Lại một mùa khai giảng nữa, các em học sinh, sinh viên lại tiếp tục với việc học hành, trở về trường lớp, thầy cô và bạn bè. Nói là trở về trường lớp vậy thôi, nhưng thật ra trong thành phố Sài Gòn có bao nhiêu em học sinh được nghỉ ở nhà rong chơi hết mùa hè vì các em vẫn phải đến trường học – cứ tạm gọi học kỳ 3 vậy.
Mùa tựu trường, các em khởi sự những tháng ngày học hành vất vả, những áp lực nặng nề đè lên cuộc sống của các em và của cả cha mẹ các em nữa.
Trong xã hội, người ta đang bàn đến những cái gọi là những sai phạm, bất cập lớn nhỏ, sự gian dối của ngành giáo dục nước nhà hiện nay. Nhân đây, chúng tôi xin phép nhìn thoáng qua việc học hành của các bạn trẻ, chuyện thi cử các cấp và sứ mạng của ngành giáo dục.
“Học để làm gì ?” Câu hỏi quá lớn mà chúng tôi không dám trả lời. Chúng ta chỉ suy nghĩ gói gém vài vấn đề và nhường câu trả lời đó cho các nhà chuyên môn, những nhà nghiên cứu về giáo dục, nhà xã hội học, các thạc sĩ, tiến sĩ…
Tại Việt Nam, người ta nói, từ xưa tới nay có một triết lý giáo dục sai, người ta phê phán ngành giáo dục chỉ chạy theo thành tích, thi cử, những bằng khen giấy khen, tạo nên những con người như những người máy, vô cảm, không có thực tài, bằng cấp chỉ là mớ giấy lộn, một thế hệ không có tâm huyết với công việc, nhất là gần đây chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang và nhiều tỉnh thành khác bị phanh phui, làm cho người ta thấy thực trạng giáo dục Việt Nam đang xuống dốc thảm hại.
Các em học sinh tiểu học sẽ trả lời cho chúng ta: “Học để lớn lên khỏi đi bán vé số. Học để có nhà lầu xe hơi, có công việc ổn định hay được sung sướng, ngửa mặt lên với đời, học để không bị hèn.”
Sáng nào, chúng tôi cũng nghe thấy tiếng gọi í ới của cô nhà hàng xóm bên cạnh thúc giục các con dạy đi học. Con cái đi học, cha mẹ chạy đua theo lịch học của chúng, từ giờ giấc ăn ngủ, giờ thức dậy, sinh hoạt, chuẩn bị quần áo, sách vở, kiểm tra bài tập cho con, đưa đón con đi học, ra về đưa các con từ trường chính khóa qua lớp học thêm. Cha mẹ đôn đốc các con học hành, cùng các con trải qua những kỳ thi căng thẳng.
Bây giờ, chắc chẳng em học sinh nào cảm thấy mỗi ngày đi học là một ngày vui, được tung tăng tới trường. Vì chúng ngập đầu với bài vở, các buổi học thêm, học ngoại khóa, các môn năng khiếu. Nhiều thầy cô giáo tiểu học chia sẻ với chúng tôi những áp lực do bệnh thành tích thi đua của các lớp điểm trường chuyên, kiểu như cả trường đều là học sinh giỏi khá, các kỳ thi không có em nào bị điểm kém. Những giờ các giáo viên đến dự giờ, cô giáo phải dạy bài cho các em hôm trước.
Chính vì học để thi, học tủ, học vẹt, học theo bài văn mẫu, cho nên các em đâu còn biết suy nghĩ, phát huy tính sáng tạo, đâu còn thấy niềm hứng thú trong học tập, nhưng chỉ biết học để đối phó cha mẹ thầy cô, khỏi bị chửi mắng, để không thua kém bạn bè. Từ đó, các em cũng tập quen dần lối sống gian lận trong thi cử.
Thật vậy, học để làm người tử tế, học để có nghề nghiệp trong tương lai, tìm hiểu khám phá những tri thức của nhân loại. Nhờ việc học hành mà ta hiểu biết, biết dấn thân phục vụ mọi người, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Người xưa nói rằng cái gì cũng phải học mới biết: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” hay “con đi trường học, mẹ đi trường đời” là như thế.
