GPVO (13/10/2023) – Trong đời sống đức tin, khiêm nhường được xem là “mẹ và nữ hoàng” của tất cả mọi nhân đức. Kinh Thánh đã phác họa ra nhiều dung mạo khiêm tốn, tuy vậy, Mô-sê mới là nhân vật được Thiên Chúa xác nhận là “người khiêm hạ nhất trần đời” (x.Ds 12,3). Sự khiêm tốn nơi ông được “chưng cất” từ một thế giới nội tâm đa phức. Ở đó, ông đã được Thiên Chúa tinh luyện để lột xác khỏi sự nông nổi mang dáng dấp cao ngạo của một hoàng tử Ai Cập, nhằm trở thành người tôi trung của Thiên Chúa và nên nhà lãnh đạo vĩ đại trong dòng tâm thức của dân Ít-ra-en qua bao thế hệ. Trong phạm vi bài viết này, bằng một cuộc viễn kiến đi sâu vào miền nội tâm của nhân vật Mô-sê, người viết xin được dừng chân ở một vài khía cạnh chính với mong ước phần nào chạm đến nhân đức khiêm hạ, là một phẩm tính phát xuất từ nội tại của Đấng Hằng Hữu. Đồng thời, qua nhân vật Mô-sê, phần nào có thể phác họa ra những tố chất cần có của một nhà lãnh đạo thực thụ theo quan điểm Kitô giáo.
Xuất phát điểm của sự khiêm hạ nơi Môsê
Trước tiên, phải chân nhận rằng Mô-sê là gương mẫu của sự khiêm tốn và nhân đức này là sự tích đọng xuyên qua một chuỗi biến cố, kinh nghiệm thăng trầm suốt cuộc đời ông, để rồi, nó trở thành điểm nhấn, làm nên sự vĩ đại của một con người có xuất phát điểm tầm thường. Mô-sê không phải được phú ban sự khiêm tốn ngay trong trứng nước, cũng không phải trong thời gian 40 năm ông được hưởng mọi đặc ân và lối giáo dục kiêu kỳ trong cung điện Pha-ra-ô. Sự khiêm tốn ẩn tàng nơi ông bắt đầu chớm nở sau bi kịch ông sát hại một người Ai-cập để cứu một người Do Thái. Chuyện là khi được chẵn bốn mươi tuổi, ông Mô-sê nảy ra ý định thăm viếng các anh em mình là con cái Ít-ra-en. Ông đi ra từ một thế giới đầy ưu đãi để đến với một thế giới khác và chứng kiến những người lao động khổ sai [[1]]. Cụm từ “đi ra” diễn tả một sự chuyển động cả về thể lý lẫn tâm lý của ông (x.Xh 2,11). Thường thì người ta sẽ không chú ý đến một điều như thế, nhưng Mô-sê chứng kiến sự việc xảy ra và nhận thức mối liên đới với đồng bào của mình. Khi thấy một người anh em Do Thái bị một người Ai-cập đánh đập, ông liền bênh vực, và ra tay đánh chết người Ai-cập. Ông tưởng các anh em ông sẽ hiểu rằng Thiên Chúa dùng tay ông để ban ơn cứu độ cho họ; nhưng họ thì không hiểu. Ngày hôm sau, đang khi hai người Do Thái đánh lộn thì ông xuất hiện và chủ động dàn xếp cho đôi bên làm hoà. Chính họ đã rủa vào mặt ông bằng những lời lẽ thậm tệ và còn đe dọa ông sự thật về vụ giết người vào ngày trước đó. Mô-sê trở nên hoảng loạn. Hành động hào hiệp của ông trở nên vô nghĩa, mất mát và bi lụy nên ông chạy trốn. Nhiệt huyết, lòng can đảm, tình đồng bào và những dự tính của ông hoàn toàn sụp đổ. Thực tế phũ phàng đã đánh bại ông. Đó là một sự liều lĩnh vô nghĩa của kẻ làm ơn lại chuốc lấy oán! Ông bị tước đoạt mọi thứ ở thế giới được ưu đãi để sống cuộc đời của một kẻ ngoại kiều cùng khốn tại Ma-đi-an. Tuy vậy, hành động bênh đỡ người anh em Do Thái của ông đã bộc lộ tất cả những tố chất lãnh đạo xét theo quan điểm con người – đưa ra quyết định nhanh, thực hiện quyết định vắn gọn, can đảm can thiệp. Ông có tất cả những phẩm tính tự nhiên của một người lãnh đạo. Thêm vào đó, Mô-sê cũng đã được đào tạo bài bản về chính trị, ngoại giao và được huấn luyện binh nghiệp kỹ càng tại cung điện Ai-cập, nên tố chất lãnh đạo của ông càng bộc lộ rõ ràng [[2]]. Tuy vậy, sự vắng mặt của lòng khiêm hạ “biết Chúa, biết người, biết mình” là một trong những lý do căn cốt để Thiên Chúa tiếp tục huấn luyện ông trong 40 năm kế tiếp tiếp lưu lạc nơi xứ lạ với cuộc sống hết sức bấp bênh.
