“Hãy phẫn nộ và biến đổi thế giới” – câu chuyện ngày khai mạc Năm Thánh lịch sử ở Rôma

la-croix.com (2024-12-24) – Ngày thứ ba 24 tháng 12, trong thánh Lễ Giáng Sinh, Đức Phanxicô mở cửa thánh Đền thờ Thánh Phêrô, một truyền thống có từ 602 năm nay. Năm thanh lọc được tổ chức mỗi 25 năm ở Rôma kể từ đầu thế kỷ 14.

Chiếc xe lăn dừng gần cánh cửa Đền thờ Thánh Phêrô hùng vĩ. Như truyền thống quy định, và theo một nghi thức ít thay đổi kể từ năm 1500, Giáo hoàng sẽ là người đầu tiên đi qua cánh cửa này, dấu chỉ của sám hối và thanh tẩy.

Một tiếng hát gióng lên bằng tiếng Latinh: “Đây là cửa của Chúa!” Ca đoàn đáp lại: “Hãy để những người công chính vào. Lạy Chúa, con sẽ vào nhà Ngài,” (Tv 117, 20) Đức Phanxicô lắng nghe, ngài bất động và suy nghĩ – “Con sẽ phủ phục trong Đền thánh Ngài.” Ca đoàn hát tiếp: “Hãy mở cánh cửa công lý cho tôi, tôi sẽ bước vào, tôi sẽ tạ ơn Chúa”, Đức Phanxicô đặt tay một cách khó khăn lên cánh cửa đồng nặng nề, một linh mục trẻ đẩy cửa và Đức Phanxicô đi vào.

Cũng như ngài, trong Năm Thánh 2025 tín hữu công giáo khắp nơi trên thế giới được nhận “ơn đại xá” khi họ viếng một trong bốn vương cung thánh đường lớn của Rôma sau khi xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý chỉ “Cho những người hành hương hy vọng”, chủ đề của Năm Thánh.

Ân sủng của Chúa sinh ra đời

Hai vợ chồng ông Sebastian Hans đến từ Jakarta (Indonesia), ngày mai họ sẽ bước qua Cửa Thánh. Họ đến Rôma cách Jakarta hơn 6.000 cây số để dự lễ khai mạc Năm Thánh: “Chúng tôi kết hôn cách đây ba năm và chúng tôi không thể có con. Khó lắm… Chúng tôi mệt mỏi, từ lần khám này đến lần khám khác với các chuyên gia phụ khoa. Chúng tôi làm tuần cửu nhật kính Thánh Annà. Vợ tôi bỏ không biết bao nhiêu thì giờ để tìm kiếm ‘cách thụ thai’. Chúng tôi đến Rôma để xin Chúa cho chúng tôi có con năm 2025.”

Trong bài giảng trước tán cây lớn màu đen và vàng vừa mới sơn của hàng cột Bernini, dưới chân là những “ngôi sao Giáng sinh”, những bông hoa màu đỏ người Rôma yêu thích trong mùa này, trong Urbi et Orbi, Cho thành phố Rôma và cho Thế giới, Đức Phanxicô giảng sự sống là món quà và sự dấn thân mang hy vọng ở nơi nó đã bị mất, nơi cuộc sống bị tổn thương, trong những kỳ vọng bị phản bội, trong những giấc mơ tan vỡ, trong những thất bại làm tan nát trái tim; trong mệt mỏi của những người không thể chịu đựng được nữa, trong nỗi cô đơn cay đắng của những người cảm thấy thất bại, trong nỗi đau khổ làm tan nát tâm hồn; trong những ngày dài trống rỗng của tù nhân, trong những căn phòng chật hẹp và lạnh lẽo của người nghèo, ở những nơi bị chiến tranh và bạo lực tàn phá.

Thứ năm ngày 26 tháng 12, lúc 9 giờ sáng, Đức Phanxicô sẽ mở một Cửa Thánh khác ở nhà tù Rebibbia Rôma, một trong những nhà tù lớn nhất Ý để các tù nhân tham dự Năm Thánh.

Can đảm để thay đổi mọi thứ

Đức Phanxicô giảng: “Anh chị em thân mến, Năm Thánh là thời gian của hy vọng. Năm Thánh mời gọi chúng ta khám phá lại niềm vui được gặp Chúa, kêu gọi chúng ta đổi mới tâm linh và dấn thân biến đổi thế giới, để thời gian này thực sự là thời gian của hân hoan, để chúng ta không bị thay đổi theo logic lợi nhuận; liệu nó có xảy ra với những nước nghèo nhất, gánh nặng những khoản nợ bất công hay không; xin điều này được thực hiện cho tất cả những ai là tù nhân của chế độ nô lệ cũ và mới.”

Trong tài liệu công bố chủ đề Năm Thánh mùa xuân năm ngoái – sắc lệnh Spes non confundit (Niềm hy vọng không làm thất vọng) có tựa đề theo câu 5.5 của thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma, Đức Phanxicô kêu gọi “xin quên món nợ của các quốc gia sẽ không bao giờ có khả năng trả”, như Đức Gioan Phaolô II đã xin trong Năm Thánh 25 năm trước đây, ngài nhấn mạnh việc xóa nợ này là vấn đề công lý, khi đề cập đến “món nợ sinh thái” các nước phát triển gánh chịu so với các nước nghèo ít ô nhiễm hơn.

Trên thực tế, điều Đức Phanxicô xin chúng ta là hoán cải nội tâm và hành động. Trong bài phát biểu, ngài lên án “trẻ em bị bắn trong các cuộc chiến, bom ném vào trường học và bệnh viện”, ngài không nói rõ đó là tình hình ở Gaza, ngài chỉ nhấn mạnh: “Niềm hy vọng kitô giáo (…) xin chúng ta không nhốt mình trong thói quen, không chìm trong sự tầm thường và lười biếng, Thánh Augustinô nói – phẫn nộ về mọi việc là sai, phải có can đảm để thay đổi chúng.” Và để làm được điều này, chúng ta hãy là những người hành hương tìm kiếm sự thật và mơ ước “không mệt mỏi về Thiên Chúa, về một thế giới mới, nơi hòa bình và công lý ngự trị.”

Mikael Corre | Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch | phanxico.vn