Ngoài việc trang bị cho mình những tri thức, kỹ năng nghề nghiệp và cuộc sống hạnh phúc, chúng ta cần phải có một cái tâm nhiệt huyết, làm việc gì cũng hết lòng, không bỏ dở công việc hoặc thiếu trách nhiệm trong công việc. Ở đời không chỉ có bằng cấp là tất cả, nhưng cần phải có kiến thức thực sự, phải có tinh thần học hỏi, biết chinh phục và tiếp nhận cái mới thời kỳ “hội nhập và phát triển” của đất nước.
Đất nước Việt Nam ta có biết bao nhiêu “tiến sĩ giấy” đã không làm được gì cho xã hội, vì họ mua bằng cấp, có người đi học, đi thi dùm.
Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần vào ngày 19/8/2018, có bài viết tuyệt vời, tựa đề Đạo đức chào thăm. Là một cụ già trên 90 tuổi, Đức cha có những tâm tình chào kính Chúa, Đức Mẹ và những người khác, điều đó làm chúng ta cảm thấy người khiêm nhường đơn sơ như một trẻ nhỏ. Đức cha sống mối thân tình với Chúa, Đức Mẹ và với mọi người chung quanh.
Bởi vậy, nhiều khi, chúng ta cứ nghĩ mình là người lớn, phải làm được chuyện lớn lao quan trọng, mà lại quên những chuyện nhỏ nhặt cần thiết.
Cha mẹ trong gia đình có thể dạy con đủ thứ chuyện, từ chuyện giao tiếp, phải khôn lỏi với đời, nhưng lại không dạy con những bài học nhân bản.
Các cha sở nghĩ mình phải xây nhà thờ thật to, thật hoành tráng lộng lẫy, có công trình để đời, nhưng lại quên vấn đề quan trọng là đào tạo những con người Kitô hữu có đời sống đức tin vững vàng, có nhân bản lễ nghĩa và huấn luyện giáo dân biết cư xử làm sao cho giáo xứ thêm gắn bó yêu thương. Cha sở cũng cần tập sống nhân bản chào thăm mộc mạc với đoàn chiên trong giáo xứ.
Có bao giờ chúng ta nghĩ đến chuyện ăn xong bữa cơm phải cám ơn bà bếp như trong bài viết của Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần: “Đã lâu rồi, hồi còn khỏe mạnh và tại chức, tôi hay đi Vatican. Hễ có dịp, tôi thường đến chào thăm Đức Hồng y Roger Etchegaray. Ngài cũng đã mời tôi dùng bữa với ngài nhiều lần. Lần nào cũng vậy, ăn xong, Đức Hồng y liền dẫn tôi vào nhà bếp, để chào thăm bà bếp. Qua thái độ đó, Đức Hồng y đã nhắc cho tôi về đạo đức chào thăm. Việt Nam có câu: Lời chào cao hơn mâm cỗ. Thế mà nhiều khi tôi quên. Xét mình tôi thấy mình đã có nhiều thiếu sót về đạo đức chào thăm. Tiện đây, tôi gửi lời xin lỗi tới những ai tôi đã lỡ lỗi phạm”
Dường như, ngày nay chuyện dạy con chào thăm trong các gia đình đang là chuyện “xưa rồi diễm ơi”, thậm chí nhiều cha mẹ còn nói: “Con ăn cơm nhanh lên còn học bài, chào mời nhiều làm gì. Cứ học giỏi là được rồi. Cả thế giới để ba mẹ lo.”
Đương nhiên, đối với các học sinh, sinh viên, các bạn trẻ việc học hành là quan trọng nhất. Điều mà các bạn phải học, ngoài tri thức còn là học sống với những tương quan, học cư xử với mọi người ngay từ trong gia đình, giáo xứ, đi đến trường lớp và ra ngoài xã hội rộng lớn hơn.