Phải chăng Mô-sê đã hoàn toàn thủ đắc được sự khiêm đích thực sau khóa đào tạo trong 40 năm vật lộn với nghề chăn chiên nơi sa mạc? Kinh Thánh thuật lại rằng Mô-sê trốn đi và đến trú ngụ ở miền Ma-đi-an. Ông không thể vượt qua thất bại bất ngờ xảy đến với ông. Mô-sê đắm chìm vào cuộc sống riêng tư [[3]]. Hình như ông đã từ bỏ ơn gọi và sứ mạng ông nghĩ đã được Chúa trao phó. Ông không còn nghĩ đến người khác, không còn nghĩ đến dân tộc ông. Từ bây giờ, ông chỉ sống cho chính mình thôi. Tuy nhiên, khoảng lặng cần thiết này đã tạo nên một sự hoán đổi nội tâm quan trọng. Dần dà, cuộc sống âm thầm và riêng tư nơi sa mạc đã giúp ông khám phá và học biết nhiều điều.
Sự khiêm tốn biết Chúa, biết mình và biết người
Thiên Chúa đã thành công khi huấn luyện ông thành nhà lãnh đạo “biết Chúa, biết mình và biết người”. Từ một kẻ có ý niệm mơ hồ về Thiên Chúa của tổ tiên mình, Mô-sê chỉ hành động theo lý trí và bản năng tự nhiên. Sau khi được Thiên Chúa mặc khải nhãn tiền, Mô-sê dần dà tiến sâu vào mối thân tình với Người đến nỗi Kinh Thánh không ngần ngại gọi ông là “người của Chúa” (Tl 33,1; Gs 14,6). Thật diễm phúc cho ông vì nhận được lời lẽ này từ Thiên Chúa: “Nhưng với Mô-sê tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng Đức Chúa, nó được ngắm nhìn” (Ds 12,7-8). Có lẽ, sự khiêm tốn thể hiện rõ ràng nhất ở chỗ Mô-sê là người biết mình. Trước đó, vì sự u minh và ảo tưởng sức mạnh bản thân đã khiến ông đi trật đường ray, ông chỉ hành động theo sự nông nổi của tuổi trẻ. Nhưng rồi, nghịch cảnh đã làm cho ông thấm thía, trở nên sâu sắc hơn và khiêm hạ hơn. Sau biến cố bỏ trốn trong nghiệt ngã, ông đã vào sa mạc, lập gia đình và có con cái. Ông dần bừng hiểu rằng mình không phải là “cái rốn của vũ trụ” và tự sức ông không thể làm nên sự nghiệp gì. Khi được Thiên Chúa giao trọng trách lãnh đạo, đi đến với Pha-ra-ô để giải cứu dân, ông cảm thấy mình bất xứng nên đã năm lần viện cớ từ chối với những lý do rất hiện sinh và thấu tình đạt lý. Mô-sê khước từ Thiên Chúa vì nhận ra sự kém cỏi và bất lực của mình. Ông đáp lại lời Chúa kêu gọi và thưa rằng ông không có tài ăn nói: “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi.” (Xh 4,10). Quan trọng hơn hết, cảm thức “Con là ai mà dám…” chính là biểu hiện của sự biết mình và nền tảng của sự khiêm tốn thâm sâu [[4]]. Ông đã hoàn toàn được biến đổi. Thêm vào đó, Mô-sê còn trở nên “biết người” hơn thông qua khả năng nhận biết, lượng giá được những người chung quanh và hoàn cảnh ông đang sống, từ đó, ông trở nên bao dung, dám hy sinh và sẵn sàng chịu đau khổ vì người khác. Tất cả những điểm trên làm nên một sự hiểu biết hiện sinh, sự hiểu biết của trái tim nhờ đời sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và chính là nền tảng để ông trở thành một nhà lãnh đạo thời danh.
