Theo cảm nghiệm riêng, Thánh Faustina định nghĩa: “Lòng thương xót là đóa hoa của tình yêu.” (Nhật ký, 651) Cách so sánh như vậy thật là thú vị. Có thể lập thành phương trình tâm linh này: Thánh Tâm Chúa Giêsu = Tình Yêu + Lòng Thương Xót + Ơn Cứu Độ.
Cứ đề cập tình yêu thì ai cũng nghĩ ngay tới trái tim. Nếu con mắt là “cửa sổ tâm hồn,” trái tim sẽ là “căn phòng tình yêu.” Trái tim luôn đập những nhịp yêu thương, chuyển tải máu yêu đến mọi cơ phận để duy trì sự sống cho cả cơ thể.
Bộ não là trung tâm điều khiển, nhưng nếu thiếu nguồn máu từ trái tim chuyển lên thì bộ não cũng không thể hoạt động, ngay cả những người “bại não,” sống thực vật, nhưng não vẫn “sống” nhờ máu. Suy nghĩ bằng cái đầu với khối óc và bộ não, đó là bình thường, Thiên Chúa muốn chúng ta suy nghĩ độc đáo hơn: “Người ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ.” (Hc 17,6) Cách suy nghĩ của lý trí khác với cách suy nghĩ của con tim, bởi vì chính lý trí cũng không thể hiểu lý lẽ của con tim.
Thánh Tâm Chúa Giêsu là Nguồn Tình Yêu Thương, là Mạch Lòng Thương Xót. Tình yêu kỳ diệu, nhưng Lòng Thương Xót còn kỳ diệu hơn. Lòng Thương Xót “cao cấp” hơn Tình Yêu, bởi vì tình yêu có thể có chút vị kỷ, yêu người nhưng vẫn là yêu chính mình, yêu vì mình trước khi yêu vì người; còn lòng thương xót không hề vị kỷ, thương người chỉ vì người chứ không vì mình. Cụ thể và phổ biến là tình yêu đôi lứa – loại tình yêu được coi là mạnh mẽ hơn các loại tình yêu khác. A yêu B nhưng thực chất A vẫn vì hạnh phúc của mình hơn là vì hạnh phúc của B. Tương tự, B đối với A cũng thế. Có những người liều mạng sống để chết vì yêu, nhưng không phải chết vì người mình yêu, mà chết vì tuyệt vọng về hạnh phúc của mình. Ngay cả Romeovà Juliet cũng không ngoại trừ. Vì thế, chẳng ai yêu nhau khi chưa biết người kia ở đâu, làm gì,… nhất là có “hợp nhãn” hay không, thậm chí còn tính toán cả vấn đề giàu – nghèo.
Tuy nhiên, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa hoàn toàn khác. Chính Ngài đã xác định: “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta về.” (Hs 11,1) Chúng ta cũng được Ngài hứa chắc như vậy. Bằng chứng hiển nhiên: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.” (Rm 5,8a)
Mặc dù phàm nhân xấu xa, nhưng vẫn được Thiên Chúa nâng niu, chiều chuộng: “Ta đã tập đi cho Épraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.”(Hs 11,3-4) Các động thái âu yếm đầy yêu thương và vị tha, như người mẹ yêu thương con trẻ, vì con trẻ chứ không vì mình, không cần gì cho mình. Tình yêu Thiên Chúa còn hơn thế nữa.
Thật vậy, chúng ta vô tình và phản bội nhưng Thiên Chúa vẫn si tình đến nỗi phải thốt lên: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.” (Hs 11,8) Có ai không mủi lòng mà xót xa khi nghe người yêu tâm sự nỗi lòng như vậy? Có, và vẫn có. Đó là chính mỗi chúng ta.Chúng ta trách người mà mình vẫn vô ơn bội nghĩa, không chỉ bạc tình với người đời mà còn bạc tình với Đấng Thánh đã chết vì quá yêu chúng ta: Đức Giêsu Kitô. Thật buồn!
