lai. Do đó, nó rất, rất hữu ích cho đất nước.
Ba lãnh đạo Giáo hội đến thăm Nam Sudan
Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Anh giáo Justin Welby và vị điều hành Giáo Hội Trưởng Lão Scotland cảm thương những người dân ở Nam Sudan và mong muốn cho họ thấy tình liên đới của các ngài, sự gần gũi của các ngài đối với họ. Chuyến thăm của các ngài là một biểu tượng đáng kinh ngạc của sự hỗ trợ. Những người dân và Giáo hội, những người đã cầu nguyện cho hòa bình, đã nuôi dưỡng hy vọng hòa bình cho đất nước non trẻ và đầy khó khăn này. Ba vị lãnh đạo từ các Giáo hội khác nhau cho thấy rằng mọi người có thể đoàn kết với nhau. Và nếu các Giáo hội có thể đoàn kết, thì mọi người cũng có thể đoàn kết để làm cho đất nước phát triển. Đó là một cử chỉ có giá trị biểu tượng cao và tôi nghĩ mọi người thực sự đánh giá cao chuyến thăm của các ngài.
Những người có đức tin phi thường
Người dân Nam Sudan có một đức tin phi thường. Họ tin vào Chúa; họ biết rằng Chúa yêu thương họ, và chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng là một cách khác để trải nghiệm điều đó. Chúng ta không thường nghe thấy nói Nam Sudan sống trong tình cảnh khó khăn như thế nào và hàng triệu người hiện đang có nguy cơ chết đói. Trong những ngày đó, sự chú ý sẽ tập trung vào Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Tôi hy vọng điều này sẽ nâng cao nhận thức về hoàn cảnh khó khăn của hàng triệu người ở Nam Sudan đang phải chịu đau khổ và cần sự giúp đỡ của thế giới để tiến tới tương lai một cách hòa bình và hiệu quả.
Vatican News