Người trẻ có còn thích lập gia đình?

Bài viết dưới đây được khai triển trong ánh sáng của
Tông huấn “Chúa Kitô sống” số 259-267.

Lâu lâu chúng ta đọc thấy thông tin ly dị của những cặp vợ chồng nổi tiếng. Thỉnh thoảng ta bắt gặp cảnh bạo lực gia đình. Không ít lần người trẻ bị “bồ đá”, bị thất tình. Trước tình cảnh đổ vỡ trong tình yêu và đời sống gia đình như thế, người trẻ bị chất vấn về niềm vui của đời sống lứa đôi, hạnh phúc của đời sống gia đình. Một thực tế là nhiều người trẻ không còn muốn kết hôn nữa. “Ở vậy sướng hơn!” – có người nói thế.

Các bạn trẻ thân mến,

Tôi đang nói đến một đề tài lớn lao và quan trọng cho bất kỳ ai: Ơn gọi. Tạ ơn Chúa vì trong khi họp bàn với người trẻ, Giáo Hội nói nhiều với người trẻ về chủ đề này. Cụ thể trong bài viết ngắn gọn dưới đây, chúng ta tập trung vào tình yêu và gia đình nơi người trẻ thời hiện đại này.

Tuổi trẻ là thời gian của yêu đương và đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Ai cũng cảm thấy rộn ràng tình yêu với người khác phái.[1] Họ thường xuyên “thả thính, thả tim” để mong tìm được một nửa kia của mình. Trên hành trình đó, “người trẻ cảm nhận cách mạnh mẽ về lời mời gọi yêu thương và mơ ước được gặp đúng người để lập gia đình và cùng nhau xây dựng một cuộc sống. Chắc chắn đó là một ơn gọi mà chính Thiên Chúa đề ra qua những cảm tình, ước mong và ước mơ.”[2] Đó là món quà lớn lao mà người trẻ nhận từ Thiên Chúa.

Cũng như kinh nghiệm cô đơn, trống vắng của Adam khi thiếu Eva, người nam tự nhiên sẽ hướng về người nữ, và ngược lại. Ngôn ngữ bình dân gọi đó là hấp dẫn của phái tính. Ngôn ngữ Công giáo gọi đó là “tiếng gọi của Chúa, ơn gọi làm cho hai người nam nữ nên một xương thịt, một cuộc đời.” Từ đó, lịch sử loài người mới hình thành và nối tiếp cho đến hôm nay. Nếu không, tôi và các bạn làm sao có mặt trên cuộc trần này? Sẽ là nguy hiểm nếu người ta nghi ngờ sự thật này. Ngược lại, khi đôi bạn tin tưởng và nhận ra ơn gọi này, hy vọng họ “dắt dìu nhau trên đường tình, dìu nhau trên con đường mến yêu.”

Khi học giáo lý hôn nhân, đôi bạn sẽ được hỏi mục đích của hôn nhân là gì? Chắc ai cũng thuộc lòng, đó là: để yêu thương và để sinh ra sự sống. Đã đến lúc người trẻ nhận thấy việc kết hôn là một món quà của Thiên Chúa dành cho họ. Thực vậy, phái tính, tình dục chẳng phải là điều cấm kị nữa, vì đó cũng là món quà của Thiên Chúa. Nhờ đó mà người nam người nữ có đam mê, có tình yêu nồng nàn để phát sinh sự sống.

Một hồi chuông Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho người trẻ về chủ đề này: Một nền văn hóa tạm bợ. Thực vậy, đó là hiện tượng người trẻ “ăn ở với nhau” mà không cần bí tích hay hôn thú. Thích như thế, vì họ cho rằng định chế hôn nhân hôm nay đã lỗi thời. Đâu cần bí tích hôn nhân, đầu cần ràng buộc pháp lý, đâu cần đạo nghĩa gia phong. Tự do trong hôn nhân đang là trào lưu của người trẻ. Họ thích tận hưởng mọi thứ mà không cần đòi hỏi sự bền vững trong gia đình. Đó là nền văn hóa tạm bợ.

Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo[3] đưa ra ba nguyên nhân chính khiến một số bạn trẻ không thích lập gia đình.

– Xã hội càng phát triển, người trẻ càng nhiều áp lực, khiến các bạn trẻ trở nên mệt mỏi và lười yêu.