Trách nhiệm giáo dục cho các bạn trẻ trước hết thuộc về cha mẹ. Sau đó là các thầy cô và những người có tâm huyết với giáo dục. Đừng dạy trẻ sống gian dối, ích kỷ, chỉ biết quy về mình, tìm kiếm lợi lộc, tiền bạc giàu sang. Chúng ta tập cho các trẻ sống mối tương quan tốt đẹp với mọi người, tri ân và biết ơn những người đã giúp đỡ mình và cũng sẵn sàng giúp đỡ những người cần chúng ta giúp đỡ.
Các gia đình Công giáo phải là trường học đầu tiên cho các trẻ tập sống đời sống nhân bản yêu thương, qua bài học đầu tiên là chào thăm mọi người trong gia đình, như chào thăm ông bà cha mẹ. Ngoài ra, cha mẹ là những tấm gương sáng cho con, đừng bao giờ cha mẹ chỉ nói về lễ nghĩa cho các con nhưng chẳng bao giờ cha mẹ thực hành “đi thưa về trình” với ông bà nội ngoại.
Người già, người trẻ, cha mẹ con cái, tất cả chúng ta đều phải học. Chúng ta phải cố gắng trong lời ăn tiếng nói, đừng để các em nhỏ lây nhiễm những thói xấu của mình như chửi tục, nói bẩn, những câu nói bậy bạ nhảm nhí vô bổ, tật nói dối, nói xấu người khác, v.v..
Chúng ta đã từng nghe các em 3, 4 tuổi bắt chước cha mẹ chửi thề, trong khi chúng chưa biết đọc biết viết. Gia đình chúng ta cùng nhau phấn đấu theo phương châm “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu chăm ngoan thảo hiếu”, đây không phải câu khẩu hiệu người ta treo ngoài đầu các khu xóm nhưng chính là để nhắc nhở mỗi thành viên gia đình chúng ta.
Thực tế cho thấy, nhiều cha mẹ đang đồng hành với con trong việc học, xót xa khi thấy con mình không có thời gian ăn uống ngủ nghỉ, chạy đua với các lớp học và những kỳ thi đến ốm yếu xanh xao, với cặp mắt kiếng cận. Tất cả vì tình thương dành cho con cái. Đồng hành vẫn cứ đồng hành, nhưng bên cạnh những chia sẻ việc học của con, chúng ta cần giúp các em, không phải học sao cho có nghề nghiệp ổn định, nhưng còn trở thành con người tử tế nhân hậu, niềm nở mọi người, một Kitô hữu sống chứng nhân Tin Mừng giữa đời.
Kết thúc bài tản mạn, xin ghi lại lời một ca khúc vui tươi, nhờ đó các em và cả người lớn phải suy nghĩ đến việc học hành. Nên nhớ, chúng ta không học theo đạo đức của ông nào, của vị lãnh đạo nhà nước nào hết, chỉ học theo Chúa Giêsu. Trong thời thơ ấu của Người, Kinh Thánh ghi nhận như sau: “Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2, 52)
Cũng vậy, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể có mục đích đào tạo các em thiếu nhi vừa nhân bản, vừa có những kỹ năng chuyên môn, tạo nên những con người nhanh nhẹn, can đảm, biết giúp đời, hăng say phục vụ, những công việc Tông đồ, nhưng các em phải là con người gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể. Thiếu nhi của Chúa Giêsu Thánh Thể chuyên cần cầu nguyện và siêng năng tham dự thánh lễ.
“Giêsu rất là dễ thương, ai gặp Chúa cũng thấy lòng vui hơn.
Giêsu rất là hiền lành, ai gặp Chúa cũng muốn mình yêu hơn.
Em theo Chúa học sống vui, luôn tìm cái tốt đẩy lùi xấu xa.
Em theo Chúa học từng ngày yêu là biết sống hiền hòa với nhau.
Học với Chúa, Chúa là đường là sự thật và là sự sông.
Học với Chúa, hướng đến niềm vui, xua đi dối gian xua đi thù oán.
Học với Chúa, Chúa là tình, tình tuyệt vời là tình hy sinh, tình thắm thiết, kết những nụ hoa tặng cho má ba, tặng cho mọi người.” (Ca khúc Học Với Chúa)
Giuse Nguyễn Bình An
Nguồn: nguoitinhuu.org