Mặc dù con người tồi tệ, Thiên Chúa vẫn thương xót, vẫn chờ đợi người ta sám hối, và Ngài hứa: “Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.” (Hs 11,9) Nhờ thành tín mà vua Salômôn được Chúa ban cho hơn cả những gì ông muốn: “Thiên Chúa cho vua Salômôn được dồi dào khôn ngoan, thông thạo, và một trái tim bao la như cát ngoài bãi biển.” (1V 5,9) Thay đổi cách sống có thể thay đổi số phận.
Ngôn sứ Isaia nhờ ơn Chúa mà mạnh mẽ và can đảm hơn, ông động viên chính mình và người khác: “Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Đức Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. Các bạn sẽ nói lên trong ngày đó: Hãy tạ ơn Đức Chúa, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân, và nhắc nhở: danh Người siêu việt.” (Is 12,2-4) Nguồn Cứu Độ vô tận, Nước Cứu Độ trong lành, đặc biệt là hoàn toàn miễn phí. Nguồn Nước đó chỉ có nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, nơi tuôn trào Máu và Nước vì yêu thương đến cùng. Ai biết đón nhận sẽ được mãn nguyện, càng hứng và càng múc thì càng được nhiều.
Chắc chắn chúng ta không thể thỏa mãn từ bất cứ nguồn nào khác. Ngôn sứ Isaia chân thành khuyên nhủ: “Đàn ca lên mừng Đức Chúa, vì Người đã thực hiện bao kỳ công; điều đó, phải cho toàn cõi đất được tường. Dân Sion, hãy reo hò mừng rỡ, vì giữa ngươi, Đức Thánh của Israel quả thật là vĩ đại!” (Is 12,5-6) Thật vậy, Chúa Giêsu vẫn luôn tha thiết mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-30)
Cuộc sống trần gian luôn có nhiều thứ bất trắc, cụ thể là cơn đại dịch đang lây lan khắp nơi – cách riêng tại Việt Nam. Vì thế, chúng ta rất cần Thiên Chúa cứu thoát. Có Ngài thì mọi thứ đều khác hẳn, xấu thành tốt, và cõi lòng chúng ta sẽ bình an, nhẹ nhàng, thanh thản, mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.
Chấp nhận sự thật không hề dễ dàng, nhất là sự thật đó bất lợi cho mình. Thánh Phaolô không ngần ngại thổ lộ: “Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” (Ep 3,8-10) Thiên Chúa quan phòng, tiền định, an bài mọi sự –dù chỉ là một sợi tóc. Tuy nhiên, người ta không dễ chấp nhận như thế. Khó lắm, và cần có đức tin mãnh liệt.
Đó là sự thật, dù muốn hay không muốn,một sự thật minh nhiên và bất biến: “Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa.” (Ep 3,11-12) Người đời xác định: “Vô tri bất mộ.” Biết rồi thích, thích rồi yêu, yêu rồi mê. Đối với sự thường còn như thế huống chi với Chúa Giêsu, với Thánh Tâm nhân lành của Ngài. Càng biết Ngài thì càng thấy cần Ngài, càng thích thú vớiphong cách “ngược đời” của Ngài. Có Ngài là có tất cả – đời này và đời sau.
Về Tình Yêu Thiên Chúa, Thánh Gioan giải thích: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1 Ga 4,10) Đó là tình câm lặng, tình cuồng si, chúng ta không thể hiểu hết. Thế mà có những người yêu nhau say đắm thì người ta lại chê họ là khờ dại, là ngu ngốc. Không ở trong hoàn cảnh của họ nên chúng ta không thể hiểu họ và suy diễn theo ý mình. Phàm nhân thường thích “đúc” người khác theo “khuôn” của mình. Sai bét mà vẫn ảo tưởng. Cứ ảo tưởng sẽ hóa ảo giác. Nguy hiểm!
Qua trình thuật Ga 19,31-37, chúng ta được biết rằng người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, ngày đại lễ. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Họ đánh giập ống chân của hai tử tội cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh giập ống chân Ngài. Thế nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài, chút máu và nước còn lại cũng chảy ra hết.
