“BỐN TRĂM NĂM CHỮ QUỐC NGỮ” là chủ đề chương trình hội thảo của Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức lúc 8g00 vào hai ngày 25 và 26/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Cùng hiện diện trong buổi hội thảo có Đức cha (ĐC) Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam – ĐC Giuse Đặng Đức Ngân chủ tịch Ủy ban Văn hóa (UBVH), ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm, ĐC Anphong Nguyễn Hữu Long, ĐC Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, ĐC Đaminh Nguyễn Văn Mạnh. Ngoài ra còn có Linh mục (Lm) thư ký UBVH kiêm MC chương trình: Giuse Trịnh Tín Ý, các Linh mục, tu sĩ nam nữ, những đại diện nhóm liên tôn (Cao Đài), ông Đặng Ngọc Lệ – Viện trưởng viện Ngôn Ngữ học, Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Quang Hưng, cô Huỳnh thị Hồng Hạnh – trưởng bộ môn ngôn ngữ Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn, và MC Tường Anh.
PHẦN I
Trong diễn từ khai mạc, ĐC Giuse chủ tịch UBVH đã chia sẻ gợi mở để giới thiệu với các hội thảo viên nhìn lại quá trình hình thành và phát triển chữ quốc ngữ, trong lịch sử loan báo Tin Mừng. Với chiều dài xuyên suốt bốn trăm năm, từ khi người Việt còn phải dùng chữ viết hoàn toàn vay mượn, hoặc được cải tiến với các tên gọi: chữ Hán Việt, chữ Nôm. Chính trong bối cảnh này văn học dân gian truyền khẩu trở nên khả dụng, nhưng cũng gây ra tình trạng tam sao thất bổn. May mắn trong giai đoạn lịch sử này, vào thế kỷ 15 xuất hiện các giáo sĩ từ phương Tây đến Việt Nam (VN) giảng đạo, phổ biến giáo lý Công giáo. Các vị thừa sai cùng với các thầy giảng VN lúc đó đã nỗ lực nghiên cứu khai sáng chữ quốc ngữ, dựa trên các mẫu tự và văn phạm của ngôn ngữ Latinh. Cũng từ đó công cuộc truyền giáo bằng tiếng Việt của các thừa sai mỗi ngày một thêm tiến triển.
Qua đó ĐC Giuse cũng mời gọi các hội thảo viên trước tiên dành một chút lắng đọng nhớ về cố ĐC Giuse Vũ Duy Thống, nguyên chủ tịch UBVH đã được Chúa gọi về. Khi còn tại thế, ngài luôn thao thức và tâm huyết cho những buổi hội thảo, trong tâm tình đó ĐC Giuse chủ tịch đã chính thức khai mạc chương trình, và buổi thuyết trình được bắt đầu.
Thuyết trình 1
Chủ đề: Ảnh hưởng của văn chương Công giáo trên việc truyền bá đức tin ở VN thế kỷ XVII – XVIII.
Thuyết trình viên: Phó Giáo sư Tiến sĩ Lm Antôn Trần Quốc Anh.
Lm Antôn đã trình bày về lịch sử loan báo Tin Mừng khởi đi từ sự hình thành chữ quốc ngữ và quá trình phát triển:
– Qua các vị tử đạo tại Á Châu.
– Các thể loại văn chương và các tác phẩm tiêu biểu.
– Sự phát triển của các giáo đoàn. Đàng trong. Đàng ngoài.
– Thành lập Giáo Hội địa phương.
– Sự cộng tác và đóng góp của các giáo hữu bản địa.
– Francisco de Pina (1585 -1625)
– Alexandre de Rhodes (1593 – 1660).
Chương trình được nối kết giữa thuyết trình viên và hội thảo viên bằng những câu hỏi xoay quanh chủ đề. Phần văn nghệ đan xen giữa buổi hội thảo là những bài hát dân gian, những ca từ làm khơi dậy lòng yêu quê hương tổ quốc, phát đi từ những trái tim đồng cảm sâu sắc, tạo được một không khí sống động vui tươi cho các thuyết trình viên, hội thảo viên, tham dự viên.
Thuyết trình 2
Chủ đề: Nhà biên soạn thực sự của Mannuductio Ad Linguam Tunkinensem (Văn phạm Việt ngữ thế kỷ XVII đến XVIII)
Thuyết trình viên: Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly, ngành Khoa học Ngôn ngữ tại Đại học Sorbonne Nouvelle. Cô trình bày luận án của cô có tựa đề: Biên Soạn Ngữ Pháp Tiếng Việt (1615 – 1919).
Lịch sử chữ quốc ngữ từ 1615 – 1919
Nhà biên soạn thực sự của Mannuductio Ad Linguam Tunkinensem (Văn phạm Việt ngữ thế kỷ XVII đến XVIII)
PHẦN II
Sau khi các hội thảo viên đã dùng bữa trưa (buffer), chương trình được kết nối lại lúc 13g30. Bài hát “Nối vòng tay lớn” do các hội thảo viên cùng hát làm bầu khí trở nên sống động vui tươi trước khi bước vào phần thuyết trình.