Không để quyền lực vượt quá cái đầu và bóp nghẹt con tim
Trong cương vị là nhà lãnh đạo của dân tộc Ít-ra-en, Mô-sê không để “quyền lực vượt quá cái đầu” [[5]] và “bóp nghẹt con tim”. Ông đã được Chúa ban cho sức mạnh và quyền lực to lớn để lãnh đạo dân, nhưng những đặc ân đó không làm cho ông ra kiêu ngạo. Dưới nhiều khía cạnh, ta có thể chứng mình được điều này.
Điểm nổi bật đầu tiên, có thể nói rằng Mô-sê là nhà lãnh đạo biết phó dâng quyền bính trong tay Thiên Chúa và trở nên một người tôi tớ trung thành của Người. Sau gần 40 năm dẫn dắt dân Ít-ra-en, Mô-sê vẫn không cậy vào ý riêng nhưng luôn thỉnh ý Thiên Chúa trong mọi sự và mau mắn nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong Lều Hội Ngộ (Xh 18,19; Xh 33,9; Ds 27,1-11); ông thể hiện tốt vai trò trung gian của vị tư tế, trung gian giữa Thiên Chúa và dân, nối kết hai bên bằng máu giao ước (Xh 24,6-8). Khi Thiên Chúa không muốn ở với dân nữa, thì ông đã nghĩ ra cách là làm một cái lều Hội Ngộ để cho Thiên Chúa ngự, và là nơi để ông đến gặp gỡ Thiên Chúa (Xh 33,7). Nơi đó ông thường xuyên vào gặp gỡ trao đổi với Thiên Chúa, và Ngài đã dạy cho ông biết phải làm gì, nơi đó ông cũng mặc cả với Chúa để xin Ngài thương dân, tha cho dân và hướng dẫn dân đi (Xh 33,12-22) và đã hai lần ông thành công xin Chúa đổi ý không tiêu diệt dân Ít-ra-en (Ds 14,11-12). Mô-sê còn chọn A-ha-ron và con cái ông ta để thi hành chức vụ tư tế (Xh 28,1), cũng như thay mặt Thiên Chúa để thánh hiến họ (Xh 29,1-46). Chính việc tiếp xúc thường xuyên với “nơi thánh” đã dần dần khiến ông đi sâu về phía Thiên Chúa.