– Người trẻ thấy tỷ lệ đổ vỡ hôn nhân của các cặp đôi có dấu hiệu gia tăng. Hệ quả là niềm tin vào hôn nhân giảm sút.

– Người trẻ thời nay có nhiều cơ hội, nhiều quan tâm: sự nghiệp, ước mơ, hoài bảo, trải nghiệm, du lịch… Do đó, nhu cầu về kết hôn hay dành thời gian cho cuộc sống gia đình cũng giảm dần.

Nói chung, thực tế là ơn gọi hôn nhân đối với họ quá xa sỉ, lỗi thời. “Single mom – mẹ đơn thân” là “mốt” của không ít người. Nhất là ở nước ngoài, hiện tượng này đang tác động mạnh mẽ đến giá trị của hôn nhân và tính thánh thiêng của nó.

Trước hiện tượng đó, Đức Thánh Cha và Giáo Hội chia sẻ với người trẻ: “Yêu cầu các con trở thành những nhà cách mạng. Cha yêu cầu các con lội ngược dòng. Đúng, về việc này, Cha yêu cầu các con nổi lên chống lại nền văn hóa tạm bợ này. Đó là nền văn hóa, thật ra, tin rằng các con không có khả năng nhận lãnh trách nhiệm, không có khả năng yêu thương thật”. (Đức Kitô Sống, số 264). Vì tương lai và hạnh phúc của người trẻ, Đức Giáo Hoàng khuyến khích người trẻ suy nghĩ, nhận định nghiêm túc về ơn gọi đời mình: đi tu hoặc lập gia đình[4].

Trong đời sống vợ chồng luôn còn đó nhiều thách đố, nhưng cũng chan chứa hạnh phúc bình an. Một khi đôi bạn được Thiên Chúa chúc phúc, hy vọng họ cùng nhau vượt qua những khó khăn trong đời sống gia đình. Bởi bạn có biết:

“Đức Kitô biết rằng các vợ chồng không hoàn hảo và họ cần khắc phục những yếu đuối và tính hay thay đổi của mình để tình yêu của họ có thể lớn lên và kéo dài theo thời gian.” (Đức Kitô Sống, số 266).

Còn đó biết bao gia đình hạnh phúc, còn đó biết bao vợ chồng sống tròn đầy trong cuộc sống lứa đôi, vui vầy bên con cháu. Đáng lẽ hôn nhân là ơn gọi tự nhiên, nghĩa là ai cũng cần “dựng vợ gả chồng”, trong thời nay, điều ấy lại gặp vài khủng hoảng. Họ không muốn đi tu, không muốn lập gia đình, hoặc chỉ muốn ở với nhau không hôn thú. Bạn nghĩ sao về những điều trên, nơi giới trẻ Việt Nam?

Lúc này chúng ta lắng đọng để cầu nguyện với đôi vợ chồng thánh thiện. Họ là cha mẹ của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Kính lạy thánh Martin và thánh Zélie, xin cầu bầu cùng Chúa giúp cho người trẻ chúng con can đảm lãnh lấy ơn gọi hôn nhân. Noi gương sáng ngời của các ngài, hy vọng mỗi người trẻ, mỗi gia đình trẻ biết chu toàn sứ mạng trong ơn gọi gia đình như lòng Chúa ước mong. Xin các Ngài chuyển cầu đến Chúa lời nguyện này của chúng con. Khi đó, “Thiên Chúa ban cho các cặp vợ chồng ân sủng của Người, đồng thời cũng là ánh sáng và sức mạnh cho phép họ thực hiện dự định của họ về đời sống hôn nhân cho phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa.” Amen.

 

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

————————-

[1] Dĩ nhiên ngày nay còn có hiện tượng tình yêu và hôn nhân đồng tính. Chúng ta sẽ bàn đến chủ đề này vào dịp khác.

[2] Đức Kitô Sống, số 259

[3] Đọc thêm: https://giaoducthoidai.vn/tre/vi-sao…gia-dinh-4020147-l.html

[4] “Đối với những người không được mời gọi kết hôn hoặc đời sống thánh hiến, phải luôn nhớ rằng ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất là ơn gọi của bí tích Rửa Tội. Những người chưa lập gia đình, ngay cả khi không phải do sự lựa chọn của họ, có thể trở thành những nhân chứng đặc biệt của ơn gọi này trong hành trình phát triển cá nhân của họ.” (Đức Kitô Sống, số 267).