Nước mắt người tị nạn Ukraina

Dongten.net (10/3/2022) – Là thế hệ 8x, tôi được sinh sống trong hòa bình. Lớn lên một chút tôi được nghe nhiều về chiến tranh tại Việt Nam. Khi sống ở nước ngoài, rất nhiều người vượt biên đã kể cho tôi về câu chuyện người di tản, người tị nạn Việt (boat people). Mọi câu chuyện ấy dù được kể sống động đến mấy, tôi cũng khó lòng cảm nhận hết được nỗi thống khổ mà họ phải chịu trong chiến tranh cũng như trên đường tị nạn. Tôi đồng cảm hơn với họ.

Những ngày này của năm 2022, tôi cũng như thế giới đang chứng kiến chiến tranh bùng nổ tại Ukraina. Dòng người tị nạn cố chạy khỏi chiến tranh vẫn tăng lên từng giờ vào các nước láng giềng. Ba Lan, Hungary, Slovakia hoặc Romania hằng ngày đón biết bao người tị nạn. Các quốc gia Châu Âu vẫn đang mở rộng vòng tay đón người tị nạn. Cộng đoàn của tôi ở Hungary cũng chung sức để giúp họ nơi ăn chốn ở.

Hôm nay họ được đưa đến cộng đoàn: hai người lớn và ba trẻ em. Thực sự ai cũng thấm mệt vì một đoạn đường dài tìm chỗ bình an. Hơn nữa, người lớn thực sự đã khóc hết nước mắt cho cảnh hoang tàn của quốc gia, quê hương và gia đình của họ. Sau khi chào hỏi, chúng tôi đưa họ vào cộng đoàn với những phòng đã dọn sẵn. Thức ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết đều được cung cấp đầy đủ. Chúng tôi cũng đã cầu nguyện cho họ rất nhiều. Để bất kỳ ai được đưa đến ở tạm tại cộng đoàn cũng được chào đón như nhà của mình. Hy vọng những điều đó có thể chia sẻ chút hoang mang của họ trong những ngày này.

Chúng tôi nhờ “Bác Google” để có thể hiểu nhau nhiều hơn. Họ nói tiếng Ukraina, chúng tôi nói tiếng Anh. Hai bên đều có thể cảm nhận được ý cần truyền đạt. Tôi hỏi họ sống ở đâu trong nước Ukraina? Một bạn nói được chút tiếng Anh trả lời ở một thành phố gần thủ đô Kiev. Sau câu trả lời, cô ấy đã khóc. Tôi biết tại sao cô ấy khóc, bởi bom đạn đang tàn phá thành phố của cô, chiến sự đang chia cách gia đình của cô, và sự phi nghĩa của cuộc chiến đang tàn phá hạnh phúc của cô và dân tộc Ukraina. Tôi chợt nhận ra mình không nên hỏi thêm về đất nước của cô nữa, bởi sợ cô không cầm được nước mắt. Tôi nói sẽ tiếp tục cầu nguyện cho cô, cũng như mọi người trên thế giới vẫn đang cầu nguyện và đồng hành với đất nước của cô. Chúng tôi tiếp tục những thứ cần thiết để nhường lại không gian thinh lặng cho cô và nhóm chuẩn bị ngủ ngon sau một ngày chạy giặc.   

Lúc này tôi mới hiểu thế nào là sự phi lý của chiến tranh. Bom đạn đang tàn phá biết bao công trình mà nhiều thế hệ cố gắng dựng xây ở Ukraina. Súng đạn đã, đang và sẽ giết chết biết bao con người. Đạn bom đã khiến hàng triệu người phải mất nhà cửa, phải rời bỏ quê hương. Chiến tranh đã lấy đi tương lai của các em nhỏ được đến trường. Cuộc chiến đã cướp đi cảnh yên bình của những gia đình, công sở và biết bao chốn thanh bình mà đáng ra họ được hưởng.

Mấy hôm trước tôi xem một đoạn video về cảnh người mẹ khóc thương cho đứa con của mình qua đời vì mảnh bom mìn. Bà không ngừng la lên: “Tại sao? Tại sao? và Tại sao.” Không ai muốn chiến tranh, nhưng tiếc là nó đang xảy ra. Tại sao vẫn là câu hỏi mà mỗi người trăn trở về hai chữ “chiến tranh” thường đặt ra.   

Như vậy, hôm nay tôi đang sống gần với chiến tranh, vì tôi đang ở Hungary. Không biết cuộc chiến có lan ra những nơi khác không, nhưng tôi hiểu thế nào là sự tàn khốc của cuộc chiến. Tuy không ở nơi chiến trường, nhưng qua những người tị nạn mà tôi theo dõi trên Internet, hoặc những người tôi vừa gặp hôm nay, tôi đã cảm nhận được đàng sau hai chữ “chiến tranh” là một thảm kịch cho biết bao con người. Khổ nhất là trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi. Nhiều người vẫn trên đường lánh nạn, vô số người còn mắc kẹt vì hành lang nhân đạo thường xuyên bị dán đoạn. Nơi chiến trường cũng có chồng, có cha, có người thân của họ đang bên làn bom đạn. Có lẽ dòng nước mắt của cô trên đây đã lột tả được phần nào cảnh tượng chiến tranh tại Ukraina.  

Có thể bạn đọc những dòng trên đây đang ở Việt Nam, nhưng bạn cũng có thể cảm nhận được những đau khổ của người dân Ukraina, khi theo dõi trên phương tiện truyền thông. Hoặc những thế hệ Việt Nam 5, 6 hoặc 7x đều có kinh nghiệm với hai từ chiến tranh. Trong tâm thế đó, ước gì chúng ta tiếp tục thêm lời cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraina. “Chúng ta tin tưởng rằng, trong thời khắc lịch sử này, Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Thiên Chúa, Đấng nắm trong tay vận mệnh của toàn thế giới và từng người chúng ta, luôn đứng về phía các nạn nhân của sự xâm lược bất công cũng như những người đau khổ và nô lệ.”[1]

Tôi cũng như nhiều người cầu chúc cho gia đình cô trên đây được bình an. Họ sẽ nghỉ ngơi một vài ngày ở cộng đoàn chúng tôi và sau đó tiếp tục sang một nước khác, vì nơi đó có người thân của họ. Trên hành trình này, mong Thiên Chúa luôn ở với họ, luôn có nhiều người sẵn lòng giúp họ. Khi đó, ước sao nụ cười sớm đến với gia đình cô, và tiếng nô đùa của trẻ thơ sẽ cho chúng ta liên tưởng đến cuộc sống hòa bình.

Cho tới giờ, tôi hiểu vì sao chiến tranh và hòa bình không thể tồn tại trên cùng một mảnh đất và cùng một thời điểm. Không ai muốn chiến tranh, vậy chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình. Thay vì “nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”, Thiên Chúa dạy chúng ta một cách khác: “Nếu muốn tránh chiến tranh, hãy xây dựng hòa bình”[2]

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

………………..

[1] https://dongten.net/2022/02/25/chien-thang-cua-ukraina-se-la-chien-thang-cua-thien-chua-tren-su-hen-ha-va-kieu-ngao-cua-con-nguoi/

[2] Nên biết là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đặt đoạn “bảo vệ hòa bình” (số 2302-2306) trước đoạn nói về “tránh chiến tranh” (số 2307-2317).