Mô-sê còn là một người cầm quyền có lòng quảng đại. Ông luôn muốn cho những người khác được nhận lãnh ơn huệ như mình để lãnh đạo dân. Khi có người hớt hải báo tin cho ông là có hai người được Thần Khí đậu xuống và đang tự do phát ngôn trong trại, Mô-sê không ganh tỵ, không giữ vị thế độc quyền làm ngôn sứ, nhưng đã tỏ ra rất đại lượng: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11,29). Hình ảnh này của Môsê được liên kết với hình ảnh Chúa Giê-su và thánh Phaolô trong Tân Ước. Khi thánh Gioan đã mách với Chúa Giêsu là có người không thuộc nhóm môn đệ, lại cả gan lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Tưởng là Chúa Giêsu sẽ nóng giận và cho những kẻ kia biết thế nào là lễ độ, nhưng rồi, Người lại ân cần dập tắt cơn ghen của Gioan và lý luận vấn đề một cách rất bao dung (x.Mc 9,38-40). Còn với Thánh Phaolô, được tin là có người loan báo về Đức Ki-tô với ý không ngay lành, thánh nhân đã nói rằng: “Những người kia thì loan báo Đức Ki-tô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích. Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa.” (Pl 1,15-18). Như vậy có thể nói, phẩm tính quảng đại của Mô-sê phát xuất từ Thiên Chúa và làm nên dấu chỉ biểu thị “người của Thiên Chúa”. Thêm vào đó, sự quảng đại nơi ông được thể hiện nơi tấm lòng vị tha. Chúng ta biết rằng, khi bà My-ri-am và ông A-ha-ron tức tối vì ông Mô-sê cưới một người ngoại làm vợ, và họ cũng ghẹn tỵ vì Thiên Chúa chỉ nói với một mình ông mà sao không mạc khải cho họ. Ông Mô-sê làm thinh để cho Chúa phân xử, ông không hề phân bua, giải thích, trả thù, nói xấu lại hay mách lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa biết hết và trừng phạt bà My-ri-am. Khi ấy, Mô-sê đã tha thiết cầu xin sự tha thứ cho bà, rồi sau đó, vẫn yêu thương và tôn trọng người chị gái và anh trai của mình như chưa từng có chuyện gì xảy ra (x.Ds 12).
Ngũ Thư còn minh chứng cho ta rằng Mô-sê là một người có tâm hồn rộng mở để đón nhận lời góp ý từ những người khôn ngoan. Khi nhạc phụ Gít-rô gợi ý cho ông chia sẻ công việc với những người khác, ông đã lắng nghe và làm theo cách của ông ấy. Nhờ đó, Mô-sê đỡ vất vả hơn mà dân cũng vui hơn. Mọi công việc trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn rất nhiều (Xh 18,13-24). Và có lẽ trong trong những điểm nhấn của Mô-sê là tinh thần xả kỷ vì ích chung. Khi ông đã già, dù sức vóc còn dẻo dai, ông chủ động xin Thiên Chúa chọn một người kế vị. Thiên Chúa đã chọn Giô-suê thay thế, Mô-sê đã đặt tay trao Thần Khí khôn ngoan trên Giô-suê (Đnl 34,9), hết lòng nâng đỡ nhà lãnh đạo trẻ, thôi thúc dân vâng nghe theo Giô-suê trên đường tiến về Đất Hứa (Ds 27,15-18; Đnl 31,3-6; 34,7). Con người này thật là một người có nhân cách lớn!
Sẵn sàng chịu đau khổ vì dân
Cuối cùng, Mô-sê là mẫu gương của một người lãnh đạo sẵn sàng chịu đau khổ vì dân, thậm chí sẵn lòng hy sinh chính mình cho dân. Ông đã trải qua biết bao đau khổ, sợ hãi và lo lắng để chăm sóc cho dân. Nhưng dân lại trách móc, xỉa xói, than phiền và mắng nhiếc ông. Họ đối xử tệ bạc, chống đối ông, chối bỏ vai trò của ông – vị đại ân nhân của họ. Họ xem ông như chính là thủ phạm gây ra những đau khổ và bất hạnh cho họ và gia đình họ vậy. Đó là một sự bất công trắng trợn! Rồi bao nhiêu lần dân phản bội Thiên Chúa, thờ bò vàng, bất trung bất tín với giao ước đã lập. Mô-sê trở nên khổ tâm còn Thiên Chúa thì nổi giận muốn trừng phạt dân. Trong lúc bị dồn vào chân tường cả chiều ngang lẫn chiều dọc như vậy, dù đau khổ, Mô-sê đã tha thứ cho dân và kiên trì bênh vực cho họ trước mặt Thiên Chúa. Đây là lời cầu nguyện cảm động được thốt lên từ miệng lưỡi của một tâm hồn cao cả: “Ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xóa tên con ra khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xh 32,32). Mô-sê chẳng khác nào Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa. Và đi xa hơn nữa, những gì ông đã trải qua cũng như cung cách của ông mô phạm lại hành động “Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ít-ra-en”. Với tình phụ tử, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn dõi theo, đồng hành và hiện diện với dân Chúa trong suốt dòng lịch sử. Khi dân Chúa “đi hoang” trong tội lỗi, chạy theo ngẫu tượng, xúc phạm đến Người thì Người đáp lại bằng cách gửi các ngôn sứ để khẩn thiết kêu gọi dân trở về đường ngay nẻo chính. Đó là hành trình dai dẳng và đầy nước mắt bởi sự cứng lòng và chai lì của dân. Mô-sê đã rất thành công khi họa lại được dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa. Một người lãnh đạo chân chính phải có tố chất cốt yếu ấy!