Chính Thánh Gioan đã là nhân chứng, chắc chắn lời chứng này xác thực vì ông biết mình nói thật. Ai không tin là cố chấp. Chuyện này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập,”và rồi “họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.” Đó là lúc họ tỉnh ngộ và “biết thế nào là lễ độ.” Chúng ta cũng vậy thôi, có lẽ ai đã từng phạm tội tày trời rồi mới biết sợ, như con chim chết hụt nên sợ cành cây cao.
Thông điệp “Miserentissimus Redemptor” (Đấng Cứu Độ Thương Xót, 1928), ĐGH Piô XI (1922-1939) nói: “Việc tôn sùng Thánh Tâm chắc chắn dẫn chúng ta đến việc biết Chúa Kitô một cách thân mật và làm cho tâm hồn chúng ta yêu mến Ngài một cách dịu dàng hơn và kết hiệp với Ngài một cách quảng đại hơn.” Và Thông điệp “Haurietis Aquas” (Múc Nguồn Nước, 15-5-1956), ĐGH Piô XII cho biết về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Chúng ta biết rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cốt yếu là lòng sùng kính đối với tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta qua Chúa Giêsu, đồng thời cũng là tình yêu làm sống động tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và con người. Nói cách khác, lòng sùng kính này được hướng tới tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta để chúng ta thờ lạy Ngài, cảm tạ Ngài và noi gương Ngài suốt đời.”
Thật thú vị với ngữ nghĩa. Chữ “tâm” (trái tim) vừa để chỉ trái tim bằng thịt nhưng cũng đề cập một con người trọn vẹn, chứ không phân biệt là một cơ phận như các cơ phận khác (đầu, cổ, bụng, ruột, tay, lưng,…). Với người Á Đông, trái tim diễn tả tình cảm và tư tưởng của con người –với đầy đủ thất tình và lục dục. Thất tình là 7 loại tình cảm: hỷ (mừng), nộ (giận), ai (buồn sầu), lạc (vui) hoặc cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (ước muốn). Lục dục là 6 loại ước muốn: [1] Sắc dục (ham muốn nhìn thấy sắc đẹp – liên quan Mắt), [2] Thính dục (ham muốn nghe âm thanh êm dịu – liên quan Tai), [3] Hương dục (ham muốn ngửi mùi thơm dễ chịu – liên quan Mũi), [4] Vị dục (ham muốn món ăn ngon – liên quan Miệng), [5] Xúc dục (ham muốn đụng chạm thân xác – liên quan Tay Chân), [6] Pháp dục (ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn – liên quan Não) Quả thật, trái tim là trung tâm và là nơi sâu thẳm nhất của con người (nội tâm), gồm cả tính cách hướng dẫn mọi hành động ý thức hoặc vô thức.
Trái tim tượng trưng cho toàn thể con người như là nguồn mạch tạo nên cuộc sống của mình. Thiên Chúa muốn cả con người của chúng ta: “Hỡi con, hãy cho Cha trái tim của con!” (Cn 23:26) Chúa Giêsu đã trao ban chúng ta chính Thánh Tâm Ngài, và Ngài cũng muốn chúng ta trao cho Ngài chính trái tim của mình. Chỉ có những gì xuất phát từ trái tim mới có thể đến được với tráitim. Thiên Chúa thật kỳ diệu khi tạo nên trái tim, dù trái tim cũng chỉ là một cơ phận nhưng nó lại “đại diện” cho cả một con người.
Chúng ta cầu nguyện qua Chuỗi Lòng Thương Xót: “Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, như suối nguồn thương xót chúng con, chúng con tín thác vào Ngài.” Ai thành tâm thì Ngài thương ngay lập tức, điển hình là Dismas (tướng cướp “hiền” cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu), dù chẳng biết Ông Giêsu là ai, thế mà chỉ một lời chân thành xin vào Nước Trời thì Ngài hứa ngay: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,43) Thật tuyệt vời, vì số phận hoàn toàn biến đổi. Đó là bằng chứng về tình yêu bao la Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con, xin thắp lửa yêu mến nơi chúng con, để chúng con được hòa nhịp thương xót bằng những nốt yêu mến bé nhỏ của chúng con. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Trầm Thiên Thu