Thuyết trình 3
Chủ đề: Văn học Tôn giáo từ năm 1620 đến nay.
Thuyết trình viên: Lm Đa Minh Nguyễn Đức Thông – Tiến sĩ Giáo dục Tôn giáo, dòng Chúa Cứu Thế.
Lm Đa Minh là tác giả dịch thuật của 59 quyển sách các loại, ngài đã trình bày những nét chấm phá của chữ quốc ngữ trong nền văn học VN từ năm 1620 cho đến hiện nay:
– Văn học Công giáo với 4 đặc tính quan trọng.
– Sứ mạng của văn thi sĩ Công giáo.
– Chữ quốc ngữ trong văn học Công giáo năm từ năm 1862 đến 1919.
Phần II của buổi hội thảo tạm ngưng lúc 15g00, các hội thảo viên chia tay nhau trong tình thân ái và sẽ gặp lại nhau vào 8g00 ngày hôm sau (26/10/2019), để cùng học hỏi, cùng thao thức ôn lại dòng lịch sử văn hóa người Công giáo VN trải dài qua bốn trăm năm thăng trầm, nhưng vẫn giữ nguyên được bản sắc của dân tộc.
PHẦN III
Không khí rộn rã vui tươi, hòa trong tiếng hát với nhau bài truyền thống tiếng Việt “Cái nhà là nhà của ta” thay cho lời các hội thảo viên chào đón một ngày mới, và chào đón nhau cùng bước vào ngày hội thảo thứ hai. Hiện diện thêm trong chương trình là Giáo sư Đỗ Trinh Huệ – Trưởng ban Pháp văn Đại học Huế, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thanh Băng.
Thuyết trình 4
Để giới thiệu chương trình, Lm MC Giuse Trịnh Tín Ý đã chia sẻ: Đức tin chưa được hội nhập văn hóa là đức tin chưa được suy nghĩ thấu đáo, như một điểm nhấn cho buổi hội thảo mà thuyết trình viên không chỉ nói về một nền văn hóa chữ quốc ngữ, nhưng sẽ nói về con người, về một thi sĩ và một thi đàn.
Chủ đề: Văn học chữ quốc ngữ thế kỷ XIX – Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815 – 1853), cánh én báo mùa Xuân.
Thuyết trình viên: Lm Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, OP. đã trình bày tập thơ mang tên “Penan Thi tập”, người đứng đầu thi đàn này là thánh Philipphê Phan Văn Minh, sự xuất hiện của thánh nhân trên thi đàn như mùa xuân được báo trước cho văn học chữ quốc ngữ giữa thế kỷ XIX.
Những trao đổi, những câu hỏi đáp được đưa ra sau phần thuyết trình làm cho buổi hội thảo thêm sôi nổi.
Tiếp theo chương trình là diễn từ đúc kết của ĐC Giuse chủ tịch UBVH gửi tới các hội thảo viên, các thuyết trình viên, tham dự viên, đã ngồi với nhau, lắng nghe, cảm nhận, bàn thảo và cùng suy tư trong hai ngày vừa qua, về dòng chảy của chữ quốc ngữ trong bốn trăm năm. Ngài cảm ơn bốn thuyết trình viên với sự hiểu biết chuyên sâu, đã giúp cho mọi người hiểu biết chữ quốc ngữ từ thời phôi thai, thời kỳ phát triển, hoàn thiện lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, đến khi phổ biến vào năm 1865 cho đến ngày nay. Tin Mừng đưa vào văn học chảy dài suốt dòng lịch sử giáo hội, góp phần vào công cuộc truyền giáo. Văn học là nguồn sống đức tin, có khả năng chuyển tải tới tâm hồn con người, để có thể dẫn tới niềm tin Kitô giáo.
Tiếp đó ĐC Giuse chủ tịch cũng chân thành cảm ơn sự hiện diện, cộng tác, đóng góp và phục vụ của tất cả mọi người cho chương trình hội thảo. Ý nghĩa của chương trình cũng là thể hiện sự ghi ơn các vị thừa sai, các bậc tiền nhân của dân tộc VN đã nghiên cứu để hình thành, phát triển và phổ biến chữ quốc ngữ từ khởi đầu và tiếp tục đến ngày nay.
Cuối chương trình ĐC Giuse chủ tịch đã tặng quà lưu niệm cho các hội thảo viên, phần quà mỗi người được trao tặng là sách quý do UBVH in soạn. Một quần thể tượng cũng được giới thiệu ra mắt để kỷ niệm bốn trăm năm hình thành và phát triển chữ quốc ngữ.
Sau cùng, một chương trình văn nghệ hoành tráng mang đậm chất dân tộc do cộng đoàn giáo xứ Vinh Sơn thực hiện. Chương trình đã khép lại lúc 11g45. Mọi người ra về mang theo quà tặng, mang theo dấu ấn đỉnh cao của chương trình đã được khắc sâu trong tâm thức, để mãi nhớ ơn và tự hào về văn hóa người Việt Nam.
Bạch Yến & Media HĐGMVN