Bài học về sự yếu đuối của người khiêm tốn
Chúng ta đã học được nơi Mô-sê bài học của sự khiêm nhường, nhưng chúng ta cũng nhận thấy thông điệp về sự yếu đuối của con người nơi ông. Mặc dù, chính Thiên Chúa rất hài lòng và đánh giá cao về sự khiêm tốn của Mô-sê, điều này không có nghĩa là ông không bao giờ phạm lỗi. Ngũ Thư cho ta biết sau cuộc hoán đổi nội tâm, ông vẫn phạm lỗi lầm (Ds 20,1-12), thất vọng (Xh 17,4), nghi ngờ về ơn gọi của mình (Ds 11,10-15) và thậm chí là giới hạn quyền năng của Thiên Chúa (Ds 11,21-23) [[6]]. Và có lẽ, điều đáng tiếc nhất là sự cố tại mạch nước Mê-ri-ba (Ds 20,2-13). Lúc đó, sự mệt mỏi và chán ngán vì đám đồng bào kém tin đã làm cho niềm tin của ông vào Thiên Chúa bị thui chột. Thiên Chúa phán ông hãy nói với tảng đá thì nước sẽ chảy ra cho dân uống. Nhưng ông đã dùng gậy đập hai lần vào tảng đá mà Thiên Chúa đã chỉ và còn lớn tiếng la rầy đám dân cứng đầu cứng cổ. Làm thế, Mô-sê như đang muốn chứng tỏ rằng bản thân mình cũng có thể làm phép lạ để nước chảy ra cho dân uống. Phải nói rằng giữa một đám dân kém tin, người vững tin nhất cũng đã để niềm tin bị sụp đổ [[7]]. Mô-sê đã thất bại trong việc biểu dương sự thánh thiện của Thiên Chúa. Kết cục là cả một thế hệ dân cứng đầu cứng cổ đã rời khỏi Ai cập cùng với Mô-sê trong phút kém tin đã không có diễm phúc được vào Đất Hứa là vùng đất tràn trề sữa và mật. Cái kết này khiến cho nhiều người băn khoăn, tiếc nuối, thương cảm và có phần day dứt cho Mô-sê. Phải chăng “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ nhưng kiêu ngạo một chút cũng đã thừa?”. Sự cố Mê-ri-ba và những lầm lỗi khác của Mô-sê cho ta biết rằng ông vẫn là một con người như bất cứ ai đã từng sinh ra làm người từ thuở tạo thiên lập địa: yếu đuối và bất toàn. Mô-sê, con người tuyệt vời trên nhiều phương diện nhưng không phải là người thập toàn bởi người khiêm hạ vẫn có những phút yếu lòng. Con người là thế! Cho dù chúng ta là ai thì phải luôn biết cúi mình trước sự yếu hèn của phận người, không kiêu kỳ khi thành công nhưng cũng không quá thất vọng khi thất bại.
Giữ vững lòng trung tín đến cùng sau khi phạm lỗi lầm
Khi Thiên Chúa mặc khải cho Mô-sê biết ông sẽ kết thúc cuộc đời bên ngoài lãnh địa Đất Hứa cùng với thế hệ của ông, Mô-sê vẫn giữ vững tư cách của một vị lãnh đạo tận tâm với dân và một người tôi tớ, một người bạn trung thành với Thiên Chúa. Khi sắp về sum họp với gia tiên, Mô-sê nhìn lại cuộc đời và trân trọng những năm tháng mà Chúa đã cùng đồng hành với ông, dù cho có những lúc ông không ý thức rõ ràng về điều đó. Như một đứa trẻ, cuộc đời Mô-sê được ấp ủ trong bàn tay âu yếm của Thiên Chúa. Thật cảm động khi chiêm ngắm cảnh tượng Mô-sê được đưa lên núi Nơ-vô ở Gio-đan, nơi Thiên Chúa chỉ cho ông thấy một viễn cảnh tươi đẹp dưới chân núi (x.Đnl 34,1-4). Ông chỉ có thể nhìn thấy Đất Hứa mà không được đặt chân vào, dẫu cho ông đã dốc cạn sức lực và tâm can để dẫn dắt đoàn dân đến ngưỡng cửa Đất Hứa. Tại đây, ông đã không buông lời trách móc Thiên Chúa, không cay đắng vì số phận, cũng không than khóc trong cô đơn, nhưng đã thân tình chuyện vãn với Thiên Chúa. Sau đó, Mô-sê đã qua đời và được mai táng trong thung lũng ở miền đất Mô-áp, tuy vậy, cho đến ngày nay, người ta không biết được mộ ông ở đâu (x.Đnl 34,6). Câu chuyện về cái chết và việc mai táng của Mô-sê vẫn luôn là một điều kỳ bí trong dân Do Thái. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, nơi câu 6 chương 34 của sách Đệ Nhị Luật, trong bản văn Hip-ri, động từ “mai táng” được ghi ở dạng chủ động với chủ từ ngôi thứ ba. Bởi thế, có thể dịch sát là “Thiên Chúa mai táng ông Mô-sê. Như thế, ông thuộc về nhân vật bí nhiệm, giống như ông Kha-nốc (St 5,24) và sau này là ông Êlia, những nhân vật này không để lại mồ mả của họ” [[8]]. Như vậy, thay vì khắc bia kỷ niệm, và xây dựng lăng mộ khổng lồ như các vua chúa cổ đại, Mô-sê, vị lãnh đạo đại tài của dân tộc Ít-ra-en, lại chọn sống trong tâm hồn của người dân. Điều giản dị này chính là nốt son làm nên sự vĩ đại của nhà lãnh đạo Mô-sê trong dòng chảy lịch sử cũng như dòng hoài niệm của dân tộc Do Thái [[9]]. Những lời răn dạy của ông cho dân Ít-ra-en được xem như lẽ sống của dân tộc ấy qua hàng ngàn thế hệ và mãi cho tới hôm nay: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” (Đnl 6,4-5). Ngũ Thư đã đề cập đến Mô-sê lần cuối cùng và cũng là sự trân trọng dành cho ông trong lời nhận định: “Trong Ít-ra-en, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Mô-sê, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt” và “không một ai sánh được với ông về các dấu lạ điềm thiêng mà Thiên Chúa đã sai ông làm trên đất Ai-cập, trên Pha-ra-ô và dân Ít-ra-en” (Đnl 34,4-12). Mô-sê được trình bày như một ngôn sứ vĩ đại hơn tất cả những ngôn sứ xuất hiện sau ông, hơn cả I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và tất cả những vị khác. Mô-sê là người vĩ đại nhất (Ga 5,46-47) [[10]].
Người dẫn đưa nhân loại đến với Môsê mới của Dân Mới
Tắt một lời, dù nhân vị tính của Mô-sê vẫn còn nhiều khiếm khuyết, chưa hoàn bị, không thể nào tô vẽ tròn đầy dung mạo của Đấng Hằng Hữu, tuy vậy, Mô-sê được xem như nhà lãnh đạo khiêm hạ, là hình ảnh tuyệt vời để dẫn mọi người thuộc mọi thế hệ đến với Đức Kitô, Mô-sê mới của Dân Mới trong Giao Ước mới. Những phẩm tính tuyệt vời nơi Mô-sê nên trở thành điểm quy chiếu cho chúng ta noi theo. Robert G. Ingersoll đã nói rằng: “Ai cũng có thể chịu đựng nghịch cảnh nhưng để muốn biết một người như thế nào thì hãy cho họ chút quyền lực”. Điều này có nghĩa là con người ta sẽ khác đi khi có một chút trọng trách hay bản thân có thể đạt được một thành quả gì đó. Quả vậy, không giống như Mô-sê, con người ta thường bị hấp lực của quyền hành và danh vọng “thâu tóm tâm hồn”. Thật khó để có thái độ trung dung với nó ngay cả khi chúng ta đã được Tin Mừng hóa trong môi trường sống của mình. Chúng ta chưa thể thanh thoát với quyền lực, danh vọng trần gian là vì chúng ta chưa khám phá Thiên Chúa, khám phá bản thân và tha nhân đủ mức. Tấm gương của Mô-sê thôi thúc mỗi người chúng ta cũng biết mở rộng tâm hồn để Thiên Chúa huấn luyện bản thân bằng những thách đố trong cuộc sống. Cho dẫu chúng ta phải trải qua những thất bại thê thảm và những kinh nghiệm cay đắng, nghiệt ngã nhất trong cuộc đời, thì cũng phải dành thời gian suy chiêm về những gì đã xảy ra, mở khóa nội tâm tìm gặp Chúa trong cõi riêng tư để kín múc năng lượng khiêm hạ thiêng liêng của Ngài. Như thế, chúng ta cũng sẽ như Mô-sê, được mang chính danh là “người của Chúa” và là “bạn hữu trung thành của Người”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Trọn Bộ, ấn bản 2011, NXB. Tôn Giáo, 2017.
[1] Charles Conroy, MSC., Hành trình lãnh đạo của Mô-sê, trích từ Journeys and Servants (Chuyển ngữ Phêrô Nguyễn Quí Khôi), xuanbichvietnam.net, Truy cập ngày 24/05/2023.
[2] Abbé Dheilly, Lịch sử Cứu độ (Giuse Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ), tr 47-48.
[3] Lm. Mỹ Sơn, Cuộc đời Môsê, giaophanvinhlong.net. Truy cập ngày 25/04/2023.
[4] Giuse Nguyễn Hữu An, Mô-sê-Người Lãnh Đạo Là Tôi Tớ Của Dân, gpcantho.com, Truy cập ngày 28/04/2023.
[5] Moses a man of humility, jw.org/en/library/magazines, Truy cập ngày 25/04/2023.
[6] What made moses the meekest man on earth, ucg.org/united-news, Truy cập ngày 25/04/2023.
[7] Jos. Nguyễn Huy Mai, Sự kém tin của con người, http://www.archivioradiovaticana.va. Truy cập ngày 24/03/2023.
[8] J.B Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Lịch Sử Cứu Độ, Lưu hành nội bộ, ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê, 73.
[9] Carmel Mc Carthy. RSM, Mô-sê – Ông Là Ai?, (Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ), gpquinhon.org, Truy cập ngày 16/02/2023.
[10] Charles Conroy, MSC., Hành trình lãnh đạo của Mô-sê (Phêrô Nguyễn Quí Khôi chuyển ngữ), xuanbichvietnam.net, Truy cập ngày 25/02/2023.
Nt. Maria Trần Thị Diệu Huyền – Dòng Mến Thánh Giá Vinh
[6] What made moses the meekest man on earth, ucg.org/united-news, Truy cập ngày 28/11/2022.